Thứ trưởng Bộ Ngoại giao: “Chúng ta đang ở thời điểm thích hợp để ra quyết định táo bạo phù hợp cho doanh nghiệp”
Theo ông Nguyễn Minh Vũ, chúng ta đang ở thời điểm thích hợp để nghĩ lớn làm khác đưa ra quyết định táo bạo về sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp...
Phát biểu khai mạc tài Diễn đàn thường niên kịch bản kinh tế Việt Nam 2022 lần thứ 14 sáng 14/1 do Tạp chí Kinh tế Việt Nam tổ chức, Thứ trưởng Bộ Ngoại giao Nguyễn Minh Vũ, Uỷ viên Dự khuyết Trung ương Đảng cho hay, chủ đề của diễn đàn "Phục hồi và bứt tốc tăng trưởng" từ chính sách kích thích kinh tế đến sức bật các ngành, địa phương và doanh nghiệp rất phù hợp với bối cản hiện nay. Diễn đàn với chủ đề như một lời hiệu triệu, kêu gọi và khẩu hiệu hành động phù hợp với chúng ta, với các doanh nghiệp và các ngành nghề kinh tế.
Ông Vũ nhấn mạnh, bước sang năm thứ ba của đại dịch trăm năm mới có một lần, bên cạnh mất mát với kinh tế xã hội và người dân, có 3 điều có tính chất kinh điển có thể rút ra từ đại dịch với chúng ta.
Thứ nhất, trong nguy có cơ khi nhiều dịch vụ du lịch vận tải bán lẻ chịu tác động nặng nề đi xuống nhưng cũng có sự đi lên của nhiều ngành như thương mại điện tử, kinh tế số.
Thứ hai, cái khó ló cái khôn, nhiều doanh nghiệp thể hiện thích ứng tốt phát triển mạnh mẽ tìm xu hướng sản xuất kinh doanh bền vững có trách nhiệm với xã hội
Thứ ba, thay đổi, quản lý thay đổi và tốc độ sự thay đổi có ý nghĩa quan trọng, quyết định đối với doanh nghiệp nhất là trong một thế giới của nhiều sự chuyển dịch to lớn, chưa từng có về quy mô, tốc độ như hiện nay, đặc biệt là sự xuất hiện của chuyển đổi số, chuyển đổi xanh, các xu hướng bền vững từ đại dịch.
Đến nay, toàn bộ các nước thuộc Liên minh Châu Âu, khu vực Bắc Mỹ, Đông Bắc Á và Châu Đại dương đã ban hành chiến lược phát triển nền kinh tế số trong dài hạn. Hơn 130 nước đã đưa ra mục tiêu giảm phát thải ròng về 0 vào giai đoạn sau 2040, trong đó 44% đặt mục tiêu trước 2050, 55% sau 2050, tương đương với 85% dân số toàn cầu.
Điểm khác biệt và tích cực hơn so với các cuộc khủng hoảng toàn cầu trước đây là các mô hình tăng trưởng mới dựa trên kinh tế số, kinh tế tuần hoàn, kinh tế xanh… tạo cơ hội để các nước hướng đến đồng thời các mục tiêu tăng trưởng và phát triển bền vững, thay vì đánh đổi giữa tốc độ tăng trưởng và chất lượng tăng trưởng.
Ba thực tế đó nói lên rất nhiều điều đối với doanh nghiệp và hiệp hội. Trong đó có lẽ điều quan trọng nhất là học cách sống chung với mọi biến cố và sự thay đổi rất cần những điều kiện thuận lợi bên ngoài, song trong bối cảnh mà những yếu tố bên ngoài luôn bất định, bất ổn và bất an, thậm chí bất ngờ như đại dịch vừa qua, thì sự thay đổi và thích ứng ở bên trong mỗi doanh nghiệp mới là điều quan trọng nhất, có ý nghĩa quyết định.
"Chúng ta đang ở thời điểm rất phù hợp để “nghĩ lớn, làm lớn, nghĩ khác, làm khác”, đưa ra các quyết định táo bạo phù hợp cho doanh nghiệp", ông Vũ nhấn mạnh.
Điều đó xuất phát từ những thuận lợi rất căn bản khi nền kinh tế Việt Nam có dấu hiệu khởi sắc trở lại với việc Chính phủ triển khai Nghị quyết 128, đánh dấu quá trình chuyển trạng thái sang vừa phục hồi kinh tế, vừa sản xuất kinh doanh, cùng với đó là một loạt nghị quyết, chính sách tạo động lực, định hướng và nguồn lực cho sự phục hồi và bứt phá của nền kinh tế (Nghị quyết số 01 và số 02 của Chính phủ về nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu thực hiện Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội và cải thiện môi trường kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia; và Nghị quyết của Quốc hội về hỗ trợ phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội).
Do đó, Thứ trưởng Nguyễn Minh Vũ mong muốn Diễn đàn lần này sẽ tập trung thảo luận và đưa ra khuyến nghị về các biện pháp phục hồi, bứt tốc phát triển kinh tế - xã hội, trong đó bao gồm ba nhóm vấn đề sau:
Thứ nhất, trên cơ sở Nghị quyết của Quốc hội và các định hướng chính sách của Chính phủ, chúng ta sẽ cùng nhau hiến kế các giải pháp/biện pháp mà Chính phủ cần triển khai nhằm tạo điều kiện cho các doanh nghiệp và nền kinh tế phục hồi, bứt tốc, tận dụng một cách bền vững và hiệu quả chương trình phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội và các xu hướng của kinh tế thế giới.
Đặc biệt, cần tăng cường phối hợp thực hiện các nhiệm vụ cấp bách trước mắt như phòng chống đại dịch Covid-19 với phục hồi kinh tế. Cần tranh thủ tối đa quá trình sắp xếp lại các chuỗi cung ứng, chuỗi sản xuất đã và đang diễn ra.
Với vị trí địa - chiến lược quan trọng của đất nước cũng như vị thế cao của Việt Nam trong chính sách khu vực của các nước lớn, ta đang có cơ hội lớn. Nhưng cơ hội này không kéo dài mãi, chậm chân sẽ lỡ thời cơ. Điều này đòi hỏi sự phối hợp liên thông, nhịp nhàng, hiệu quả hơn nữa giữa cáclực lượng làm đối ngoại với các ban, bộ, ngành, doanh nghiệp, địa phương trong nước. Để đất nước có thể bứt phá, cần kết hợp nội lực với việc tranh thủ tối đa các nguồn lực từ bên ngoài, nhất là các nguồn lực tài chính, khoa học công nghệ, tri thức, những xu thế phát triển mới…
Thứ hai, khuyến nghị về các giải pháp bảo đảm sự ổn định và quản lý rủi ro trong quá trình phục hồi và bứt tốc. Trong bối cảnh thế giới có nhiều yếu tố bất định, khó lường và phức tạp do dịch bệnh và cạnh tranh địa chiến lược, chúng ta cần tiếp tục nhấn mạnh mục tiêu ổn định trong điều hành kinh tế - xã hội, trong đó chú trọng đồng thời ổn định về kinh tế vĩ mô và về an sinh xã hội. Mặt khác, chúng ta cần đẩy mạnh các biện pháp nhận diện và quản lý rủi ro trước những diễn biến phức tạp của dịch bệnh và chiều hướng gia tăng các rủi ro kinh tế - phát triển trên thế giới.
Cuối cùng, theo ông Vũ, các giải pháp tận dụng tốt các động lực tăng trưởng mới và bền vững. Ta đang có những động lực mới từ các FTA, từ các ngành nghề mới hình thành từ xu hướng tăng trưởng xanh, chuyển đổi số, phát triển kinh tế số, thúc đẩy đổi mới sáng tạo, tạo động lực mới cho các doanh nghiệp nhỏ và vừa.