Năm 2025, hoàn thành sắp xếp doanh nghiệp nhà nước, xử lý dứt điểm dự án thua lỗ

Trâm Anh
Chia sẻ

Phó Thủ tướng Lê Minh Khái chỉ đạo, đến năm 2025, hoàn tất việc sắp xếp lại khối doanh nghiệp nhà nước và xử lý cơ bản xong những yếu kém, thất thoát, những dự án, công trình chậm tiến độ, đầu tư kém hiệu quả, thua lỗ kéo dài của các tập đoàn, tổng công ty nhà nước...

Đẩy nhanh tiến độ cổ phần hóa, xử lý dứt điểm các dự án chậm tiến độ, thua lỗ kéo dài.
Đẩy nhanh tiến độ cổ phần hóa, xử lý dứt điểm các dự án chậm tiến độ, thua lỗ kéo dài.

Văn phòng Chính phủ vừa có Thông báo số: 224/TB-VPCP kết luận của Phó Thủ tướng Lê Minh Khái tại cuộc họp về Đề án “Cơ cấu lại doanh nghiệp nhà nước, trọng tâm là tập đoàn kinh tế, tổng công ty nhà nước giai đoạn 2021-2025”.

VẠCH RÕ NHỮNG TỒN TẠI

Bộ Tài chính đã hoàn thiện dự thảo Đề án cơ cấu lại doanh nghiệp nhà nước, trọng tâm là các tập đoàn, tổng công ty nhà nước giai đoạn 2021 - 2025. Đây là thời cơ để các doanh nghiệp nhà nước thực hiện tái cơ cấu, vươn lên thành những “con sếu đầu đàn”, đóng vai trò dẫn dắt, mở đường, lan tỏa tới doanh nghiệp thuộc các thành phần kinh tế khác, giúp nền kinh tế vững vàng và tăng trưởng.

Đánh giá cao Bộ Tài chính trong việc chuẩn bị, xây dựng và trình Đề án, Phó Thủ tướng Lê Minh Khái lưu ý Bộ Tài chính làm rõ thêm các tồn tại, hạn chế và nguyên nhân khiến tiến độ cổ phần hóa, thoái vốn tại các doanh nghiệp có vốn nhà nước đều chậm, tỷ lệ đạt theo kế hoạch thấp, còn nhiều tồn tại sau này.

 

“Việc nâng cao hiệu quả hoạt động, đổi mới quản trị doanh nghiệp còn hạn chế, chưa theo kịp với diễn biến của thị trường. Vẫn còn doanh nghiệp nhà nước sản xuất, kinh doanh hiệu quả thấp, thua lỗ, không tương xứng với nguồn lực được giao”, Phó Thủ tướng Lê Minh Khái chỉ rõ.

Cụ thể, việc xây dựng kế hoạch cơ cấu lại, cổ phần hóa, thoái vốn chưa sát với thực tế nên kết quả thực hiện đạt thấp. Cơ cấu lại từng tập đoàn kinh tế, tổng công ty nhà nước chưa đạt kết quả mong muốn.

Ngoài ra, cơ cấu lại tập trung nhiều vào công tác cổ phần hóa, thoái vốn mà chưa chú trọng đến các hình thức cơ cấu lại khác. Cổ phần hóa, thoái vốn tại một số doanh nghiệp chưa đạt mục tiêu nâng cao hiệu quả sản xuất, kinh doanh của doanh nghiệp, còn nhiều tồn tại sau cổ phần hóa, thoái vốn.

Việc nâng cao hiệu quả, đầu tư bổ sung vốn vào một số doanh nghiệp Nhà nước cần nắm giữ để doanh nghiệp mạnh lên, giữ vững vai trò của Nhà nước trong một số lĩnh vực còn hạn chế. Chính sách tiền lương, đãi ngộ của người điều hành, người lao động chưa thích đáng, chưa tạo được động lực, gắn với trách nhiệm theo cơ chế thị trường.

Nhìn lại bức tranh cổ phần hóa doanh nghiệp nhà nước giai đoạn 2016 – 2020, theo Bộ Tài chính, 5 năm qua, đã thực hiện cổ phần hóa 180 doanh nghiệp, vượt chỉ tiêu đề ra là 137 doanh nghiệp. Tuy nhiên, kết quả không như kỳ vọng, vì mới chỉ có 39/128 doanh nghiệp cổ phần hóa theo kế hoạch, còn 89 doanh nghiệp chưa hoàn thành công tác cổ phần hóa.

Về tình hình thoái vốn, theo kế hoạch, Nhà nước sẽ thực hiện thoái vốn tại 348 doanh nghiệp, với tổng giá trị vốn nhà nước theo sổ sách là khoảng 60.000 tỷ đồng. Tuy nhiên, 5 năm qua, mới triển khai thoái vốn được tại 106 doanh nghiệp, bằng 30% số doanh nghiệp phải thực hiện theo kế hoạch. Tổng giá trị vốn nhà nước theo sổ sách thoái được là 6.493 tỷ đồng, bằng 11% tổng giá trị phải thoái theo kế hoạch.

Về tổng giá trị dự kiến bán cổ phần nhà nước cho các nhà đầu tư, kế hoạch đặt ra là 104.726 tỷ đồng, tương đương 48% giá trị phần vốn nhà nước tại các doanh nghiệp phải cổ phần hóa. Tuy nhiên, tổng giá trị thực tế bán được chỉ đạt 22.748 tỷ đồng, bằng 23% kế hoạch, tương đương 11% giá trị phần vốn nhà nước tại doanh nghiệp. Tổng giá trị thu về Quỹ hỗ trợ sắp xếp và phát triển doanh nghiệp từ công tác cổ phần hóa là 36.518 tỷ đồng, đạt 1,6 lần so với giá bán.

THÚC TIẾN ĐỘ, GÂY DỰNG "SẾU ĐẦU ĐÀN"

Về mục tiêu, nhiệm vụ, giải pháp, Phó Thủ tướng Lê Minh Khái nêu rõ Bộ Tài chính cần bám sát các Nghị quyết của Đảng, Quốc hội, Chính phủ, quy định của pháp luật có liên quan để xây dựng các mục tiêu, nhiệm vụ, giải pháp, bảo đảm hiệu quả, khả thi, tạo chuyển biến mạnh mẽ trong cơ cấu lại doanh nghiệp nhà nước giai đoạn tới.

Bảo đảm tính liên kết giữa mục tiêu, nhiệm vụ, giải pháp và tránh trùng lắp giữa các nội dung. Cụ thể hơn các nhiệm vụ, giải pháp, trách nhiệm trong tổ chức thực hiện để làm cơ sở đánh giá, kiểm tra, giám sát.

Phó Thủ tướng Lê Minh Khái nhấn mạnh, cần bảo đảm các quan điểm, nguyên tắc chính trong cơ cấu lại doanh nghiệp Nhà nước.

Thứ nhất, tiếp tục thực hiện sắp xếp lại doanh nghiệp nhà nước, tập trung giữ những lĩnh vực then chốt, thiết yếu, địa bàn quan trọng về quốc phòng, an ninh, những lĩnh vực mà doanh nghiệp thuộc các thành phần kinh tế khác không đầu tư.

Thứ hai, xác định rõ các doanh nghiệp mà Nhà nước không cần nắm giữ theo đúng tiêu chí phân loại doanh nghiệp nhà nước để thực hiện cổ phần hóa, thoái vốn, bảo đảm hiệu quả, khả thi, theo lộ trình phù hợp, không để thất thoát vốn, tài sản Nhà nước.

Thứ ba, củng cố, phát triển một số tập đoàn kinh tế nhà nước có quy mô lớn, hoạt động hiệu quả, có khả năng cạnh tranh khu vực và quốc tế trong một số ngành, lĩnh vực then chốt của nền kinh tế.

Thứ tư, bảo đảm công khai, minh bạch trong cơ cấu lại doanh nghiệp nhà nước, nhất là trong cổ phần hóa và thoái vốn nhà nước tại doanh nghiệp. Đến năm 2025, hoàn tất việc sắp xếp lại khối doanh nghiệp nhà nước và xử lý cơ bản xong những yếu kém, thất thoát, những dự án, công trình chậm tiến độ, đầu tư kém hiệu quả, thua lỗ kéo dài của các tập đoàn, tổng công ty nhà nước.  

Thứ năm, nâng cao hiệu quả hoạt động của doanh nghiệp nhà nước sau cổ phần hóa. Hình thành đội ngũ quản lý doanh nghiệp nhà nước chuyên nghiệp, có trình độ cao, lành mạnh hóa tài chính, nâng cao trình độ công nghệ, năng lực đổi mới sáng tạo, quản trị hiện đại theo chuẩn mực quốc tế.

Thứ sáu, tiếp tục phát huy vai trò của doanh nghiệp nhà nước trong việc hình thành và mở rộng các chuỗi sản xuất, cung ứng và chuỗi giá trị, nhất là trong ngành, lĩnh vực then chốt Nhà nước cần nắm giữ.  

Thứ bảy, nâng cao hiệu lực, hiệu quả pháp luật việc công khai, minh bạch thông tin doanh nghiệp nhà nước. Tăng cường công tác giám sát, kiểm tra hoạt động của doanh nghiệp nhà nước, kịp thời phát hiện, xử lý các vi phạm theo quy định của pháp luật.

Thứ tám, đẩy mạnh phân công, phân cấp, cá thể hóa trách nhiệm gắn với các biện pháp đôn đốc, kiểm tra, giám sát, đồng thời tạo điều kiện thuận lợi, chủ động cho doanh nghiệp trong cơ cấu lại và triển khai các hoạt động sản xuất kinh doanh theo quy định của pháp luật.

Tin liên quan

Khởi nghiệp

Hồ sơ Startup

Citigo là công ty công nghệ cung cấp những giải pháp đơn giản với chi phí tiết kiệm, giúp khách hàng nâng cao hiệu quả kinh doanh. Citigo hướng tới tầm nhìn trở thành công ty cung cấp giải pháp công nghệ cho doanh nghiệp phổ biến tại Đông Nam Á
ESBT là công ty hoạt động trọng lĩnh vực công nghệ thông tin, chúng tôi xây dựng những sản phẩm phần mềm cho cộng đồng và cung cấp dịch vụ phát triển phần mềm cho các doanh nghiệp
Lozi là một trong những ứng dụng thương mại điện tử được yêu thích nhất tại Việt Nam, kết nối hàng triệu người mua và người bán nhằm phục vụ nhu cầu mua bán trực tuyến ngày càng cao. Không chỉ là một cầu nối thương mại điện tử đáng tin cậy, Lozi còn cung cấp dịch vụ giao hàng nhanh chóng và tiện lợi chỉ trong 1 giờ, đem đến cho khách hàng những trải nghiệm mua sắm trực tuyến hiệu quả và tối ưu
Bắt nguồn từ mong muốn mang chất lượng dạy Tiếng Anh tại Trường Quốc tế đến với mọi học sinh Việt Nam, để các bạn nhỏ dù không có điều kiện kinh tế theo học tại các Trường Quốc Tế hay Trung Tâm đắt tiền vẫn có thể sử dụng Tiếng Anh tốt như người bản ngữ. Đây chính là hành trang chuẩn bị cho các em tương lai vươn ra thế giới. Chính vì lý do trên, đội ngũ sáng lập đã bắt tay vào xây dựng sản phẩm đầu tiên có tên “Chương trình học Tiếng Anh Online EDUPIA”.
Công ty TNHH SA-ACH định vị về lĩnh vững trồng rừng, phát triển gồm 3 loại cây và bốn tầng cây trên một hecta đất nhằm tạo hệ sinh thái bền vững, và nâng cao thu nhập cho bà con