Quyết liệt hơn nữa trong phòng chống tội phạm trên không gian mạng
Tại phiên thảo luận Quốc hội về công tác phòng, chống tội phạm và vi phạm pháp luật ngày 21/11, nhiều ý kiến đại biểu bày tỏ quan ngại trước thực trạng vi phạm pháp luật và tội phạm trên không gian mạng ngày càng phức tạp, thủ đoạn mới tinh vi hơn…
Các đại biểu Quốc hội cho rằng năm 2023, tình hình kinh tế-xã hội nước ta tiếp tục phải đối mặt với nhiều khó khăn trên các lĩnh vực, ảnh hưởng đến đời sống của người dân, doanh nghiệp, nhất là người lao động có thu nhập thấp.
Lợi dụng tình hình, các loại tội phạm ngày càng gia tăng, diễn biến phức tạp. Song, với sự quyết tâm của Chính phủ, các cơ quan chức năng, các cấp, các ngành đã triển khai nhiều giải pháp vừa bảo đảm phát triển kinh tế, bảo đảm an sinh xã hội, ổn định đời sống nhân dân, vừa chỉ đạo triển khai nhiều giải pháp phòng ngừa, tổ chức tấn công trấn áp quyết liệt, đấu tranh có hiệu quả đối với các loại vi phạm pháp luật và các loại tội phạm, góp phần giữ vững an ninh quốc gia, bảo đảm trật tự an toàn xã hội, phục vụ có hiệu quả nhiệm vụ phát triển kinh tế-xã hội.
Ngoài ra, nhiều ý kiến đại biểu bày tỏ quan ngại sâu sắc trước thực trạng tội phạm trên lĩnh vực công nghệ thông tin, mạng viễn thông, mạng Internet được phát hiện ngày càng gia tăng; vi phạm pháp luật và tội phạm trên không gian mạng vẫn diễn biến ngày càng phức tạp với nhiều phương thức, thủ đoạn mới tinh vi hơn.
Đại biểu Nguyễn Minh Tâm (Đoàn Quảng Bình) chia sẻ, thời gian qua, các phương tiện thông tin đại chúng phản ánh về các hành vi lừa đảo trên không gian mạng và chính bản thân mỗi vị đại biểu ở đây cũng đã từng ít nhất 1 lần nhận những cuộc gọi lừa đảo hay tin nhắn rác. Thời gian tới, trong bối cảnh công nghệ số toàn cầu, các ứng dụng trên nền tảng số ngày càng phát triển thì các hành vi vi phạm pháp luật và tội phạm trên không gian mạng sẽ tiếp tục gia tăng.
Đại biểu Lý Thị Lan (Đoàn Hà Giang) nêu quan điểm: Thực tiễn hiện nay tình hình tội phạm và các hành vi vi phạm pháp luật trên không gian mạng đang rất phức tạp, nhất là hành vi lừa đảo chiếm đoạt tài sản trên mạng. Tỷ lệ điều tra xử lý và thu hồi tài sản đối với hành vi này rất thấp. Nguyên nhân vì phương thức thủ đoạn của các đối tượng này rất tinh vi, phức tạp, các đối tượng đều có kiến thức sâu về công nghệ thông tin nên rất khó trong việc thu thập tài liệu, chứng cứ, đặc biệt là chứng cứ điện tử dễ bị tẩy xóa, khó khôi phục và thường có yếu tố nước ngoài.
Đại biểu Hoàng Quốc Khánh (Đoàn Lai Châu) nêu dẫn chứng, người dân vùng nông thôn, vùng đồng bào dân tộc thiểu số liên tục bị các đối tượng tội phạm dùng các thủ đoạn lừa đảo, giả mạo cơ quan chức năng, các tổ chức tín dụng và công chức các cơ quan nhà nước để chiếm đoạt tiền; các hành vi xâm nhập các địa chỉ như zalo, facebook cá nhân để lừa tiền đang xảy ra khá phổ biến và ngày càng tinh vi hơn.
Các đại biểu cũng đề nghị các đài phát thanh, truyền hình cần dành một thời lượng phù hợp vào các khung giờ vàng, thời điểm mà nhiều người theo dõi để cập nhật các thông tin cảnh báo về các loại hình tội phạm. Đồng thời, cơ quan chức năng tiếp tục thực hiện tốt công tác dự báo tình hình, đổi mới phương thức cảnh báo hành vi, thủ đoạn các loại tội phạm để người dân biết, phòng tránh.
Nhiều ý kiến đại biểu Quốc hội cũng đề nghị Chính phủ và các bộ, ngành cần có các giải pháp quyết liệt, mạnh mẽ hơn để phòng, chống các hành vi vi phạm pháp luật và tội phạm trên không gian mạng, chuẩn hóa thông tin thuê bao di động, tiến tới loại bỏ hoàn toàn SIM rác; đề nghị Bộ Công an, Bộ Thông tin và Truyền thông tăng cường triệt phá các loại tội phạm lừa đảo qua các ứng dụng điện thoại, điển hình là những cuộc gọi mạo danh.