Tăng tốc chuyển đổi mô hình tăng trưởng, bắt kịp các quốc gia trên thế giới
Sau 35 năm đổi mới, việc chuyển sang mô hình tăng trưởng theo chiều sâu còn chậm so với yêu cầu đặt ra khi tăng trưởng vẫn chủ yếu dựa vào các yếu tố đầu vào như vốn, lao động và tài nguyên…
Hội thảo “Chuyển đổi mô hình tăng trưởng, cơ cấu lại nền kinh tế: Kinh nghiệm 35 năm đổi mới” do Ban Kinh tế Trung ương phối hợp với Tổ chức hợp tác phát triển Đức (GIZ) tổ chức ngày 26/4 đã nhận được nhiều ý kiến đóng góp quan trọng. Hầu hết các chuyên gia đều thống nhất một quan điểm Việt Nam cần nhanh chóng chuyển đổi mô hình tăng trưởng để bắt kịp với các quốc gia trong khu vực và trên thế giới.
CHẬM CHUYỂN ĐỔI MÔ HÌNH TĂNG TRƯỞNG
Đánh giá về quá trình chuyển đổi mô hình tăng trưởng thời gian qua, ông Nguyễn Đức Hiển, Phó Trưởng Ban Kinh tế Trung ương, nhận định quá trình đổi mới mô hình tăng trưởng, cơ cấu lại nền kinh tế thời gian qua đạt được những kết quả quan trọng.
Đó là tăng trưởng kinh tế đạt mức khá, mô hình tăng trưởng từng bước được chuyển đổi theo hướng kết hợp giữa chiều rộng và chiều sâu, chất lượng tăng trưởng dần cải thiện… Đặc biệt, các vấn đề trọng tâm về cơ cấu lại nền kinh tế gồm cơ cấu lại đầu tư công, doanh nghiệp nhà nước và các tổ chức tín dụng đã tập trung thực hiện và đạt được một số kết quả bước đầu.
“Tuy nhiên, việc chuyển sang mô hình tăng trưởng theo chiều sâu còn chậm so với yêu cầu đặt ra. Mô hình tăng trưởng vẫn chủ yếu dựa vào các yếu tố đầu vào gồm vốn, lao động, tài nguyên. Đóng góp của TFP vào tăng trưởng kinh tế còn hạn chế, thấp hơn nhiều so với các nước trong khu vực ở cùng giai đoạn phát triển”, Phó Trưởng ban Kinh tế Trung ương nhấn mạnh.
Ở mức độ nhất định, theo lãnh đạo Ban Kinh tế Trung ương, tăng trưởng kinh tế vẫn dựa vào xuất khẩu và đầu tư nước ngoài ngày càng tăng. Năng suất lao động còn thấp và chênh lệch giữa năng suất lao động của Việt Nam với các nước còn tiếp tục gia tăng.
Các vấn đề về cơ cấu lại ba lĩnh vực trọng tâm mặc dù được triển khai thực chất hơn nhưng chưa hoàn thành nhiều mục tiêu đề ra theo kế hoạch. Hiệu quả đầu tư công chưa cao và giải ngân vốn đầu tư công còn chậm nhất là vốn ODA. Tiến trình thực hiện cổ phần hóa các doanh nghiệp nhà nước, vốn nhà nước tại doanh nghiệp còn chậm so với kế hoạch đề ra, chủ yếu tập trung vào việc sắp xếp thu gọn số lượng, chất lượng quản trị doanh nghiệp chưa được cải thiện…
Ngoài ra, khu vực kinh tế tư nhân vẫn còn chưa lớn mạnh, chưa đáp ứng được vai trò quan trọng của nền kinh tế. Thể chế kinh tế thị trường, định hướng xã hội chủ nghĩa vẫn còn nhiều vấn đề cần tiếp tục được hoàn thiện.
BẮT NHỊP VỚI XU HƯỚNG THẾ GIỚI
Để tăng tốc chuyển đổi mô hình tăng trưởng, GS.TS. Trần Thọ Đạt, nguyên Hiệu trưởng Trường Đại học Kinh tế quốc dân cho rằng kinh tế số chính là động lực tăng trưởng mới trong chuyển đổi mô hình tăng trưởng và cơ cấu lại nền kinh tế trong thời gian tới.
Theo đó, GS.TS Trần Thọ Đạt đề xuất Việt Nam cần nhanh chóng xây dựng bản chiến lược khung cho việc chuyển đổi số; tạo các điều kiện căn bản để thu hút được nguồn vốn dành cho đầu tư số hóa nền kinh tế, cụ thể là hạ tầng và dịch vụ số; hỗ trợ doanh nghiệp khởi nghiệp, đổi mới sáng tạo, cải tiến kỹ thuật, công nghệ sản xuất; ứng dụng công nghệ số cho ngành công nghiệp chế biến chế tạo; ngành công nghệ thông tin – truyền thông và khoa học công nghệ; ngành tài chính, ngân hàng bảo hiểm và bất động sản…
Từ góc nhìn động lực phát triển kinh tế, PGS.TS Trần Đình Thiên, nguyên Viện trưởng Viện Kinh tế Việt Nam, nhấn mạnh những thay đổi cơ bản, nền tảng của nền kinh tế như phát triển đồng bộ các loại thị trường, đặc biệt là các thị trường nguồn lực đầu vào, nhất là thị trường đất đai; xây dựng nhà nước kiến tạo phát triển theo tinh thần phục vụ thị trường, phục vụ doanh nghiệp, thể chế quản trị phát triển hiện đại, phù hợp các cam kết hội nhập; tuân thủ nguyên tắc “nội lực là quyết định, ngoại lực là quan trọng” trong việc phát triển lực lượng doanh nghiệp Việt Nam và triển khai chiến lược thu hút FDI… sẽ là những giải pháp quan trọng để Việt Nam chuyển đổi mô hình tăng trưởng theo hướng chất lượng hơn.
Còn theo TS. Jonathan Pincus, Cố vấn kinh tế cấp cao của UNDP, để thu hẹp được khoảng cách giữa Việt Nam với các quốc gia phát triển, bên cạnh việc duy trì tỉ lệ xuất khẩu so với GDP cao hơn rất nhiều so với các quốc gia khác, Việt Nam cần giải quyết vấn đề nhập khẩu nhiều sản phẩm đầu vào chất lượng cao để phục vụ xuất khẩu.
Tuy nhiên, trong bối cảnh hầu hết các doanh nghiệp tư nhân của Việt Nam đều rất nhỏ; doanh nghiệp tư nhân lớn lại không phải là doanh nghiệp chế biến chế tạo mà là doanh nghiệp bất động sản thông qua đầu cơ đất đai, Việt Nam cần tạo ra cơ chế và sân chơi bình đẳng cho các doanh nghiệp trong nước và FDI trong đó đặc biệt quan tâm đến cơ chế tài chính cho các doanh nghiệp nhỏ và vừa, đặc biệt doanh nghiệp siêu nhỏ.
“Ngoài ra, Việt Nam cần chuyển hóa tốt hơn từ khâu lập chiến lược, kế hoạch đến khâu triển khai chiến lược, kế hoạch thông qua việc giảm phân mảnh quyền lực trong quá trình thực thi”, đại diện UNDP khuyến nghị.
Hội thảo “Chuyển đổi mô hình tăng trưởng, cơ cấu lại nền kinh tế: Kinh nghiệm 35 năm đổi mới” tập trung thảo luận 3 nội dung chủ yếu.
Thứ nhất, nhận diện, phân tích làm rõ kết quả đổi mới mô hình tăng trưởng, cơ cấu lại nền kinh tế và kinh nghiệm qua 35 năm đổi mới của Việt Nam, tập trung làm rõ những vấn đề nâng cao chất lượng tăng trưởng, năng cao năng suất lao động và sức cạnh tranh của nền kinh tế.
Thứ hai, đánh giá đổi mới mô hình tăng trưởng gắn với ba đột phá chiến lược đã nêu trong nghị quyết và yêu cầu cơ cấu lại nền kinh tế với các trọng tâm ưu tiên để hoàn thiện thể chế, cải thiện môi trường đầu tư, nâng cao năng lực khoa học công nghệ và đổi mới sáng tạo quốc gia; cơ cấu lại ngành, lĩnh vực.
Thứ ba, thảo luận về bối cảnh, điều kiện mới của Việt Nam giai đoạn 2021-2025 và 2026-2030 để nhận diện rõ các bối cảnh tác động đến quá trình cơ cấu lại nền kinh tế, đổi mới mô hình tăng trưởng của Việt Nam; đề xuất các quan điểm, chủ trương, nhiệm vụ, giải pháp lớn.