Dự báo giá hàng hóa thực phẩm sẽ tiếp tục giảm 6,1-6,7% trong năm 2023
VnDirect kỳ vọng chỉ số giá hàng hóa thực phẩm sẽ tiếp tục xu hướng giảm với hầu hết các sản phẩm. Giá khí tự nhiên - nguyên liệu đầu vào chính cho sản xuất phân bón giảm - kỳ vọng giá phân bón cũng sẽ giảm đáng kể...
Theo Tổ chức Lương thực và Nông nghiệp Liên Hợp Quốc (FAO), chỉ số giá hàng hóa thực phẩm toàn cầu giảm nhẹ 0,6% so với tháng trước trong T2/23, xuống mức thấp nhất kể từ tháng 10/2021. So với mức đỉnh vào tháng 3/2022, chỉ số thực phẩm đã giảm 18,7 %.
Một số nguyên nhân dẫn đến chỉ số giá hàng hóa thực phẩm toàn cầu giảm gồm: Tình trạng gián đoạn vận chuyển do Covid-19 đã giảm dần kể từ Q2/22, giúp nối lại chuỗi cung ứng và hạ các chi phí vận chuyển/đầu vào cho sản xuất nông nghiệp.
Sau khi dịch Covid-19 được kiểm soát, các nền kinh tế trên thế giới đã mở cửa trở lại, các chính phủ nới lỏng chính sách sản xuất và dự trữ nhằm đảm bảo an ninh lương thực. Ngoài ra, lo ngại thiếu hụt nguồn cung do xung đột Nga - Ukraine đã lắng xuống khi các nước khác tăng công suất sản xuất để thay thế nguồn cung từ Ukraine và Nga.
Với các chính sách thắt chặt toàn cầu, nhu cầu tiêu thụ thực phẩm từ người tiêu dùng và nhu cầu sử dụng nguyên vật liệu cho sản xuất bắt đầu giảm (trước đó là do nền kinh tế mở cửa trở lại).
Hầu hết giá các mặt hàng thực phẩm đều có sự điều chỉnh lớn kể từ mức đỉnh 2 năm, ngoại trừ đường, thịt bò và khô đậu tương. Các mặt hàng gia súc và thịt bò không nằm trong nhóm mặt hàng tăng giá mạnh năm ngoái, nên nhóm hàng này cũng giảm ít hơn so với các mặt hàng khác.
Theo FAO, nhu cầu nhập khẩu trên toàn cầu từ các quốc gia thiếu lương thực dự kiến sẽ giảm 0,6% vào năm 2023 do nhu cầu dự trữ của các chính phủ giảm và năng suất cây trồng ở các quốc gia này được cải thiện.
Theo nhìn nhận của VnDirect, có một vài yếu tố quan trọng có thể hỗ trợ sản xuất lương thực trong giai đoạn 2023-2024: FAO kỳ vọng điều kiện thời tiết sẽ thuận lợi hơn cho việc sản xuất các sản phẩm nông nghiệp chính sau đợt hạn hán kỷ lục ở châu Âu vào năm 2022
Gián đoạn vận chuyển phục hồi hoàn toàn sau giai đoạn 2021-22, cùng với nhu cầu giảm do kinh tế toàn cầu tăng trưởng chậm lại sẽ khiến chi phí vận chuyển giảm. Trong 3T23, trung bình chỉ số Giá cước vận tải biển (BDI) giảm 54% so với mức trung bình của 2022.
Với việc giá khí tự nhiên, vốn là nguyên liệu đầu vào chính cho sản xuất phân bón giảm, kỳ vọng giá nguyên liệu đầu vào là phân bón sẽ giảm đáng kể ở hầu hết các mặt hàng.
Do đó, VnDirect kỳ vọng chỉ số giá hàng hóa thực phẩm sẽ tiếp tục xu hướng giảm với hầu hết các sản phẩm sẽ giảm 6,1%-6,7% so với cùng kỳ so với giá trung bình năm 2022, ngoại trừ dầu dừa và gạo. Chính sách xuất khẩu của Ấn Độ và Pakistan sẽ làm thắt chặt nguồn cung gạo toàn cầu, từ đó hỗ trợ giá gạo duy trì ở mức cao trong năm 2023.
Tuy nhiên, cũng lưu ý một số yếu tố có thể tác động khiến giá các mặt hàng thực phẩm tăng trở lại như: Xung đột tại Ukraine kéo dài và nghiêm trọng hơn, có thể gây ra gián đoạn chuỗi cung ứng lần nữa; Yếu tố mùa vụ tại Châu Âu, đặc biệt nếu hạn hán nghiêm trọng tái diễn vào năm 2023. Hạn hán tệ hơn dự kiến ở Đông Phi và xung đột ở Tây Phi có thể gây ra tình trạng thiếu lương thực ở các nước Châu Phi.
Ở trong nước, giá lúa mì và bột sữa trong nước bắt đầu giảm cùng thời điểm với giá thế giới, trong khi giá ngô và đậu tương ghi nhận mức tăng ngắn hạn do vụ thu hoạch kém năng suất ở Nam Mỹ. Bên cạnh đó, do các nhà nhập khẩu trong nước ký hợp đồng kỳ hạn/tương lai nên giá nhập khẩu thực tế sẽ trễ từ 3-6 tháng so với diễn biến chỉ số giá thực phẩm.
Mặt khác, các nhà sản xuất đường được hưởng mức giá cao nhờ chính sách chống bán phá giá có hiệu lực từ T8/2022. Xuất khẩu gạo được hưởng lợi nhờ nhu cầu tăng từ việc Trung Quốc và Indonesia đang tích cực mua gạo để tăng dự trữ quốc gia. Trong khi đó các doanh nghiệp sản xuất thịt lợn vẫn đang gặp khó khăn với giá lợn thấp do dư cung trong Q1/23 và nhu cầu trong nước giảm.