Điện mặt trời mái nhà “tự sản tự tiêu” vẫn cần một cơ chế khuyến khích thông thoáng
Nếu điện mặt trời mái nhà không được bán hoặc chỉ được bán cho với giá 0 đồng, sẽ không khuyến khích đầu tư điện mặt trời mái nhà. Phần lớn các doanh nghiệp và các chuyên gia mong muốn Nghị định về cơ chế, chính sách phát triển điện mặt trời mái nhà tự sản, tự tiêu sẽ tạo cơ chế cho phép điện mặt trời mái nhà được bán lượng điện dư thừa cho các doanh nghiệp và hộ dân lân cận…
Quy hoạch phát triển điện lực quốc gia thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050 (Quy hoạch Điện 8) đặt mục tiêu phấn đấu đến năm 2030 có 50% các tòa nhà công sở và 50% nhà dân sử dụng điện mặt trời mái nhà tự sản, tự tiêu.
Triển khai Quy hoạch Điện 8 và thực hiện chỉ đạo của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, Bộ Công Thương đã xây dựng Dự thảo Nghị định quy định cơ chế, chính sách phát triển điện mặt trời mái nhà tự sản, tự tiêu và đang lấy ý kiến đóng góp từ các cơ quan, chuyên gia, doanh nghiệp và người dân.
HÀNH LANG PHÁP LÝ CHO ĐIỆN MẶT TRỜI TỰ SẢN TỰ TIÊU
Tọa đàm trực tuyến với chủ đề: “Phát triển điện mặt trời mái nhà: Cơ chế nào phù hợp” do Tạp chí Kinh tế Việt Nam/VnEconomy tổ chức ngày 10/5/2024, phần lớn các chuyên gia, doanh nghiệp và người dân khi đánh giá về dự thảo Nghị định quy định cơ chế, chính sách phát triển điện mặt trời mái nhà tự sản, tự tiêu, đều cho rằng việc có một Nghị định về cơ chế chính sách phát triển điện mặt trời mái nhà là rất cần thiết.
Bà Nguyễn Phương Mai, Chuyên gia tư vấn các dự án hỗ trợ ngành năng lượng tái tạo, nhận định chủ trương điện mặt trời mái nhà, điện mặt trời áp mái theo hình thực tự sản tự tiêu là chủ trương đúng. Phát triển điện mặt trời mái nhà tự sản tự tiêu sẽ giảm tải cho lưới điện quốc gia, đồng thời tận dụng rất hiệu quả tiềm năng điện mặt trời lớn như việt Nam.
“Dự thảo nghị định này bây giờ mới ra đời là hơi muộn. Lẽ ra khi hết thời hạn của cơ chế giá ưu đãi (giá FIT) đối với điện mặt trời, thì Chính phủ cần có ngay chính sách mới để tạo môi trường thuận lợi cho điện mặt trời, sẽ duy trì mạch đầu tư điện mặt trời tại Việt Nam tốt hơn. Chúng tôi kỳ vọng Nghị định về điện mặt trời sẽ sẽ là đòn bẩy thúc đẩy cho điện mặt trời áp mái được phát triển. Tôi mong nghị định này sớm hoàn thiện và ban hành”, bà Mai chia sẻ.
Dự thảo Nghị định quy định cơ chế, chính sách phát triển điện mặt trời mái nhà tự sản, tự tiêu, gồm 3 Chương, 11 Điều. Dự thảo đã đưa ra nhiều điểm mới so với các chính sách, quy định đối với điện mặt trời trước đây. Trong dự thảo, Bộ Công Thương nêu rõ, “tự sản, tự tiêu” là tự sản xuất, rồi tự tiêu thụ, hay nói cách khác là tự cung, tự cấp. Theo đó, nhà nước khuyến khích các tổ chức, cá nhân có nhu cầu sử dụng điện bao nhiêu thì sản xuất (hay lắp đặt) bấy nhiêu, sản xuất để đủ dùng, nếu thiếu thì nhà nước cấp bù thêm và không khuyến khích lắp đặt thừa công suất để phát lên hệ thống điện quốc gia.
Trong dự thảo, Bộ Công Thương đề xuất nếu không nối lưới điện quốc gia thì loại hình điện mặt trời mái nhà tự sản tự tiêu được phát triển không giới hạn công suất, còn nếu nối lưới sẽ ghi nhận sản lượng với giá 0 đồng trong khoảng công suất giới hạn là 2.600 MW.
Trong tương lai, sau khi Bộ Công Thương tổng kết thực tiễn thi hành chính sách, qua đó có đánh giá hiệu quả về chính sách tự sản, tự tiêu để đề xuất với cấp có thẩm quyền lộ trình, giải pháp mua bán sản lượng điện dư thừa. Khi đó việc mua bán điện dư thừa mới đủ cơ sở pháp lý thực hiện.
CẦN LÀM RÕ KHÁI NIỆM “TỰ SẢN, TỰ TIÊU”
Ông Phạm Thành Khôn, Trưởng ban quản lý các khu công nghiệp tỉnh Vĩnh Long, cho biết điện mặt trời lắp đặt tại các khu công nghiệp được rất nhiều doanh nghiệp quan tâm. Tuy nhiên, khó khăn hiện nay là hành lang pháp lý về an toàn xây dựng, phòng cháy chữa cháy khi lắp đặt thêm hệ thống pin năng lượng mặt trời trên nhà xưởng chưa được cụ thể hóa, đây cũng là một trở ngại trong phát triển điện mặt trời tại các khu công nghiệp.
Ông Trần Văn Trãi, một doanh nhân nhỏ ở Long An, cho hay ban đầu tôi dự định tận dụng diện tích 2000 m2 trên mái nhà xưởng để lắp đặt điện mặt trời. Thế nhưng sau khi tính toán tôi đã đổi ý. Mức giá lắp đặt hệ thống điện mặt trời áp mái đã giảm so với trước đây, nhưng số tiền đầu tư cũng lên đến hơn 1 tỷ đồng. Với chi phí đó, lượng điện dư thừa không được bán thì sẽ rất lãng phí.
"Hiện nay các quy định về việc doanh nghiệp đầu tư điện mặt trời để bán điện trực tiếp cho doanh nghiệp sử dụng cũng chưa được cụ thể hóa, đây là một rào cản khiến doanh nghiệp và người dân chưa muốn đầu tư điện mặt trời mái nhà".
Ông Phạm Thành Khôn, Trưởng ban quản lý các khu công nghiệp tỉnh Vĩnh Long.
Theo bà Nguyễn Phương Mai, hiện tại, nếu điện mặt trời không được bán hoặc chỉ được bán cho với giá 0 đồng, có nghĩa là thị trường không có. Như vậy sẽ không khuyến khích đầu tư điện mặt trời mái nhà. “Chúng tôi mong muốn Nghị định đang được xây dựng sẽ tạo cơ chế cho phép điện mặt trời áp mái được tham gia vào thị trường mua bán điện tự do, liên quan đến mua bán điện trực tiếp giữa bên sản xuất và bên tiêu thụ”, bà Mai bày tỏ.
Ông Phạm Đăng An, Phó Tổng Giám đốc Công ty Vũ Phong Energy Group, cho hay chi phí đầu tư ban đầu cho điện mặt trời mái nhà xưởng rất lớn, trong khi không phải lúc nào lượng điện sản xuất ra cũng sử dụng được hết. Vì vậy, các doanh nghiệp mong muốn Nhà nước tạo cơ chế thông thoáng cho các doanh nghiệp được bán điện cho các doanh nghiệp, đối tác khác để nhanh thu hồi vốn đầu tư điện mặt trời.
"Doanh nghiệp mong muốn Bộ Công Thương làm rõ về khái niệm “tự sản tự tiêu”: “tự tiêu” là tự tiêu dùng hay tự tiêu thụ? Bởi vì đến nay, rất nhiều doanh nghiệp không sẵn sàng bỏ ra một khoản tiền rất lớn để đầu tư chuyển đổi năng lượng. Nhưng họ sẵn sàng cho phép các đơn vị đầu tư như Vũ Phong đầu tư điện mặt trời mái nhà rồi bán điện lại cho chính những nhà máy đó để họ tiêu thụ 100%, không bán lên lưới", ông An thông tin.
“Tôi là doanh nghiệp bên ngoài vào đầu tư hệ thống điện mặt trời trên mái nhà máy A rồi bán điện cho chính nhà máy A thì có được hay không? Chưa nói tới việc đầu tư điện mặt trời trên mái nhà máy A rồi bán điện cho các nhà máy B ở bên cạnh và bán cho các nhà máy khác trong cùng khu, cụm công nghiệp. Nếu chúng ta làm rõ được khái niệm "tự sản tự tiêu" thì sẽ tháo gỡ được nút thắt vốn đầu tư ban đầu cho điện mặt trời mái nhà”, ông An nhấn mạnh.
Theo ông An, thời gian qua, để lắp đặt điện mặt trời mái nhà, doanh nghiệp phải làm hồ sơ gửi UBND cấp tỉnh. Thế nhưng quy định về những yêu cầu trong hồ sơ như thế nào thì chưa rõ ràng.
“Tôi làm việc với nhiều địa phương, hầu hết phản hồi chúng tôi nhận được từ Sở công thương các tỉnh thì họ rất muốn hỗ trợ, nhưng đôi khi họ bối rối rằng không biết nên căn cứ vào đâu để tôi từ chối hoặc cấp phép, hoặc yêu cầu bổ sung hồ sơ. Vì vậy, chúng tôi mong mỏi Nghị định về điện mặt trời sẽ quy định rõ quy trình thủ tục xin cấp phép đầu tư điện mặt trời”, ông An kiến nghị.
Theo Hiệp hội Năng lượng sạch Việt Nam, Nghị định nên bổ sung quy định các chính sách hỗ trợ, mang lại các ưu đãi cho các đối tượng cần khuyến khích khi phát triển điện mặt trời mái nhà tự sản, tự tiêu. Chẳng hạn như tại vùng sâu, vùng xa, miền núi, hải đảo, hoặc khu vực thiếu nguồn điện từ Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN).
Tại các khu vực địa lý này, có thể cho phép dùng cơ chế bù trừ để khuyến khích người dân tự lắp đặt điện mặt trời. Với trường hợp này, có thể quy định mức phát lên lưới không vượt quá 20-30% phụ tải tự tiêu thụ; cũng có thể quy định cơ chế bù trừ khi phát vào lưới 3-4 kWh được trừ 1 kWh khi mua điện…