Dòng tiền rút chạy, VN-Index bốc hơi gần 13 điểm, cổ phiếu giảm gấp 3 lần tăng
Thanh khoản khớp lệnh 2 sàn tụt xuống mức thấp nhất 15 phiên và cổ phiếu lao dốc cả loạt, xác nhận dòng tiền đang hạn chế bắt đáy. Cả rổ VN30 chỉ còn 3 mã tăng và trong Top 10 vốn hóa lớn nhất, còn đúng HPG đang tăng nhẹ. VN-Index bốc hơi 12,75 điểm tương đương -1,04% và đang chốt sát đáy thấp nhất phiên...
Thanh khoản khớp lệnh 2 sàn tụt xuống mức thấp nhất 15 phiên và cổ phiếu lao dốc cả loạt, xác nhận dòng tiền đang hạn chế bắt đáy. Cả rổ VN30 chỉ còn 3 mã tăng và trong Top 10 vốn hóa lớn nhất, còn đúng HPG đang tăng nhẹ. VN-Index bốc hơi 12,75 điểm tương đương -1,04% và đang chốt sát đáy thấp nhất phiên.
VN-Index kết phiên sáng rơi xuống mức 1.214,61 điểm, tức là thủng đáy thấp nhất của giai đoạn đi ngang 5 phiên tuần trước. Chỉ số cũng đã chạm mức hỗ trợ kỹ thuật quan trọng tương đương trung bình 20 phiên.
Thị trường sáng nay kém sôi động, nhưng chuyển biến xấu dần. Ít phút đầu tiên VN-Index giảm nhẹ, độ rộng cũng không quá tệ. Lúc 9h30 chỉ số mạnh nhất phiên sáng, hồi lại sát tham chiếu và chỉ còn thiếu chưa tới 1 điểm. Độ rộng ghi nhận 185 mã tăng/203 mã giảm. Toàn thời gian còn lại của phiên sáng là nhịp lao dốc. Kết phiên chỉ số có 126 mã tăng/359 mã giảm.
VN30-Index đang giảm 1,11%, lại là chỉ số kém nhất trên HoSE. Điều này xác nhận lực đỡ đã mất hết ở nhóm blue-chips. Trong 10 mã vốn hóa lớn nhất thị trường, còn sót lại đúng HPG tăng nhẹ 0,72%. Dẫn đầu là VCB giảm 1,34%, VHM giảm 2,57%, VIC giảm 1,87%, VPB giảm 2%, CTG giảm 1,83%, FPT giảm 1,44%. Khá may là GAS mới đỏ nhẹ 0,09% nhưng đây có thể là sự thất bại của trụ này, vì đầu phiên đã tăng tới 2,1% so với tham chiếu. Trong rổ VN30 ngoài GAS, còn SHB tăng 0,41%, STB tăng 0,15% đều không có ảnh hưởng rõ rệt nào.
Cả rổ VN30 đang có 16 cổ phiếu giảm trên 1%, nhưng tới 24 mã tụt giảm trên 1% so với mức đỉnh đầu ngày. Do vẫn có ít phút tăng đầu tiên nên biên độ tụt giá ở cổ phiếu lớn hơn nhiều. Lúc mạnh nhất, rổ VN30 vẫn có tới 14 cổ phiếu tăng giá so với tham chiếu. Thanh khoản ở rổ này chỉ đạt 2.732 tỷ đồng, kém nhất 15 phiên. Điều đó nghĩa là nhịp tăng mang tính chất bull-trap khá rõ và không có lực cầu hỗ trợ. Áp lực bán sau đó tăng lênh nhanh chóng quét sạch dư mua gần tham chiếu và đẩy biên độ giảm càng lúc càng rộng hơn.
Trên toàn sàn HoSE, trạng thái giao dịch như vậy cũng xuất hiện. Hơn 200 cổ phiếu tạo bull-trap trong phiên với biên độ hơn 1% dù thanh khoản sàn này chỉ đạt 7.478 tỷ đồng, giảm 17% so với phiên trước. Loạt cổ phiếu xuất hiện sức ép mạnh phản ánh lên biên độ giảm lớn và thanh khoản thuộc nhóm dẫn đầu là GEX giảm 2,24% với 279,4 tỷ đồng; NVL giảm 2,12% với 226,4 tỷ; VIX giảm 2,3% với 197,6 tỷ; MWG giảm 2,15% với 181,8 tỷ; DGC giảm 2,31% với 174,5 tỷ; VPB giảm 2% với 155,5 tỷ; EIB giảm 4,33% với 141,5 tỷ…
Xét theo nhóm ngành, duy nhất nhóm thép có biểu hiện tốt hơn cả. HPG tăng 0,72%, HSG tăng 2,34%, NKG tăng 1,63%, VGS tăng 2,94%. Nhóm thủy sản cũng có vài đại diện như ANV tăng 2,24%, IDI tăng 1,44%, VHC tăng 2,98%, SJ1 tăng 4,27%... Trong 126 cổ phiếu đi ngược dòng sáng nay, khoảng 50 mã tăng trên 1%. Không nhiều cổ phiếu có được mức thanh khoản tốt, nổi bật có thêm CTD, TDM, GIL, SZC, NLG, SBT, PC1…
Nhìn chung với mức thanh khoản sụt giảm quá nhiều, thị trường đang trong trạng thái thiếu cầu. Mặc dù có thể áp lực bán cũng không lớn, nhưng việc giảm giá với biên độ rộng sớm muộn cũng sẽ khiến tổn thương trên danh mục nhiều hơn và tạo sức ép cắt lỗ mới. Mặt khác, khi chỉ số không còn được nhóm blue-chips nâng đỡ và giảm điểm sẽ dần hình thành các tín hiệu kỹ thuật bất lợi. Đây cũng là một yếu tố tạo sự động thuận kém tích cực.
Khối ngoại sáng nay giảm mua xuống mức thấp nhất 7 phiên ở HoSE, với tổng giải ngân chỉ là 366,1 tỷ đồng, trong khi bán ra 563 tỷ đồng, tương ứng bán ròng gần 197 tỷ. Không có mã nào bị bán quá nhiều, lớn nhất là HPG -29,3 tỷ, GVR -26,5 tỷ, VPB -26,2 tỷ. Phía mua càng ít hơn, nhiều nhất là DXG cũng chỉ hơn 13 tỷ đồng ròng.