Mặc lệnh trừng phạt, Nga là nhà cung cấp dầu lớn nhất của Trung Quốc trong 2023

Bình Minh
Chia sẻ

Nga cung cấp khối lượng kỷ lục 107,02 triệu tấn dầu thô cho Trung Quốc trong năm 2023, tương đương 2,14 triệu thùng/ngày...

Một nhà máy lọc dầu ở Trung Quốc - Ảnh: Bloomberg.
Một nhà máy lọc dầu ở Trung Quốc - Ảnh: Bloomberg.

Nga đã vượt qua Saud Arabia để trở thành nước cung cấp dầu thô lớn nhất cho Trung Quốc trong năm 2023. Bất chấp các biện pháp trừng phạt mà phương Tây áp lên dầu Nga, Trung Quốc - nước nhập khẩu dầu thô lớn nhất thế giới - vẫn tranh thủ mua một lượng lớn dầu Nga với mức giá rẻ hơn thị trường.

Số liệu do Tổng cục Hải quan Trung Quốc công bố tuần vừa rồi cho thấy Nga cung cấp khối lượng kỷ lục 107,02 triệu tấn dầu thô cho Trung Quốc trong năm 2023, tương đương 2,14 triệu thùng/ngày. Con số này lớn hơn nhiều so với lượng dầu mà các nước xuất khẩu dầu lớn khác như Saudi Arabia hay Iraq cung cấp cho Trung Quốc.

Nhập khẩu dầu thô của Trung Quốc từ Saudi Arabia - quốc gia trước đây là nhà cung cấp dầu thô lớn nhất của Trung Quốc - giảm 1,8% trong năm 2023 so với năm trước, còn 85,96 triệu tấn. Do dầu Nga được bán với giá rẻ hơn, “gã khổng lồ” dầu lửa Vùng Vịnh đã để mất thị phần ở Trung Quốc.

Sau khi phương Tây áp các biện pháp trừng phạt kinh tế khắc nghiệt lên Nga liên quan tới cuộc chiến tranh ở Ukraine, nhiều khách hàng quốc tế đã từ bỏ việc mua dầu của Nga. Vì lý do này, cộng thêm trần giá mà phương Tây áp lên dầu Nga từ tháng 12/2022, dầu thô của Nga trong năm 2023 đã có những thời điểm được giao dịch với mức giá thấp hơn nhiều so với giá chuẩn của thị trường thế giới.

Sau đó, nhu cầu gia tăng của các nhà máy lọc dầu ở Trung Quốc và Ấn Độ đối với dầu giá rẻ của Nga đã đưa giá dầu thô ESPO của Nga dần phục hồi trở lại, vượt qua trần giá 60 USD/thùng mà nhóm 7 nước công nghiệp phát triẻn (G7) đưa ra đối với dầu Nga.

Ngoài trần giá, phương Tây còn đưa ra lệnh cấm cung cấp dịch vụ bảo hiểm cho các tàu chở dầu Nga. Tuy nhiên, khi các lựa chọn về vận tải và bảo hiểm cho dầu Nga ngày càng nở rộ, dầu Nga dễ dàng “lách” các hạn chế mà phương Tây áp đặt.

Theo nguồn tin là các nhà giao dịch dầu lửa, giá dầu thô ESPO giao tháng 12 chỉ chiết khẩu 0,2-0,5 USD/thùng so với giá dầu Brent giao sau tại thị trường London - giá tiêu chuẩn của thị trường dầu lửa toàn cầu. Trước đó, giá dầu ESPO giao tháng 10 thậm chí còn cao hơn 1 USD/thùng so với giá dầu Brent. Hồi đầu năm, giá dầu ESPO giao tháng 3 chiết khấu 8,5 USD/thùng so với giá dầu Brent.

Vào tháng 7, Saudi Arabia tăng giá bán dầu nhẹ Arab - loại dầu thô chủ lực của nước này. Động thái này đã khiến nhiều khách hàng của Saudi Arabia chuyển sang tìm kiếm các loại dầu có mức giá mềm hơn.

Để hỗ trợ giá dầu trong năm 2023, khi giá năng lượng này đương đầu với áp lực giảm từ lãi suất tăng cao trên toàn cầu, hai nước xuất khẩu dầu lửa lớn nhất thế giới là Saudi Arabia và Nga đã cùng nhau cắt giảm sản lượng khai thác và lượng xuất khẩu dầu. Cuối năm ngoái, Saudi Arabia đã gia hạn kế hoạch cắt giảm sản lượng tự nguyện 1 triệu thùng dầu/ngày cho tới hết quý 1/2024. Nga cũng gia tăng mức cắt giảm xuất khẩu dầu trong năm 2023 lên 500.000 thùng/ngày từ 300.000 thùng/ngày.

Theo hãng tin Reuters, các nhà máy lọc dầu Trung Quốc đã sử dụng các nhà giao dịch trung gian để giải quyết vấn đề vận chuyển và bảo hiểm dầu thô Nga, nhằm tránh các biện pháp trừng phạt của phương Tây. Ngoài ra, khách Trung Quốc cũng được cho là đưa dầu đi qua vùng biển Malaysia đối với các lô dầu nhập từ Iran và Venezuela để tránh vi phạm lệnh trừng phạt của phương Tây áp lên các nước này.

Theo thống kê chính thức của Trung Quốc, nước này không nhập lô dầu nào từ Venezuela trong tháng 12, cho dù Mỹ nới trừng phạt đối với Caracas vào tháng 10 sau khi chính quyền Tổng thống Nicolas Maduro đạt một thoả thuận với phe đối lập chính trị.

Cũng trong năm 2023, nhập khẩu dầu thô của Trung Quốc từ Mỹ tăng 81,1% bất chấp căng thẳng trong quan hệ Mỹ-Trung gia tăng, do sản lượng dầu thô của Mỹ tăng mạnh.

Tổng nhập khẩu dầu thô của Trung Quốc trong năm 2023 đạt kỷ lục 563,99 triệu tấn, tương đương 11,28 triệu thùng/ngày.

Tin liên quan

Khởi nghiệp

Hồ sơ Startup

Citigo là công ty công nghệ cung cấp những giải pháp đơn giản với chi phí tiết kiệm, giúp khách hàng nâng cao hiệu quả kinh doanh. Citigo hướng tới tầm nhìn trở thành công ty cung cấp giải pháp công nghệ cho doanh nghiệp phổ biến tại Đông Nam Á
ESBT là công ty hoạt động trọng lĩnh vực công nghệ thông tin, chúng tôi xây dựng những sản phẩm phần mềm cho cộng đồng và cung cấp dịch vụ phát triển phần mềm cho các doanh nghiệp
Lozi là một trong những ứng dụng thương mại điện tử được yêu thích nhất tại Việt Nam, kết nối hàng triệu người mua và người bán nhằm phục vụ nhu cầu mua bán trực tuyến ngày càng cao. Không chỉ là một cầu nối thương mại điện tử đáng tin cậy, Lozi còn cung cấp dịch vụ giao hàng nhanh chóng và tiện lợi chỉ trong 1 giờ, đem đến cho khách hàng những trải nghiệm mua sắm trực tuyến hiệu quả và tối ưu
Bắt nguồn từ mong muốn mang chất lượng dạy Tiếng Anh tại Trường Quốc tế đến với mọi học sinh Việt Nam, để các bạn nhỏ dù không có điều kiện kinh tế theo học tại các Trường Quốc Tế hay Trung Tâm đắt tiền vẫn có thể sử dụng Tiếng Anh tốt như người bản ngữ. Đây chính là hành trang chuẩn bị cho các em tương lai vươn ra thế giới. Chính vì lý do trên, đội ngũ sáng lập đã bắt tay vào xây dựng sản phẩm đầu tiên có tên “Chương trình học Tiếng Anh Online EDUPIA”.
Công ty TNHH SA-ACH định vị về lĩnh vững trồng rừng, phát triển gồm 3 loại cây và bốn tầng cây trên một hecta đất nhằm tạo hệ sinh thái bền vững, và nâng cao thu nhập cho bà con