Doanh thu cao kỷ lục, du lịch TP.HCM có một năm 2023 thành công
Nối tiếp đà phục hồi và phát triển của du lịch năm 2023, hứa hẹn năm 2024 ngành du lịch TP.HCM sẽ tiếp tục nỗ lực xây dựng hình ảnh thương hiệu du lịch ngày càng hấp dẫn trong mắt du khách trong và ngoài nước…
Sáng 28/12, Sở Du lịch TP.HCM tổ chức hội nghị tổng kết kết quả 5 năm triển khai thực hiện công nhận điểm du lịch trên địa bàn. Theo đó, sau 5 năm (2019 - 2023) phối hợp với các sở, ngành và các quận, huyện thẩm định, Sở Du lịch TP.HCM đã công bố 26 điểm du lịch tại TP.HCM "đủ tiêu chuẩn phục vụ khách". Đồng thời, chiều 28/12, tại họp báo định kỳ về tình hình kinh tế- xã hội trên địa bàn, Phó Giám đốc Sở Du lịch TP.HCM Lê Trương Hiền Hòa đã thông tin về kết quả nổi bật của TP.HCM trong năm 2023.
TỔNG THU DU LỊCH ĐẠT TRÊN 160.000 TỈ ĐỒNG
Phó giám đốc Sở Du lịch TP.HCM cho biết năm 2023 du lịch TP tiếp tục bứt phá với nhiều chính sách nổi bật nhằm tháo gỡ rào cản, thúc đẩy phục hồi phát triển du lịch. TP.HCM tiếp tục là đơn vị dẫn đầu cả nước về tỉ lệ khách, doanh thu và đóng góp cho ngành du lịch Việt Nam với gần 5 triệu lượt khách quốc tế, khoảng 35 triệu lượt khách nội địa, tổng thu du lịch trên 160.000 tỉ đồng, vượt so với kế hoạch đề ra và cao hơn 25% so với năm 2019, năm đạt doanh thu cao nhất trước dịch.
Theo lãnh đạo Sở Du lịch TP.HCM, có được thành công này là nhờ các doanh nghiệp du lịch lữ hành, lãnh đạo TP.HCM đã điều chỉnh và tái định hình các sản phẩm du lịch, cùng với các địa phương xây dựng một loạt các tour độc đáo tại từng quận huyện. Điều này đã mở ra thêm nhiều lựa chọn dành cho du khách, nhiều sản phẩm du lịch mới đã thúc đẩy du khách chi tiêu vào các hoạt động vui chơi và khám phá.
TP.HCM cũng đã xây dựng các chương trình liên kết với các điểm du lịch khác trong cả nước, tạo điều kiện cho các doanh nghiệp xây dựng thêm các tour mới, đạt hiệu quả cả về chất lượng tour cũng như giúp cho cho giá thành tour được giảm đi. Điều này đã khiến cho các du khách thêm cơ hội lựa chọn các tour phù hợp giá cả và thu hút du khách không chỉ tại TP.HCM mà còn du khách ngoài tỉnh.
Ngành du lịch đã đầu tư nhiều hơn vào kinh tế đêm, khiến chi phí du khách vào ban đêm tại TP.HCM tăng mạnh chiếm tới 70% tổng chi tiêu khi đến TP.HCM. Các tour du lịch đêm cũng được du khách quan tâm rất nhiều, nhiều tour du lịch mới đã thực sự mang lại hiệu quả không chỉ về số lượng du khách mà còn đạt mức doanh thu cao. Ngoài ra, các sự kiện du lịch kết hợp với lễ hội văn hoá - thể thao, các chương trình khuyến mãi liên tục được đưa ra trong suốt năm cũng là một yếu tố khiến tăng trưởng du lịch tăng cao và ổn định.
Trong 3 tháng cuối năm, TP.HCM liên tiếp ra mắt các sản phẩm du lịch đêm như tour Sắc màu đêm quận 1, tour không ngủ ở Sài Gòn đưa du khách qua 30 tuyến đường, gần 20 điểm tham quan trên xe buýt hai tầng, hoạt động từ 23g đến 7g hôm sau. Sự đa dạng về sản phẩm du lịch và các sự kiện đã giúp cho du lịch TP. HCM thu hút một lượng lớn du khách quốc tế trong năm 2023, với con số ước đạt trên 5 triệu lượt, tăng 44,3% so với năm 2022 và chiếm gần 50% lượng khách quốc tế đến cả nước.
Trong dịp Tết Dương lịch và Tết Âm lịch sắp tới, với hàng loạt chương trình và lễ hội, du lịch, TP.HCM kỳ vọng đạt mức doanh thu 15.000 tỷ đồng. Ngoài ra trong năm tới, khi có thêm nhiều đường bay được mở lại và Chính phủ có chính sách visa linh hoạt hơn, du lịch TP.HCM kỳ vọng đạt mức doanh thu cao hơn nữa.
NHIỀU ĐỀ XUẤT TỪ PHÍA DOANH NGHIỆP
Nhằm tăng hiệu quả trong công tác phát triển và quản lý, năm 2024, Sở Du lịch TP.HCM đề xuất Cục Du lịch Quốc gia Việt Nam tham mưu Bộ VH-TT&DL ban hành văn bản hướng dẫn xây dựng Quy chế hoạt động của khu, điểm du lịch đã được công nhận và quy định lắp đặt biển hiệu đối với các khu, điểm du lịch đã được công nhận.
26 điểm này đều là những địa danh khá quen thuộc với người dân và du khách như: Bảo tàng Mỹ thuật TPHCM; Bảo tàng Lịch sử TPHCM; Bảo tàng Chứng tích chiến tranh; Bảo tàng Phụ nữ Nam bộ; Bảo tàng TPHCM (Sở Văn hóa và Thể thao); chợ Bến Thành; đài quan sát Saigon Skydeck; pháp viện Minh Đăng Quang; khu ẩm thực sinh thái, câu cá giải trí, thể dục thể thao Tháp Ngà - Bình Xuyên 2; Bưu điện Thành phố; làng nghề Một Thoáng Việt Nam; khu di tích lịch sử địa đạo Củ Chi…
Ông Võ Việt Hòa, Giám đốc khối Du lịch quốc tế, Công ty lữ hành Saigontourist, cho biết, có nhiều điểm đến được công ty đưa vào chương trình tour như: khu du lịch Một thoáng Việt Nam, Bảo tàng Áo dài, khu lưu giữ vũ khí biệt động thành… nhưng các điểm này vẫn chưa được đầu tư đúng mức để khai thác du lịch. Để thay đổi, các đơn vị quản lý điểm đến cần liên kết với doanh nghiệp lữ hành cùng tìm giải pháp khai thác hiệu quả.
Theo ông Hòa, thông qua hoạt động này đơn vị lữ hành có thể khai thác các sản phẩm như du lịch văn hóa với di tích kiến trúc; du lịch sinh thái, cộng đồng, nghỉ dưỡng với các khu du lịch kết hợp sử dụng xe buýt hai tầng, buýt sông, vespa để làm thành sản phẩm hoàn chỉnh. Riêng mỗi điểm đến phải chủ động khai thác tài nguyên của mình để trở thành sản phẩm, dịch vụ du lịch trên cơ sở liên kết, hợp tác với doanh nghiệp. "Tôi đề nghị Sở Du lịch công nhận trụ sở UBND thành điểm du lịch, mở rộng đối tượng đón khách, đặc biệt là du khách quốc tế", ông Hòa nói.
Bà Huỳnh Phan Phương Hoàng, Phó chủ tịch Hiệp hội Du lịch TP.HCM cho rằng để làm được việc kết nối, Sở cần đề xuất tạo ứng dụng riêng (app) cho các điểm du lịch TP.HCM như “HCMC” để các doanh nghiệp lữ hành tìm kiếm về điểm đến, thì trên đó có mọi thông tin về điểm đến, cung cấp đầy đủ cho doanh nghiệp. "Những điểm đủ điều kiện sẽ được tích hợp vào app, đồng thời tình trạng giao thông tại khu vực điểm đến cũng được tích hợp vào app du lịch, hoặc điểm đổi tiền,… chúng ta sẽ càng mở rộng ra các khu điểm", bà Hoàng nói.
Trong khi đó, đại diện Bảo tàng Áo dài cho rằng, các bảo tàng tại TP.HCM đã ấp ủ việc mở cửa ban đêm từ rất lâu. Thực tế, Bảo tàng Mỹ thuật rất có tiềm năng để mở sản phẩm đêm vì có nhiều tòa nhà đẹp, Bảo tàng Chứng tích chiến tranh cũng có thể tái hiện các đêm giao lưu tình yêu trong chiến tranh, Bảo tàng Áo dài có thể tổ chức chương trình các đêm trăng hát đờn ca tài tử thu hút khách... Hạn chế lớn nhất với các bảo tàng mở cửa ban đêm là chưa có nguồn ngân sách để đầu tư cho các hoạt động, trong khi đầu ra chưa có, nên việc phát triển thêm các sản phẩm về đêm gặp khó khăn.
Bà Bùi Thị Ngọc Hiếu, Phó Giám đốc Sở Du lịch TP.HCM đánh giá cao ý kiến góp ý từ các điểm đến, doanh nghiệp du lịch. Đối với ý kiến của bảo tàng đề xuất phục vụ ban đêm, bà Hiếu cho rằng: Các bảo tàng hiện nay chưa có cơ chế hoạt động về đêm, đây là hạn chế lớn của việc phát triển kinh tế đêm. Trong khi đó, du khách trải nghiệm bảo tàng ngoài thời gian khám phá thông thường ban ngày, cũng cần có thêm những trải nghiệm đêm.