Trung Quốc đã làm những gì trong 1 tháng qua để không còn ca nhiễm mới Covid?
Hơn 1 tháng Trung Quốc quyết tâm theo đuổi chiến lược triệt tiêu Covid (zero Covid), số ca nhiễm mới hàng ngày ở nước này đã giảm về 0...
Vẫn sử dụng các biện pháp cũ, quốc gia đông dân thứ nhì thế giới đã khống chế được hơn 30 ổ dịch trên toàn quốc, dù công tác chống dịch lần này khó khăn hơn so với những đợt dịch trước do biến chủng Delta lây mạnh và khiến hiệu lực của vaccine suy giảm. Tuy nhiên, hiện chưa rõ chiến thắng này của Trung Quốc kéo dài được bao lâu - hãng tin Bloomberg nhận định.
Mô hình chống dịch của Trung Quốc cho thấy những biện pháp mà một quốc gia có thể triển khai để đưa Covid về tầm kiểm soát, nhưng cũng đặt ra câu hỏi về việc liệu các quốc gia khác có sẵn sàng hay có thể học tập theo những biện pháp khắc nghiệt như Trung Quốc đã làm hay không.
Bloomberg đã điểm lại những gì đã xảy ra ở Trung Quốc từ hôm 20/7, thời điểm xuất hiện một ổ dịch ở nhóm nhân viên vệ sinh sân bay Nam Kinh, đến ngày 23/8 - khi nước này không ghi nhận ca nhiễm mới nào trong cộng đồng:
LIÊN TỤC XÉT NGHIỆM TOÀN BỘ DÂN SỐ Ở NHỮNG THÀNH PHỐ CÓ DỊCH
Trung Quốc đã đưa công tác xét nghiệm lên một cấp độ chưa từng có tiền lệ trong đợt bùng dịch này. Chính quyền các địa phương liên tục xét nghiệm toàn bộ dân số, có thành phố tiến hành xét nghiệm diện rộng hàng chục lần, để đảm bảo bóc tách hoàn toàn F0 ra khỏi cộng đồng. Tổng cộng, hơn 100 triệu lượt xét nghiệm đã được tiến hành. Ở Dương Châu, một số người thậm chí đã mắc Covid trong lúc xếp hàng chờ đến lượt lấy mẫu xét nghiệm. Tổng cộng trong đợt dịch này, Dương Châu có 12 đợt xét nghiệm, Nam Kinh có 7 đợt.
Giãn cách cũng đóng một vai trò lớn trong chiến lược chống dịch của Trung Quốc. Thủ đô Bắc Kinh có thời điểm được đặt trong tình trạng “nội bất xuất, ngoại bất nhập” dù chỉ phát hiện một ca nhiễm duy nhất. Các chuyến tàu và chuyến bay từ các địa phương có dịch trên toàn quốc tới Bắc Kinh cũng bị cắt. Trong toàn bộ đợt dịch này, Bắc Kinh ghi nhận chưa đầy 10 ca nhiễm.
Những địa phương khác cũng triển khai các biện pháp hạn chế mạnh tay, từ cấm người từ vùng có nguy cơ cao, cho tới yêu cầu du khách phải rút ngắn kỳ nghỉ. Người trở về từ địa phương khác phải cách ly nghiêm ngặt tại nhà trong thời gian quy định trước khi đi học, đi làm trở lại. Hơn 200 khu dân cư được khoanh vùng là khu vực nguy cơ cao hoặc trung bình, phải chịu các biện pháp hạn chế nghiêm ngặt, dù các biện pháp đó gây đảo lộn cuộc sống và công việc của người dân và doanh nghiệp.
DỊCH ĐẠT ĐỈNH RỒI GIẢM NHANH
Ban đầu, Trung Quốc phát hiện một ca mắc Covid có triệu chứng ở sân bay Nam Kinh. Ngày hôm sau, hơn một chục ca được phát hiện. Đến cuối tuần đó của tháng 7, số ca nhiễm mới hàng ngày đã lên gần 50 ca, cho thấy biến chủng Delta đã lan trong phạm vi hơn 1.000 km. Trong vòng chưa đầy 3 tuần, số ca nhiễm mới hàng ngày tăng lên hơn mức hơn 100 ca, rải khắp hơn một nửa số tỉnh, thành phố và khu vực trực thuộc trung ương.
Đợt dịch này xuống nhanh như lúc lên đỉnh. Trong tuần sau đó, số ca nhiễm mới hàng ngày giảm về ngưỡng 1 con số trong bối cảnh các hạn chế được siết chặt, rồi giảm về 0 vào ngày 23/8. Những đợt xét nghiệm tiếp theo sẽ cho biết virus đã hoàn toàn được khống chế hay chưa.
BÀI KIỂM TRA ĐỐI VỚI MÔ HÌNH “TRIỆT TIÊU COVID”
Sự lây lan của biến chủng Delta được coi là bài kiểm tra lớn nhất từ trước đến nay đối với mô hình chống dịch của Trung Quốc. Đợt bùng dịch này, virus đã lan tới 50 thành phố tại 17 tỉnh của Trung Quốc, trong đó có Vũ Hán, nơi Sars-Cov2 được phát hiện lần đầu tiên vào cuối năm 2019.
Tuy nhiên, Trung Quốc đã kiểm soát được virus sau khoảng 1 tháng, tương tự như khoảng thời gian mà nước này cần để khống chế những đợt bùng dịch trước đây, bao gồm đợt dịch vào đầu năm nay với khoảng 2.000 ca nhiễm.
Trong khi đó, các thành phố ở Australia đã phải phong toả liên tục, khiến hơn một nửa trong số 26 triệu dân của nước này, phải ở yên trong nhà, mà vẫn không kiểm soát được virus. Ở Mỹ, nước chưa bao giờ thực sự khống chế được Covid và đang dựa vào vaccine, mũi tiêm nhắc lại sẽ được triển khai vào tháng tới để tăng cường bảo vệ người dân khỏi biến chủng Delta.
Một thành công nữa của Trung Quốc là chưa có ca tử vong nào trong đợt dịch này. Tại tỉnh Giang Tô, một tâm dịch của đợt này, số ca nguy kịch có thời điểm tăng lên con số 18, dẫn tới lo ngại rằng Trung Quốc có thể chứng kiến những ca tử vong do Covid đầu tiên sau hơn 6 tháng. Tuy nhiên, nhiều ca bệnh trong số này sau đó đã nhẹ dần và hồi phục.
THIỆT HẠI KINH TẾ
Chiến lược triệt tiêu Covid bằng mọi giá đang đặt ra sức ép đối với nền kinh tế lớn thứ nhì thế giới. Tiêu dùng và ngành sản xuất cùng chậm lại trong tháng 7 và được dự báo tiếp tục suy yếu trong tháng 8 khi số ca nhiễm mới đạt đỉnh và các biện pháp chống dịch được đẩy mạnh. Một loạt ngân hàng từ Goldman Sachs tới Nomura mới đây đã cắt giảm dự báo tăng trưởng kinh tế 2021.
TRIỆT TIÊU COVID VÀ CHUNG SỐNG VỚI COVID
Sự xuất hiện của những biến chủng mới với tốc độ lây lan mạnh hơn đang khiến việc xoá sạch Covid trên toàn cầu trở thành một mục tiêu ngày càng xa vời. Hiện thực này khiến nhiều quốc gia từ Australia tới Singapore chuyển sang học cách sống chung với Covid, cho dù những nước này từng có lúc đặt mục tiêu xoá sổ Covid như Trung Quốc.
Tuy nhiên, Trung Quốc đã chứng tỏ được khả năng khống chế Sars-Cov2 và cam kết sẽ tiếp tục đi theo chiến lược này, cho dù có vất vả và tốn kém ra sao. Bộ trưởng Bộ Y tế Trung Quốc Ma Xiaowei vào hôm 16/8 nói với thông tấn Tân Hoa Xã rằng Chính phủ nước này có kế hoạch áp dụng những biện pháp thậm chí còn nghiêm ngặ hơn để phát hiện nhanh hơn sự xâm nhập của virus từ nước ngoài vào Trung Quốc. Ông Ma cũng nhắc lại quan điểm của Bắc Kinh rằng kiểm soát Covid mang lại một môi trường ổn định hơn cho phát triển kinh tế và đầu tư.
Với biến chủng Delta lây nhanh trên toàn cầu, khiến miễn dịch cộng đồng trở thành điều không thể, Trung Quốc dường như đang “đơn thương độc mã” với chiến lược triệt tiêu Covid. Nguy cơ virus xâm nhập từ bên ngoài vào nước này sẽ tiếp tục. Một số ca nhiễm mới trong những ngày gần đây được phát hiện ở những nơi như Thượng Hải, thay vì ở những địa phương là “điểm nóng” của đợt dịch này.
Đúng là Trung Quốc có thể loại bỏ được Covid. Nhưng câu hỏi còn lại là thành quả này có thể được giữ vững trong bao lâu?