TP.HCM đặt mục tiêu nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao chiếm từ 75 - 85%
TP.HCM đặt mục tiêu tỷ trọng giá trị sản xuất nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao chiếm từ 75 - 85% tổng giá trị sản xuất của ngành. Khu vực trung tâm Thành phố sẽ tập trung phát triển các mô hình nông nghiệp nội đô, tăng không gian xanh, tạo cảnh quan đô thị, cải thiện môi trường…
Trong định hướng phát triển nông nghiệp giai đoạn 2021 -2030, tầm nhìn đến năm 2050, TP.HCM phấn đấu trở thành trung tâm nông nghiệp công nghệ cao, trung tâm công nghiệp và dịch vụ phục vụ nông nghiệp hiện đại; bảo đảm kết nối cung - cầu hàng hóa, dịch vụ nông, lâm nghiệp, thủy sản chất lượng cao, an toàn theo chuỗi giá trị.
TẬP TRUNG PHÁT TRIỂN NÔNG NGHIỆP CÔNG NGHỆ CAO
Theo định hướng phát triển, TP.HCM đặt mục tiêu nông thôn phát triển toàn diện, có hạ tầng đồng bộ, hiện đại, có cơ cấu kinh tế hợp lý và môi trường sống an toàn, lành mạnh, giàu bản sắc văn hoá dân tộc.
Đồng thời, tạo động lực thúc đẩy nông nghiệp các vùng, các khu vực và cả nước phát triển. Nông dân và cư dân nông thôn có trình độ, đời sống vật chất và tinh thần cao, làm chủ quá trình phát triển nông nghiệp, nông thôn.
Trong đó, TP.HCM đặt mục tiêu tỷ trọng giá trị sản xuất nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao chiếm từ 75 - 85% tổng giá trị sản xuất của ngành nông, lâm nghiệp và thủy sản; tốc độ tăng trưởng dịch vụ nông nghiệp và công nghiệp, dịch vụ nông thôn trên 10%/năm; tốc độ tăng năng suất lao động nông nghiệp đạt 5,5 - 6%/năm.
Bên cạnh đó, giá trị sản xuất bình quân canh tác nông nghiệp đến năm 2030 đạt 850 triệu đồng/năm/ha đến 1 tỷ đồng/năm/ha; tỷ lệ lao động nông nghiệp, nông thôn qua đào tạo đạt trên 70%; phấn đấu trên 30% hợp tác xã sản xuất nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao.
Ngoài ra, TP.HCM phấn đấu có từ 290 sản phẩm OCOP được chứng nhận đạt từ 3 sao trở lên, trong đó có ít nhất 50% sản phẩm được chứng nhận đạt 4 - 5 sao. Đặc biệt, thu nhập của người dân nông thôn tăng 2,5 - 3 lần so với năm 2020.
Trong định hướng tầm nhìn đến năm 2050, khu vực Củ Chi, Hóc Môn tập trung phát triển các vùng sản xuất nông nghiệp tập trung ứng dụng công nghệ cao. Khu vực Bình Chánh, Nhà Bè tập trung phát triển về rau, hoa, cây ăn quả gắn với du lịch sinh thái và logistics nông sản.
Khu vực trung tâm Thành phố gồm 16 quận nội thành sẽ tập trung phát triển các mô hình nông nghiệp nội đô, tăng không gian xanh, tạo cảnh quan đô thị, cải thiện môi trường, tổ chức các vườn cây, vườn rau xung quanh nhà ở; tổ chức cây xanh cảnh quan gắn với không gian kiến trúc làm tăng giá trị thẩm mỹ của công trình kiến trúc, xây dựng trong đô thị…
Khu vực Thành phố Thủ Đức phát triển thành trung tâm khoa học và công nghệ gắn du lịch sinh thái và dịch vụ logistics nông sản. Còn khu vực huyện Cần Giờ sẽ phát triển thành phố du lịch sinh thái gắn với các hoạt động kinh tế nông nghiệp và dịch vụ môi trường rừng.
Tại Hội nghị sơ kết nhiệm vụ phát triển nông nghiệp, nông thôn 6 tháng đầu năm và triển khai nhiệm vụ 6 tháng cuối năm 2024, triển khai chương trình phát triển nông nghiệp đô thị trên địa bàn giai đoạn 2021- 2030, tầm nhìn đến năm 2050, ông Đinh Minh Hiệp, Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn TP.HCM, cho biết hiện nay ngành nông nghiệp Thành phố vẫn đang đối mặt với nhiều khó khăn thách thức.
Chẳng hạn như đất sản xuất nông nghiệp giảm mạnh và có xu hướng phân tán hơn; cơ cấu dân số, lao động và thu nhập của dân cư nông thôn chuyển dịch nhanh, gia tăng áp lực lên sản xuất nông nghiệp, nông thôn, ảnh hưởng đến nhu cầu đất ở và xây dựng hạ tầng nông thôn.
Ngoài ra, còn đối mặt với các vấn đề về suy giảm chất lượng không khí, nguồn nước, gia tăng chất thải rắn sinh hoạt, chất thải rắn công nghiệp và chất thải nguy hại; phá vỡ cân bằng sinh thái và suy giảm đa dạng sinh học... ảnh hưởng đến phát triển kinh tế - xã hội và đời sống của người dân. Trong đó nông nghiệp, nông thôn là đối tượng dễ bị tổn thương nhất.
THÚC ĐẨY HỢP TÁC LIÊN KẾT VÙNG
Thời gian qua, Thành phố Hồ Chí Minh và các tỉnh vùng Tây Nguyên đã đẩy mạnh hợp tác, phát huy tiềm năng, thế mạnh của các địa phương trong nông nghiệp, thúc đẩy phát triển kinh tế xã hội của hai vùng.
Trong đó, việc triển khai thực hiện các nội dung Bản thỏa thuận hợp tác nhằm góp phần phát triển kinh tế - xã hội của TP.HCM và các tỉnh vùng Tây Nguyên liên tục được thúc đẩy.
Theo báo cáo kết quả thực hiện Kế hoạch triển khai Bản thỏa thuận hợp tác phát triển, TP.HCM và các tỉnh vùng Tây Nguyên đã thống nhất triển khai 29 nội dung, hoạt động hợp tác song phương
UBND TP.HCM cho biết trong năm 2023, nhiều hoạt động kết nối giữa Thành phố và các vùng, trong đó có Tây Nguyên đã được tổ chức, xúc tiến như: Tuần lễ sản phẩm OCOP và sản phẩm đặc trưng các vùng, miền năm 2023; Hội chợ du lịch quốc tế Thành phố Hồ Chí Minh (ITE); Lễ hội Cà phê Buôn Ma Thuột; Lễ hội Văn hóa Thổ cẩm Việt Nam; Lễ hội Cồng chiêng Tây Nguyên; Lễ hội Sâm (FestivalSâm);…
Đánh giá về kết quả đạt được, UBND TP.HCM cho biết Thành phố và các tỉnh vùng Tây Nguyên đã phát huy tiềm năng, thế mạnh của các địa phương; chủ động trao đổi thông tin, kinh nghiệm; tích cực phối hợp tổ chức và tham gia triển khai thực hiện các sự kiện hợp tác tại hai vùng kinh tế.
Đồng thời, các doanh nghiệp của Thanh phố và các tỉnh vùng Tây Nguyên đã chủ động, tích cực khảo sát, tìm kiếm cơ hội hợp tác, đầu tư, kinh doanh.
Tuy nhiên, UBND Thành phố nhận định bên cạnh những mặt tích cực vẫn có những hạn chế cần khắc phục. Đơn cử, việc hợp tác vẫn còn một số hạn chế, số lượng khách đến tham quan, mua sắm tại sự kiện khai mạc Tuần lễ sản phẩm OCOP và sản phẩm đặc trưng các vùng, miền năm 2023 rất lớn nên một số doanh nghiệp tại các tỉnh, thành chưa chủ động được nguồn hàng hóa cung ứng liên tục và sớm hết hàng.
Ngoài ra, khoảng cách về địa lý giữa TP.HCM và các tỉnh Tây Nguyên vẫn còn là khó khăn, trở ngại trong việc cập nhật thông tin, trao đổi, triển khai thực hiện các nội dung. Một số địa phương chưa thống nhất phương thức tổ chức thực hiện nên mất nhiều thời gian trong việc phối hợp thực hiện.