VnDirect: Tỷ lệ nợ xấu giảm nhẹ, định giá hấp dẫn, ba cổ phiếu ngân hàng tiềm năng tăng lên tới 25%
Trong báo cáo chiến lược thị trường chứng khoán tháng 9, VnDirect nhấn mạnh nhóm ngân hàng sẽ trở thành nhóm dẫn dắt thị trường trong những tháng cuối năm với kỳ vọng g tín dụng tăng tốc từ Q3/24, định giá còn hấp dẫn.
Theo đó, VnDirect kỳ vọng tăng trưởng tín dụng sẽ đạt được mục tiêu năm 2024 của Ngân hàng Nhà nước, NIM duy trì ổn định do lãi suất cho vay giảm để hỗ trợ nền kinh tế; Tỷ lệ nợ xấu của ngành sẽ giảm nhẹ so với năm trước trong khi đó P/B hiện tại của ngành đang ở mức thấp hơn mức trung bình 5 năm và là mức định giá hấp dẫn.
Trên cơ sở đó, VnDirect khuyến nghị mua vào MBB với tiềm năng tăng giá 15%. TOI được thúc đẩy nhờ tăng trưởng tín dụng mạnh mẽ và lợi suất tài sản cải thiện. Dự phóng tăng trưởng tín dụng đạt 16% nhờ: MBB nhận được hạn ngạch tín dụng lớn hơn từ chuyển nhượng Ocean Bank; kỳ vọng ngành bán lẻ phục hồi mạnh hơn vào cuối năm sẽ có lợi cho MBB khi cho vay bán lẻ chiếm 43% tổng dư nợ tín dụng; và Danh mục khách hàng doanh nghiệp của MBB (chiếm 49% dư nợ tín dụng) sẽ hỗ trợ tăng trưởng tín dụng vì doanh nghiệp có khả năng tái cấp vốn tốt hơn cá nhân.
NIM sẽ tăng do lợi suất tài sản được cải thiện trong khi chi phí vốn vẫn được giữ nguyên. Lợi suất tài sản cải thiện do mức nền lãi suất kỳ vọng tăng và nhu cầu cho vay bán lẻ sẽ tăng sau khi kinh tế phục hồi, thúc đẩy NIM do cho vay bán lẻ mang lại lợi suất cao hơn. Chi phí vốn không thay đổi nhờ tỷ lệ CASA cao.
VnDirect kỳ vọng MBB sẽ duy trì quy mô TOI trong năm 2024 nhờ sự gia tăng của thu nhập ngoài lãi dựa trên tệp khách hàng doanh nghiệp lớn và mối quan hệ tốt với các doanh nghiệp quân đội, điều này sẽ giúp MBB tăng doanh thu từ việc bán chéo và thúc đẩy thu nhập từ phí.
Áp lực nợ xấu sẽ giảm bớt vào cuối năm. Dự phóng chi phí dự phòng của MBB sẽ giảm dần về cuối năm, đạt 8.631 tăng 25% so với cùng kỳ do: kỳ vọng kinh tế phục hồi, khả năng trả nợ của người đi vay tăng, từ đó giảm hình thành nợ xấu; và nợ xấu tăng nhanh trong Q1/24 do nợ CIC liên đới, với kỳ vọng sự phục hồi kinh tế sẽ làm giảm bớt sự tăng vọt của nợ xấu và hỗ trợ điều chỉnh nhóm nợ CIC về lại nợ tiêu chuẩn, giúp MBB giảm áp lực trích lập dự phòng.
VPB được khuyến nghị mua với tiềm năng tăng giá lên tới 25%. Tiêu dùng phục hồi chậm đã ảnh hưởng tới kết quả kinh doanh trong Q1/2024. Trong Q1/2024, NIM giảm xuống 5,52% giảm 73 điểm cơ bản so với cùng kỳ; giảm 6 điểm cơ bản so với quý trước, thu nhập ngoài lãi giảm 26,1% so với cùng kỳ giảm 9% so với quý trước và chất lượng tài sản vẫn là mối lo ngại khi tỷ lệ hình thành nợ xấu và nhóm nợ xấu 2 tiếp tục tăng 141 điểm cơ bản so với quý trước, tăng 9 điểm cơ bản so với cùng kỳ.
Sự phục hồi nhu cầu tiêu dùng sẽ thúc đẩy tăng trưởng tín dụng mạnh mẽ của VPB từ Q3/2024. bằng chứng là chỉ số RSI tăng 9,5% so với cùng kỳ trong tháng 5. Đây sẽ là động lực giúp tăng trưởng tín dụng đạt 21%, vượt xa mức tăng trưởng dự phóng 15% của ngành, giúp TOI tăng 14% so với cùng kỳ trong năm 2024.
FE Credit tái cấu trúc thành công sẽ thúc đẩy ROE cải thiện trong dài hạn. Dự phóng ROE sẽ tăng từ 9,9% vào năm 2023 lên 17% vào năm 2026, nhờ lợi nhuận của FE Credit phục hồi. Quá trình tái cơ cấu FEC đã có những tín hiệu tích cực khi công ty chuyển hướng sang khách hàng có lịch sử tín dụng tốt.
Kỳ vọng nợ xấu của FE Credit sẽ đạt đỉnh vào cuối Q2/24, sau khi các vấn đề tín dụng nghiêm trọng nhất đã kết thúc. Dự phóng FEC sẽ ghi nhận khoản lỗ trong năm nay do khoản lỗ trong Q1/24 nhưng kỳ vọng nhu cầu tiêu dùng cải thiện sẽ thúc đẩy lợi nhuận vào năm 2025.
VPB tăng cường cho vay FDI thông qua hợp tác với SMBC. Đà phục hồi của TOI được duy trì trong Q1/24 tăng 8,5% so với cùng kỳ; tăng 0,6% so với quý trước. Sự tăng trưởng này được thúc đẩy nhờ tăng trưởng tín dụng vững chắc ở mức 2,1% so với đầu năm, giúp giảm nhẹ tác động của việc giảm NIM và thu nhập ngoài lãi. VPB vẫn có thể mở rộng cho vay khách hàng FDI nhờ hợp tác với SMBC.
Cuối cùng là VCB tiềm năng tăng giá 23%. VnDirect kỳ vọng tăng trưởng tín dụng trong nửa cuối 2024 sẽ được cải thiện, chủ yếu nhờ tăng cho vay khách hàng FDI và các dự án lớn. Nhờ mối quan hệ với các doanh nghiệp nhà nước, VCB đã cho vay các dự án như Sân bay Long Thành (1 tỷ USD) và Lô B-Ô Môn (tổng mức đầu tư 12 tỷ USD).
VCB chiếm 43% thị phần cho vay doanh nghiệp nước ngoài năm 2022, cao nhất trong số các ngân hàng niêm yết nhờ lợi thế thương hiệu, vị thế dẫn đầu trong thương mại quốc tế và chi phí vốn thấp.
NIM tăng so với quý trước nhờ tỷ lệ CASA được cải thiện. NIM trong Q1/24 tăng 26 điểm cơ bản so với quý trước nhưng giảm 2 điểm cơ bản so với cùng kỳ, đạt 3,16%. Ước tính NIM 2024 sẽ đi ngang do VCB tiếp tục giảm lãi suất cho vay theo chủ trương của NHNN. Tuy nhiên, NIM sẽ được hỗ trợ một phần nhờ duy trì lãi suất huy động thấp và cải thiện tỷ lệ CASA. Cho vay doanh nghiệp lớn sẽ góp phần cải thiện tỷ lệ CASA thông qua các dịch vụ thanh toán, trả lương, ngoại hối.
Chất lượng tài sản hàng đầu với bộ đệm dự phòng cao nhất trong ngành ngân hàng. Tỷ lệ nợ xấu trong Q1/24 tăng 24 điểm cơ bản so với quý trước lên 1,2% và tỷ lệ hình thành nợ xấu tăng 25 điểm % so với quý trước tăng 1 điểm % so với cùng kỳ.
Tuy nhiên, tỷ lệ nợ xấu của VCB vẫn thấp thứ 2 ngành. VCB vẫn còn dư địa để trích lập dự phòng xử lý nợ do tỷ lệ bao phủ nợ xấu (LLR) là 200%, cao nhất ngành và do ngân hàng đã không xử lý bất kỳ khoản nợ xấu nào trong Q1/24. Kỳ vọng tỷ lệ nợ xấu sẽ đạt đỉnh vào Q2/24 trong khi tỷ lệ xử lý nợ xấu có thể tăng lên 0,5% trong 2024.