Covid-19 thúc đẩy thị trường ví điện tử

Tú Uyên
Chia sẻ

Tác động của dịch bệnh Covid-19 khiến cho các hình thức thanh toán điện tử phát triển hơn bao giờ hết. Thanh toán cho thấy thanh toán online đã phát triển vượt bậc, trong đó ví điện tử góp phần quan trọng, giúp người dân chuyển sang phương thức thanh toán không tiền mặt...

Trong bối cảnh dịch bệnh Covid-19 vẫn đang diễn biến phức tạp tại Việt Nam, ví điện tử lại càng có đất để “dụng võ”.
Trong bối cảnh dịch bệnh Covid-19 vẫn đang diễn biến phức tạp tại Việt Nam, ví điện tử lại càng có đất để “dụng võ”.

Bên cạnh các giao dịch thực hiện qua Mobile Banking, Internet Banking, cà thẻ, quét QR Code, thanh toán bằng nhận diện gương mặt... ví điện tử cũng là phương thức được nhiều người sử dụng trong thời gian qua. Trong bối cảnh dịch bệnh Covid-19 vẫn đang diễn biến phức tạp tại Việt Nam, ví điện tử lại càng có đất để “dụng võ”.

Theo khảo sát của Visa, trong bối cảnh dịch Covid-19, người tiêu dùng Việt Nam đang dần ưu tiên lựa chọn sử dụng ví điện tử cũng như thanh toán không tiếp xúc và thanh toán bằng mã QR. Khảo sát cũng cho thấy 57% người tiêu dùng có tới ba ứng dụng ví điện tử trên điện thoại, 55% người tiêu dùng ưa thích ứng dụng có thể thực hiện tất cả các giao dịch.

Bên cạnh các ví điện tử phổ biến đang được người dùng sử dụng nhiều như MoMo, Moca, ZaloPay, Viettel Pay, Payoo, ShopeePay (trước đây là Airpay)… mới đây thị trường lại xuất hiện “tân binh” ví điện tử MobiFone Pay. Việc ngày càng nhiều ví điện tử có mặt trên thị trường với những ưu đãi để thu hút khách hàng, làm cuộc đua ví điện tử trở nên sôi động hơn bao giờ hết.

Việc hạn chế tiếp xúc và đi lại do dịch bệnh Covid-19 đã khiến người dùng đã chuyển từ hình thức mua sắm trực tiếp qua các kênh online. Các cổng thanh toán, ví điện tử cũng nắm bắt cơ hội chạy rất mạnh các chương trình ưu đãi khi thanh toán online khiến cho tỷ lệ thanh toán hình thức này tăng cao.

GIAO DỊCH QUA VÍ TĂNG MẠNH DO COVID-19

Số liệu mới nhất của Ngân hàng Nhà nước cho thấy, trong những tháng đầu năm 2021, có hơn 200 triệu giao dịch được thực hiện thông qua ví điện tử, với giá trị khoảng 77,7 nghìn tỷ đồng. Sự thuận tiện của ví điện tử trong thanh toán là lý do để nhiều ngân hàng “nhảy” vào mảng dịch vụ này.

 
Số lượng người sử dụng ví điện tử và các ứng dụng thanh toán không tiền mặt tăng mạnh trong mấy năm gần đây, nhất là từ khi xảy ra dịch Covid-19.

Vụ trưởng Vụ Thanh toán Ngân hàng Nhà nước Phạm Tiến Dũng thừa nhận: một trong những dấu ấn đặc biệt nhất trên thị trường thanh toán 5 năm qua là sự nổi lên của ví điện tử. “Dù giá trị giao dịch chưa bằng ngân hàng, song số giao dịch qua ví điện tử đã gần tương đương giao dịch ngân hàng”, ông Phạm Tiến Dũng nói.

Người tiêu dùng ngày càng chuộng thanh toán qua ví điện tử bởi tính tiện lợi, bảo mật và nhiều ưu đãi.
Người tiêu dùng ngày càng chuộng thanh toán qua ví điện tử bởi tính tiện lợi, bảo mật và nhiều ưu đãi.

Theo thống kê, số lượng người sử dụng ví điện tử và các ứng dụng thanh toán không tiền mặt tăng mạnh trong mấy năm gần đây, nhất là từ khi xảy ra dịch Covid-19. Cụ thể, hơn 85% người tiêu dùng sở hữu ít nhất một ví điện tử hoặc ứng dụng thanh toán, hơn 42% người tiêu dùng sử dụng thanh toán không tiếp xúc bằng thiết bị di động. Đặc biệt, 71% người dùng sử dụng ví điện tử hoặc các ứng dụng thanh toán ít nhất một lần/tuần.

 
Hiện hầu hết các ví điện tử đều liên kết với tất cả các ngân hàng để mở rộng hệ sinh thái khách hàng và gia tăng trải nghiệm thanh toán cho người dùng.

Đại diện Ngân hàng Nhà nước cho biết ví điện tử đang hoạt động theo cơ chế người dùng chuyển tiền từ tài khoản ngân hàng sang tài khoản thanh toán, nên không bị khống chế hạn mức thanh toán. Vì vậy, các đơn vị vận hành ví điện tử tăng cường liên kết với các ngân hàng để mở rộng phạm vi chuyển tiền thanh toán cho người dùng.

Ngược lại, các ngân hàng cũng có lợi thế mở rộng khách hàng và tận dụng được một hệ sinh thái thanh toán sẵn có kết nối với các sàn thương mại điện tử, cửa hàng tiện lợi... nhất là trong bối cảnh dịch bệnh diễn biến phức tạp, thanh toán không tiếp xúc lên ngôi.

Ông Đào Tuấn Anh, Tổng giám đốc Công ty cổ phần AppotaPay (đơn vị cung ứng dịch vụ ví điện tử), tiết lộ những tháng đầu năm 2021, AppotaPay đã liên kết với một số ngân hàng thương mại cổ phần như: Nam Á (Nam A Bank), Phương Đông (OCB)… để phát triển ví điện tử. Tương tự, các ngân hàng thương mại cổ phần lớn như: Vietcombank, Techcombank, BIDV, VietinBank, MSB… đã liên kết với ví điện tử ShopeePay để phát triển dịch vụ.

Theo dự báo của AppotaPay, thị trường thanh toán không dùng tiền mặt trong 3-5 năm tới sẽ phát triển rất mạnh. Trong đó, Mobile Money cùng với ví điện tử sẽ là những dịch vụ mũi nhọn giúp thanh toán không dùng tiền mặt tiếp cận và chiếm lĩnh được tới thị phần rộng lớn còn lại trong bức tranh thanh toán trực tuyến ở Việt Nam.

NÂNG CAO TRẢI NGHIỆM ĐỂ THU HÚT KHÁCH HÀNG 

Hiện các ví điện tử đang hoạt động đều cung cấp đầy đủ các tiện ích cơ bản như thanh toán điện thoại, điện, nước, Internet, thanh toán, thanh toán các khoản vay, phí bảo hiểm, phí dịch vụ chung cư, dịch vụ công, học phí, mua vé (tàu xe, máy bay)… Ngoài việc xây dựng cho mình các trò chơi, chương trình ưu đãi riêng, các ví còn liên kết với các sàn thương mại điện tử như Lazada, Tiki, Shopee, Sendo, Zalora… để gia tăng trải nghiệm, tiện ích cho khách hàng. Ví điện tử nào có nhiều tiện ích, phù hợp với tập khách hàng của mình sẽ có được lợi thế trong cuộc đua thu hút khách hàng.

Cụ thể, MoMo đang kết nối trực tiếp với 28 ngân hàng trong nước và quốc tế lớn nhất tại Việt Nam, cùng với hệ thống điểm nạp/rút phủ khắp toàn quốc, nổi bật là Circle K, Ministop, FPT Shop... giúp việc nạp và rút tiền trở nên đơn giản, nhanh chóng.

MoMo cũng rất “chiều chuộng” người dùng khi miễn phí hoàn toàn các giao dịch nạp tiền và miễn phí 10 lần rút tiền/tháng. Ngoài ra, MoMo còn có hệ sinh thái hàng trăm nghìn các điểm chấp nhận thanh toán, người dùng không những có thể chuyển và nhận tiền mà còn được đáp ứng mọi nhu cầu thường nhật từ tài chính, giải trí, tiêu dùng, y tế, giáo dục cho đến từ thiện…

MoMo cũng kết hợp cùng các ngân hàng, công ty bảo hiểm và các tổ chức tài chính uy tín cung cấp các dịch vụ tài chính theo tiêu chí “bốn không”, gồm: không thủ tục phiền toái, không chờ đợi, không giấy tờ, không tốn phí để gia tăng tiện tích cho khách hàng.

Thay vì trực tiếp làm việc với các ngân hàng, công ty bảo hiểm và các tổ chức tài chính, giờ đây chỉ với ứng dụng MoMo trên chiếc điện thoại di động, người dùng có thể sử dụng toàn bộ các dịch vụ tài chính hiện đại mà không có rào cản nào.

Ông Nguyễn Bá Diệp, Phó chủ tịch, đồng sáng lập Ví MoMo, chia sẻ: “Không chỉ là câu chuyện về công nghệ hay nền tảng, mà đây là nỗ lực của MoMo nhằm mang các dịch vụ tài chính đến gần với đông đảo người tiêu dùng bình dân, giúp họ có thể quản lý tài chính cá nhân một cách dễ dàng với chi phí thấp, nhanh chóng vượt qua những khó khăn trước mắt”.

Người dùng ví điện tử Moca trên ứng dụng Grab có thể thanh toán trực tuyến ngay trên ứng dụng Tiki một cách nhanh chóng, tiện lợi...
Người dùng ví điện tử Moca trên ứng dụng Grab có thể thanh toán trực tuyến ngay trên ứng dụng Tiki một cách nhanh chóng, tiện lợi...

Hay như mới đây, Moca và Tiki đã công bố quan hệ hợp tác nhằm tận dụng tối đa tiềm lực công nghệ, sức mạnh hệ sinh thái và nền tảng người dùng của mỗi bên, đa dạng hóa các lựa chọn thanh toán không tiền mặt, đáp ứng nhu cầu mua sắm trực tuyến và thanh toán điện tử ngày càng tăng cao tại Việt Nam, nhất là trong bối cảnh dịch Covid-19 đang diễn biến phức tạp.

Qua đó, người dùng ví điện tử Moca trên ứng dụng Grab có thể thanh toán trực tuyến ngay trên ứng dụng Tiki một cách nhanh chóng, tiện lợi, đồng thời được hưởng thêm nhiều ưu đãi với điểm thưởng GrabRewards và Tiki Xu tích lũy sau mỗi giao dịch.

Tính đến nay, Moca đang có liên kết trực tiếp với 25 ngân hàng và một ngân hàng số tại Việt Nam, giúp người dùng thanh toán không tiền mặt an toàn, bảo mật và tiện lợi. Ví điện tử Moca mang đến cho người dùng những trải nghiệm liền mạch và thuận tiện, qua việc cho phép người dùng thanh toán cho các dịch vụ di chuyển, đặt đồ ăn, đi chợ hộ… trên ứng dụng Grab. Bên cạnh đó, người dùng còn có thể thanh toán cho các dịch vụ ngoài ứng dụng Grab như thanh toán hóa đơn, nạp tiền điện thoại, thanh toán tại cửa hàng, mua sắm trực tuyến…

Ông Nguyễn Xuân Việt Bình, Giám đốc điều hành Moca, cho biết quan hệ hợp tác với Tiki sẽ giúp Moca đáp ứng ngày càng tốt hơn xu hướng mua sắm trực tuyến ngày càng tăng, mang đến cho người dùng thêm một lựa chọn thanh toán trực tuyến trên một trong những nền tảng thương mại điện tử hàng đầu Việt Nam hiện nay, đồng thời đưa ví điện tử Moca phát triển vượt ngoài hệ sinh thái Grab.

Cũng theo ông Việt Bình, trước những diễn biến phức tạp của dịch Covid-19, Moca đang ghi nhận mức tăng trưởng ấn tượng về số lượng người dùng thanh toán không dùng tiền mặt. Đây là kết quả từ xu hướng mua sắm trực tuyến ngày càng tăng và việc người dùng ngày càng quan tâm đến yếu tố an toàn, giảm thiểu nguy cơ lây lan dịch bệnh.

Theo nhận định của các chuyên gia, với việc nâng cao trải nghiệm để mở rộng tập khách hàng, thị trường ví điện tử năm 2021-2022 sẽ là cuộc chiến rất gay gắt. Ưu thế sẽ thuộc về ví điện tử nào có nhiều tính năng, tiện ích và ưu đãi để giữ chân được nhiều người dùng.

Tin liên quan

Khởi nghiệp

Hồ sơ Startup

Citigo là công ty công nghệ cung cấp những giải pháp đơn giản với chi phí tiết kiệm, giúp khách hàng nâng cao hiệu quả kinh doanh. Citigo hướng tới tầm nhìn trở thành công ty cung cấp giải pháp công nghệ cho doanh nghiệp phổ biến tại Đông Nam Á
ESBT là công ty hoạt động trọng lĩnh vực công nghệ thông tin, chúng tôi xây dựng những sản phẩm phần mềm cho cộng đồng và cung cấp dịch vụ phát triển phần mềm cho các doanh nghiệp
Lozi là một trong những ứng dụng thương mại điện tử được yêu thích nhất tại Việt Nam, kết nối hàng triệu người mua và người bán nhằm phục vụ nhu cầu mua bán trực tuyến ngày càng cao. Không chỉ là một cầu nối thương mại điện tử đáng tin cậy, Lozi còn cung cấp dịch vụ giao hàng nhanh chóng và tiện lợi chỉ trong 1 giờ, đem đến cho khách hàng những trải nghiệm mua sắm trực tuyến hiệu quả và tối ưu
Bắt nguồn từ mong muốn mang chất lượng dạy Tiếng Anh tại Trường Quốc tế đến với mọi học sinh Việt Nam, để các bạn nhỏ dù không có điều kiện kinh tế theo học tại các Trường Quốc Tế hay Trung Tâm đắt tiền vẫn có thể sử dụng Tiếng Anh tốt như người bản ngữ. Đây chính là hành trang chuẩn bị cho các em tương lai vươn ra thế giới. Chính vì lý do trên, đội ngũ sáng lập đã bắt tay vào xây dựng sản phẩm đầu tiên có tên “Chương trình học Tiếng Anh Online EDUPIA”.
Công ty TNHH SA-ACH định vị về lĩnh vững trồng rừng, phát triển gồm 3 loại cây và bốn tầng cây trên một hecta đất nhằm tạo hệ sinh thái bền vững, và nâng cao thu nhập cho bà con