Ban Kinh tế Trung ương: Cấp bách tìm giải pháp phục hồi và phát triển kinh tế bền vững thời kỳ hậu Covid-19
Nhu cầu cấp bách và khẩn trương hiện nay là tìm giải pháp phục hồi và phát triển kinh tế bền vững thời kỳ hậu Covid-19, đồng thời hỗ trợ các động lực tăng trưởng trong dài hạn thúc đẩy quá trình công nghiệp hóa, hiện đại hóa...
Phát biểu tại Diễn đàn cấp cao thường niên lần thứ ba về Công nghiệp 4.0 sáng ngày 6/12, ông Trần Tuấn Anh, Trưởng Ban Kinh tế Trung ương cho rằng dịch bệnh Covid -19 diễn biến ngày càng phức tạp, khó lường. Sự xuất hiện của biến thể mới Omicron có nguy cơ làm tăng trưởng GDP toàn cầu năm 2022 giảm từ 0,2 - 0,4 điểm %.
TĂNG TRƯỞNG GDP GIẢM SÂU
Dịch Covid-19 cũng ảnh hưởng nghiêm trọng tới các hoạt động kinh tế - xã hội của Việt Nam. Theo đó, lần đầu tiên tăng trưởng kinh tế quý 3/2021 giảm 6,17% và cũng là mức giảm sâu nhất kể từ khi Việt Nam tính và công bố GDP quý đến nay. Với mức giảm này, GDP năm 2021 ước tính chỉ đạt 2-2,5%.
Trong bối cảnh dịch Covid -19 còn tiếp tục kéo dài, khó lường; nền kinh tế tiềm ẩn nhiều nguy cơ vượt quá sức chịu đựng của người dân và doanh nghiệp, ông Trần Tuấn Anh cho rằng cần khẩn trương tìm kiếm những giải pháp hiệu quả nhằm phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội bền vững thời kỳ hậu Covid-19. Đồng thời, tạo nền tảng, hỗ trợ các động lực tăng trưởng trong dài hạn thúc đẩy quá trình công nghiệp hóa, hiện đại hóa phù hợp với bối cảnh và yêu cầu phát triển triển mới.
Mặc dù giai đoạn vừa qua, Việt Nam đã đạt được những tiến bộ đáng kể về kinh tế xã hội, trở thành một quốc gia có thu nhập trung bình thấp với tốc độ tăng trưởng ở mức cao, trung bình trên 6,6%/năm trong giai đoạn 2000-2019.
Tuy nhiên, quá trình phục hồi kinh tế - xã hội sau dịch Covid 19 và thực hiện công nghiệp hóa, hiện đại hóa trên nền tảng Công nghiệp 4.0 đang gặp phải những trở ngại lớn.
“Điển hình như mô hình tăng trưởng chưa dựa nhiều trên nền tảng khoa học, công nghệ, đổi mới sáng tạo; cơ cấu lại nền kinh tế gắn với đổi mới mô hình tăng trưởng còn chậm; tính tự chủ của nền kinh tế còn thấp; vẫn còn phụ thuộc lớn vào bên ngoài; chưa quan tâm đúng mức đến chuỗi giá trị và cung ứng trong nước nhằm nâng cao năng suất lao động và sức cạnh tranh của nền kinh tế”, Trưởng Ban Kinh tế Trung ương nhấn mạnh.
Đặc biệt, phát triển công nghiệp chưa đáp ứng được yêu cầu công nghiệp hóa, hiện đại hóa, chủ yếu phát triển theo mục tiêu ngắn hạn, thiếu tính bền vững. Các chính sách phát triển các ngành công nghiệp chậm được cụ thể hóa. Công nghiệp hóa, hiện đại hóa nông nghiệp, nông thôn còn thiếu một chiến lược phát triển rõ ràng.
“Thực tiễn 35 năm qua tiếp tục đặt ra nhiều vấn đề về lý luận và thực tiễn về công nghiệp hóa, hiện đại hóa cần phải tập trung giải quyết để đạt được các mục tiêu đến năm 2025”, ông Trần Tuấn Anh nhấn mạnh.
BA MỤC TIÊU VÀ NĂM NHÓM GIẢI PHÁP
Với bối cảnh trên, Thứ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Trần Quốc Phương nhất trí với quan điểm nếu không có chính sách hỗ trợ phù hợp, kịp thời, nền kinh tế không thể sớm phục hồi và tăng trưởng trở lại như trước khi có dịch; thậm chí có nguy cơ lỡ nhịp với xu hướng phục hồi của kinh tế toàn cầu.
“Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội là rất cần thiết đối với Việt Nam lúc này”, ông Trần Quốc Phương nêu quan điểm.
Theo Thứ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư, hiện Bộ Kế hoạch và Đầu tư đang trong quá trình tham vấn các bộ ngành, tổ chức quốc tế và chuyên gia kinh tế để sớm hoàn thiện Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội. Trong đó, Chương trình tập trung vào ba mục tiêu chính.
Thứ nhất, khôi phục nhanh các chuỗi sản xuất, cung ứng, lao động và thúc đẩy các động lực tăng trưởng, phấn đấu đạt mục tiêu tăng trưởng bình quân giai đoạn 2021-2025 khoảng 6,5-7%/năm, đồng thời giữ vững ổn định kinh tế vĩ mô, bảo đảm các cân đối lớn trong trung và dài hạn.
Thứ hai, phục hồi, phát triển nhanh sản xuất kinh doanh, nhất là các ngành, lĩnh vực quan trọng, chú trọng tiết giảm chi phí, hỗ trợ dòng tiền, bảo đảm tính chủ động cho doanh nghiệp và tạo thuận lợi cho người dân trên cơ sở thực hiện hiệu quả biện pháp phòng, chống dịch.
Thứ ba, bảo đảm an sinh xã hội và đời sống của người dân, người lao động, nhất là người nghèo, người yếu thế, đối tượng chịu ảnh hưởng nặng nề bởi dịch bệnh, góp phần giữ vững an ninh trật tự, an toàn xã hội.
Trên cơ sở này, chương trình đưa ra khung giải pháp tập trung vào năm nhóm nhiệm vụ chủ yếu.
Một là, thực hiện lộ trình mở cửa nền kinh tế gắn với phòng chống dịch;
Hai là, an sinh xã hội và hỗ trợ việc làm;
Ba là, hỗ trợ phục hồi doanh nghiệp, hợp tác xã, hộ kinh doanh;
Bốn là, phát triển kết cấu hạ tầng, khơi thông nguồn lực xã hội cho đầu tư, phát triển;
Năm là, hoàn thiện cơ chế, chính sách, cải cách hành chính, cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh.
MÔ HÌNH 3C
Từ góc nhìn quốc tế, TS. Mary C. Hallward-Driemeir, Cố vấn Kinh tế cấp cao về Tài chính, Năng lực cạnh tranh và Đổi mới sáng tạo, Ngân hàng Thế giới (WB) khuyến nghị quá trình phục hồi sau Covid-19 của Việt Nam cần lưu ý tới ba xu hướng công nghiệp 4.0 đang diễn ra trên toàn cầu.
Xu hướng 1, công nghiệp 4.0 đang tăng tốc nhưng không đồng đều giữa các ngành, lĩnh vực và phân khúc của các chuỗi giá trị toàn cầu.
Xu hướng 2, toàn cầu hóa và các mô hình của chuỗi giá trị toàn cầu đang điều chỉnh theo chủ nghĩa dân túy đang gia tăng, căng thẳng thương mại, cũng như những quan ngại lớn hơn về khả năng chống chịu, thích ứng với các cú sốc.
Xu hướng 3, dịch vụ hóa cũng đang tăng tốc, đặc biệt là với mức độ số hóa sâu sâu sắc hơn.
Nghiên cứu gần đây của WB cho thấy, thương mại (bao gồm cả trong chuỗi giá trị toàn cầu) đang chậm lại. Một số lĩnh vực với nội hàm nhiều chuỗi giá trị gia tăng đã chứng kiến sự sụt giảm lớn trong tăng trưởng thương mại như thực phẩm, dệt may, giấy…
Đặc biệt, sự gián đoạn do Covid-19 đã cho thấy khả năng thích ứng cao hơn trong các chuỗi giá trị mở ra cơ hội để đa dạng hóa hơn đồng thời dấy lên các cuộc tranh luận về mức độ của việc chuyển đổi hoạt động kinh doanh ở nước ngoài trở lại quốc gia ban đầu.
“Để bắt kịp được xu thế này, Việt Nam cần tập trung vào mô hình 3C. Đó là khả năng cạnh tranh (Copetitiveness), năng lực (Capabilities) và tính kết nối (Connectedness)”, TS. Mary C. Hallward-Driemeir nhấn mạnh.
Theo đó, đại diện WB khuyến nghị Việt Nam cần dỡ bỏ hạn chế trong kinh doanh dịch vụ, bao gồm cả đối với đầu tư FDI; và có nhiều giải pháp để tăng khả năng tiếp cận công nghệ trong các chính sách khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo.
“Việt Nam phải đảm bảo ngành logistics phát triển vững mạnh và duy trì sự kết nối với các trung tâm sản xuất. Trong đó, mở rộng áp dụng công nghệ số trong sản xuất và dịch vụ hậu sản xuất để đạt được mức giá cả hợp lý và cạnh tranh”, đại diện WB khẳng định.
Dẫn câu chuyện thành công của Moderna – một công ty công nghệ có tuổi đời hơn chục năm - ông Yong Hongtaek, Thứ trưởng Bộ Khoa học, Công nghệ thông tin và Truyền thông Hàn Quốc, dự báo xu hướng sắp tới sẽ là nghiên cứu khoa học, hình thành sản phẩm và dịch vụ và thương mại hóa kết quả nghiên cứu. Theo đó, Việt Nam cần chuẩn bị cho sự hình thành của những công nghệ được dự báo như trí tuệ nhân tạo (AI), dữ liệu lớn (big data)…
“Đặc biệt, mới đây, Hàn Quốc đã ban hành luật khung về dữ liệu. Đây là bộ luật đầu tiên trên thế giới đưa ra các giải pháp giải quyết tình huống trong việc khởi tạo, chia sẻ, sử dụng dữ liệu. Cùng với đó, Hàn Quốc cũng xây dựng các đặc khu về nghiên cứu phát triển để từ đó hình thành hệ sinh thái gồm viện, trường nghiên cứu, các doanh nghiệp, các quỹ đầu tư và công ty đại chúng”, ông Yong khuyến nghị.