Mùa khô năm nay sẽ hạn hán khốc liệt, đào 1.500 ao chống hạn cho người dân

Chu Khôi
Chia sẻ

Trước thực trạng El Nino xuất hiện, dự báo mùa khô năm nay ở Tây Nguyên và Trung Bộ sẽ đối mặt với tình trạng hạn hán khốc liệt…

Nông dân được hỗ trợ đào ao chống hạn.
Nông dân được hỗ trợ đào ao chống hạn.

Theo Viện Khoa học Khí tượng Thủy văn và Biến đổi khí hậu (Bộ Tài nguyên và Môi trường), từ nửa cuối năm nay, khí hậu đã đảo chiều từ La Nina sang El Nino, vì vậy dự báo mùa Đông và Xuân năm nay, Việt Nam có nhiệt độ cao hơn trung bình nhiều năm, lượng mưa thiếu hụt, gây ra nắng nóng, khô hạn và xâm nhập mặn.

DỰ BÁO HẠN HÁN NGHIÊM TRỌNG Ở TÂY NGUYÊN VÀ NAM TRUNG BỘ

Trong vòng 10 năm qua, Việt Nam đã từng xảy ra hai đợt hạn hán và xâm nhập mặn nghiêm trọng xảy ra trong thời kỳ El Nino mạnh là mùa khô 2015-2016 và 2019-2020. Dự báo hầu hết vùng miền trong cả nước nhiệt độ trung bình có xu thế cao hơn bình thường; nắng nóng có thể nhiều hơn và gay gắt hơn; khả năng xuất hiện nhiều kỷ lục. Khi El Nino xuất hiện, nắng nóng gia tăng trong mùa hè (thể hiện ở nhiệt độ tối cao hoặc số ngày nóng), giảm bớt cơ hội xảy ra các đợt rét đậm, rét hại kéo dài trong mùa đông.

 

"Tác động của El Nino đối với Việt Nam sẽ gia tăng vào các tháng cuối năm 2023 và đầu năm 2024. Mùa khô ở Tây Nguyên và Nam bộ khả năng khốc liệt hơn, hạn hán, xâm nhập mặn có thể diễn ra trên diện rộng vào thời kỳ này".

Theo Viện Khoa học Khí tượng Thủy văn và Biến đổi khí hậu.

Lượng mưa sẽ thiếu hụt trên đa phần diện tích cả nước với mức độ phổ biến 25-50%, thậm chí trong lịch sử Buôn Ma Thuột từng ghi nhận thiếu hụt 69%. Từ đó nguy cơ cao xảy ra khô hạn cục bộ hoặc diện rộng ở một số vùng như Bắc Trung Bộ, Nam Trung Bộ, Tây Nguyên và Nam Bộ. Hoạt động của bão, áp thấp nhiệt đới trên Biển Đông và ảnh hưởng đến Việt Nam có thể không nhiều, nhưng tập trung vào giữa mùa, tính chất dị thường hơn cả về cường độ và quỹ đạo.

Những năm El Nino cũng có thể xuất hiện bất thường về mưa lớn, rét hại ở một số vùng, chẳng hạn đợt El Nino 2015-2016 xảy ra mưa lớn kỷ lục ở Quảng Ninh ngày 25/7-4/8. Hay mùa đông 2015-2016, rét đậm, rét hại diện rộng ở miền Bắc, nhiệt độ thấp nhất ở Sa Pa xuống -4,2, Mẫu Sơn -4,4, Pha Đin -4,3 độ C. Băng tuyết xuất hiện ở cả những nơi lịch sử chưa hề có tuyết như Ba Vì (Hà Nội) và Kỳ Sơn (Nghệ An). Do vậy, những bất thường hay trái quy luật cùng là những nguy cơ do tác động của El Nino.

Theo kết quả dự báo hiện nay của các trung tâm lớn trên thế giới, El Nino có thể kéo dài đến đầu mùa xuân năm 2024 với xác suất khoảng 80%. Phân tích của Cơ quan Quản trị khí quyển và đại dương quốc gia (Mỹ), nhiệt độ mặt nước biển tại khu vực Nino 3.4 đạt cực đại có thể bắt đầu vào tháng 10/2023 đến tháng 2/2024, tức thời điểm El Nino đạt cường độ mạnh nhất.

ĐÀO AO CHỐNG HẠN CHO DÂN ĐỂ ỨNG PHÓ MÙA KHÔ

Mới đây, Chương trình Phát triển Liên Hợp Quốc phối hợp với Ban Quản lý Trung ương các dự án thủy lợi, Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn tổ chức bàn giao ao chống chịu biến đổi khí hậu cho người dân Đắk Lắk để kịp ứng phó mùa khô.

Đây là hoạt động trong khuôn khổ dự án "Tăng cường khả năng chống chịu của sản xuất nông nghiệp quy mô nhỏ trước tình trạng mất an ninh nguồn nước do biến đổi khí hậu ở khu vực Tây Nguyên và Duyên hải Nam Trung Bộ". Dự án do Quỹ Khí hậu Xanh tài trợ và được triển khai bởi Chương trình Phát triển Liên Hợp Quốc (UNDP), Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn cùng với UBND các tỉnh Đắk Lắk, Đắk Nông, Khánh Hòa, Ninh Thuận và Bình Thuận.

Ông Nguyễn Hoài Dương, Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Đăk Lăk, đánh giá cao tính thiết thực của dự án do tình trạng thiếu nước tại tỉnh đang có chiều hướng gia tăng, mặc dù chính quyền đã có nhiều giải pháp như xây mới, nâng cấp công trình thủy lợi.

Theo ông Dương, những tháng cao điểm mùa khô từ tháng 12 năm trước đến tháng 3 năm sau, Đắk Lắk luôn đối mặt với tình trạng thiếu hụt nguồn nước tưới cho cây trồng. Nhiều công trình thủy lợi, chủ yếu là hồ đập nhỏ rơi vào mực nước "chết", khiến hoạt động sản xuất nông nghiệp ở đây gặp rất nhiều khó khăn, bởi nguồn nước mặt hiện có chỉ đáp ứng khoảng 40% so với nhu cầu.

 

"Theo thống kê sơ bộ của ngành nông nghiệp Đắk Lắk, trong mùa khô năm 2023 đã có hơn 1.300 ha (lúa, cây trồng cạn) khô kiệt nước, dẫn đến khả năng mất trắng. Gần 160.000 ha (cà phê, sầu riêng, hồ tiêu, mắc ca và cây ăn trái) thiếu hụt nguồn nước tưới cho những đợt tiếp theo".

Ông Nguyễn Hoài Dương, Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Đăk Lăk.

Trước thực trạng hạn hán xảy ra ngày càng gay gắt và nghiêm trọng, giải pháp chống hạn luôn là yêu cầu cấp thiết. Dự án này đã và đang hỗ trợ thi công các ao chống chịu biến đổi khí hậu cho các hộ dân nghèo, cận nghèo, phụ nữ trụ cột dân tộc thiểu số. Tại tỉnh Đắk Lắk, đến tháng 10/2023, dự án đã triển khai xong 70 ao tại 2 huyện Krông Pắc và Ea Kar, gồm: huyện Krông Pắc (34 ao), huyện Ea Kar (36 ao). Tổng dung tích 70 ao là hơn 60.000 m3 với diện tích tưới hơn 52 ha.

Bà Ramla Khalidi - Trưởng đại diện thường trú UNDP tại Việt Nam cho biết dự án có mục tiêu xây dựng và cải tạo hơn 1.500 ao thu nước mưa, để bàn giao cho người dân các tỉnh Đăk Lăk, Đăk Nông, Khánh Hòa, Ninh Thuận và Bình Thuận…

Việc xây dựng ao chống hạn nằm trong dự án tăng cường khả năng chống chịu của sản xuất nông nghiệp quy mô nhỏ trước tình trạng mất an ninh nguồn nước do biến đổi khí hậu ở Tây Nguyên và duyên hải Nam Trung Bộ (SACCR).

Theo bà Ramla Khalidi, từ nay đến năm 2026, ngoài việc đào ao, dự án cũng giúp xây mới và cải tạo 260 ao chống chịu biến đổi khí hậu, hỗ trợ thiết lập hơn 2.300 hệ thống tưới tiết kiệm nước, tập huấn về nông nghiệp thích ứng biến đổi khí hậu cho gần 6.000 hộ dân.

“Người dân được chọn hỗ trợ đào ao là hộ nghèo, phụ nữ trụ cột gia đình và đồng bào dân tộc thiểu số. UNDP kỳ vọng các ao sẽ giúp giải cơn khát cho cây trồng vào tháng cao điểm mùa khô”, bà Ramla Khalidi nhấn mạnh.

Tin liên quan

Khởi nghiệp

Hồ sơ Startup

Citigo là công ty công nghệ cung cấp những giải pháp đơn giản với chi phí tiết kiệm, giúp khách hàng nâng cao hiệu quả kinh doanh. Citigo hướng tới tầm nhìn trở thành công ty cung cấp giải pháp công nghệ cho doanh nghiệp phổ biến tại Đông Nam Á
ESBT là công ty hoạt động trọng lĩnh vực công nghệ thông tin, chúng tôi xây dựng những sản phẩm phần mềm cho cộng đồng và cung cấp dịch vụ phát triển phần mềm cho các doanh nghiệp
Lozi là một trong những ứng dụng thương mại điện tử được yêu thích nhất tại Việt Nam, kết nối hàng triệu người mua và người bán nhằm phục vụ nhu cầu mua bán trực tuyến ngày càng cao. Không chỉ là một cầu nối thương mại điện tử đáng tin cậy, Lozi còn cung cấp dịch vụ giao hàng nhanh chóng và tiện lợi chỉ trong 1 giờ, đem đến cho khách hàng những trải nghiệm mua sắm trực tuyến hiệu quả và tối ưu
Bắt nguồn từ mong muốn mang chất lượng dạy Tiếng Anh tại Trường Quốc tế đến với mọi học sinh Việt Nam, để các bạn nhỏ dù không có điều kiện kinh tế theo học tại các Trường Quốc Tế hay Trung Tâm đắt tiền vẫn có thể sử dụng Tiếng Anh tốt như người bản ngữ. Đây chính là hành trang chuẩn bị cho các em tương lai vươn ra thế giới. Chính vì lý do trên, đội ngũ sáng lập đã bắt tay vào xây dựng sản phẩm đầu tiên có tên “Chương trình học Tiếng Anh Online EDUPIA”.
Công ty TNHH SA-ACH định vị về lĩnh vững trồng rừng, phát triển gồm 3 loại cây và bốn tầng cây trên một hecta đất nhằm tạo hệ sinh thái bền vững, và nâng cao thu nhập cho bà con