Đầu tư vào fintech tiếp tục gia tăng
Đầu tư vào các công ty công nghệ tài chính (fintech) dường như vẫn tiếp tục dòng chảy trong quý 3/2021. Hàng loạt thương hiệu như MFast, VNPay, Toss… vừa mới công bố mở rộng việc kinh doanh tại thị trường Việt Nam và khu vực Đông Nam Á sau những con số triệu USD được rót vào các fintech này...
Tại vòng gọi vốn Pre-Series A trị giá 1,5 triệu USD vào giải pháp tài chính bền vững Mfast mới đây, ngoài Công ty Do Ventures còn có Quỹ đầu tư mạo hiểm JAFCO Asia đến từ Nhật Bản tham gia. Điều này cho thấy thị trường tài chính ở Việt Nam cũng như trong khu vực đang rất tiềm năng.
BÙNG NỔ ĐẦU TƯ VÀO FINTECH
Là sản phẩm được phát triển bởi Công ty fintech DigiPay, sau ba năm hoạt động tại Việt Nam, MFast đã giúp hơn 650.000 người Việt Nam tiếp cận các gói dịch vụ tài chính và bảo hiểm từ các tổ chức uy tín.Trong đó, khối lượng giải ngân cho các đối tác tài chính lên đến hơn 5.000 tỷ đồng. Đặc biệt, tuy mới ra mắt thị trường từ giữa năm 2019, sản phẩm bảo hiểm của MFast đã giúp các công ty bảo hiểm phân phối hơn 50 tỷ đồng giá trị sản phẩm cho người dùng.
Ông Phan Thanh Vinh, Chủ tịch kiêm đồng sáng lập của MFast cho biết: “Số tiền đầu tư sẽ giúp hãng mở rộng độ phủ đến nhiều tỉnh thành hơn trên cả nước nhằm giúp người dân dễ dàng tiếp cận và sử dụng dịch vụ. Đồng thời, MFast sẽ tiếp tục đầu tư vào công nghệ nhằm nâng cao trải nghiệm khách hàng, tập trung mở rộng hệ thống đối tác, hướng đến mở rộng hoạt động ra thị trường các nước Đông Nam Á trong thời gian tới”.
Với hơn 350.000 nhà tư vấn và 75-80% khách hàng đến từ các tỉnh thành xa và khu vực nông thôn, MFast giúp mọi thành viên trong xã hội được tiếp cận và sử dụng các sản phẩm, dịch vụ tài chính một cách thuận tiện, đơn giản, đúng nhu cầu và chi phí hợp lý từ các đối tác uy tín như Mirae Asset, CIMB, Mcredit, EasyCredit đối với mảng tín dụng cá nhân và PVI, PTI, BSH đối với mảng bảo hiểm. “Điều này khác hoàn toàn với những ứng dụng “kiếm tiền đen” đang hoành hành trên thị trường. Nó cũng phản ánh những gì mà công nghệ mang lại so với thị trường vàng thau lẫn lộn như hiện nay. Chính những nỗ lực này giúp MFast tự tin hơn cho việc được vào mắt xanh của nhà đầu tư”, ông Vinh chia sẻ.
“Số tiền đầu tư sẽ giúp hãng mở rộng độ phủ đến nhiều tỉnh thành hơn trên cả nước nhằm giúp người dân dễ dàng tiếp cận và sử dụng dịch vụ. Đồng thời, MFast sẽ tiếp tục đầu tư vào công nghệ nhằm nâng cao trải nghiệm khách hàng, tập trung mở rộng hệ thống đối tác, hướng đến mở rộng hoạt động ra thị trường các nước Đông Nam Á trong thời gian tới”.
Ông Phan Thanh Vinh, Chủ tịch kiêm đồng sáng lập của MFast.
Đến thời điểm hiện tại, nền tảng công nghệ MFast phù hợp không chỉ với người nội trợ mà còn cho cả người chạy xe ôm, sinh viên và nhân viên văn phòng mọi ngành nghề khi tạo ra thu nhập từ đơn giản đến nâng cao. Riêng trong giai đoạn thị trường gặp nhiều khó khăn, do tác động của Covid-19, MFast đã hoàn thành 100% chuyển đổi số đối với hoạt động vận hành công ty và đạt mức tăng trưởng hai con số trong cung cấp dịch vụ đến khách hàng.
Bà Amy Đỗ, đại diễn Quỹ đầu tư JAFCO Asia, cho biết việc quyết định đầu tư vào MFast do tiềm năng lớn của thị trường tài chính cá nhân và bảo hiểm tại Việt Nam, thể hiện qua những số liệu tích cực của công ty bất chấp đại dịch Covid-19 đang diễn ra. Với số vốn đầu tư 1,5 triệu USD, MFast dự kiến không chỉ xoay quanh bảo hiểm và tài chính, mà còn tập trung vào những mảng mới như bán lẻ với mạng lưới sản phẩm đầy đủ nhằm giúp những thành viên MFast có thêm cơ hội bán hàng và cải thiện thu nhập.
Công ty Viva Republica sở hữu ứng dụng Toss với hơn 40 dịch vụ tài chính vừa công bố đã huy động được 410 triệu USD với mức định giá sau gọi vốn 7,4 tỷ USD. Sau 8 lần thất bại trong suốt 10 năm kể từ khi thành lập, giờ đây Toss đã trở thành công ty fintech lớn nhất Hàn Quốc và cũng là một trong những startup tăng trưởng nhanh nhất tại Việt Nam.
Ứng dụng Toss hiện có khoảng 20 triệu người dùng, tương đương hơn 1/3 dân số Hàn Quốc, đồng thời là ứng dụng fintech đạt được thành công lớn với 11 triệu người dùng hoạt động tích cực hàng tháng (Monthly Active User - MAU). Báo cáo tài chính của Viva Republica tiết lộ, doanh thu của Toss trong năm 2020 đã tăng gấp 3 lần lên 390 tỷ Won so với năm trước, trong khi khoản lỗ thu hẹp từ 115 tỷ Won xuống 72,5 tỷ Won.
Với công ty mẹ VNPAY-VNLIFE, con số huy động thành công 250 triệu USD trong vòng gọi vốn Series B, dẫn đầu là các nhà đầu tư gồm General Atlantic và Dragoneer, cùng với sự tham gia của PayPal Ventures và EDBI cũng được thực hiện từ cuối tháng 7.
Fintech VNLIFE bao gồm một hệ sinh thái công nghệ, thương mại, dịch vụ, thanh toán với nhiều công ty thành viên có thể kể đến như VNPAY, VNTravel, Mytour, Teko, Phong Vũ, Sapo, POS365, iCheck, VnInvoice cùng một số công ty tại Singapore, Myanmar và Campuchia.
Tính đến hiện tại, VNLIFE cung cấp hơn 30 dịch vụ bao gồm thanh toán hóa đơn, nạp tiền điện thoại, du lịch trực tuyến (OTA),... cho hơn 40 ngân hàng tại Việt Nam, 12 ngân hàng tại Campuchia, 7 đối tác ví điện tử và hơn 150.000 điểm chấp nhận thanh toán.
Với nguồn vốn mới, VNPAY đã vượt qua hầu hết các đối thủ cạnh tranh trong ngành thanh toán kỹ thuật số về nguồn vốn bảo đảm. Mặc dù bản thân VNPay không hoạt động giống như ví điện tử nhưng VNPay-QR vẫn đang cạnh tranh người dùng và người bán với các ví như MoMo hay Moca. Trước đó, VNPAY từng được Google, Temasek và Bain & Company công nhận là kỳ lân công nghệ thứ hai của Việt Nam, sau VNG.
Theo thông tin mới nhất, Tiki đã nhận được đầu tư 20 triệu USD sau khi chuyển thành công ty Singapore. Chiến lược đầu tư vào Tiki của Taiwan Mobile được cho là đẩy mạnh mảng thanh toán Mobile Money thị trường vốn đang rất tiềm năng này, đặc biệt trong mua sắm thương mại điện tử. Việc thành lập pháp nhân Tiki Global tại Singapore được xem là bước đi mở đường cho hoạt động phát hành cổ phần lần đầu ra công chúng (IPO) của Tiki tại nước ngoài để tiếp cận thêm nguồn vốn.
Thương vụ rót tiền của Taiwan Mobile nằm trong vòng gọi vốn Series E của sàn thương mại điện tử Việt Nam. Ngoài nhà đầu tư này, Deal Street Asia cho biết Tiki còn nhận được 74 triệu USD từ các nhà đầu tư khác trong vòng Series E. Ngoài ra, còn có các quỹ đầu tư AppWorks, CE Fintech Capital, Nextrans lần lượt đổ 7,5 triệu USD, 5 triệu USD và 1,5 triệu USD vào Tiki.
VIỆT NAM: THANH TOÁN DI ĐỘNG TĂNG 29,1%
Theo báo cáo Triển vọng thị trường kỹ thuật số Statista, Trung Quốc là quốc gia có tỷ lệ người dùng sử dụng hình thức thanh toán qua điện thoại di động cao nhất thế giới với hơn 500 triệu người - chiếm 39,5% dân số. Con số này bao gồm cả việc thanh toán tại các cửa hàng, nhà hàng cũng như gian hàng trực tuyến, thương mại điện tử. Xếp vị trí thứ hai là Hàn Quốc với tỷ lệ 29,9%, theo sau là Việt Nam với 29,1%.
Tuy nhiên, xét về tổng giá trị giao dịch bình quân năm trên một người dùng, Trung Quốc thua xa so với Mỹ và một số nước châu Âu như Anh, Na Uy, Italy. Statista dự báo một khách hàng Trung Quốc bình quân chi khoảng 2.300 USD qua các ứng dụng thanh toán trong năm 2021. Trong khi đó, con số này là hơn 7.000 USD tại Anh và gần 8.000 USD tại Mỹ trong khi mức chi của người dùng Tây Ban Nha và Đức lần lượt là hơn 1.800 USD và hơn 1.500 USD.
Tại các quốc gia đang phát triển châu Á như Ấn Độ, Việt Nam, dù tỷ lệ sử dụng ứng dụng thanh toán cao hơn bình quân toàn cầu, mức chi của mỗi khách hàng thấp, ước tính chỉ đạt lần lượt 80 USD và 74 USD trong năm nay.
Nguyên nhân cho sự tăng trưởng đột phá này là do quy định giãn cách xã hội nghiêm ngặt từ Chính phủ đã khiến hành vi mua hàng của người tiêu dùng Việt Nam đã có những sự thay đổi nhất định. Các hoạt động mua sắm bên ngoài như siêu thị, cửa hàng hay chợ truyền thống được người tiêu dùng giảm thiểu tối đa. Thay vào đó, người dùng có xu hướng tăng cường và tập trung hơn cho những chi tiêu có thể thực hiện tại nhà.
Hiệp hội Thương mại điện tử Việt Nam (VECOM).
Tại Việt Nam, Covid-19 tuy gây ra không ít khó khăn nhưng cũng là cú hích lớn cho các sàn thương mại điện tử Việt Nam trong năm vừa qua. Theo báo cáo “Thị trường quảng cáo số Việt Nam 2021”, lượng người dùng mới từ các nền tảng thương mại điện tử tại Việt Nam đã tăng trưởng hơn 41%, cao nhất khu vực Đông Nam Á. Ngạc nhiên hơn, có tới 91% trong số đó quyết định sẽ tiếp tục sử dụng các nền tảng thương mại điện tử này, kể cả khi thế giới đã vượt qua đại dịch.
Ngoài ra thời điểm đại dịch bùng phát, thương mại điện tử Việt Nam đạt được mức tăng trưởng ấn tượng 18%, quy mô thị trường lên đến 11,8 tỉ USD, chiếm 5,5% tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng cả nước. Với mức tăng trưởng ấn tượng đó, Việt Nam được cho là đang nhanh chóng trở thành “miếng bánh hấp dẫn” hàng đầu cho thương mại điện tử tại khu vực Đông Nam Á.
Đại diện Hiệp hội Thương mại điện tử Việt Nam (VECOM) khẳng định: nguyên nhân cho sự tăng trưởng đột phá này là do quy định giãn cách xã hội nghiêm ngặt từ Chính phủ đã khiến hành vi mua hàng của người tiêu dùng Việt Nam đã có những sự thay đổi nhất định. Các hoạt động mua sắm bên ngoài như siêu thị, cửa hàng hay chợ truyền thống được người tiêu dùng giảm thiểu tối đa. Thay vào đó, người dùng có xu hướng tăng cường và tập trung hơn cho những chi tiêu có thể thực hiện tại nhà.