Tăng giá trị, mở rộng thị phần cho cà phê, chè Việt Nam

Song Hà
Chia sẻ

Cà phê và chè nằm trong nhóm hàng nông sản xuất khẩu chủ lực của Việt Nam. Dù các sản phẩm này đã bước đầu hiện diện thành công ở một số thị trường châu Á nhưng vẫn rất cần có chiến lược bài bản làm tăng giá trị chè, cà phê, xuất khẩu bằng thương hiệu riêng để tạo ra đột phá...

Sản phẩm chè của Việt Nam cũng đã được xuất khẩu tới hơn 70 quốc gia và vùng lãnh thổ.
Sản phẩm chè của Việt Nam cũng đã được xuất khẩu tới hơn 70 quốc gia và vùng lãnh thổ.

Theo Cục Xúc tiến thương mại (Bộ Công Thương), xuất khẩu cà phê của Việt Nam hiện đứng thứ hai thế giới, chỉ đứng sau Brazil. Cà phê Việt Nam đã có mặt trên hơn 80 quốc gia và vùng lãnh thổ, tập trung chủ yếu ở những thị trường lớn như: Đức, Mỹ, Tây Ban Nha, Italia, Bỉ, Anh và các thị trường mới nổi như: Trung Quốc, Nga, Hàn Quốc, Nhật Bản…

Cùng với cà phê, Việt Nam là nước có lợi thế sản xuất chè với các hương vị đặc biệt được thế giới ưa chuộng. Sản phẩm chè của Việt Nam cũng đã được xuất khẩu tới hơn 70 quốc gia và vùng lãnh thổ. Trong đó, Pakistan, Đài Loan (Trung Quốc), Nga, Indonesia, Trung Quốc là 5 thị trường trọng điểm của chè Việt.

Đáng ghi nhận, những năm gần đây xuất khẩu chè và cà phê Việt Nam đã có nhiều thay đổi khi chúng ta đẩy mạnh xuất khẩu chè và cà phê chế biến.

KHÔNG GIAN CHO CHÈ, CÀ PHÊ RẤT LỚN

Ấn Độ, Đài Loan và Hồng Kông (Trung Quốc) được đánh giá là những thị trường xuất khẩu chè và cà phê nhiều tiềm năng của Việt Nam nhưng vẫn chưa được khai phá hết.

Ông Vũ Văn Cường, Trưởng đại diện Bộ phận Thương vụ, Văn phòng Kinh tế văn hóa Việt Nam tại Đài Bắc (Trung Quốc), cho biết Việt Nam hiện đang là thị trường cung cấp chè chính cho Đài Loan.

Năm 2021, xuất khẩu chè của Việt Nam sang Đài Loan đạt 18.586 tấn, tương đương 28,72 triệu USD, chiếm 14,7% trong tổng lượng và chiếm 13,4% trong tổng kim ngạch xuất khẩu chè của Việt Nam.

Đối với mặt hàng cà phê, theo thống kê của Cơ quan Quản lý ngoại thương Đài Loan, Việt Nam hiện là đối tác cung ứng cà phê lớn thứ 8 của Đài Loan về kim ngạch (tương đương 2,53% thị phần) và thứ 18 của Đài Loan về lượng (tương đương 1,06% thị phần).

Còn với thị trường Hồng Kông, theo bà Vũ Thị Thuý, Trưởng Cơ quan Thương vụ Việt Nam tại Hồng Kông (kiêm nhiệm Macao), nhiều năm liền Việt Nam luôn nằm trong top 10 đối tác thương mại lớn nhất. Năm 2021, Việt Nam là đối tác thương mại lớn thứ 7 của Hồng Kông, với kim ngạch thương mại song phương hai chiều đạt 13,62 tỷ USD.

Hồng Kông là thị trường chuyên nhập khẩu hàng lương thực, thực phẩm lại có quãng đường vận chuyển khá ngắn, có nhiều yếu tố tương đồng trong khẩu vị với Việt Nam, vì vậy khả năng tiêu thụ sản phẩm chất lượng cao rất tốt, thậm chí sản phẩm đặc sản, giá thành cao cũng là yếu tố thuận lợi đáng chú ý tại thị trường này.

Ngoài hai thị trường trên, Ấn Độ cũng được đánh giá là thị trường khổng lồ cho mặt hàng chè và cà phê của Việt Nam. Ông Bùi Trung Thướng, Tham tán Thương vụ Việt Nam tại Ấn Độ (kiêm nhiệm Nepal, Bhutan), cho hay với dân số trên 1,4 tỷ người, Ấn Độ là một thị trường tiêu thụ rất lớn. Việt Nam có thể xuất khẩu sang Ấn Độ các mặt hàng nông sản, trong đó có chè, cà phê.

Ấn Độ là một trong những nước sản xuất và tiêu thụ chè lớn nhất thế giới nhưng cũng là thị trường nhập khẩu chè lớn trên thế giới. Nhập khẩu chè của Ấn Độ ngoài việc để tiêu dùng tại thị trường nội địa còn nhằm mục đích tái xuất khẩu. Hiện Ấn Độ nhập khẩu chè chủ yếu từ thị trường Nepal, Kenya, Việt Nam, Sri Lanka, Iran, Indonesia. Năm 2020, Ấn Độ nhập khẩu chè khoảng 67 triệu USD, trong đó nhập khẩu từ Việt Nam 4 triệu USD, chiếm tỷ trọng 6,4%.

Đối với mặt hàng cà phê, Ấn Độ là nước sản xuất cà phê lớn thứ sáu thế giới. Ấn Độ chủ yếu nhập khẩu cà phê từ Việt Nam, Indonesia, Uganda và Kenya để chế biến và tái xuất. Sản phẩm cà phê hòa tan của Việt Nam được ưa chuộng tại thị trường Ấn Độ.

Theo ông Đỗ Duy Khánh, Bí thư thứ nhất Thương vụ Việt Nam tại Ấn Độ, qua theo dõi nghiên cứu thị trường Ấn Độ có thể thấy người tiêu dùng Ấn Độ rất thích cà phê Việt Nam, trong đó có cà phê pha sẵn, cà phê đóng chai. Vì thế, tiềm năng với các mặt hàng cà phê này rất lớn.

“Những đặc điểm trên của các thị trường chính là cơ hội để các doanh nghiệp chè và cà phê Việt Nam đẩy mạnh xuất khẩu vào các thị trường nhiều tiềm năng này”, bà Nguyễn Thị Thu Thủy, Phó Giám đốc Trung tâm Hỗ trợ xuất khẩu (Cục Xúc tiến thương mại) nhận định.

NHỮNG “BỨC TƯỜNG” CẦN VƯỢT QUA

Mặc dù là những “miếng bánh” hấp dẫn, nhưng xuất khẩu chè, cà phê của Việt Nam vào các thị trường này vẫn gặp nhiều thách thức.

Việt Nam là thị trường cung cấp chè chính cho Đài Loan, với lượng xuất khẩu tương đối lớn nhưng giá trị lại khá thấp. Hiện nay, đối thủ cạnh tranh chính mặt hàng trà của Việt Nam tại Đài Loan là Sri Lanka (tỷ trọng chiếm 15,43% thị phần), Ấn Độ (10,28%), Indonesia (6,46%) và Trung Quốc (4,79%)... Ngoài ra thị trường Đài Loan còn có các quy định khá chặt chẽ khi nhập khẩu sản phẩm vào đây.

Theo quy định của Đài Loan, sản phẩm trà nhập khẩu vào thị trường này phải tuân thủ “quy định về kiểm tra thực phẩm và sản phẩm liên quan nhập khẩu”. Nhà nhập khẩu phải đăng ký kiểm tra với Cơ quan Quản lý thực phẩm và dược phẩm Đài Loan (FDA), trong đó một số sản phẩm quy định cấm nhập khẩu các mặt hàng có xuất xứ từ Trung Quốc đại lục.

Bên cạnh đó, biểu thuế nhập khẩu của Đài Loan còn khá cao. Thuế quan nhập khẩu trà xuất xứ Việt Nam có mức 17-22%, hoặc 25% tùy loại. Đặc biệt, dư lượng thuốc bảo vệ thực vật, dư lượng Fipronil có trong sản phẩm cho phép còn 0,002ppm thay vì 0,005ppm (năm 2014).

Ông Cường cho rằng chè xuất khẩu sang Đài Loan được đóng gói với trọng lượng rất lớn, trên 3 kg, bao gói nhỏ hầu như không có. Trong khi đó, chè từ nhiều nước khác như Nhật Bản, Sri Lanka… nhập vào Đài Loan chủ yếu được đóng túi nhỏ, đóng hộp phù hợp pha chè uống hàng ngày hoặc làm quà tặng nhau.

Do vậy, để nâng cao sức cạnh tranh cho chè Việt Nam vào thị trường này, ông Cường khuyến nghị các doanh nghiệp cần có nghiên cứu tạo ra đột phá. Bên cạnh việc đa dạng hóa thị trường, cần đa dạng hóa các sản phẩm chè. Ngoài các loại trà hiện nay, nên xem xét đầu tư sản xuất các loại khác như trà túi, trà cốc…

Mặt khác, chất lượng chè cũng phải đáp ứng tiêu chuẩn của Đài Loan. Nếu sản phẩm đạt chất lượng tốt, không gian cho chè Việt Nam tại thị trường này rất lớn.

Theo ông Chou Tsung-Piao, Tổng giám đốc Công ty trà Queyue (Đài Loan), người tiêu dùng Đài Loan khi mua chè thường quan tâm đến bao bì, thông tin sản xuất, quy trình sản xuất và tiêu thụ, đặc biệt rất chú ý đến dư lượng thuốc bảo vệ thực vật. Có 66,4% những người được hỏi sẽ mua chè qua giới thiệu bạn bè, người thân, 75% sẽ mua chè nếu có nhà sản xuất, bán hàng rõ ràng. Điều này cho thấy người tiêu dùng có nhu cầu về an toàn vệ sinh thực phẩm là xu hướng tất yếu.

Bởi vậy, việc quảng bá chè có chất lượng cao, xác minh nguồn gốc, chất lượng chè an toàn... là nhiệm vụ quan trọng mà các doanh nghiệp Việt Nam cần lưu ý. Các sản phẩm chè vào Đài Loan đều phải qua kiểm nghiệm đảm bảo lượng tồn dư thuốc bảo vệ thực vật. Nếu không đảm bảo, không đạt sẽ không thể vào được Đài Loan.

Với thị trường Ấn Độ, ông Khánh cho biết để xuất khẩu cà phê vào thị trường này, doanh nghiệp cần lưu ý phải đảm bảo tiêu chuẩn dán nhãn, đóng gói, chứng nhận vệ sinh an toàn thực phẩm của Ấn Độ. Cùng với đó phải có chiến dịch marketing phù hợp.

Ông Tarun Kumar Pandey, Giám đốc Liên đoàn Các nhà nhập khẩu thương mại và công nghiệp Ấn Độ (IICCI), cũng cho rằng cơ hội hợp tác giữa doanh nghiệp Việt Nam và Ấn Độ rất lớn. Mặt hàng cà phê pha với sữa, đường rất thú vị. Doanh nghiệp Việt Nam có thể đóng thành gói nhỏ, phù hợp với thị trường bằng thương hiệu riêng của mình để xuất khẩu sang Ấn Độ.

Còn đối với mặt hàng chè, ông Khánh lưu ý hương vị, khẩu vị chè của người Ấn Độ khác so với Việt Nam, thích ngọt, có thêm cay. Vì vậy, doanh nghiệp Việt Nam cần nghiên cứu, đáp ứng đúng nhu cầu này của người dân Ấn Độ.

Tin liên quan

Khởi nghiệp

Hồ sơ Startup

Citigo là công ty công nghệ cung cấp những giải pháp đơn giản với chi phí tiết kiệm, giúp khách hàng nâng cao hiệu quả kinh doanh. Citigo hướng tới tầm nhìn trở thành công ty cung cấp giải pháp công nghệ cho doanh nghiệp phổ biến tại Đông Nam Á
ESBT là công ty hoạt động trọng lĩnh vực công nghệ thông tin, chúng tôi xây dựng những sản phẩm phần mềm cho cộng đồng và cung cấp dịch vụ phát triển phần mềm cho các doanh nghiệp
Lozi là một trong những ứng dụng thương mại điện tử được yêu thích nhất tại Việt Nam, kết nối hàng triệu người mua và người bán nhằm phục vụ nhu cầu mua bán trực tuyến ngày càng cao. Không chỉ là một cầu nối thương mại điện tử đáng tin cậy, Lozi còn cung cấp dịch vụ giao hàng nhanh chóng và tiện lợi chỉ trong 1 giờ, đem đến cho khách hàng những trải nghiệm mua sắm trực tuyến hiệu quả và tối ưu
Bắt nguồn từ mong muốn mang chất lượng dạy Tiếng Anh tại Trường Quốc tế đến với mọi học sinh Việt Nam, để các bạn nhỏ dù không có điều kiện kinh tế theo học tại các Trường Quốc Tế hay Trung Tâm đắt tiền vẫn có thể sử dụng Tiếng Anh tốt như người bản ngữ. Đây chính là hành trang chuẩn bị cho các em tương lai vươn ra thế giới. Chính vì lý do trên, đội ngũ sáng lập đã bắt tay vào xây dựng sản phẩm đầu tiên có tên “Chương trình học Tiếng Anh Online EDUPIA”.
Công ty TNHH SA-ACH định vị về lĩnh vững trồng rừng, phát triển gồm 3 loại cây và bốn tầng cây trên một hecta đất nhằm tạo hệ sinh thái bền vững, và nâng cao thu nhập cho bà con