Đồ uống không cồn đang “soán ngôi” thị trường
Các nhà nghiên cứu thị trường cho biết xu hướng đồ uống không cồn tạo ra một danh mục hoàn toàn mới trong thị trường đồ uống. Các lựa chọn đồ uống không cồn đang tràn ngập trên các kệ hàng và các công ty đang phải tập trung vào chiến lược phát triển sản phẩm mới liên tục...
Khảo sát thị trường cho thấy người tiêu dùng không ngại chi tiền cho các loại đồ uống không cồn. Theo Công ty phân tích dữ liệu NielsenIQ, doanh số bán đồ uống không cồn đã tăng 33,2% trong năm 2022, với tổng doanh thu là 331 triệu USD, trong đó doanh số bán bia không cồn tăng 31,7%.
Sau đại dịch Covid-19, nhu cầu giao lưu, kết nối với bạn bè và gia đình ngày càng nhiều hơn. “Tuy nhiên, sự khác biệt là hiện nay mọi người muốn uống một cách lành mạnh”, Jeff Menashe, người sáng lập và giám đốc điều hành của Công ty đồ uống Demeter & Co tại Mỹ nhận định.
NGƯỜI TIÊU DÙNG NGÀY CÀNG ƯU TIÊN SỨC KHỎE
Xu hướng lựa chọn đồ uống không cồn ở Mỹ bắt đầu nổi lên một hoặc hai năm trước khi xảy ra đại dịch Covid-19, với các "quán bar tỉnh táo” (sober bars) xuất hiện ở một số thành phố tại Mỹ và tiếp tục phát triển với tốc độ chóng mặt. Joshua James, chủ sở hữu của Ocean Beach Cafe, một "quán bar tỉnh táo” ở San Francisco, nói với tờ Insider: “Người uống hoàn toàn đồng ý với việc trả một mức giá tương tự để uống các loại đồ uống mới không chứa cồn”.
Hiện tại, mỗi "quán bar tỉnh táo” đều có ý tưởng riêng. Trong khi một số tuân thủ các công thức tiêu chuẩn, sử dụng các nguyên liệu không cồn để tạo ra các bản sao theo phong cách riêng của các loại cocktail cổ điển, thì những người khác tận dụng cơ hội để thử nghiệm và tạo ra những loại đồ uống độc đáo. Song song với đó định hướng marketing khéo léo góp phần đẩy mạnh hình ảnh cũng như lợi nhuận của nhiều hãng ở thị trường Bắc Mỹ.
Deborah Coleman, Giám đốc tiếp thị hãng bia thủ công không cồn Libra tại Canada, cho biết khẩu hiệu “Bia ngon cho người yêu vận động” của hãng đã hấp dẫn cả giới vận động viên lẫn những ai muốn nếm thử các đồ giải khát mới lạ nhưng lành mạnh.
Nhờ đó, nhiều thương hiệu trẻ cho thấy sức phát triển vượt trội, tạo ra dấu ấn lớn mạnh để bứt phá khỏi định kiến nhạt nhẽo nhắm vào đồ uống không cồn. Heaps Normal, thương hiệu thành lập năm 2020 tại Úc đã cải tiến từ cách nấu bia truyền thống nhằm giảm tối đa độ cồn nhưng không ảnh hưởng đến hương vị sản phẩm. Andy Miller, Giám đốc sáng lập hãng, chia sẻ công thức “sản phẩm chất lượng + quảng cáo thông minh” giúp lợi nhuận hãng đạt tốc độ tăng trưởng ngoạn mục ở Úc, Singapore và Hồng Kông (Trung Quốc) chỉ sau vài năm.
Tương tự, các doanh nghiệp Nhật Bản đang đưa ra những phương pháp mới để cải thiện trải nghiệm quán bar cho những người không uống rượu. Kirin Holdings Co – công ty cung cấp rượu vang, cocktail và bia không cồn - cho biết, doanh số bán bia không cồn của họ đã tăng hơn hai lần trong ba tháng tính đến tháng 6 so với một năm trước đó. Đối với Sapporo Holdings, doanh số bán bia không cồn trong nước đã tăng 20% trong nửa đầu năm tính đến tháng 6/2022, trong khi doanh số bán bia lon đã giảm 4%.
Thậm chí tại Dubai - mảnh đất du lịch tại Trung Đông, những quán bar như Roberto’s nhận thấy ngày càng nhiều người gọi bia hay cocktail nhưng phải được dán nhãn 100% không cồn. Đáng chú ý, đồ uống không cồn tăng trưởng mạnh hơn cả trên kênh bán hàng trực tuyến. Một tín hiệu cho thấy đồ uống không cồn đang được đón nhận nhiều trong các bữa tiệc gia đình tại đất nước này. “Người tiêu dùng ngày càng không chấp nhận được việc tự đổ vào người mình những thứ tàn phá sức khỏe và trí óc, thị trường đã nhận ra những thay đổi đó,” ông Erika, chủ doanh nghiệp Drink Dry, Dubai nhận định.
Theo tờ Livings, các công ty sản xuất đồ uống không cồn tại Anh và châu Âu đang ở giai đoạn tăng trưởng siêu tốc với một chai bán ra cứ sau 30 giây và giá cả dường như không phải là vấn đề đối với người tiêu dùng...
Nội dung bài viết được đăng tải trên Tạp chí Kinh tế Việt Nam số 35-2023 phát hành ngày 28-08-2023. Kính mời Quý độc giả tìm đọc tại đây.
https://postenp.phaha.vn/chi-tiet-toa-soan/tap-chi-kinh-te-viet-nam