Khẩn trương tiêm vaccine phòng, chống dịch sởi tại địa phương có nguy cơ cao
Hiện 18 tỉnh, thành phố thuộc phạm vi triển khai chiến dịch tiêm chủng vaccine phòng, chống dịch sởi năm 2024 đang xây dựng kế hoạch, chuẩn bị sẵn sàng công tác tiêm chủng...
Cục Y tế dự phòng (Bộ Y tế) vừa đề nghị các địa phương tiếp tục tăng cường triển khai tiêm vaccine phòng, chống dịch sởi, nhằm kiểm soát và ngăn chặn sự lây lan của bệnh sởi, đặc biệt trong bối cảnh dịch bệnh có nguy cơ bùng phát tại nhiều địa phương.
Trước đó, ngày 22/8/2024, Bộ Y tế ban hành Quyết định số 2495/QĐ-BYT về Kế hoạch triển khai chiến dịch tiêm chủng vaccine phòng, chống dịch sởi năm 2024.
Ngày 13/9, Bộ này tiếp tục ban hành Quyết định số 2717/QĐ-BYT phê duyệt tiếp nhận vaccine sởi-rubella triển khai chiến dịch tiêm chủng phòng chống dịch sởi năm 2024 do Tổ chức Y tế thế giới (WHO) viện trợ.
Ngay sau đó, ngày 19/9, Viện Pasteur TP. HCM đã triển khai tập huấn về hướng dẫn triển khai Kế hoạch cho 20 tỉnh, thành phố khu vực phía Nam. Các tỉnh, thành phố khu vực dự kiến tổ chức tiêm từ tháng 10-11/2024.
Ngày 25/9, Viện Vệ sinh dịch tễ Trung ương tập huấn cho 7 tỉnh, thành phố. Các tỉnh, thành phố khu vực dự kiến tổ chức tiêm từ tháng 10-11/2024. Viện Vệ sinh dịch tễ Tây Nguyên đang hướng dẫn các tỉnh, thành phố khu vực Tây Nguyên xây dựng kế hoạch.
Để tiếp tục nâng cao hiệu quả chiến dịch, Cục Y tế dự phòng đề nghị các Viện Vệ sinh dịch tễ, Viện Pasteur và Sở Y tế các tỉnh, thành phố khẩn trương xây dựng kế hoạch và tổ chức ngay chiến dịch tiêm vaccine phòng sởi, nhằm giảm thiểu tối đa nguy cơ lây lan, bùng phát dịch và đảm bảo an toàn, hiệu quả.
Trong đó, các Viện Vệ sinh dịch tễ, Viện Pasteur khẩn trương hướng dẫn, kiểm tra, giám sát, đôn đốc các tỉnh, thành phố xây dựng và triển khai kế hoạch, tổng hợp tình hình thực hiện và báo cáo kết quả thường xuyên về Cục.
Sở Y tế các tỉnh, thành phố thuộc phạm vi triển khai tiêm chủng, và được phân bổ vaccine bổ sung, khẩn trương xây dựng kế hoạch; tổ chức ngay chiến dịch tiêm vaccine phòng, chống dịch sởi.
Đối với Sở Y tế các tỉnh, thành phố chưa thuộc phạm vi triển khai, tiếp tục phối hợp với các Viện Vệ sinh dịch tễ, Viện Pasteur thực hiện đánh giá nguy cơ, rà soát đối tượng, đề xuất triển khai chiến dịch tiêm chủng vaccine phòng, chống dịch sởi trong trường hợp cần thiết.
Về tình hình triển khai kế hoạch tiêm chủng tại các địa phương, Cục Y tế dự phòng cho biết tính đến nay, 18 tỉnh, thành phố thuộc phạm vi triển khai theo Quyết định số 2495/QĐ-BYT của Bộ Y tế đang xây dựng kế hoạch, chuẩn bị sẵn sàng công tác tiêm chủng vaccine phòng dịch bệnh sởi.
Theo kế hoạch, 18 địa phương này gồm: TP. Hà Nội, Hà Giang, Hải Dương, Nam Định, Hà Tĩnh, Nghệ An, Gia Lai, TP. HCM, Đồng Nai, Long An, Tây Ninh, Sóc Trăng, Bến Tre, Trà Vinh, Đồng Tháp, Bình Dương, Bình Phước, và Kiên Giang.
Tại TP. HCM, Sở Y tế tổ chức tiêm 1 mũi vaccine sởi-rubella cho các đối tượng nguy cơ (trẻ 1- 5 tuổi, nhân viên y tế, cơ sở bảo trợ, giáo dưỡng…nhân viên y tế), triển khai tại 100% trạm y tế phường, xã, thị trấn thuộc 22 quận, huyện, và thành phố Thủ Đức.
Tại Nam Định, Sở Y tế đã ban hành kế hoạch tiêm chủng với mục tiêu 95% trẻ em từ 1-5 tuổi trên địa bàn tỉnh chưa được tiêm đủ mũi vaccine có thành phần sởi theo lịch tiêm chủng của Bộ Y tế trong chương trình Tiêm chủng mở rộng, được tiêm bổ sung 1 mũi vaccine sởi-rubella (MR).
Vaccine cũng được tiêm cho nhân viên y tế có nguy cơ tại các cơ sở khám bệnh, chữa bệnh điều trị bệnh nhân sởi, chưa được tiêm đủ mũi vaccine chứa thành phần sởi theo quy định. Thời gian triển khai tiêm chủng từ ngày 14/10 đến 19/10/2024.
Tại Đồng Nai, chiều 24/9, Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh đã tổ chức hội nghị trực tuyến toàn tỉnh tập huấn triển khai chiến dịch tiêm chủng vaccine phòng, chống dịch sởi. Đồng thời, phổ biến Thông tư số 10 của Bộ Y tế ban hành danh mục bệnh truyền nhiễm, đối tượng và phạm vi phải sử dụng vaccine, sinh phẩm y tế bắt buộc.
Dự kiến thời gian triển khai chiến dịch tiêm chủng kéo dài từ tháng 9 đến 18/10/2024. Đối tượng tiêm chủng là trẻ từ 1-10 tuổi tại vùng nguy cơ; ưu tiên tiêm trước cho nhóm đối tượng 1-5 tuổi; nhân viên y tế có nguy cơ tại các cơ sở khám bệnh, chữa bệnh điều trị bệnh nhân sởi chưa được tiêm đủ mũi vaccine chứa thành phần sởi theo quy định.