Công bố báo cáo "Thị trường tài chính Việt Nam 2022 và triển vọng 2023", chuyên gia nêu 12 xu hướng
Nhìn lại những sự cố xảy ra trên thị trường tài chính Việt Nam năm 2023 chịu tác động lớn từ các biến cố năm trước, các chuyên gia đánh giá rủi ro liên thông giữa thị trường tiền tệ - vốn và bất động sản đã và đang trở nên rõ nét hơn và cần sớm có đối sách phù hợp trước 12 xu hướng thuận lợi và khó khăn đan xen...
Sáng 20/4, tại Hà Nội, diễn ra Hội thảo công bố Báo cáo “Thị trường tài chính Việt Nam 2022 và triển vọng 2023” do Viện Đào tạo và Nghiên cứu BIDV phối hợp với ADB tổ chức.
Theo các chuyên gia, thị trường tài chính Việt Nam vẫn trong giai đoạn phát triển, dễ chịu tác động bởi các yếu tố bên ngoài. Năm 2022, hệ quả từ các gói kích thích kinh tế trước đó và xung đột tại Ukraina, lạm phát toàn cầu tăng nhanh, khiến ngân hàng trung ương các nước thực hiện chính sách tiền tệ thắt chặt bằng cách tăng nhanh lãi suất, khiến tỷ giá biến động, rủi ro tài chính – tiền tệ toàn cầu gia tăng. Việt Nam cũng không nằm ngoài xu hướng đó, khi mà Ngân hàng Nhà nước phải nâng lãi suất điều hành, can thiệp thị trường ngoại hối, thực hiện nghiệp vụ thị trường mở,…v.v. để giảm áp lực tỷ giá và kiểm soát lạm phát.
Tiến sĩ Cấn Văn Lực, Viện trưởng Viện Đào tạo và Nghiên cứu BIDV nhận định hệ thống ngân hàng là nguồn cung vốn chủ lực cho nền kinh tế năm 2022, trong bối cảnh thị trường vốn gặp nhiều khó khăn. Thanh khoản hệ thống ngân hàng eo hẹp hơn: tín dụng tăng 14,18%, trong khi huy động vốn chỉ tăng gần 8% do chịu tác động từ vụ việc vi phạm của Tập đoàn Vạn Thịnh Phát và Ngân hàng SCB, mặc dù vụ việc này vẫn đang trong tầm kiểm soát.
Thị trường chứng khoán có một năm 2022 khá ảm đạm do: (1) thị trường điều chỉnh sau hơn 2 năm tăng khá nóng; (2) thay đổi trong chính sách tiền tệ trong nước và trên thế giới; (3) vốn rẻ không còn, lãi suất tăng; (4) các sai phạm trên thị trường chứng khoán khiến niềm tin của nhà đầu tư suy giảm đáng kể; (5) Nghị định 65/2022/NĐ-CP đưa ra các điều kiện chặt chẽ hơn về phát hành trái phiếu doanh nghiệp riêng lẻ.
Rủi ro liên thông giữa thị trường tiền tệ - vốn và bất động sản trở nên rõ nét hơn, khi vi phạm của một số doanh nghiệp bất động sản trên thị trường chứng khoán khiến thị trường chứng khoán, thị trường trái phiếu doanh nghiệp suy giảm, rủi ro thanh khoản hệ thống ngân hàng gia tăng…v.v.
Sang năm 2023, trước bối cảnh kinh tế thế giới suy thoái nhẹ, tăng trưởng chậm lại với giá cả, lạm phát đã dịu đi, tỷ giá ổn định hơn và lãi suất chững lại, nhưng còn ở mức cao, thị trường tài chính, ngân hàng có nhiều rủi ro tiềm ẩn, nhất là sau sự cố sụp đổ của một số ngân hàng Mỹ và Thụy Sỹ, dù đã được khoanh vùng xử lý.
Kinh tế Việt Nam dự báo tăng trưởng chậm lại (5,5 – 6%) với lạm phát có thể sẽ cao hơn năm 2022 (4-4,5%).
Nhóm nghiên cứu Báo cáo “Thị trường tài chính Việt Nam 2022 và triển vọng 2023” cũng chỉ ra 12 xu hướng chính trên thị trường tài chính trong năm 2023.
Thị trường tài chính Việt Nam tiếp tục chịu tác động tiêu cực từ thị trường tài chính quốc tế, nhưng trong tầm kiểm soát. Thanh khoản thị trường ngân hàng sẽ khả quan hơn.
Thị trường trái phiếu doanh nghiệp dần phục hồi nhờ điều chỉnh chính sách (Nghị định 08, Nghị quyết 33, điều chỉnh Nghị định 65 phù hợp hơn...).
Thị trường cổ phiếu dự đoán sẽ còn ở mức thấp trong môi trường lãi suất còn cao và tăng trưởng kinh tế chậm lại; có thể phục hồi trong 6 tháng cuối năm.
Trong năm 2023, Ngân hàng Nhà nước sẽ thay đổi chính sách tiền tệ theo hướng hỗ trợ thanh khoản hơn, lãi suất giảm.
Chất lượng tài sản của hệ thống tài chính tiềm ẩn rủi ro, khi nợ xấu có xu hướng tăng; lượng trái phiếu doanh nghiệp (nhất là bất động sản) đáo hạn khá lớn; nhưng trong tầm kiểm soát.
Rủi ro liên thông giữa lĩnh vực tài chính – bất động sản bộc lộ rõ nét hơn; nhưng được kiểm soát chặt chẽ hơn.
Tăng trưởng lợi nhuận của các định chế tài chính dự kiến sẽ ở mức thấp hơn năm 2022.
Hành lang pháp lý đang được thay đổi theo hướng hỗ trợ thị trường.
Hành vi người dùng thay đổi, dịch vụ tài chính số được sử dụng nhiều hơn, qua đó đẩy mạnh chuyển đổi số trong lĩnh vực tài chính.
Hoạt động Fintech tại Việt Nam dự báo tăng trưởng nhanh, trong đó chủ yếu là thanh toán số và tài chính cá nhân, tuy nhiên hành lang pháp lý vẫn chưa đầy đủ.
Cuối cùng, tài chính xanh ngày càng phát triển để đáp ứng nhu cầu phát triển xanh, phát triển bền vững của Việt Nam.