VIC, MSN đột biến đợt ATC, VN-Index vượt đỉnh
Những nỗ lực vượt qua đỉnh cao tháng 12/2022 tưởng như đã suy yếu khi thị trường lình xình không bứt phá nổi chiều nay, thậm chí còn có vài nhịp trượt dốc. Rất may các cổ phiếu trụ hoạt động hiệu quả đến phút cuối cùng, nhờ VIC và MSN cùng bật lên mạnh mẽ ở đợt ATC, bù đắp được cho trụ VCB gây thất vọng. VN-Index đóng cửa tại 1.098,28 điểm chính thức đạt đỉnh cao mới...
Những nỗ lực vượt qua đỉnh cao tháng 12/2022 tưởng như đã suy yếu khi thị trường lình xình không bứt phá nổi chiều nay, thậm chí còn có vài nhịp trượt dốc. Rất may các cổ phiếu trụ hoạt động hiệu quả đến phút cuối cùng, nhờ VIC và MSN cùng bật lên mạnh mẽ ở đợt ATC, bù đắp được cho trụ VCB gây thất vọng. VN-Index đóng cửa tại 1.098,28 điểm chính thức đạt đỉnh cao mới.
Ảnh hưởng của nhóm cổ phiếu blue-chips lớn là rất rõ ràng. So với giá cuối phiên sáng, chiều nay rổ VN30 có 16 mã tăng cao hơn, 8 mã tụt giá, nhưng chỉ với VCB suy yếu, VN-Index vẫn phải chịu sức ép. Thời điểm chốt đợt khớp lệnh liên tục, VN-Index thậm chí còn đứng dưới mức chốt phiên sáng.
VCB về cuối phiên bị bán nhiều hơn trong khi lực cầu suy yếu. Từ mức đỉnh cao 91.000 đồng, chỉ trong khoảng 10 phút và đợt ATC, giá tụt xuống 90.000 đồng, co hẹp mức tăng còn +0,67% so với tham chiếu. Hiện VCB đang là cổ phiếu vốn hóa lớn nhất thị trường, nên ảnh hưởng của nhịp tụt giảm 1,1% so với mức đỉnh này cũng tạo sức ép lên chỉ số.
Rất may là một số trụ khác lại mạnh lên trong đợt ATC. Tiêu biểu là VIC từ 56.000 đồng nhảy lên 56.700 đồng, tức là tăng thêm 1,25% nữa, nâng tổng mức tăng cả ngày lên 2,72% so với tham chiếu. MSN từ giá 98.100 đồng lên 99.900 đồng, tương đương tăng 1,83%, mở rộng mức tăng lên 2,46% so với tham chiếu. Loạt blue-chips khác cũng có cải thiện nhẹ ở đợt cuối như BID, CTG, VNM, STB, FPT... cũng cộng thêm điểm cho chỉ số. VN-Index đóng cửa tăng 9,99 điểm tương đương 0,92%, độ rộng rất tốt với 322 mã tăng/105 mã giảm, trong đó 24 mã kịch trần và 145 mã khác tăng trên 1%.
Tính chung cả phiên, nhóm blue-chips vẫn là động lực chính của biến động tăng, khi có tới 9/10 mã kéo điểm số nhiều nhất thuộc về rổ VN30, mã còn lại là BCM tăng 1,2%. VN30-Index chốt phiên tăng 1,09% với 25 mã tăng/2 mã giảm. Cổ phiếu ngược dòng là BVH giảm 0,41% và VRE giảm 1,84%.
Nhóm tăng nóng hôm nay có khá nhiều cổ phiếu xuất sắc khi thu hút dòng tiền khá tốt và thanh khoản cao. ASM tăng 6,94% với 77,1 tỷ đồng giao dịch; DGW tăng 6,91% với 56,8 tỷ; TCM tăng 6,85% với 57,5 tỷ; SCR tăng 6,84% với 54,7 tỷ; LDG tăng 6,81% với 21,5 tỷ; DIG tăng 6,77% với 226 tỷ; DBC tăng 6,69% với 161,1 tỷ...
Với độ rộng rất đẹp và nhiều mã tăng với biên độ mạnh, nhà đầu tư có cơ hội chứng kiến danh mục có lãi thêm. Đây là động lực lớn nhất trong những ngày cuối năm vì sau một năm 2022 “đau thương”, nhà đầu tư cần một sự an ủi và kỳ vọng mới.
Tính theo mức đóng cửa hôm nay VN-Index đã vượt đỉnh, nhưng vẫn chưa phải là sự chắc chắn bùng nổ. Thanh khoản hai sàn niêm yết khá yếu với 10.569 tỷ đồng khớp lệnh, giảm 5% so với hôm qua. Chiều nay dòng tiền vào cũng kém, chỉ đạt 5.316 tỷ đồng, không tăng so với buổi sáng. Tuy nhiên thị trường vẫn còn một phiên giao dịch nữa và cơ hội vượt hẳn lên đỉnh cao mới là rất “sáng”.
Khối ngoại hôm nay cũng duy trì cường độ mua mạnh mẽ, tổng mức giải ngân trên sàn HoSE đạt 1.496,6 tỷ đồng và mức ròng 692,1 tỷ đồng. Cổ phiếu tài chính được mua mạnh với SSI đạt hơn 108 tỷ đồng ròng. VND, HCM cũng được mua rất tốt. VIC, MSN, CTG, HPG, BID, VCB đều được mua ròng vượt trội.
Đợt mua ròng hiện tại của khối ngoại rất ấn tượng. Chỉ có 2 phiên ngày 22/12 và 13/1 khối ngoại sang tay thỏa thuận lô lớn với EIB hàng ngàn tỷ đồng nên vị thế chung là bán ròng. Nếu không tính 2 giao dịch này thì khối ngoại gần như mua ròng liên tục suốt từ cuối tháng 10 tới nay, chỉ có 2-3 phiên là xen kẽ bán ròng không đáng kể.