Nguy cơ hụt tiến độ tại hai dự án thành phần thuộc sân bay Long Thành

Anh Tú
Chia sẻ

Dự án thành phần 1 và 4 thuộc dự án đầu tư xây dựng Cảng hàng không quốc tế Long Thành giai đoạn 1 đang đứng trước nguy cơ không hoàn thành kịp tiến độ, làm ảnh hưởng đến hoạt động của cảng hàng không và gây lãng phí chi phí đầu tư...

Một số công trình thuộc dự án thành phần 1 thuộc trách nhiệm của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn chưa được bố trí vốn.
Một số công trình thuộc dự án thành phần 1 thuộc trách nhiệm của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn chưa được bố trí vốn.

Văn phòng Chính phủ ban hành Thông báo số 306/TB-VPCP ngày 9/7/2024 kết luận của Phó Thủ tướng Chính phủ Trần Hồng Hà tại cuộc họp Tổ công tác dự án đầu tư xây dựng Cảng hàng không quốc tế Long Thành giai đoạn 1.

CHƯA BỐ TRÍ VỐN XÂY DỰNG TRẠM KIỂM DỊCH

Thông báo nêu rõ hiện nay, các hạng mục công trình quan trọng của dự án thuộc dự án thành phần 2 và dự án thành phần 3 do Tổng công ty Quản lý bay Việt Nam (VATM) và Tổng công ty Cảng hàng không Việt Nam (ACV) làm chủ đầu tư đang thi công đạt và vượt tiến độ theo hợp đồng. Vì vậy, Phó Thủ tướng Chính phủ biểu dương tinh thần cố gắng, nỗ lực của các chủ đầu tư trong việc triển khai các dự án thành phần, gói thầu bảo đảm tiến độ, chất lượng.

 

Một số công trình thuộc dự án thành phần 1 thuộc trách nhiệm của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn chưa được bố trí vốn, chưa đấu thầu lựa chọn nhà thầu. Đặc biệt, dự án thành phần 4 đang triển khai rất chậm, chưa có phương án đấu thầu lựa chọn nhà đầu tư khả thi.

Do chậm trễ triển khai dự án thành phần 1 và 4 nên có thể dẫn đến nguy cơ không hoàn thành kịp tiến độ làm ảnh hưởng đến hoạt động của cảng hàng không, gây lãng phí chi phí đầu tư.

Được biết, dự án Cảng hàng không Quốc tế Long Thành giai đoạn 1 có tổng mức đầu tư gần 110.000 tỷ đồng, tương đương hơn 4,6 tỷ USD. Dự án có 4 dự án thành phần.

Trong đó, dự án thành phần 1 có tổng mức đầu tư gần 300 tỷ đồng xây dựng trụ sở các cơ quan quản lý nhà nước bao gồm: hải quan; công an cửa khẩu; công an địa phương; kiểm dịch y tế (động vật/thực vật); cảng vụ hàng không.

Còn dự án thành phần 4 có tổng mức đầu tư 6.364 tỷ đồng xây dựng hạng mục ga hàng hóa, khu logistics hàng không, khu bảo trì máy bay, cung cấp suất ăn, trung tâm điều hành của các hãng bay...

Để khắc phục những hạn chế trên, Phó Thủ tướng đã chỉ đạo các đơn vị chức năng và các địa phương liên quan triển khai một số nhiệm vụ trọng tâm trong thời gian tới.

Cụ thể, về dự án thu hồi đất, bồi thường, hỗ trợ, tái định cư Cảng hàng không quốc tế Long Thành, Phó Thủ tướng yêu cầu Ủy ban nhân dân tỉnh Đồng Nai khẩn trương hoàn thành dứt điểm công tác thu hồi đất, bàn giao mặt bằng đối với diện tích còn lại, hoàn thành trước ngày 15/7/2024.

Ủy ban nhân dân tỉnh Đồng Nai hướng dẫn Cảng vụ hàng không Miền Nam trong việc lập hồ sơ xin giao đất và cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất phần diện tích còn lại giai đoạn 1.

Về dự án đầu tư xây dựng Cảng hàng không quốc tế Long Thành giai đoạn 1, đối với dự án thành phần 1, trụ sở các cơ quan quản lý nhà nước, Phó Thủ tướng đề nghị Bộ Giao thông vận tải làm việc với Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Ủy ban nhân dân tỉnh Đồng Nai và các cơ quan liên quan để khẩn trương đầu tư xây dựng trạm kiểm dịch y tế và trạm kiểm dịch động/thực vật với quy mô phù hợp, bảo đảm đúng quy hoạch và đúng chức năng của các công trình.

Đối với các công trình cần thiết cho hoạt động của cảng hàng không nhưng chưa có trong quy hoạch và dự án đầu tư được phê duyệt, Bộ Giao thông vận tải tổng hợp, báo cáo cấp có thẩm quyền trước ngày 15/7/2024.

HOÀN THÀNH HỒ SƠ MỜI THẦU THÀNH PHẦN 4 TRONG THÁNG 7

Với dự án thành phần 4, các công trình khác, thông báo nêu rõ dự án thành phần 4 bao gồm các công trình rất quan trọng của cảng hàng không, liên quan trực tiếp đến an toàn kỹ thuật và vận hành, khai thác bảo đảm đúng quy mô, vai trò của cảng hàng không quốc tế.

Đặc biệt, việc đầu tư trung tâm bảo dưỡng, sửa chữa tàu bay phải đáp ứng được các yêu cầu về công nghệ, năng lực, quản trị theo đúng tiêu chuẩn quốc tế.

Thủ tướng Chính phủ, Phó Thủ tướng Chính phủ - Tổ trưởng Tổ công tác đã có nhiều chỉ đạo cụ thể để giải quyết khó khăn của dự án thành phần 4.

"Tuy nhiên, đến nay Bộ Giao thông vận tải và Cục Hàng không Việt Nam vẫn chưa có giải pháp khả thi để lựa chọn nhà đầu tư. Nguyên nhân chủ yếu là do năng lực, kinh nghiệm của đội ngũ cán bộ còn hạn chế; việc chấp hành kỷ luật, kỷ cương trong thực hiện các kết luận của Thủ tướng Chính phủ, Phó Thủ tướng Chính phủ chưa nghiêm", Phó Thủ tướng nhìn nhận.

 

Về lựa chọn nhà đầu tư, Phó Thủ tướng yêu cầu hoàn thành công tác mời thầu trong tháng 7/2024. Việc lựa chọn nhà đầu tư dự án thành phần 4 cần đưa ra tiêu chí phân chia hiệu quả sản xuất kinh doanh của các nhà đầu tư theo một tỷ lệ phù hợp với quy mô, mức độ phát triển của cảng hàng không qua các giai đoạn.

Vì vậy, Phó Thủ tướng đề nghị Bộ Giao thông vận tải chịu hoàn toàn trách nhiệm trong việc triển khai chậm dự án thành phần 4 làm ảnh hưởng đến hoạt động chung của cảng hàng không và hiệu quả đầu tư dự án.

Tổ công tác thống nhất giao Bộ Giao thông vận tải chủ trì, phối hợp với các cơ quan liên quan báo cáo Chính phủ tại phiên họp gần nhất về việc triển khai dự án thành phần 4, làm rõ các khó khăn, vướng mắc và kiến nghị cụ thể giải pháp khả thi để thực hiện.

Trong đó, kiến nghị giải pháp lựa chọn tư vấn quốc tế có năng lực, kinh nghiệm trong các dự án cảng hàng không quốc tế lớn trên thế giới để tư vấn về thiết kế tổng thể, lựa chọn nhà đầu tư các công trình thuộc dự án thành phần 4.

Ủy ban Quản lý vốn nhà nước tại doanh nghiệp chỉ đạo ACV xem xét sử dụng tư vấn quốc tế phù hợp để hỗ trợ hoặc phối hợp các công việc của tư vấn tổng thể dự án thành phần 4 để bảo đảm tính đồng bộ, hiệu quả toàn bộ dự án.

Về lựa chọn nhà đầu tư cung cấp dịch vụ sửa chữa, bảo dưỡng tàu bay, lãnh đạo Chính phủ yêu cầu nhà đầu tư phải có kinh nghiệm đầu tư quốc tế (ưu tiên chỉ tiêu năng lực, kinh nghiệm, quản trị và lưu ý đến tính tổng thể dự án).

Việc xây dựng tiêu chí đánh giá lựa chọn nhà đầu tư cần tham khảo số liệu, khảo sát hiệu quả đầu tư, kinh doanh của các nhà đầu tư tại một số sân bay quốc tế lớn; tham khảo kinh nghiệm lựa chọn nhà thầu của ACV.

Đối với các hạng mục nhà ga hàng hóa số 2, nhà ga hàng hóa chuyển phát nhanh, kho giao nhận hàng hóa (khu logistics), khách sạn sân bay, thành phố sân bay, Bộ Giao thông vận tải rà soát dự án đầu tư đã được phê duyệt, thống nhất với Ủy ban Quản lý vốn nhà nước tại doanh nghiệp về việc giao ACV chủ trì triển khai đầu tư, báo cáo cấp có thẩm quyền.

Phó Thủ tướng yêu cầu Bộ Giao thông vận tải, Ủy ban Quản lý vốn nhà nước tại doanh nghiệp, Ủy ban nhân dân tỉnh Đồng Nai, các bộ, ngành liên quan và các chủ đầu tư nghiêm túc thực hiện các chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ, Phó Thủ tướng Chính phủ, khẩn trương triển khai các hạng mục, bảo đảm an toàn, chất lượng, hoàn thành đồng thời các hạng mục công trình để đưa vào vận hành, khai thác phát huy hiệu quả của toàn bộ dự án.

 

Phó Thủ tướng yêu cầu Bộ Giao thông vận tải khẩn trương lập báo cáo Thủ tướng Chính phủ về tổng thể tiến độ thực hiện dự án, trong đó lưu ý: (i) tiến độ khởi công, hoàn thành của các chủ đầu tư dự án thành phần 1 (trụ sở các cơ quan nhà nước); (ii) việc chuyển giao một số hạng mục công việc cho ACV, trong đó đề xuất ngay trình tự, thủ tục chuyển giao, kể cả điều chỉnh Quyết định phê duyệt dự án của Thủ tướng Chính phủ (nếu cần thiết), khẩn trương hoàn thành trước 15/7/2024; (iii) nguyên nhân, trách nhiệm trong việc chậm trễ triển khai dự án thành phần 4, đề xuất khẩn cấp giải pháp khả thi để triển khai ngay các nội dung công việc tiếp theo.

ACV cử cán bộ có năng lực, kinh nghiệm về đấu thầu hỗ trợ Cục Hàng không Việt Nam trong việc tổ chức đấu thầu lựa chọn nhà đầu tư; khẩn trương tiếp nhận và triển khai ngay các nội dung, hạng mục công việc của dự án thành phần 4 do Bộ Giao thông vận tải chuyển giao.

Tin liên quan

Khởi nghiệp

Hồ sơ Startup

Citigo là công ty công nghệ cung cấp những giải pháp đơn giản với chi phí tiết kiệm, giúp khách hàng nâng cao hiệu quả kinh doanh. Citigo hướng tới tầm nhìn trở thành công ty cung cấp giải pháp công nghệ cho doanh nghiệp phổ biến tại Đông Nam Á
ESBT là công ty hoạt động trọng lĩnh vực công nghệ thông tin, chúng tôi xây dựng những sản phẩm phần mềm cho cộng đồng và cung cấp dịch vụ phát triển phần mềm cho các doanh nghiệp
Lozi là một trong những ứng dụng thương mại điện tử được yêu thích nhất tại Việt Nam, kết nối hàng triệu người mua và người bán nhằm phục vụ nhu cầu mua bán trực tuyến ngày càng cao. Không chỉ là một cầu nối thương mại điện tử đáng tin cậy, Lozi còn cung cấp dịch vụ giao hàng nhanh chóng và tiện lợi chỉ trong 1 giờ, đem đến cho khách hàng những trải nghiệm mua sắm trực tuyến hiệu quả và tối ưu
Bắt nguồn từ mong muốn mang chất lượng dạy Tiếng Anh tại Trường Quốc tế đến với mọi học sinh Việt Nam, để các bạn nhỏ dù không có điều kiện kinh tế theo học tại các Trường Quốc Tế hay Trung Tâm đắt tiền vẫn có thể sử dụng Tiếng Anh tốt như người bản ngữ. Đây chính là hành trang chuẩn bị cho các em tương lai vươn ra thế giới. Chính vì lý do trên, đội ngũ sáng lập đã bắt tay vào xây dựng sản phẩm đầu tiên có tên “Chương trình học Tiếng Anh Online EDUPIA”.
Công ty TNHH SA-ACH định vị về lĩnh vững trồng rừng, phát triển gồm 3 loại cây và bốn tầng cây trên một hecta đất nhằm tạo hệ sinh thái bền vững, và nâng cao thu nhập cho bà con