TP.HCM nghiên cứu thành lập trung tâm xử lý tin giả trên mạng xã hội
TP.HCM đang nghiên cứu thành lập bộ phận xử lý tin giả, phối hợp chặt chẽ với Trung tâm Xử lý tin giả Việt Nam nhằm xử lý thông tin sai lệch trên mạng xã hội. Đồng thời, ban hành quy chế phối hợp giữa các sở, ban ngành, địa phương trong việc xử lý thông tin trên mạng…
Ngày họp thứ hai (ngày 16/7) tại kỳ họp thứ 17 Hội đồng nhân dân TP.HCM khóa X đã có buổi chất vấn Giám đốc Sở Thông tin và Truyền thông TP.HCM Lâm Đình Thắng.
Tại buổi này, các đại biểu nêu thực trạng hiện nay các mạng xã hội tràn lan các nội dung tuyên truyền thật giả lẫn lộn, không chỉ chống phá Đảng, Nhà nước mà còn tạo ra các hiệu ứng đám đông ở ngoài đời thật.
Vì vậy, đại biểu đặt câu hỏi về việc Sở quản lý thông tin trên mạng xã hội và giải pháp để người dân có thể nhận biết đâu là thông tin chính thống. Ngoài ra, đại biểu cũng chất vấn về công tác quản lý của Sở đối với các hình thức quảng cáo trên các mạng xã hội, nhất là việc sử dụng người nổi tiếng, diễn viên, nghệ sĩ đối để quảng cáo các sản phẩm.
NGHIÊN CỨU LẬP BỘ PHẬN XỬ LÝ THÔNG TIN GIẢ
Trả lời buổi chất vấn, ông Lâm Đình Thắng, Giám đốc Sở Thông tin và Truyền thông TP.HCM, cho biết trong gian tới, Sở sẽ kiến nghị Bộ Thông tin và Truyền thông đẩy mạnh quá trình thay đổi thế chế, điều chỉnh Nghị định 72 của Chính phủ liên quan đến quản lý thông tin trên mạng. Bộ Thông tin và Truyền thông cũng có kế hoạch sửa đổi nghị định này theo hướng tất cả tài khoản trên mạng xã hội đều phải định danh và chỉ có tài khoản định danh mới được thừa nhận.
Ngoài ra, các doanh nghiệp cung cấp mạng xã hội xuyên biên giới bắt buộc phải chấp hành các yêu cầu của cơ quan chức năng trong vòng 24 giờ.
Ông Lâm Đình Thắng cho biết hiện nay, nội dung thông tin trên mạng internet, mạng xã hội được cung cấp chủ yếu bởi 2 nguồn: Thứ nhất từ các tổ chức cá nhân trong nước, có rõ nguồn rõ ràng và được cấp giấy phép; Thứ hai từ các trang không rõ nguồn gốc, tuy cung cấp thông tin tiếng Việt nhưng tên miền quốc tế và đặt máy chủ ở nước ngoài.
Bên cạnh đó, các mạng xã hội xuyên biên giới được nhiều người dùng hiện nay như Facebook, Youtube, Tiktok là những mạng được người Việt sử dụng nhiều nhất. Các thông tin giả chủ yếu xuất phát lan truyền trên các mạng xã hội nước ngoài này và rất khó để chấn chỉnh.
Lý giải điều này, ông Thắng cho biết do các doanh nghiệp cung cấp dịch vụ xuyên biên giới vào Việt Nam không có đại diện pháp lý tại Việt Nam (pháp luật không bắt buộc).
Đồng thời, tuy là thông tin tiếng Việt nhưng tên miền quốc tế, máy chủ đặt tại nước ngoài. Do vậy, khi các cơ quan yêu cầu gỡ bỏ các thông tin sai lệnh thì các doanh nghiệp này phần lớn tìm cách né tránh, dẫn đến thông tin giả, sai lệch nhiều.
Một lý do nữa là sự phối hợp giữa các bộ, ngành, đơn vị, địa phương để xác định thông tin đó là thông tin giả mất nhiều thời gian và chưa có sự chặt chẽ giữa các đơn vị.
Hiện, TP.HCM cũng đang nghiên cứu thành lập bộ phận xử lý tin giả, dự kiến đặt tại Trung tâm Báo chí TP.HCM, phối hợp chặt chẽ với Trung tâm xử lý tin giả Việt Nam. Kèm với việc hình thành trung tâm này thì sẽ có quy chế hợp giữa các sở, ban, ngành, địa phương trên địa bàn để xử lý tin giả.
Ông Thắng thông tin quy chế này sẽ xác định được 3 bộ phận quan trọng gồm: Bộ phận tiếp nhận thông tin; bộ phận xác định thông tin đó là thông tin giả; bộ phận công bố tin giả, tin sai lệch.
Theo đó, ba bộ phận này có quy trình làm việc nhuần nhuyễn với nhau, ghi nhận, xác định và công bố trong thời gian nhất định, cùng với hệ thống công nghệ hỗ trợ để giảm thiểu tin giả, tin sai lệch.
PHÁT TRIỂN DANH SÁCH TRẮNG TRÊN MẠNG XÃ HỘI
Đối với vấn đề quản lý quảng cáo trên mạng, ông Thắng cho biết vẫn có những đơn vị chưa chấp hành đầy đủ quy định về pháp luật, bất chấp vi phạm pháp luật vì doanh thu và lợi nhuận. Trong thời gian qua, các cơ quan chức năng đã đấu tranh, song hành vi tuy giảm bớt nhưng còn nhiều phức tạp, khó khăn.
Theo Giám đốc Sở Thông tin và Truyền thông, nguyên nhân của việc hạn chế này là do thẩm quyền làm việc với các nền tảng mạng xã hội xuyên biên giới là của Bộ Thông tin và Truyền thông, địa phương chưa chủ động hoàn toàn để giải quyết.
Bên cạnh đó, Luật Quảng cáo hiện nay chưa có những quy định chi tiết về việc quản lý cấp phép quảng cáo trên mạng Internet cũng như trên mạng xã hội. Bộ Thông tin và Truyền thông đã nhận thấy vấn đề này và đang dự thảo để sửa Luật Quảng cáo để có quy định pháp luật đầy đủ, xử lý việc này triệt để, nghiêm minh hơn.
Ngoài ra, ông Thắng nhìn nhận: “Do sự phát triển của quảng cáo trên mạng internet nhanh nên hầu như các sở, ngành, địa phương đều thiếu hụt nhân sự để quản lý lĩnh vực này. Nhân sự không có chuyên môn sâu và hầu hết đều kiêm nhiệm”.
Thời gian tới, Sở sẽ tham mưu Ủy ban nhân dân TP.HCM kiến nghị Bộ Thông tin và Truyền thông phát triển Danh sách trắng (Whitelist) gồm các trang, kênh, mạng xã hội được công nhận, chấp hành đầy đủ quy định của pháp luật và có giá trị tích cực.
Hiện, Bộ Thông tin và Truyền thông đang công bố danh sách này và ngày càng mở rộng, công bố rộng rãi để các đơn vị có nhu cầu quảng cáo tin tưởng và đặt quảng cáo.
Bên cạnh đó, Sở Thông tin và Truyền thông Thành phố đang tổng hợp danh sách những người nổi tiếng trên mạng xã hội (KOLs). Hiện danh sách có 720 các KOLs đang hoạt động trên địa bàn để tăng cường công tác quản lý. Sở cũng có kế hoạch phát huy các KOLs trong hoạt động chung của Thành phố.
Lý giải nguyên nhân giải ngân các hạng mục công nghệ thông tin đạt 0 đồng, ông Thắng cho biết năm 2024, trên cơ sở đề xuất của các đơn vị, sở, ngành, địa phương thì Ủy ban nhân dân Thành phố bố trí vốn để đầu tư công nghệ thông tin là 1.200 tỷ đồng. Từ khoảng tháng 6/2023, các đơn vị đã đề xuất nhu cầu đầu tư và Sở đã tổng hợp gửi Ủy ban nhân dân Thành phố vào tháng 12/2023.
Tuy nhiên, trải qua quá trình thẩm định, trao đổi, thực hiện hồ sơ của các sở, ngành, địa phương, có nơi làm đầy đủ, có nơi chưa thì đến tháng 5/2024, Ủy ban nhân dân Thành phố mới có quyết định bố trí vốn nên thời gian các đơn vị giải ngân kinh phí chưa thể thực hiện ngay được. Dự tính, với tốc độ này, các hạng mục sẽ được hoàn thành vào quý 3, 4 trong năm 2024.