EuroCham sẽ hỗ trợ Việt Nam thực hiện mục tiêu tăng trưởng xanh
“Châu Âu đã chuyển dịch sang nền kinh tế xanh từ 20 năm trước, nên chúng tôi có nhiều kinh nghiệm trong chuyển đổi xanh, có thể đóng góp cho Việt Nam trong lộ trình cam go đầy thử thách này”...
Ngày 24/5, tại cuộc họp báo, Hiệp hội Doanh nghiệp châu Âu tại Việt Nam (EuroCham) cho biết sẽ tổ chức “Diễn đàn & Triển lãm Kinh tế Xanh - Green Economy Forum & Exhibition (GEFE) 2022” từ ngày 28 đến 30/11 tại Sala’s THISO SkyHall, TP. Hồ Chí Minh.
Sự kiện này được tổ chức nhằm hỗ trợ Việt Nam đạt được các cam kết tại COP26 và các mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội được nêu trong Chiến lược quốc gia về Tăng trưởng Xanh giai đoạn 2021 - 2030.
Thông tin về sự kiện, ông Alain Cany, Chủ tịch Eurocham cho biết, GEFE 2022 sẽ quy tụ những tổ chức, cá nhân hàng đầu trong lĩnh vực kinh doanh và quản trị bền vững. Sự kiện sẽ kéo dài 3 ngày với hàng loạt hội nghị, triển lãm và các phiên đối thoại B2B, B2G cấp cao, cùng với Lễ trao Giải thưởng Doanh nghiệp Xanh của EuroCham và Gala Dinner thường niên.
Đây là nền tảng tăng cường hợp tác giữa cộng đồng doanh nghiệp châu Âu và Việt Nam, thúc đẩy nền kinh tế Việt Nam phát triển theo hướng xanh, bền vững thông qua các sáng kiến, chia sẻ chuyên môn và chuyển giao công nghệ.
Ngày đầu tiên của GEFE 2022 sẽ bao gồm Phiên toàn thể với Hội nghị cấp cao, có sự tham gia của đại diện Chính phủ từ phía châu Âu và Việt Nam cũng như các doanh nghiệp nhằm thảo luận về các chính sách, kế hoạch quốc gia về năng lượng, rủi ro khí hậu ở tầm vĩ mô.
Cả ba ngày trong chuỗi sự kiện GEFE 2022 sẽ bao gồm các phiên thảo luận về đa dạng các chủ đề, bao gồm: năng lượng và tài chính xanh vào ngày thứ nhất, xử lý chất thải và phát triển bền vững vào ngày thứ hai, và đổi mới sáng tạo & khởi nghiệp vào ngày cuối cùng. Mỗi ngày sẽ được chia thành các chủ đề phụ, bao gồm tổng cộng hơn 20 chủ đề thuộc lĩnh vực xanh.
GEFE 2022 còn có sự tham gia của các chuyên gia, nhà khoa học, sinh viên và đại diện Chính phủ từ phía châu Âu, Việt Nam và Đông Nam Á. Sự kiện được tổ chức với Tiểu ban Tăng trưởng Xanh của EuroCham và sẽ được hỗ trợ bởi Phái đoàn Liên minh Châu Âu tại Việt Nam, 9 Hiệp hội doanh nghiệp trực thuộc EuroCham, các Đại sứ quán, cơ quan Chính phủ phía châu Âu, cũng như các bộ ban ngành phía Việt Nam.
Để phát huy hết tiềm năng của GEFE 2022, EuroCham Việt Nam và đơn vị tổ chức triển lãm Reed Tradex Việt Nam đã ký biên bản ghi nhớ, trong đó hai bên nhất trí hợp tác trong quá trình xây dựng và lập kế hoạch GEFE 2022 cũng như những lần tổ chức chuỗi sự kiện này trong các năm tiếp theo.
Chia sẻ tại cuộc họp báo, ông Alain Cany cho rằng, Việt Nam là quốc gia chịu tổn thương nhất về biến đổi khí hậu. Tại hội nghị COP 26, Việt Nam cam kết tiến tới trung hoà carbon vào năm 2030.
Tuy nhiên, lãnh đạo Việt Nam từng cho rằng, Việt Nam không đạt được mục tiêu này một mình mà rất cần hỗ trợ từ các nước về công nghệ, tài chính… Vì thế, nội dung này sẽ được thảo luận tại Diễn đàn sắp tới.
“Châu Âu đã chuyển dịch sang nền kinh tế xanh từ 20 năm trước, nên chúng tôi có nhiều kinh nghiệm trong chuyển đổi xanh, có thể đóng góp cho Việt Nam trong lộ trình cam go đầy thử thách này”, ông Alain Cany nhấn mạnh.
Ông Weert Boerner, Đại sứ quán Đức tại Việt Nam cũng nhấn mạnh, nước thải đô thị đang là vấn đề của Việt Nam. Mới chỉ có 15% nước thải tại Việt Nam được xử lý. Các nước thành viên EU có kinh nghiệm trong chuyển dịch kinh tế xanh, phát triển kinh tế không làm tổn hại môi trường… sẽ hỗ trợ nền công nghiệp Việt Nam phát triển theo hướng sản xuất sạch hơn như trong lĩnh vực xi măng, tiết kiệm năng lượng, tiết kiệm nước…
“Để tiến tới xanh hơn, chúng tôi đã thấy Việt Nam có cam kết, tuyên bố mục tiêu rõ ràng trong COP 26. Đặc biệt, cộng đồng doanh nghiệp Việt Nam đã có tầm nhìn về tăng trưởng xanh, tiến tới giảm phát thải như VinGroup sản xuất xe điện thân thiện với môi trường… Như vậy, áp lực sản xuất xanh hoá cần từ Chính phủ tới doanh nghiệp và Việt Nam cần xanh hoá hơn ở mọi phương diện”, ông Weert Boerner nêu quan điểm. Sàn chứng khoán Việt Nam cũng hướng tới xanh, toà nhà xanh, ngân hàng xanh… tất cả đang nỗ lực tiến tới mục tiêu xanh.
Đại diện Tiểu ban tăng trưởng xanh (GGSC) của EuroCham cũng nhìn nhận, biến đổi khí hậu là vấn đề cả thế giới đối mặt. Việt Nam là 1 trong 5 quốc gia chịu ảnh hưởng nặng nề vì thế cần hành động. 1m nước biển tăng lên đã bị ảnh hưởng nặng, nếu 3m nước biển dâng thì thảm hoạ chừng nào. “Chúng tôi muốn đóng góp vào vấn đề này nhằm hỗ trợ Việt Nam đạt được mục tiêu cam kết trong COP 26”, vị đại diện (GGSC) cho hay.
Làm sao để Việt Nam có lợi ích về tài chính mà không ảnh hưởng tới môi trường, làm sao giảm thiểu được carbon, metan như mục tiêu đặt ra… Việt Nam là nước nông nghiệp, GGSC muốn hỗ trợ Việt Nam tiến tới trung hoà carbon và giảm phát thải khí metan trong hoạt động chăn nuôi….
Nước thải chăn nuôi cũng gây ảnh hưởng xấu cho môi trường. Hiện nay GGSC có chương trình được triển khai trên toàn cầu về thức ăn có trách nhiệm làm trung hoà carbon, giảm phát thải khí metan trong hoạt động chăn nuôi gia súc.
Như vậy, để có thực phẩm vừa sạch, vừa xanh… điều này phụ thuộc vào những nhà chăn nuôi Việt Nam. Đây cũng là cách thức giúp ngành nông nghiệp đầy tiềm năng của Việt Nam đạt được mục xuất khẩu xanh trên toàn thế giới. Các mô hình xanh sẽ được nhân rộng từ những công riêng lẻ.