Lập 4 công ty, "làm đẹp" hồ sơ để chiếm đoạt hơn 360 tỷ đồng

Đỗ Mến
Chia sẻ

TAND Cấp cao tại Hà Nội vừa đưa ra xét xử phúc thẩm vụ án Nguyễn Anh Quang (cựu giám đốc Công ty TNHH Đầu tư Minh Quang) lừa đảo hơn 360 tỷ đồng của nhà băng...

Ảnh minh họa.
Ảnh minh họa.

Theo bản án sơ thẩm, Quang là giám đốc Công ty Minh Quang, đồng thời điều hành ba pháp nhân khác là Công ty cổ phần đầu tư dầu khí và khoáng sản quốc tế PASC, Công ty cổ phần đầu tư dầu khí Việt và Công ty cổ phần đầu tư vận tải dầu khí Việt. Ba công ty trên đều có cùng trụ sở tại số 9, phường Trung Hòa, Cầu giấy, Hà Nội.

Tại các pháp nhân trên, Quang thuê Lê Sỹ Dũng (SN 1981), Nguyễn Văn Trọng (SN 1981) và Trần Văn Biển (SN 1980) làm giám đốc.

Quang đã sử dụng các pháp nhân trên và chỉ đạo Dũng, Biển và Trọng ký các hợp đồng, chứng từ mua bán hàng hóa khống là khí gas hóa lỏng lòng vòng. Mục đính chính để lập hồ sơ chứng minh mục đích sử dụng vốn và hồ sơ tài sản đảm bảo hình thành từ vốn vay để ký hợp đồng tín dụng với ngân hàng. Sau khi được giải ngân, Quang sử dụng tiền vay không đúng mục đích như chuyển tiền lòng vòng qua các công ty, trả các khoản vay trước hoặc rút tiền mặt, chiếm đoạt hàng trăm tỷ đồng của ngân hàng.

CHIÊU THỨC CHIẾM ĐOẠT HÀNG TRĂM TỶ ĐỒNG

Theo đó, từ năm 2007-2010, Công ty Minh Quang đã ký 4 hợp đồng tín dụng với Ngân hàng S. để vay vốn ngắn hạn. Mục đích vay để kinh donah sắt thép, kim loại màu, khí gas hóa lỏng. Trong những lần nhận nợ đầu tiên, công ty thanh toán tiền cho khách hàng, mua hàng hóa và trả nợ đầy đủ. Từ khoản ngày 15/4/2009 với số tiền 30 tỷ đồng, công ty sử dụng tiền để tất toán khoản vay cũ. Các khoản vay sau đó công ty chủ yếu dùng để đảo nợ.

Cơ quan tố tụng xác định có 4 khoản vay còn dư nợ, trong đó Nguyễn Anh Quang đã sử dụng các hợp đồng khống ký với Công dầu khí Việt, Công ty PASC, Công ty vận tải dầu khí Việt. Tại các khoản vay này, tài sản đảm bảo không đúng như hồ sơ thế chấp như không có hàng tồn kho, hàng hình thành từ vốn vay là khí gas…

Kết quả xác minh thể hiện, tài sản đảm bảo cho các khoản vay của Công ty Minh Quang gồm 9.128 tấn khí gas hóa lỏng hình thành từ vốn vay được định giá là 256,1 tỷ đồng.

Khi kiểm tra kho gas Minh Quang (Khu công nghiệp Đình Vũ - Hải Phòng) ngày 24/1/2014 thì lượng khí còn tồn trong 3 bồn không đủ áp suất để hóa lỏng, chỉ để bảo dưỡng, duy trì hoạt động của hệ thống bồn và đường ống. Cơ quan chức năng xác định đây không phải là hàng hóa. Bản thân Quang thừa nhận không có hàng hóa mua bán thật, chỉ lập hồ sơ để hợp thức việc vay vốn và đảo nợ.

Ngoài ra, Nguyễn Anh Quang còn chỉ đạo các giám đốc “hờ” là Nguyễn Văn Trọng, Trần Văn Biển, Lê Sỹ Dũng lập các hợp đồng khống, sử dụng các pháp nhân này để vay vốn ngân hàng.

Tại Công ty vận tải dầu khí Việt, Nguyễn Văn Trọng đã vay vốn ngân hàng hơn 21,2 tỷ đồng và hơn 1,2 triệu USD. Tài sản đảm bảo gồm 5.727,83 tấn khí gas hóa lỏng, được định giá là 99,3 tỷ đồng. Nhưng khi xác minh thì tài sản trên là không có thật. Sau đó, Công ty Minh Quang ký hợp đồng bảo lãnh, thế chấp Nhà máy sản xuất vỏ bình LPG (GAS) để đảm bảo cho khoản vay trên. Tuy nhiên, Công ty Minh Quang chưa hoàn tất thủ tục thế chấp cho ngân hàng theo đúng quy định (chưa công chứng và đăng ký giao dịch đảm bảo).

Công ty Minh Quang thừa nhận, Công ty cổ phần đầu tư PSP (đơn vị đầu tư nhà máy) đang nắm giữ hồ sơ gốc. Công ty Minh Quang vẫn còn nợ Công ty PSP hơn 15,2 tỷ đồng, nợ tiền thuê đất, nợ các đơn vị xây dựng. Do đó, ngân hàng xác định việc dùng nhà máy thế chấp là không đủ điều kiện pháp lý và không khả thi.

Tương tự, dư nợ tại Công ty dầu khí Việt là hơn 27,5 tỷ đồng, Công ty PASC là hơn 22,3 tỷ đồng.

Bên cạnh đó, Nguyễn Anh Quang còn lợi dụng mối quan hệ vợ chồng, sử dụng pháp nhân là Công ty TNHH Amante Việt Nam do vợ Quang làm giám đốc để thực hiện việc gian dối, chiếm đoạt tiền ngân hàng.

Cơ quan tố tụng xác định, Nguyễn Anh Quang và đồng phạm chiếm đoạt số tiền hơn 250 tỷ đồng và 1,2 triệu USD của ngân hàng. Với thủ đoạn tương tự, các bị cáo chiếm đoạt số tiền hơn 82,1 tỷ đồng của VIB. Tổng số tiền chiếm đoạt của các ngân hàng là hơn 360 tỷ đồng.

Quá trình tố tụng, năm 2016, ngân hàng này đã bán nợ cho Công ty TNHH mua bán nợ Việt Nam – DATC với giá 170 tỷ đồng. Ngân hàng đã nhận đủ tiền bán nợ và bàn giao hồ sơ, tài liệu liên quan. Hiện nhóm Công ty Minh Quang không còn dư nợ tại ngân hàng này. Do đó xác định các bị cáo đã bồi thường xong cho ngân hàng.

CHIẾM ĐOẠT HƠN 16 TỶ ĐỒNG TIỀN HOÀN THUẾ

Theo bản án sơ thẩm, giám đốc Công ty Minh Quang còn thực hiện hành vi chiếm đoạt số tiền hơn 16,3 tỷ đồng tiền hoàn thuế giá trị gia tăng.

Cụ thể, từ ngày 1/4/2011 đến ngày 4/6/2012, Quang đã chỉ đạo nhân Công ty Minh Quang làm thủ tục xin hoàn thuế 3 lần với tổng số tiền hơn 25,6 tỷ đồng.

Qua tài liệu do cơ quan thuế các địa phương cung cấp, có nhiều doanh nghiệp phát hành hóa đơn cho Công ty Minh Quang và các doanh nghiệp của Quang đã bỏ trốn khỏi địa chỉ đăng ký kinh doanh, chưa hoàn thành nghĩa vụ thuế với Nhà nước. Một số doanh nghiệp còn hoạt động khi làm việc với Cơ quan Cảnh sát điều tra Bộ Công an thì cho biết việc mua bán hàng hóa chỉ là hình thức, không có giao nhận hàng hóa thực tế mà chỉ phát hành hóa đơn cho nhau, làm cơ sở để chuyển tiền và “làm đẹp hồ sơ” về doanh thu của Công ty mình.

Ngoài ra, những doanh nghiệp có số lượng hóa đơn bán ra, mua vào mặt hàng khí gas hóa lỏng LGP với Công ty Minh Quang rất lớn như Công ty dầu khí Việt phát hành 30 hóa đơn giá trị gia tăng giá trị hơn 66 7 tỷ đồng, Công ty PASC là 116 hóa đơn, giá trị hơn 1.524 tỷ đồng…

Nguyễn Anh Quang đã thừa nhận các giao dịch mua bán hàng hóa không có thật, chỉ là để làm đẹp hồ sơ hoặc dùng để vay vốn ngân hàng.

Kết quả giám định của cơ quan thuế theo Quyết định trưng cầu giám định số 01/C46(P10) của Cơ quan Cơ quan Cảnh sát điều tra Bộ Công an xác định, trong 3 lần hoàn thuế, Công ty Minh Quang đã sử dụng 26 số hóa đơn giá trị gia tăng khống, bất hợp pháp để khẩu trừ hoàn thuế giá trị gia tăng với tổng số tiền hơn 16,3 tỷ đồng.

Tòa sơ thẩm xử phạt Quang mức án 19 năm tù, Dũng 13 năm tù, Biển 10 năm tù, Trọng 17 năm tù. Sau đó, các bị cáo kháng cáo xin giảm nhẹ hình phạt. Tuy nhiên, phiên tòa phúc thẩm mới đây bị tạm hoãn do bị cáo Quang đang phải điều trị sức khỏe do ghép tạng.

Tin liên quan

Khởi nghiệp

Hồ sơ Startup

Citigo là công ty công nghệ cung cấp những giải pháp đơn giản với chi phí tiết kiệm, giúp khách hàng nâng cao hiệu quả kinh doanh. Citigo hướng tới tầm nhìn trở thành công ty cung cấp giải pháp công nghệ cho doanh nghiệp phổ biến tại Đông Nam Á
ESBT là công ty hoạt động trọng lĩnh vực công nghệ thông tin, chúng tôi xây dựng những sản phẩm phần mềm cho cộng đồng và cung cấp dịch vụ phát triển phần mềm cho các doanh nghiệp
Lozi là một trong những ứng dụng thương mại điện tử được yêu thích nhất tại Việt Nam, kết nối hàng triệu người mua và người bán nhằm phục vụ nhu cầu mua bán trực tuyến ngày càng cao. Không chỉ là một cầu nối thương mại điện tử đáng tin cậy, Lozi còn cung cấp dịch vụ giao hàng nhanh chóng và tiện lợi chỉ trong 1 giờ, đem đến cho khách hàng những trải nghiệm mua sắm trực tuyến hiệu quả và tối ưu
Bắt nguồn từ mong muốn mang chất lượng dạy Tiếng Anh tại Trường Quốc tế đến với mọi học sinh Việt Nam, để các bạn nhỏ dù không có điều kiện kinh tế theo học tại các Trường Quốc Tế hay Trung Tâm đắt tiền vẫn có thể sử dụng Tiếng Anh tốt như người bản ngữ. Đây chính là hành trang chuẩn bị cho các em tương lai vươn ra thế giới. Chính vì lý do trên, đội ngũ sáng lập đã bắt tay vào xây dựng sản phẩm đầu tiên có tên “Chương trình học Tiếng Anh Online EDUPIA”.
Công ty TNHH SA-ACH định vị về lĩnh vững trồng rừng, phát triển gồm 3 loại cây và bốn tầng cây trên một hecta đất nhằm tạo hệ sinh thái bền vững, và nâng cao thu nhập cho bà con