Trung Quốc giúp Nga chống chọi “cơn bão” trừng phạt của phương Tây
Ba cách mà Trung Quốc đang triển khai để hỗ trợ Nga về mặt kinh tế...
Trong năm đầu tiên của chiến tranh Nga-Ukraine, Moscow hứng chịu những biện pháp trừng phạt chưa từng có tiền lệ của phương Tây và bị cô lập khỏi một bộ phận lớn của nền kinh tế toàn cầu. Tuy nhiên, Trung Quốc đã tung cho Nga một “phao cứu sinh” kinh tế, giúp Nga trụ vững trong “cơn bão” trừng phạt này.
Trong một động thái thể hiện mối quan hệ Trung-Nga nồng ấm, nhà ngoại giao cấp cao nhất của Trung Quốc, ông Vương Nghị, đã có cuộc gặp với Tổng thống Nga Vladimir Putin trong chuyến thăm Moscow vào tuần trước. Tờ Wall Street Journal dẫn nguồn thạo tin nói rằng Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình và ông Putin có thể có một cuộc gặp thượng đỉnh ở Moscow trong tháng 4 hoặc đầu tháng 5.
Trang CNN Business đã chỉ ra 3 cách mà Trung Quốc đang triển khai để hỗ trợ Nga về mặt kinh tế:
1. TRUNG QUỐC MUA NĂNG LƯỢNG NGA
Do ảnh hượng của lệnh trừng phạt, nền kinh tế Nga rơi vào suy thoái trong năm 2022, giảm 4,5% - theo ước tính mới nhất của Ngân hàng Thế giới (WB). Nhưng thu ngân sách của Moscow vẫn tăng, theo số liệu Chính thức của Chính phủ Nga. Đó chủ yếu là nhờ giá năng lượng tăng và việc Nga bán được nhiều dầu hơn cho những khách “sộp” như Trung Quốc và Ấn Độ.
“Trung Quốc đã hỗ trợ Nga bằng cách tăng cường quan hệ thương mại với Nga”, nhà phân tích Neil Thomas của Eurasia Group nhận định.
Tổng kim ngạch thương mại giữa Trung Quốc và Nga lập mức cao kỷ lục mới trong năm 2022, tăng 30% lên 190 tỷ USD – theo số liệu hải quan Trung Quốc. Trong đó, năng lượng là một trong những nhóm mặt hàng có mức tăng trưởng mạnh nhất.
Trong thời gian từ tháng 3-12/2022, nhập dầu thô Nga của Trung Quốc tăng 45% so với cùng kỳ năm trước, đạt 50,6 tỷ USD. Nhập khẩu than tăng 54%, đạt 10 tỷ USD. Nhập khẩu khí đốt, bao gồm khí tự nhiên qua đường ống và khí hoá lỏng (LNG), tăng 155% đạt 9,6 tỷ USD.
Điều này mang lại lợi ích cho cả hai bên. Nga cần khách hàng mới cho những lô hàng năng lượng bị phương Tây từ chối, trong khi Trung Quốc cần nguồn năng lượng giá rẻ để đáp ứng nhu cầu khổng lồ của hoạt động sản xuất công nghiệp, nhất là khi nước này nỗ lực vực dậy nền kinh tế giảm tốc mạnh vì chính sách Zero Covid.
Bắc Kinh và Moscow có kế hoạch mở rộng thêm mối quan hệ đối tác này, bao gồm một thoả thuận giữa tập đoàn khí đốt quốc doanh Nga Gazprom và Tổng công ty Xăng dầu Quốc gia Trung Quốc (CNPC), trong đó phía Nga sẽ cung cấp khí đốt cho Trung Quốc trong 25 năm tới.
“Với nền kinh tế Trung Quốc đã mở cửa trở lại, xuất khẩu của Nga sang Trung Quốc sẽ còn tăng, bao gồm xuất khẩu dầu khí”, giáo sư Anna Kireeva thuộc Viện Quan hệ Quốc tế Nhà nước ở Moscow phát biểu.
2. HÀNG HOÁ TRUNG QUỐC THẾ CHỖ HÀNG PHƯƠNG TÂY Ở NGA
Song so với đẩy mạnh xuất khẩu năng lượng sang Trung Quốc, Nga chi hàng tỷ USD mua máy móc, hàng điện tử, kim loại cơ bản, xe cộ, tàu bè và máy bay do Trung Quốc sản xuất – theo một báo cáo của Quốc hội Mỹ hồi tháng 5 năm ngoái.
“Mối quan hệ Trung-Nga sẽ tiếp tục phát triển vì Trung Quốc nhận thấy đây là cơ hội tốt. Trung Quốc không chỉ xem Nga như một đối tác chiến lược để đối trọng với Mỹ, mà còn rất quan tâm đến những gì Nga có thể mang lại cho Trung Quốc”, ông Thomas nhận định.
Khi phương Tây ngừng cung cấp cho Nga nhiều mặt hàng từ ô tô đến thiết bị điện tử, các thương hiệu Trung Quốc nhanh chóng thế chỗ. Chẳng hạn, các hãng xe Trung Quốc, như Havel, Chery và Geely, đã chứng kiến thị phần tại Nga tăng từ 10% lên 38% sau khi các thương hiệu phương Tây rút lui – theo dữ liệu từ công ty nghiên cứu Autostat của Nga. Thị phần của các hãng xe Trung Quốc tại thị trường Nga được dự báo sẽ tiếp tục tăng trong năm nay, Autostat dự báo.
Về hàng điện tử tiêu dùng, các thương hiệu Trung Quốc chiếm 40% thị trường smartphone ở Nga vào thời điểm cuối năm 2021. Một năm sau, họ gần như đã chiếm toàn bộ thị trường, với thị phần 95% - theo số liệu của công ty nghiên cứu Counterpoint.
3. NGA MANG ĐẾN CHO TRUNG QUỐC LỰA CHỌN THANH TOÁN THAY THẾ
Sau khi một số ngân hàng Nga bị loại khỏi hệ thống nhắn tin thanh toán quốc tế SWIFT, nước này đã từ bỏ việc thanh toán quốc tế bằng đồng USD và chuyển sang dùng Nhân dân tệ.
Các công ty Trung Quốc sử dụng đồng Nhân dân tệ ngày càng nhiều trong giao dịch thương mại với Trung Quốc. Các ngân hàng Trung Quốc cũng tạo điều kiện cho các giao dịch bằng Nhân dân tệ diễn ra nhiều hơn nhằm tránh các rủi ro trừng phạt. Tỷ trọng của Nhân dân tệ trên thị trường ngoại hối ở Nga đã tăng lên mức 48% vào tháng 11/2022, từ mức chưa đầy 1% vào tháng 1 - truyền thông Nga dẫn số liệu từ Sở giao dịch Moscow cho hay.
Tháng 7 năm ngoái, Nga có lúc trở thành trung tâm giao dịch Nhân dân tệ lớn thứ ba thế giới ngoài Trung Quốc đại lục, chỉ sau Hồng Kông và Anh, theo số liệu từ SWIFT. Từ đó trở đi, Nga giữ vị trí top 6 thị trường giao dịch Nhân dân tệ, dù không ở trong top 15 trước khi chiến tranh nổ ra.
Bộ Tài chính Nga cũng tăng gấp đôi tỷ lệ dự trữ Nhân dân tệ mà quỹ lợi ích quốc gia có thể nắm giữ lên 60%, sau khi một phần lớn dự trữ ngoại hối của Nga bị đóng băng bởi lệnh trừng phạt quốc tế - theo hãng tin Reuters. Thông tấn Nga Tass đưa tin Bộ trưởng Bộ Tài chính Nga Anton Siluanov nói rằng Nga sẽ chỉ mua Nhân dân tệ trong năm nay để làm đầy quỹ lợi ích quốc gia.
“Trong tất cả các ngoại tệ mà Ngân hàng Trung ương Nga có trong dự trữ, duy nhất chỉ có dự trữ Nhân dân tệ không bị đóng băng”, bà Kireeva nói. “Chúng ta có thể sẽ tiếp tục chứng kiến việc phi Đôla hoá trong giao dịch ngoại thương của Nga nói chung, và sự gia tăng tỷ trọng giao dịch bằng đồng tiền của những nước có quan điểm trung lập hoặc thân thiện với Moscow”.
Tháng 1 vừa qua, Bộ Tài chính Nga tuyên bố sẽ nối lại hoạt động can thiệp vào thị trường ngoại hối bằng cách bán Nhân dân tệ và mua Rúp.