Công nghiệp điện tử: Bóng dáng "ông lớn FDI" vẫn bao trùm
Xuất khẩu các sản phẩm điện tử phần lớn là thuộc về khu vực có vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài, trong đó điện thoại và linh kiện chiếm 99,1%
Dịch Covid-19 với biến thể mới diễn biến nhanh và phức tạp xuất hiện trở lại trong cộng đồng từ cuối tháng 1 đến đầu tháng 3 đã gây nhiều khó khăn cho ngành sản xuất điện tử.
VIỆT NAM SẢN XUẤT ĐƯỢC 54,4 TRIỆU CHIẾC ĐIỆN THOẠI TRONG QUÝ 1/2021
Theo số liệu của Tổng cục Thống kê, sản lượng điện thoại di động sản xuất trong quý 1/2021 đạt 54,4 triệu cái, tăng 2,7% so với cùng kỳ năm trước; ti vi đạt 4.458 nghìn cái, tăng 30,9%.
Mặc dù chỉ số sản xuất sản phẩm điện tử, máy vi tính và sản phẩm quang học tháng 1 tăng 39,7% so với cùng kỳ năm trước nhưng tháng 2 giảm tới 3,3% và tháng 3 tăng thấp 2,4%. Tính chung quý 1/2021 tăng 12,3%, thấp hơn tốc độ tăng 14,3% của quý 1/2020. Sản lượng điện thoại di động sản xuất trong quý 1/2021 đạt 54,4 triệu cái, tăng 2,7% so với cùng kỳ năm trước; ti vi đạt 4.458 nghìn cái, tăng 30,9%.
Trong số 11 mặt hàng đạt kim ngạch xuất khẩu trên 1 tỷ USD của quý 1/2021, điện thoại và linh kiện có giá trị xuất khẩu lớn nhất đạt 14,1 tỷ USD, chiếm 18,2% tổng kim ngạch xuất khẩu, tăng 9,3% so với cùng kỳ năm trước; điện tử, máy tính và linh kiện đạt 12 tỷ USD, tăng 31,3%.
Dù vậy, xuất khẩu các sản phẩm điện tử phần lớn là thuộc về khu vực có vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài, trong đó điện thoại và linh kiện chiếm 99,1%; điện tử, máy tính và linh kiện chiếm 98%. Xuất khẩu máy vi tính, sản phẩm điện tử và linh kiện tăng mạnh là do nhu cầu thị trường tăng cao (ảnh hưởng của dịch Covid-19 dẫn đến người lao động bắt buộc phải làm việc tại nhà).
Ngoài ra, dịch Covid-19 khiến các công ty sản xuất máy tính tại Trung Quốc – công xưởng sản xuất của thế giới phải đóng cửa, nhiều doanh nghiệp trang bị máy tính cá nhân cho lao động làm việc tại nhà, không đến công sở làm việc để phòng chống dịch bệnh lây lan.
BÓNG DÁNG "ÔNG LỚN FDI" VẪN BAO TRÙM
Những tín hiệu tích cực đối với ngành công nghiệp điện tử là trong quý 1/2021, Việt Nam đã cấp chứng nhận đầu tư mới và điều chỉnh vốn cho nhiều dự án có quy mô vốn đầu tư lớn. Điển hình là dự án LG Display Hải Phòng (Hàn Quốc) điều chỉnh tăng vốn đầu tư thêm 750 triệu USD; Dự án Nhà máy Fukang Technology (Singapore) với vốn đầu tư đăng ký 293 triệu USD để thực hiện việc sản xuất, gia công máy tính bảng và máy tính xách tay tại Bắc Giang.
Trong đó, đáng chú ý nhất là công ty Samsung Electronics, đóng góp trung bình tới hơn 1/5 kim ngạch xuất khẩu hàng hóa của Việt Nam trong 5 năm trở lại đây, là động lực quyết định trong thặng dư thương mại hàng hóa và lớn nhất trong hoạt động xuất nhập khẩu ở Việt Nam.
Đặc biệt, công ty này đã khiến Việt Nam trở thành trung tâm sản xuất điện thoại di động thông minh của tập đoàn Samsung Electronics trên thế giới.
Theo thống kê, ngành công nghiệp điện tử Việt Nam chiếm tỷ trọng 17,8% toàn ngành công nghiệp, chủ yếu sản xuất sản phẩm điện tử, máy vi tính và sản phẩm quang học. Sản phẩm chính của công nghiệp điện tử là linh kiện điện tử, điện thoại nguyên chiếc, linh kiện điện thoại, ti vi lắp ráp, máy tính bảng, ipad và máy vi tính.
Trong giai đoạn 2016-2020, ngành Điện tử Việt Nam có sự phát triển mạnh mẽ, các dự án đầu tư trực tiếp nước ngoài vào lĩnh vực điện tử ngày càng tăng, nhiều hãng điện tử lớn trên thế giới đã đầu tư xây dựng cơ sở sản xuất sản phẩm điện tử công nghệ cao ở Việt Nam như Samsung, LG, Foxconn. Bình quân năm trong giai đoạn này, chỉ số sản xuất sản phẩm điện tử, máy vi tính và sản phẩm quang học tăng 13,94%, trong đó năm 2017 đạt mức tăng cao nhất 35,2%.
Sản phẩm của ngành điện tử đã theo hướng đa dạng hóa sản phẩm theo nhu cầu thị trường trong nước và xuất khẩu. Năm 2020, sản phẩm điện thoại di động đạt 253,2 triệu cái, gấp 1,3 lần năm 2016; ti vi lắp ráp đạt 18.190 nghìn cái, gấp 1,7 lần.
Mặc dù được đánh giá là ngành công nghiệp mũi nhọn và đạt được một số thành tựu trong thu hút đầu tư trực tiếp nước ngoài, đóng vai trò lớn trong xuất khẩu, nhưng thực tế, ngành điện tử Việt Nam vẫn đang dừng ở giai đoạn đầu trong chuỗi sản xuất sản phẩm điện tử và phụ thuộc phần lớn vào các doanh nghiệp có vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài.
Theo cơ quan thống kê, các doanh nghiệp trong nước cần tham gia nhiều hơn nữa trong chuỗi giá trị toàn cầu. Muốn làm được như vậy, bản thân doanh nghiệp Việt Nam phải mạnh hơn, thiết lập được hệ sinh thái công nghiệp hỗ trợ và đủ sức bắt tay với tập đoàn công nghệ quốc tế lớn.