Louis Vuitton vẫn đặt hy vọng vào NFT
Thương hiệu tiếp tục mở rộng mối quan hệ với cộng đồng kỹ thuật số bằng một chiến lược Web3. Thương hiệu hàng đầu của tập đoàn LVMH sẽ mở ra một máy chủ Discord được thiết kế để tạo kết nối mạnh mẽ hơn với những người nắm giữ NFT...
Nền tảng Discord ra mắt năm 2015, được game thủ yêu thích và sử dụng để livestream. Tính đến năm 2022, nền tảng có 400 triệu người đăng ký và 150 triệu người dùng hàng tháng. Dịch vụ chat và video này ban đầu hướng đến game thủ, sau đó mở rộng sang các nhóm người dùng đa dạng hơn từ 2020 khi đại dịch bùng phát. Người dùng có thể tham gia kênh chat (gọi là máy chủ - server) được thiết lập công khai hoặc riêng tư về chủ đề khác nhau như âm nhạc, meme, tiền số.
LVMH cho biết máy chủ Louis Vuitton Discord, về cơ bản là một phòng trò chuyện chuyên dụng với nhiều chủ đề khác nhau, sẽ “sống động và tương tác”. Nó sẽ tập trung vào thực tế ảo, chơi game, Web3, thể thao điện tử và công nghệ cũng như các ngành nghề liên quan đến các chủ đề này. Kênh Discord mới sẽ đóng vai trò là nơi giới thiệu kiến thức chuyên môn của Louis Vuitton, giúp các thành viên có quyền truy cập vào nội dung độc quyền và là nơi để chia sẻ quan điểm của họ. Một số cuộc trò chuyện sẽ chỉ có thể truy cập được đối với những người nắm giữ NFT từ dự án Via NFT của thương hiệu.
Discord từng bị chỉ trích vì trải nghiệm người dùng và tính thẩm mỹ, nhưng những người ủng hộ nói rằng nền tảng này có giá trị vì quyền truy cập vào các cuộc trò chuyện có thể được kiểm soát bằng mã thông báo, nghĩa là chỉ những người sở hữu một số NFT nhất định mới có thể truy cập chúng. Nền tảng này cũng có lượng người dùng chủ yếu là game thủ - những người đã trở thành đối tượng cốt lõi của hàng hóa ảo và NFT của thương hiệu. Do đó, Discord đã trở thành nền tảng chính để các thương hiệu xa xỉ giao tiếp về các dự án Web3.
Matt Maher, người sáng lập M7 Innovations, chuyên tư vấn cho các thương hiệu cao cấp và theo dõi chặt chẽ các chiến lược thời trang Web3, cho biết: thời điểm Louis Vuitton xuất hiện trên Discord có thể được coi là bất ngờ. Bởi một số thương hiệu áp dụng sớm đã mở máy chủ Discord trong thời kỳ hoàng kim của NFT hơn một năm trước, bao gồm Gucci, Prada, Adidas và Diesel. Nhưng kể từ đó, các cuộc trò chuyện của những thương hiệu này trên nền tảng chỉ giới hạn ở các sự kiện và tin tức.
Hồi tháng 6, bộ sưu tập thực ảo song hành “Treasure Trunks” đánh dấu lần đầu tiên Louis Vuitton bán NFT. Bộ sưu tập là một phần của dự án “Via” của Louis Vuitton, tiếng Latin có nghĩa là con đường. Thương hiệu coi Via là một chương mới, mở rộng khả năng truy xuất nguồn gốc (như đã thấy trong bộ sưu tập LV Diamonds, sử dụng chuỗi khối Aura) và các NFT tập trung vào sự kiện nhằm nuôi dưỡng và trao thưởng cho cộng đồng những người nắm giữ NFT. Khoản đầu tư của Louis Vuitton vào Via, và bây giờ là Discord, cho thấy thương hiệu có ý định lần sân Web3 một cách lâu dài.
Theo Vogue Business, cách áp dụng NFT vào kinh doanh bây giờ của Louis Vuitton rất khác biệt so với thời ban đầu thử nghiệm. Thời NFT vừa dậy sóng trên thị trường, những thương hiệu thời trang xa xỉ tập trung vào khía cạnh game của công nghệ này. Hàng loạt thương hiệu, từ Louis Vuitton tới Burberry, Balenciaga và Gucci đều tung ra NFT như sản phẩm trong game. Trong số này, hầu như tất cả các thương hiệu đã dừng cuộc chơi với NFT ngoại trừ Gucci, thương hiệu vẫn đang miệt mài số hóa với môi trường trên Roblox hay Sandbox.
Tuy nhiên, ông Bernard Arnault, tổng giám đốc điều hành và chủ tịch tập đoàn LVMH cho rằng đây là hướng đi chưa đúng với tập đoàn. “Chắc chắn NFT sẽ rất hiệu quả nếu được áp dụng đúng. Nhưng chúng tôi không muốn bán một đôi giày ảo giá 10 Euro trên game”. Với Via Treasure Trunks, Louis Vuitton đã tìm ra giải pháp đúng đắn với công nghệ NFT mà không làm loãng giá trị thương hiệu với các token.
Theo đó, các NFT này do được định giá cố định, không thể chuyển giao (flip) nên sẽ không bị thay đổi giá thất thường và ngăn ngừa nguy cơ bị mất giá. Người sở hữu Via Treasure Trunks hoàn toàn do Louis Vuitton quyết định, do đó có thể duy trì vị thế độc quyền và hình ảnh xa hoa của thương hiệu.
Tuy nhiên, nhiều người xem NFT như một dạng tài sản đầu tư. Nếu Via Treasure Trunks của Louis Vuitton không thể bán lại, vậy nó chỉ là một tấm vé câu lạc bộ bình thường. Ngoài ra số lượng chủ sở hữu token này có hạn, và không phải họ lúc nào cũng muốn mua các sản phẩm độc quyền được giới thiệu cho câu lạc bộ này. Để giải quyết vấn đề trên, nhà mốt Pháp đã đưa ra giải pháp khác: Tuy chính token Via Treasure Trunks không thể chuyển giao, những sản phẩm độc quyền giới thiệu cho câu lạc bộ này có thể được hội viên bán lại.
Ví dụ như chiếc túi Speedy 40 Via màu cam mới nhất do giám đốc sáng tạo Pharrell Williams thực hiện. Sản phẩm vừa được giới thiệu như một NFT mà hội viên có thể mua để sở hữu phiên bản số hóa bây giờ, sau đó dùng token này để nhận chiếc túi thật khi nó lên kệ vào mùa Xuân năm 2024. Theo nguồn tin, đã có 21 hội viên mua NFT chiếc túi này, trong số đố một người đã rao giá bán lại với mức giá là 15 ETH (tương đương 28.000 USD). Như vậy, những nhà đầu tư khôn khéo có thể dùng cơ hội này để biến món đầu tư ban đầu thành một cơ hội kiếm lời khi bán ra những sản phẩm độc quyền, phiên bản giới hạn mà những người khác hiếm có cơ hội sở hữu.
Hiện trò chơi "Louis: The Game" của Louis Vuitton đã có hơn hai triệu lượt tải xuống và khả dụng trên cả Android và iOS. Game NFT của Louis Vuitton liên tục phát triển và mở rộng để thêm các tính năng mới thú vị như có NFT của người nổi tiếng và các địa điểm mới. Thương hiệu đang hướng tới tệp khách hàng mới và trẻ hơn bằng cách tiếp cận mới với thương hiệu đã có tên tuổi của mình. Và với những ứng dụng kỹ thuật số sáng tạo về phong cách mang tính biểu tượng của mình, Louis Vuitton đang làm rất tốt trong việc định hình cả nghệ thuật và cảnh chơi game NFT.