Nga muốn bơm khí đốt tới châu Âu qua đường ống không đi qua Ukraine

Bình Minh
Chia sẻ

Tuyên bố này được Nga đưa ra sau khi Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelensky xác nhận rằng nước này sẽ không gia hạn thỏa thuận trung chuyển khí đốt Nga qua lãnh thổ Ukraine...

Ảnh minh họa - Ảnh: Reuters.
Ảnh minh họa - Ảnh: Reuters.

Nga sẵn sàng cung cấp khí đốt tự nhiên cho châu Âu thông qua các đường ống không đi qua Ukraine - Phó thủ tướng Nga Alexander Novak tuyên bố ngày 25/12 trên truyền hình nhà nước.

Tuyên bố này được đưa ra sau khi Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelensky hôm 19/12 xác nhận rằng nước này sẽ không gia hạn thỏa thuận trung chuyển khí đốt Nga qua lãnh thổ Ukraine - thỏa thuận có thời hạn 5 năm và dự kiến hết hạn vào ngày 31/12. “Chúng tôi sẽ không trung chuyển khí đốt Nga thêm nữa. Chúng tôi sẽ không cho họ cơ hội kiếm thêm hàng tỷ USD trên xương máu của chúng tôi”, ông Zelensky phát biểu.

Sau tuyên bố trên của nhà lãnh đạo Ukraine, các quốc gia thành viên Liên minh châu Âu (EU) như Solvakia, Hungary, Italy và Áo đã bày tỏ lo ngại. Các công ty năng lượng quốc doanh của các nước này cùng lên tiếng kêu gọi duy trì dòng chảy khí đốt quá cảnh qua Ukraine.

Về phần mình, giới chức Nga tỏ ra tin tưởng rằng châu Âu sẽ tiếp tục phụ thuộc vào nguồn cung cấp khí đốt tự nhiên của nước này. Chỉ đến đầu năm nay, EU mới đưa ra các biện pháp trừng phạt đầu tiên đối với ngành khí đốt của Nga, đặc biệt nhắm vào khí đốt tự nhiên hóa lỏng (LNG).

“Về mặt hậu cần, khí đốt của Nga là có lợi nhất. Về giá cả cũng vậy”, ông Novak nói, đồng thời nhấn mạnh rằng châu Âu phải trả nhiều tiền hơn để mua khí đốt của Mỹ trong bối cảnh châu Âu phải cạnh tranh với Trung Quốc trong việc nhập khẩu LNG.

Hồi cuối tháng 8, người phát ngôn điện Kremlin Dmitry Peskov cho biết Nga có thể sẽ tìm các tuyến đường ống dẫn khí đốt thay thế cho tuyến đi qua Ukraine - bao gồm cả một đường ống đã được lên kế hoạch đi qua Thổ Nhĩ Kỳ - nếu Kiev không gia hạn thỏa thuận quá cảnh. Ngoài đường ống đi qua Ukraine, khí đốt Nga còn được vận chuyển tới châu Âu qua đường ống TurkStream đi qua Biển Đen. Nga cũng có thể vận chuyển LNG bằng tàu biển.

Trong khi đó, đường ống khí đốt Nord Stream đi qua Biển Baltic từ Nga tới Đức đã ngừng hoạt động sau một vụ rò rỉ vào năm 2022.

Quan điểm của phía Ukraine về việc khí đốt Nga quá cảnh qua nước này vẫn có thể thay đổi, bởi trong tuần trước, ông Zelensky nói nước này có thể cân nhắc gia hạn thỏa thuận quá cảnh nếu Nga không nhận được tiền bán khí đốt cho châu Âu cho tới khi chiến tranh Nga-Ukraine kết thúc.

Năm nay, Nga dự kiến thu về khoảng 5 tỷ USD từ việc bán khí đốt qua đường ống đi qua Ukraine - theo ước tính của hãng tin Reuters. Đối với các nước châu Âu còn phụ thuộc nhiều vào khí đốt Nga như Slovakia, Cộng hòa Czech và Áo, việc tìm kiếm các nguồn cung ứng năng lượng hoặc đường ống dẫn khí đốt khác là khả thi, nhưng sẽ tốn kém hơn.

Về phần mình, Ukraine sẽ mất đi nguồn thu hàng trăm triệu USD mỗi năm từ phí trung chuyển khí đốt Nga. Một công ty tư vấn ở Kiev hồi tháng 9 tiết lộ với hãng tin Bloomberg rằng con số này lên tới khoảng 800 triệu USD mỗi năm.

Tuy nhiên, số tiền 800 triệu USD từ phí quá cảnh khí đốt chỉ chiếm 0,5% tổng sản phẩm trong nước (GDP) của Ukraine - theo Trung tâm Phân tích chính sách châu ÂU (CEPA). Trong khi đó, xuất khẩu năng lượng chiến khoảng 1/5 trong GDP 2 nghìn tỷ USD của Nga. Doanh thu từ xuất khẩu năng lượng của Nga đã giảm 24% trong năm ngoái do ảnh hưởng của các biện pháp trừng phạt và được dự báo còn giảm trong năm nay do châu Âu có nhiều nỗ lực nhằm “cai” khí đốt Nga.

Nga từng là nhà cung cấp tới 40% nhu cầu khí đốt của châu Âu, nhưng thị phần này đã giảm mạnh kể từ khi chiến tranh Nga-Ukraine nổ ra, một mặt do Nga giảm cung cấp, mặt khác cho EU tìm kiếm các nguồn cung khác.

Mất thị phần ở châu Âu, Nga đã mở rộng tệp khách hàng năng lượng bằng cách chuyển hướng xuất khẩu dầu khí nhiều hơn sang Ấn Độ và Trung Quốc. Hôm thứ Sáu tuần trước, tập đoàn khí đốt Nga Gazprom cho biết đã xuất khẩu lượng khí đốt lớn kỷ lục sang Trung Quốc thông qua đường ống ở phía Đông Siberia, nhưng không cho biết con số cụ thể là bao nhiêu.

Tin liên quan

Khởi nghiệp

Hồ sơ Startup

Citigo là công ty công nghệ cung cấp những giải pháp đơn giản với chi phí tiết kiệm, giúp khách hàng nâng cao hiệu quả kinh doanh. Citigo hướng tới tầm nhìn trở thành công ty cung cấp giải pháp công nghệ cho doanh nghiệp phổ biến tại Đông Nam Á
ESBT là công ty hoạt động trọng lĩnh vực công nghệ thông tin, chúng tôi xây dựng những sản phẩm phần mềm cho cộng đồng và cung cấp dịch vụ phát triển phần mềm cho các doanh nghiệp
Lozi là một trong những ứng dụng thương mại điện tử được yêu thích nhất tại Việt Nam, kết nối hàng triệu người mua và người bán nhằm phục vụ nhu cầu mua bán trực tuyến ngày càng cao. Không chỉ là một cầu nối thương mại điện tử đáng tin cậy, Lozi còn cung cấp dịch vụ giao hàng nhanh chóng và tiện lợi chỉ trong 1 giờ, đem đến cho khách hàng những trải nghiệm mua sắm trực tuyến hiệu quả và tối ưu
Bắt nguồn từ mong muốn mang chất lượng dạy Tiếng Anh tại Trường Quốc tế đến với mọi học sinh Việt Nam, để các bạn nhỏ dù không có điều kiện kinh tế theo học tại các Trường Quốc Tế hay Trung Tâm đắt tiền vẫn có thể sử dụng Tiếng Anh tốt như người bản ngữ. Đây chính là hành trang chuẩn bị cho các em tương lai vươn ra thế giới. Chính vì lý do trên, đội ngũ sáng lập đã bắt tay vào xây dựng sản phẩm đầu tiên có tên “Chương trình học Tiếng Anh Online EDUPIA”.
Công ty TNHH SA-ACH định vị về lĩnh vững trồng rừng, phát triển gồm 3 loại cây và bốn tầng cây trên một hecta đất nhằm tạo hệ sinh thái bền vững, và nâng cao thu nhập cho bà con