Việc Jetstar Pacific bị lỗ là “có thật”

Quỳnh Lam
Chia sẻ

Tổng giám đốc Jetstar Pacific trao đổi với VnEconomy về những khó khăn trong hoạt động của hãng

"Việc Jetstar Pacific kinh doanh bị lỗ trong năm 2008 là có thật, cũng như cuộc khủng hoảng kinh tế toàn cầu là có thật và những khó khăn đối với ngành vận tải hàng không toàn thế giới là có thật".
"Việc Jetstar Pacific kinh doanh bị lỗ trong năm 2008 là có thật, cũng như cuộc khủng hoảng kinh tế toàn cầu là có thật và những khó khăn đối với ngành vận tải hàng không toàn thế giới là có thật".
Khủng hoảng tài chính đang gây khó khăn cho nhiều hãng hàng không trên thế giới. Tại Việt Nam, một số thông tin gần đây cho rằng hãng hàng không Jetstar Pacicfic đang lỗ nặng.

Một nguồn tin trên báo Thanh Niên ngày 26/11 cho hay, từ đầu năm 2008 đến nay, trung bình mỗi tháng, Jetstar Pacicfic bị lỗ khoảng 40 tỉ đồng (hơn 2,2 triệu USD), tức hơn 1,3 tỉ đồng/ngày.

Trước thông tin này, VnEconomy đã liên hệ với ông Lương Hoài Nam, Tổng giám đốc Jetstar Pacific.

Không tiết lộ con số lỗ cụ thể, song ông Nam cho biết việc Jetstar Pacific kinh doanh bị lỗ trong năm 2008 "là có thật, cũng như cuộc khủng hoảng kinh tế toàn cầu là có thật và những khó khăn đối với ngành vận tải hàng không toàn thế giới là có thật".

"Đó là lý do chúng tôi cần điều chỉnh hoạt động kinh doanh phù hợp với tình hình mới. Chúng tôi thường xuyên báo cáo, thảo luận với các cổ đông và các cơ quan nhà nước để có những giải pháp phù hợp", ông nói.

Không có khả năng "cố tình" để lỗ

Khi chuyển đổi mô hình hoạt động và cơ cấu lại, đặc biệt là có sự tham gia của nhà đầu tư chiến lược nước ngoài là hãng Qantas Airways, Jetstar Pacific được kỳ vọng sẽ có những chuyển biến mới trong hoạt động. Ông nói gì về thực tế hiện nay khi nhìn lại kỳ vọng đó?

Sau hơn một năm hoạt động với sự tham gia vốn và quản lý điều hành của Qantas Airways, xét trên mọi chỉ tiêu hoạt động, kinh doanh, các chỉ số an toàn hàng không, khai thác bảo dưỡng máy bay, tăng trưởng hành khách, hệ số ghế, doanh thu chuyến bay, thị phần, các chi phí ngoài xăng dầu… đều đạt như kỳ vọng.

Chính sự tham gia vốn và quản lý điều hành của Qantas Airways trong thời gian vừa qua đã giúp Jetstar Pacific có thể hoạt động trong những điều kiện biến động hết sức bất lợi vừa qua.

Đó là lý do để các cổ đông như Tổng công ty Đầu tư và Kinh doanh vốn Nhà nước (SCIC), Qantas, Saigon Tourist tiếp tục tin tưởng mạnh mẽ vào tương lai của công ty.

Liệu có khả năng phía nhà đầu tư chiến lược nước ngoài cố tình để Jetstar Pacicfic lỗ để có cơ hội tăng cổ phần không, như tăng thêm vốn đề xử lý lỗ mà một số thông tin đề cập, thưa ông?

Tôi không thấy bất kỳ một “nguy cơ” nào như vậy cả.

Luật Hàng không, nghị định của Chính phủ, quyết định của Thủ tướng Chính phủ chỉ cho phép Qantas được mua tối đa 30% cổ phần.

Hiện tại họ mới chỉ mới đầu tư vào Jetstar Pacific ở mức 18%, còn chưa quyết định việc tăng lên 30% và chưa bao giờ đề xuất tăng lên cao hơn nữa.

Có thể ai đó hiểu chưa đúng vấn đề này.

Vậy, hướng tháo gỡ khó khăn của Jetstar Pacific thời gian tới như thế nào, thưa ông?

Chúng tôi đang điều chỉnh giảm tốc độ tăng trưởng và tích cực cắt giảm mạnh và kiểm soát chi phí, tăng mức an toàn về doanh thu.

Jetstar Pacific cũng đang áp dụng hàng loạt biện pháp cắt giảm, kiểm soát chi phí, tăng cường các dịch vụ tự làm với chi phí thấp hơn so với mua ngoài.

Điều chỉnh giảm tăng trưởng để “tránh bão”

Vì sao gần đây Jetstar Pacicfic ngừng triển khai nhiều đường bay mới? Với những máy bay đã ký thuê sẽ giải quyết thế nào?

Thị trường hàng không Việt Nam đang bị ảnh hưởng nặng nề của cuộc khủng hoảng kinh tế toàn cầu.

Thị trường nội địa không còn tăng trưởng từ đầu quý 4 đến nay, thị trường quốc tế đã có dấu hiệu suy giảm, thể hiện qua hệ số ghế của các hãng hàng không, hệ số phòng khách sạn tại các thành phố lớn và các điểm du lịch, nghỉ dưỡng của Việt Nam.

Jetstar Pacific cũng phải điều chỉnh giảm tăng trưởng để “tránh bão”, đảm bảo tối đa lợi ích của các cổ đông. Chúng tôi đang đàm phán với các công ty cho thuê máy bay để điều chỉnh, xử lý các hợp đồng thuê phù hợp với kế hoạch kinh doanh mới, cân nhắc làm sao giảm thiểu tối đa những thiệt hại của Jetstar Pacific và của các cổ đông.

Ông có thể nói gì về hiệu quả của định hướng mô hình hàng không giá rẻ của Jetstar Pacicfic trong tương lai?

Hàng không giá rẻ đã đạt được những thành công và ưu thế của mô hình trên khắp thế giới, kể cả về sự đa dạng trong mô hình kinh doanh và hiệu quả kinh doanh. Quan trọng hơn, nó giúp giải quyết tốt hơn nhu cầu đi lại bằng đường hàng không của một phần lớn dân chúng.

Chúng tôi không có bất kỳ nghi ngờ nào về sự lựa chọn của chúng tôi cũng như việc mô hình hàng không giá rẻ sẽ tiếp tục gặt hái được những thành công ở Việt Nam.

Chúng tôi sẽ sớm bổ sung những gì của mô hình Jetstar mà Jetstar Pacific còn chưa có, ví dụ như vừa qua chúng tôi đã bổ sung dịch vụ bảo hiểm du lịch (ngoài bảo hiểm hàng không), sẽ triển khai thêm dịch vụ đặt phòng khách sạn ở Việt Nam và nước ngoài.

Chúng tôi đang chuẩn bị biến giá vé luôn luôn rẻ nhất thành cam kết pháp lý với hành khách chứ không phải chỉ là lời hứa.

* Theo thông tin Tổng công ty Đầu tư và Kinh doanh vốn Nhà nước (SCIC) gửi đến VnEconomy chiều 3/12, SCIC cho biết đã và đang hợp tác chặt chẽ với các cổ đông chiến lược của Jetstar Pacific để vượt qua khó khăn tạm thời trước mắt.

Tại Việt Nam, Jetstar Pacific là đại điện cho các hoạt động kinh doanh và quyền lợi của các hãng hàng không hoạt động dưới thương hiệu Jetstar.
 
Jetstar Pacific hiện là hãng hàng không lớn thứ hai ở Việt Nam, đồng thời là hãng hàng không giá rẻ duy nhất, được đổi tên từ Pacific Airlines (từ ngày 23/5/2008).

Các cổ đông của Jetstar Pacific bao gồm SCIC (75,78% vốn), Qantas Airways (18%), Tổng công ty Du lịch Sài Gòn - Saigon Tourist (6,18%) và ông Lương Hoài Nam - Tổng giám đốc (0,04%).

Tin liên quan

Khởi nghiệp

Hồ sơ Startup

Citigo là công ty công nghệ cung cấp những giải pháp đơn giản với chi phí tiết kiệm, giúp khách hàng nâng cao hiệu quả kinh doanh. Citigo hướng tới tầm nhìn trở thành công ty cung cấp giải pháp công nghệ cho doanh nghiệp phổ biến tại Đông Nam Á
ESBT là công ty hoạt động trọng lĩnh vực công nghệ thông tin, chúng tôi xây dựng những sản phẩm phần mềm cho cộng đồng và cung cấp dịch vụ phát triển phần mềm cho các doanh nghiệp
Lozi là một trong những ứng dụng thương mại điện tử được yêu thích nhất tại Việt Nam, kết nối hàng triệu người mua và người bán nhằm phục vụ nhu cầu mua bán trực tuyến ngày càng cao. Không chỉ là một cầu nối thương mại điện tử đáng tin cậy, Lozi còn cung cấp dịch vụ giao hàng nhanh chóng và tiện lợi chỉ trong 1 giờ, đem đến cho khách hàng những trải nghiệm mua sắm trực tuyến hiệu quả và tối ưu
Bắt nguồn từ mong muốn mang chất lượng dạy Tiếng Anh tại Trường Quốc tế đến với mọi học sinh Việt Nam, để các bạn nhỏ dù không có điều kiện kinh tế theo học tại các Trường Quốc Tế hay Trung Tâm đắt tiền vẫn có thể sử dụng Tiếng Anh tốt như người bản ngữ. Đây chính là hành trang chuẩn bị cho các em tương lai vươn ra thế giới. Chính vì lý do trên, đội ngũ sáng lập đã bắt tay vào xây dựng sản phẩm đầu tiên có tên “Chương trình học Tiếng Anh Online EDUPIA”.
Công ty TNHH SA-ACH định vị về lĩnh vững trồng rừng, phát triển gồm 3 loại cây và bốn tầng cây trên một hecta đất nhằm tạo hệ sinh thái bền vững, và nâng cao thu nhập cho bà con