Giảm nghèo bền vững: Cần giảm cho không, tăng cho vay ưu đãi

Quang Trung
Chia sẻ

"Nhà nước chỉ hỗ trợ về cơ chế, chính sách và nguồn lực và hướng dẫn, còn bản thân người nghèo, hộ nghèo phải cố gắng vươn lên"...

Đại biểu Nguyễn Thị Mai Hoa (đoàn Đồng Tháp) - Ảnh: Quochoi.vn
Đại biểu Nguyễn Thị Mai Hoa (đoàn Đồng Tháp) - Ảnh: Quochoi.vn

Thảo luận ở hội trường về chủ trương đầu tư Chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững giai đoạn 2021-2025, nhiều đại biểu Quốc hội đánh giá, bên cạnh những kết quả tích cực, vẫn còn nhiều tồn tại, hạn chế.

Một số hạn chế được các đại biểu chỉ ra như giảm nghèo nhanh nhưng chưa bền vững, tỷ lệ hộ nghèo trong vùng đồng bào bào dân tộc thiểu số còn cao, thu nhập bình quân đầu người thấp, một bộ phận các hộ thoát nghèo nhưng nguy cơ tái nghèo cao...

Trên cơ sở đó, các đại biểu đưa ra nhiều kiến nghị, giải pháp để chương trình phát huy được hiệu quả, góp phần tích cực cho phát triển kinh tế, đảm bảo tiến bộ công bằng xã hội, đảm bảo chủ trương "không để ai bị bỏ lại phía sau".

GIẢM CHO KHÔNG, TẠO ĐỘNG LỰC ĐỂ NGƯỜI NGHÈO VƯƠN LÊN

Theo đại biểu Nguyễn Thị Mai Hoa (Đồng Tháp), để giảm nghèo đi vào thực chất, Chính phủ cần thay đổi trong tư duy tiếp cận, chuyển người nghèo, hộ nghèo "từ đối tượng sang chủ thể", quan tâm đến kinh tế nhóm hộ, coi đây là đòn bẩy để giảm nghèo.

"Cần đổi mới trong tư duy về chủ trương giảm nghèo theo hướng giảm cho không, tăng cho vay ưu đãi. Nhà nước chỉ hỗ trợ về cơ chế, chính sách và nguồn lực và hướng dẫn, còn bản thân người nghèo, hộ nghèo phải cố gắng vươn lên. Các chính sách giảm nghèo phải làm sao khơi dậy được khát vọng và tạo ra động lực để cho người nghèo mong muốn thoát nghèo", đại biểu đoàn Đồng Tháp nhấn mạnh. 

Trong thiết kế chính sách, đại biểu kiến nghị quan tâm đồng đều tới hộ cận nghèo và mới thoát nghèo bởi nhóm này nằm trong ranh giới mong manh, có thể trở thành hộ nghèo bất cứ lúc nào, như chỉ cần một tác động nhỏ trong đại dịch Covid. 

Tiếp tục nhấn mạnh quan điểm cần đổi mới trong quan điểm xây dựng chính sách giảm nghèo, đại biểu Nguyễn Thị Mai Hoa cho rằng cần đẩy mạnh đầu tư cho con người.

Theo bà, trước đây, chủ trương giảm nghèo thường tập trung vào đầu tư cơ sở hạ tầng trước, coi đó là nền tảng để thực hiện chương trình giảm nghèo và có tới 74% vốn của chương trình được đầu tư vào cơ sở hạ tầng.

"Tuy nhiên, theo tôi, hiệu quả công tác giảm nghèo không thể chỉ dựa vào chính sách đầu tư cơ sở hạ tầng. Điều quan trọng hơn và cốt lõi hơn là phải thiết kế được những chính sách mềm dựa trên nhu cầu của người dân và phải tập trung thay đổi chủ thể là người dân, trong đó là đầu tư cho sức khỏe, giáo dục, đào tạo nghề và sinh kế cho người dân, đặc biệt là sinh kế tại chỗ", đại biểu nhấn mạnh.

TẠO SINH KẾ CHO NGƯỜI DÂN, TRÁNH TƯ TƯỞNG Ỷ LẠI, TRÔNG CHỜ CHÍNH SÁCH

Đồng quan điểm với đại biểu Nguyễn Thị Mai Hoa, đại biểu Nguyễn Thị Thu Dung (Thái Bình) cho rằng để công tác giảm nghèo hiệu quả và bền vững hơn, cần chú trọng đào tạo nghề để giúp người nghèo có kỹ năng lao động, tự tạo sinh kế, như vậy mới có thể thoát nghèo bền vững.

Đại biểu Nguyễn Thị Thu Dung thảo luận tại phiên họp - Ảnh: Quochoi.vn
Đại biểu Nguyễn Thị Thu Dung thảo luận tại phiên họp - Ảnh: Quochoi.vn

Đại biểu kiến nghị Chính phủ chỉ đạo, rà soát, bố trí vốn đầu tư cho các trường nghề chất lượng cao, tạo điều kiện chính sách thông thoáng cho các trường nghề ngoài công lập hoạt động chứ không chỉ tập trung cho ba trung tâm quốc gia của Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội. 

Cũng nhấn mạnh việc cần "cho cần câu chứ không cho con cá", đại biểu Nguyễn Thị Minh Trang (Vĩnh Long) cho rằng, do nguồn lực ngân sách có hạn, cần tiếp tục rà soát và bãi bỏ các chính sách hỗ trợ mang tính bao cấp, làm nảy sinh tư tưởng ỷ lại, trông chờ, so bì chính sách, khơi dậy ý thức chủ động vượt khó vươn lên thoát nghèo của người dân.

Vấn đề này cũng được đại biểu Triệu Thị Huyền (Yên Bái), nêu ra tại phiên thảo luận. 

"Trong việc thiết kế chính sách giảm nghèo, cần cân đối hợp lý giữa các chính sách hỗ trợ có điều kiện và hỗ trợ cho không; giữa hỗ trợ trực tiếp và hỗ trợ gián tiếp, mở rộng đối tượng thụ hưởng chính sách đối với hộ cận nghèo, hộ mới thoát nghèo nhằm đảm bảo thoát nghèo bền vững", đại biểu Triệu Thị Huyền nhấn mạnh.

Quan tâm tới vấn đề nguồn lực thực hiện chương trình, đại biểu Trần Quang Minh (Quảng Bình) đề nghị Chính phủ cân đối bố trí kinh phí hợp lý giữa các đề án và tiểu đề án.

Đại biểu Trần Quang Minh  phát biểu tại phiên họp - Ảnh: Quochoi.vn
Đại biểu Trần Quang Minh  phát biểu tại phiên họp - Ảnh: Quochoi.vn

Theo đại biểu, công tác đào tạo nghề cho lao động nông thôn chưa thực sự hiệu quả và còn nhiều vấn đề cần xem lại, đặc biệt là hiệu quả tạo việc làm và thu nhập ổn định sau quá trình đào tạo nên đã gây ra không ít lãng phí.

Đại biểu Trần Quang Minh cũng đề nghị điều chỉnh hợp lý bộ công cụ rà soát hộ nghèo theo chương trình trước đây, bên cạnh đó cần xem xét hỗ trợ những người thuộc nhóm được hưởng bảo trợ xã hội phù hợp với hoàn cảnh thực tế vì đa số không còn sức lao động, tránh lãnh phí giảm ý nghĩa của chương trình.

Tại phiên họp, một số ý kiến đại biểu cũng cho rằng, cần tính toán phương án huy động nguồn lực, trong đó cần huy động xã hội hóa để thực hiện nhiệm vụ giảm nghèo bền vững. Ngoài ra, cũng cần quan tâm đầu tư về hạ tầng giao thông, điện để các hộ nghèo vươn lên, giảm nghèo bền vững, chứ không chỉ dừng lại ở hỗ trợ sinh kế...

Giải trình, làm rõ thêm các vấn đề đại biểu Quốc hội nêu tại phiên thảo luận,  Bộ trưởng Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội Đào Ngọc Dung cho biết thời gian qua, chương trình giảm nghèo quốc gia đã được điều chỉnh 6 lần về tiêu chí.

"Hiện chúng ta đang áp dụng chuẩn nghèo đa chiều, là một trong 30 quốc gia trên thế giới và là nước đầu tiên ở châu Á áp dụng với phương châm 'không để ai bị bỏ lại phía sau'. Chúng ta đã đi từ ngân sách nhà nước đảm bảo hoàn toàn, sang Nhà nước chỉ giữ vai trò chủ đạo, dẫn dắt, người dân và hộ nghèo là chủ thể. Đây là bước đi rất dài về tư duy nhận thức, về hành động của Việt Nam chúng ta trong công cuộc chống đói nghèo", Bộ trưởng nhấn mạnh. 

ộ trưởng Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội Đào Ngọc Dung giải trình, làm rõ một số vấn đề các đại biểu Quốc hội quan tâm - Ảnh: Quochoi.vn
ộ trưởng Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội Đào Ngọc Dung giải trình, làm rõ một số vấn đề các đại biểu Quốc hội quan tâm - Ảnh: Quochoi.vn

Bộ trưởng Đào Ngọc Dung cho biết, giai đoạn 2021-2025,  Việt Nam tập trung vào giảm nghèo đa chiều, nhưng thực chất và bền vững. Theo tiêu chí mới, tỷ lệ hộ nghèo và cận nghèo ở đầu kỳ sẽ tăng rất cao. Do đó, nhiều chương trình như tái định cư, xóa nhà tạm, chống suy dinh dưỡng trẻ em... đòi hỏi phải có nguồn lực đầu tư lớn.

"Giai đoạn 2021-2025, cần đầu tư thỏa đáng để mức sống của người dân tăng dần, gắn với mục tiêu phát triển bao trùm, bền vững và tăng khả năng tiếp cận dịch vụ xã hội cơ bản của người dân", Bộ trưởng nêu rõ. 

Bộ trưởng Đào Ngọc Dung cam kết: Tiếp thu ý kiến của đại biểu, Chính phủ sẽ chỉ đạo các chương trình, đề xuất tiêu chí xác định cụ thể đối tượng, địa bàn, nội dung hỗ trợ; xây dựng báo cáo nghiên cứu báo cáo khả thi, nhằm hạn chế cao nhất sự trùng lặp, giao thoa; đồng thời đề xuất các cơ chế lồng ghép, tích hợp các nguồn lực nhằm đem lại hiệu quả cao nhất trong đầu tư.

 
Kế hoạch giai đoạn 2021-2025 dự kiến thực hiện 3 chương trình mục tiêu quốc gia, trong đó Chương trình mục tiêu quốc gia Phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi giai đoạn 2021 – 2030 đã được Quốc hội khóa XIV phê duyệt. Tại Kỳ họp này, Quốc hội xem xét chủ trương đầu tư Chương trình mục tiêu quốc gia Giảm nghèo bền vững Xây dựng nông thôn mới giai đoạn 2021-2025.

Tin liên quan

Khởi nghiệp

Hồ sơ Startup

Citigo là công ty công nghệ cung cấp những giải pháp đơn giản với chi phí tiết kiệm, giúp khách hàng nâng cao hiệu quả kinh doanh. Citigo hướng tới tầm nhìn trở thành công ty cung cấp giải pháp công nghệ cho doanh nghiệp phổ biến tại Đông Nam Á
ESBT là công ty hoạt động trọng lĩnh vực công nghệ thông tin, chúng tôi xây dựng những sản phẩm phần mềm cho cộng đồng và cung cấp dịch vụ phát triển phần mềm cho các doanh nghiệp
Lozi là một trong những ứng dụng thương mại điện tử được yêu thích nhất tại Việt Nam, kết nối hàng triệu người mua và người bán nhằm phục vụ nhu cầu mua bán trực tuyến ngày càng cao. Không chỉ là một cầu nối thương mại điện tử đáng tin cậy, Lozi còn cung cấp dịch vụ giao hàng nhanh chóng và tiện lợi chỉ trong 1 giờ, đem đến cho khách hàng những trải nghiệm mua sắm trực tuyến hiệu quả và tối ưu
Bắt nguồn từ mong muốn mang chất lượng dạy Tiếng Anh tại Trường Quốc tế đến với mọi học sinh Việt Nam, để các bạn nhỏ dù không có điều kiện kinh tế theo học tại các Trường Quốc Tế hay Trung Tâm đắt tiền vẫn có thể sử dụng Tiếng Anh tốt như người bản ngữ. Đây chính là hành trang chuẩn bị cho các em tương lai vươn ra thế giới. Chính vì lý do trên, đội ngũ sáng lập đã bắt tay vào xây dựng sản phẩm đầu tiên có tên “Chương trình học Tiếng Anh Online EDUPIA”.
Công ty TNHH SA-ACH định vị về lĩnh vững trồng rừng, phát triển gồm 3 loại cây và bốn tầng cây trên một hecta đất nhằm tạo hệ sinh thái bền vững, và nâng cao thu nhập cho bà con