TS. Nguyễn Đức Hiển: Khơi thông nguồn lực hiện có, thu hút các nguồn lực tài chính cho phát triển kinh tế
Ban Kinh tế Trung ương mong muốn lắng nghe các ý kiến chuyên gia đánh giá xem thực trạng cơ chế chính sách pháp luật đã thể chế hóa đồng bộ những vấn đề huy động nguồn lực tài chính chưa? Đồng thời đánh giá các mô hình, kinh nghiệm quốc tế để có khuyến nghị với Việt Nam...
Ngày 23/8, Tạp chí Kinh tế Việt Nam/VnEconomy phối hợp với Vụ Kinh tế tổng hợp (Ban Kinh tế Trung ương) cùng một số đơn vị liên quan tổ chức hội thảo “Phát huy và nâng cao hiệu quả các nguồn lực tài chính phát triển kinh tế đất nước trong bối cảnh mới”.
CẦN ĐÁNH GIÁ THỰC TRẠNG CÁC CƠ CHẾ, CHÍNH SÁCH
Phát biểu tại hội thảo, Phó trưởng ban Kinh tế Trung ương, ông Nguyễn Đức Hiển cho biết một trong những điểm nhấn của Nghị quyết 39 là đa dạng hóa các hình thức huy động và sử dụng nguồn lực; thúc đẩy xã hội hóa, thu hút mạnh mẽ các nguồn lực đầu tư ngoài nhà nước.
Hội thảo nằm trong chuỗi hoạt động nghiên cứu, khảo sát, tham vấn ý kiến các bên liên quan và chuyên gia nhằm có thêm luận cứ khoa học và thực tiễn phục vụ xây dựng Đề án sơ kết 5 năm thực hiện Nghị quyết số 39-NQ/TW ngày 15/1/2019 của Bộ Chính trị về nâng cao hiệu quả quản lý, khai thác, sử dụng và phát huy các nguồn lực của nền kinh tế (Nghị quyết số 39).
Sau khi Nghị quyết 39 được ban hành, một số luật, cơ chế chính sách đặc thù đã được đặt ra như Nghị quyết 06-NQ/TW ngày 24/1/2022 về quy hoạch, xây dựng quản lý, phát triển bền vững đô thị Việt Nam đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045... Tuy nhiên, cho đến thời điểm này thì kết quả chưa như kỳ vọng và cần thêm giải pháp mạnh hơn để gỡ vướng và thúc đẩy đạt mục tiêu đề ra.
Trong Nghị quyết 06 có nêu yêu cầu phát triển TP.HCM và một số địa phương thành trung tâm tài chính quốc tế. Cho đến nay, còn 1 năm nữa sẽ kết thúc nhiệm kỳ đại hội song công việc này mới manh nha. Phó Trưởng Ban Kinh tế Trung ương Nguyễn Đức Hiển nói rằng Ban Kinh tế Trung ương mong muốn lắng nghe các ý kiến đóng góp xem vướng ở đâu, do chính sách hay cách làm? Một số địa phương như Đà Nẵng đã ban hành nghị quyết đặc thù thì cần làm ngay để xem vướng mắc ở đâu.
Trong một số thông điệp, cuộc họp, Tổng bí thư nêu rõ cần phải có các bước phát triển đột phá tạo ra dư địa mới trong phát triển kinh tế. Sau khi xây dựng Nghị quyết 39, Ban Kinh tế Trung ương đã đề cập trực diện trong Nghị quyết 09 và Nghị quyết 06. "Chúng ta muốn hình thành những mô hình mới, các trung tâm tài chính quốc tế, trung tâm đổi mới sáng tạo với cơ chế vượt trội đặc thù ở một số địa phương nhưng vì sao triển khai lại khó trong khi nguồn lực tư nhân sẵn sàng tham gia. Vậy vướng ở đâu?", ông Hiển đặt câu hỏi.
Trước đây, liên quan đến Nghị quyết 11/2017 về thể chế các mô hình mới có đề cập đến khu thương mại phi thuế quan, rộng hơn là khu thương mại tự do chung và hiện nay chúng ta triển khai thí điểm ở một số nơi. Vậy việc triển khai như nào, có vướng không?
Nghị quyết 39 có nêu quan điểm “phải áp dụng nguyên tắc thị trường trong việc quản lý, khai thác, sử dụng các nguồn lực cho phát triển. Đẩy mạnh kinh tế hóa nguồn vật lực, trong đó tập trung vào nguồn lực tài nguyên thiên nhiên”. Bên cạnh đó, Nghị quyết 39 cũng nêu về nhóm giải pháp chung là “sửa đổi, bổ sung và hoàn thiện luật pháp, cơ chế, chính sách để khơi thông, giải phóng tối đa và nâng cao hiệu quả sử dụng nguồn lực hiện có; thực hiện công khai, minh bạch trong quản lý khai thác và sử dụng các nguồn lực của đất nước”.
Liên quan đến một số giải pháp cụ thể trong lĩnh vực tài chính như Luật Ngân sách Nhà nước, định hướng trong Nghị quyết 39 là nuôi dưỡng nguồn thu, tập trung thống nhất thu và quản lý chặt chẽ vấn đề chuyển giá, nợ đọng thuế, giám sát chặt chẽ các khoản chi từ Ngân sách Nhà nước, không ban hành các chính sách, chế độ, chương trình, đề án khi không cân đối được nguồn lực, đặc biệt nguồn tài chính.
"Ban Kinh tế Trung ương mong muốn được lắng nghe việc thực hiện các nhiệm vụ này đến đâu. Đơn cử như Luật Ngân sách Nhà nước có những vấn đề đang đặt ra là hiện nay theo quy định chia thành 2 cấp là ngân sách trung ương, ngân sách địa phương, trong đó ngân sách trung ương là chủ đạo, địa phương muốn đầu tư vào các hạ tầng trung ương thì không được. Hoặc giữa 2 địa phương muốn đầu tư hạ tầng muốn liên kết cùng nhau cũng rất khó. Chúng ta cần tiếp cận định hướng lớn nào để khơi thông nguồn lực từ ngân sách nhà nước", lãnh đạo Ban Kinh tế Trung ương nhấn mạnh.
Một vướng mắc khác được đề cập đến là khó trong phân bổ nguồn lực. Đó không chỉ là khó phân bổ khi có rất nhiều đề án, chương trình, nhưng nguồn lực lại có hạn; mà còn khó cả khi việc phân bổ nguồn lực cho các đề án trong phát triển kinh tế thì tản mạn, vụn vặt. Ví dụ chúng ta có định hướng ưu tiên ngành cơ khí để công nghiệp hóa nhưng suốt 15 năm chúng ta chi khoảng 171 tỷ thì khó thành công.
Hoặc chúng ta yêu cầu chính sách tài khóa, tiền tệ phải đồng bộ. Do vậy, Ban Kinh tế Trung ương mong muốn lắng nghe đánh giá về việc điều hành đồng bộ, nhịp nhàng giữa 2 chính sách này.
KHƠI THÔNG NGUỒN LỰC HIỆN CÓ, THU HÚT NGUỒN LỰC CHO PHÁT TRIỂN KINH TẾ
Đề cập đến một số mục tiêu kinh tế, ông Nguyễn Đức Hiển cho rằng Nghị quyết 39 có nhắc đến các mục tiêu cụ thể là “giữ vững an ninh tài chính quốc gia, bảo đảm cân đối ngân sách tích cực, giảm dần tỉ lệ bội chi ngân sách nhà nước, đến năm 2020 xuống dưới 4% GDP, đến năm 2030 xuống khoảng 3% GDP, hướng tới cân bằng thu – chi ngân sách nhà nước”.
Hiện nay, cơ bản các mục tiêu này đạt được song nhiều ý kiến đặt ra trong bối cảnh của Việt Nam, muốn thúc đẩy đầu tư kinh tế cần chấp nhận bội chi lớn hơn. Chúng ta đang trong giai đoạn cần đầu tư phải đi vay hoặc phải xác định ngưỡng khống chế linh hoạt hơn trong điều hành. Quốc hội có nên nên khống chế ngưỡng hàng năm không? Việc khống chế hàng năm sẽ tiếp cận như nào?
Một số vấn đề khác như bảo lãnh Chính phủ đối với đầu tư hạ tầng có nên thay đổi không? khai thác các nguồn lực vàng, đánh giá thực tế về khai thác các nguồn lực trong lĩnh vực tài chính tiền tệ ngân hàng như nào, gỡ thị trường trái phiếu doanh nghiệp ra sao… Ngoài ra cần đánh giá thị trường chứng khoán, bảo hiểm, quản lý tài sản công, nhất là sắp xếp các tài sản đất đai. "Đặc biệt thu hút nguồn lực tài chính xanh, chúng tôi rất muốn lắng nghe xem còn vấn đề gì đang đặt ra, từ cơ chế, chính sách để thực sự thu hút nguồn lực này", Phó trưởng ban Kinh tế Trung ương nói.
Còn rất nhiều vấn đề quan trọng liên quan đến các nội dung của Nghị quyết 39 được nhắc tới và còn rất nhiều cánh tay giơ lên đóng góp ý kiến. Ban kinh tế Trung ương cho biết sẽ tổng hợp tất các ý kiến, tham luận tại hội thảo để hoàn thiện đề án sơ kết, dự kiến trình Bộ Chính trị vào ngày 17/11/2024 tới đây.