Từ 1/7: Phải xác thực khuôn mặt khi chuyển khoản trên 20 triệu đồng/ngày
Để ngăn tội phạm đánh cắp tiền trong tài khoản, từ 01/07 chuyển khoản trên 10 triệu đồng/lần hoặc trên 20 triệu đồng/ngày phải xác thực khuôn mặt…
Trước thực trạng rất nhiều vụ lừa đảo trên mạng được ghi nhận, gây nhiều thiệt hại về tài sản cho người dân, để ngăn tội phạm đánh cắp tiền trong tài khoản, các ngân hàng thương mại đang gấp rút hoàn thiện hệ thống để triển khai quy trình xác thực khuôn mặt khi chuyển tiền trực tuyến theo quyết định 2345/QĐ-NHNN về triển khai các giải pháp an toàn, bảo mật trong thanh toán trực tuyến và thanh toán thẻ ngân hàng.
Các chuyên gia cho rằng người tiêu dùng vẫn cần thận trọng trong giao dịch trực tuyến vì tội phạm luôn có nhiều cách để thao túng tâm lý người dùng.
Theo đó, từ 01/07/2024, chuyển khoản trực tuyến trên 10 triệu đồng/lần hoặc hoặc trên 20 triệu đồng/ngày phải xác thực khuôn mặt. Đây là nội dung được Vụ Thanh toán Ngân hàng Nhà nước chia sẻ tại cuộc họp báo "Ngày không tiền mặt" 2024 vừa diễn vào chiều 28/05 tại TP.HCM.
PHÒNG CHỐNG LỪA ĐẢO MẠNG QUA XÁC THỰC KHUÔN MẶT
Theo ông Lê Anh Dũng, Phó vụ trưởng Vụ Thanh toán Ngân hàng Nhà nước, sau nhiều năm chờ đợi, Chính phủ vừa có quyết định 1813 phê duyệt đề án phát triển thanh toán không dùng tiền mặt tại Việt Nam giai đoạn 2021 - 2025, khẳng định vai trò, giá trị tăng thêm mà hoạt động thanh toán không tiền mặt đã tạo được cho người dân, doanh nghiệp.
Sau quyết định này sẽ có những thông tư hướng dẫn để có tính đồng bộ, cơ sở pháp lý cho nghị định số 52/2024/NĐ-CP quy định về thanh toán không dùng tiền mặt, có hiệu lực từ ngày 01/07/2024.
Ông Từ Tiến Phát, tổng giám đốc Ngân hàng Á Châu (ACB), cho rằng để thực hiện các nội dung của nghị định 2345, các ngân hàng phải đầu tư rất lớn vì hầu hết đều miễn phí phần lớn các dịch vụ. “Chúng tôi cho rằng việc đầu tư này rất đáng “đồng tiền bát gạo” bởi nó mang lại sự an toàn cho khách hàng. Và khi khách hàng thấy được sự an toàn đó, họ sẽ tìm đến sử dụng các dịch vụ của ngân hàng”, ông Phát nhấn mạnh.
ACB dự kiến trong tháng 6 tới sẽ thông báo cho khách hàng đăng ký xác thực thông tin. “Nhiều người lo lắng khi thực hiện nghị định này phải xác thực gương mặt, lo mất thông tin, phiền phức, nhưng chúng tôi đảm bảo nó sẽ thực hiện rất mượt. Người dùng chỉ mất lần đầu xác thực với căn cước công dân và khuôn mặt là sau đó có thể thực hiện các giao dịch rất dễ dàng”, ông Phát khẳng định.
Trước băn khoăn của người dùng về yêu cầu từ 01/07 chuyển khoản trên 10 triệu đồng/lần hoặc trên 20 triệu đồng/ngày là phải xác thực khuôn mặt để ngăn tội phạm đánh cắp tiền trong tài khoản theo quyết định 2345 của Ngân hàng Nhà nước, ông Lê Anh Dũng cho biết Ngân hàng Nhà nước đã nghiên cứu rất kỹ trước khi đưa ra mức 10 triệu đồng/giao dịch.
Theo thống kê, có đến 70% giao dịch chuyển tiền dưới 10 triệu đồng. Do vậy Ngân hàng Nhà nước đã đưa ra mức này với mục tiêu là cân đối xác thực giao dịch mạnh nhưng cũng phải đảm bảo trải nghiệm của người dùng.
“Ngân hàng Nhà nước cũng đưa ra ngưỡng 20 triệu đồng/ngày để tránh trường hợp tội phạm lợi dụng kẽ hở để thực hiện nhiều giao dịch dưới ngưỡng 10 triệu đồng/lần, chẳng hạn chuyển 9,9 triệu đồng/lần. Giới hạn này để phòng chống lừa đảo, tránh kẻ gian lợi dụng, mục đích hướng tới là nhằm bảo vệ, chứ không gây khó cho người dùng”, ông Dũng nhấn mạnh.
ĐẨY MẠNH TUYÊN TRUYỀN CẢNH GIÁC VỚI TỘI PHẠM MẠNG
Ông Lê Anh Dũng, Phó vụ trưởng Vụ Thanh toán Ngân hàng Nhà nước, cho biết từ cuối năm 2023 đến nay, tình trạng lừa đảo hoành hành, kẻ lừa đảo đánh vào điểm yếu nhất trong chuỗi giá trị thanh toán là người dùng.
“Câu chuyện ở đây là công tác truyền thông, đây là tuyến bảo vệ đầu tiên, nâng cao nhận thức cho người dân. Thứ hai là trách nhiệm của các chuỗi cung ứng thương mại, tăng cường bảo mật hệ thống, đem lại các dịch vụ an toàn, bảo mật cho khách hàng”, đại diện Vụ Thanh toán Ngân hàng Nhà nước nhấn mạnh.
Trước thực trạng trên, nhiều bộ, ban ngành với nhiều giải pháp mạnh giúp bảo vệ khách hàng đã vào cuộc, củng cố lòng tin vào phương thức thanh toán điện tử. Các phương pháp như xác thực mạnh còn giải quyết được tình trạng căn cơ là lừa đảo từ những tài khoản không chính chủ, giúp ngăn ngừa lừa đảo, và khắc phục được rủi ro khi sự cố xảy ra.
Ông Nguyễn Hoàng Long, Phó tổng giám đốc NAPAS, cũng chỉ ra “chiêu” lừa đảo phổ biến hiện nay là kẻ gian thường đánh vào tâm lý, lòng tham hay nỗi sợ hãi để người dân thực hiện các giao dịch thanh toán thật và chuyển tiền cho kẻ gian.
Do đó, để giải quyết thì bước đầu tiên phối hợp truyền thông, tuyên truyền để nêu sự cảnh giác. “NAPAS hợp tác với các ngân hàng thương mại ra mắt dịch vụ chuyển nhanh Napas247 thì thời gian xử lý giao dịch theo thời gian thực nên giao dịch chuyển rất nhanh. Do đó, người dùng đôi lúc phải quyết định chậm một chút trước khi thực hiện thao tác chuyển tiền”, ông Nguyễn Hoàng Long lưu ý.
Liên quan đến giải pháp phối hợp ngăn chặn các giao dịch gian lận, giả mạo, ông Long, cho biết: Thời gian qua, NAPAS đã phối hợp Tiểu ban quản lý rủi ro - Hiệp hội Ngân hàng và các ngân hàng thành viên để đưa ra các giải pháp, trong đó NAPAS đang soạn thảo bộ quy trình phối hợp giữa NAPAS và các ngân hàng dựa trên nền tảng quy định pháp lý hiện nay.
Đó là khi một ngân hàng phát hiện ra giao dịch mang tính chất gian lận, lừa đảo thì thông qua quy trình mà NAPAS và các ngân hàng thống nhất có thể thông tin ngay đến các ngân hàng được nhận tiền, từ đó các ngân hàng có hành vi tương ứng phù hợp với quy định của Ngân hàng nhận tiền.
Trong thời gian tới, Ngân hàng Nhà nước sẽ tiếp tục đổi mới, sáng tạo cách thức truyền thông, đẩy mạnh truyền thông trên mạng xã hội, trên Fanpage Giáo dục tài chính. Đặc biệt xây dựng website về giáo dục tài chính với những kiến thức từ đơn giản đến chuyên sâu về tài chính ngân hàng, trong đó có các dịch vụ thanh toán không dùng tiền mặt hiện đại.