Nhìn lại 40 năm đổi mới, biến thách thức thành cơ hội đưa Việt Nam phát triển
Ngày 21/3, Học viện Chính trị Quốc gia Hồ Chí Minh và Đại sứ quán Australia tại Việt Nam tổ chức Hội thảo "Việt Nam: 40 năm Đổi mới và tầm nhìn 2045" Nhiều chuyên gia làm rõ những thành tựu Việt Nam đạt được trong hành trình 40 năm đổi mới và những xu hướng toàn cầu sẽ định hình tương lai Việt Nam sắp tới...
Phát biểu tại hội thảo, GS.TS. Nguyễn Xuân Thắng, Uỷ viên Bộ Chính trị, Giám đốc Học viện Chính trị Quốc gia Hồ Chí Minh, nhấn mạnh rằng trải qua gần 40 năm tiến hành công cuộc đổi mới, Việt Nam chuyển từ nền kinh tế kế hoạch hóa tập trung sang cơ chế thị trường, chủ động và tích cực hội nhập quốc tế toàn diện, sâu rộng.
AUSTRALIA HỖ TRỢ VIỆT NAM HIỆN THỰC HOÁ TẦM NHÌN 2045
Theo đó, cùng với tư duy tiếp cận và cách làm sáng tạo, Việt Nam đạt được những thành tựu to lớn, có ý nghĩa lịch sử. Từ một nước nông nghiệp, lạc hậu, Việt Nam đã ra khỏi nhóm các nước có thu nhập thấp từ năm 2008, quy mô nền kinh tế đạt 430 tỷ USD, đứng thứ 35 trong 40 nền kinh tế lớn nhất thế giới...
Cũng từ một nền kinh tế đóng cửa, khép kín, Việt Nam trở thành đối tác thương mại lớn thứ 22 toàn cầu. Năm 2023, tổng kim ngạch xuất nhập khẩu đạt gần 700 tỷ USD, thu hút đầu tư nước ngoài đạt 23 USD, đây là mức cao nhất từ trước đến nay.
Ông Nguyễn Xuân Thắng mong muốn các chuyên gia, học giả quốc tế đánh giá về tiến trình 40 năm đổi mới để bổ sung cách nhìn khách quan, thực chất để Việt Nam tận dụng cơ hội phát triển mới và có thể vượt qua theo cách coi thách thức cũng là một cơ hội để phát triển trong giai đoạn mới. Đồng thời, rút ra bài học kinh nghiệm, những cách làm mới, định hướng chính sách, để kế thừa được những thành quả và đạt được thành công trong giai đoạn tiếp theo.
Hội thảo là một phần quan trọng trong chuỗi nghiên cứu phục vụ việc tổng kết 40 năm Đổi mới của Việt Nam do Trung tâm Việt-Úc hỗ trợ, nhằm phân tích và đưa ra khuyến nghị chính sách về các vấn đề phát triển quan trọng của đất nước, góp phần hiện thực hóa tầm nhìn phát triển của Việt Nam tới năm 2045.
Các kết quả nghiên cứu dự kiến sẽ là đầu vào phục vụ cho việc xây dựng dự thảo báo cáo tổng kết 40 năm đổi mới và dự thảo các văn kiện trình Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIV của Đảng.
Phát biểu tại hội thảo, ông Andrew Goledzinowski, Đại sứ Đặc mệnh toàn quyền Australia tại Việt Nam, cho biết việc đang nỗ lực hỗ trợ Việt Nam hiện thực hóa tầm nhìn 2045.
Theo ông Andrew Goledzinowski, mối quan hệ của hai quốc gia chưa bao giờ bền chặt như thời điểm này, từ đó, đẩy mạnh việc hợp tác trong các lĩnh vực mà hai bên cùng quan tâm, dựa trên niềm tin như đã nêu trong tuyên bố chung về việc nâng cấp quan hệ Australia và Việt Nam lên quan hệ đối tác chiến lược toàn diện.
Cũng theo GS.TS. Nguyễn Xuân Thắng, sự hợp tác này sẽ tiếp tục củng cố mối quan hệ Việt Nam - Australia được xây dựng, bồi đắp trong 50 năm qua và đang ngày càng phát triển, đặc biệt là quan hệ mà hai nước vừa nâng cấp.
Kể từ khi hai nước nâng tầm quan hệ Đối tác chiến lược từ năm 2018 đến nay, hợp tác kinh tế - đầu tư - thương mại luôn được quan tâm, thúc đẩy phát triển và đạt được nhiều kết quả tích cực. Về đầu tư, với hơn 630 dự án và hơn 2,03 tỷ USD vốn đăng ký, Australia xếp thứ 20/145 quốc gia và vùng lãnh thổ có đầu tư tại Việt Nam, đa số trong lĩnh vực chế biến, chế tạo. Chiều ngược lại, Việt Nam đã đầu tư sang Australia hơn 90 dự án với tổng vốn đầu tư hơn 550 triệu USD.
Về hợp tác phát triển, Australia là một trong những đối tác phát triển hàng đầu của Việt Nam với tổng vốn ODA lũy kế xấp xỉ 3 tỷ AUD, trong đó hai bên đã phối hợp triển khai nhiều dự án trọng điểm, có tính lan tỏa và tác động kinh tế - xã hội tích cực trong lĩnh vực đổi mới sáng tạo, phát triển cơ sở hạ tầng (như Cầu Mỹ Thuận), đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao.
Về thương mại, với lợi thế của các hiệp định thương mại tự do thế hệ mới mà hai bên là thành viên, kim ngạch thương mại giữa hai nước ghi dấu những bước phát triển vượt bậc. Trong năm 2023, thương mại song phương giữa hai nước đạt khoảng 14 tỷ USD, thuộc nhóm 10 đối tác thương mại hàng đầu của nhau.
THÍCH ỨNG VỚI BA XU HƯỚNG TOÀN CẦU
Chia sẻ tại hội thảo, ông Đào Ngọc Báu, Phó viện trưởng phụ trách Viện quan hệ Quốc tế, Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh, chỉ rõ các xu hướng toàn cầu và cơ hội lớn đối với Việt Nam.
Theo đó, một, xu hướng phát triển của công nghệ. Hiện nền kinh tế toàn cầu dựa vào công nghệ và đổi mới sáng tạo thay cho tài nguyên, vốn và môi trường, đặc biệt, trí tuệ nhân tạo sẽ tạo lợi thế cho các nền kinh tế mới nổi đi tắt đón đầu trong bối cảnh lợi thế nguồn lao động rẻ không còn nữa.
Bên cạnh đó, chuỗi giá trị phân bổ về các nước trung tâm, không ở các nước ngoại vi nữa.
Hai, xu hướng biến đổi khí hậu toàn cầu. Hiện toàn cầu nổi lên mâu thuẫn giữa phát triển kinh tế với vấn đề năng lượng, dân số, môi trường, do đó, nhiều quốc gia thúc đẩy chuyển dịch sang kinh tế xanh. Các chính phủ đang thay đổi nhận thức về sự phối hợp chính sách trên phạm vi toàn cầu.
Ba, xu hướng già hóa dân số.
Bốn, xu hướng toàn cầu hóa mới - toàn cầu hóa 4.0. Theo đó, chủ nghĩa đa phương không còn chi phối kinh tế toàn cầu mà thay bằng chủ nghĩa đa đối tác liên quan. Cùng với đó, xu hướng mới là máy móc sẽ thay thế con người nhanh hơn, đòi hỏi sự thích nghi của xã hội loài người đối với thay đổi do máy móc tạo ra.
Trước các xu hướng lớn trong bối cảnh phát triển toàn cầu, đại diện Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh nêu 3 cơ hội rất lớn đối với Việt Nam. Cơ hội đầu tiên là đổi mới tư duy, nhận thức mới về công nghiệp hóa, hiện đại hóa và mô hình tăng trưởng, phát triển kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa.
Cơ hội thứ hai là giúp Việt Nam hình thành công nghiệp kết nối và thiết lập hạ tầng số.
Cơ hội thứ ba là Việt Nam cũng có thể tận dụng lợi thế địa chiến lược của mình để tạo thành quốc gia cầu nối, “vùng đệm”, “điểm cân bằng” trong quan hệ chính trị, kinh tế quốc tế và khu vực.
Tuy nhiên, theo ông Báu, Việt Nam cũng không tránh khỏi nhiều thách thức mới khi FTA thế hệ mới có thể trở thành “bẫy hội nhập”, lao động giá rẻ không còn là lợi thế do quá trình tự động hóa sản xuất và sức ép từ các nước lớn đòi hỏi nước ta phải khôn khéo để duy trì quan hệ cân bằng.