Xuất khẩu nông lâm thủy sản lập kỳ tích trong đại dịch
Đứng trước những thách thức chưa từng có do ảnh hưởng của đại dịch Covid-19, xuất khẩu nông lâm thủy sản vẫn mang về 43,48 tỷ USD sau 11 tháng. Với kết quả này, ngành nông nghiệp đã về đích sớm 1 tháng và vượt chỉ tiêu Chính phủ giao 1,48 tỷ USD. Nếu “phong độ” này tiếp tục được giữ vững trong tháng 12 thì cả năm toàn ngành sẽ lập nên “kỷ lục mới” với 47 tỷ USD...
Theo số liệu của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, tháng 11/2021, xuất khẩu nông lâm thủy sản đạt 4,2 tỷ USD, tăng 5,8% so với tháng 10/2021 và tăng 8,9% so với cùng kỳ năm 2020. Tính chung 11 tháng năm 2021, toàn ngành đạt 43,48 tỷ USD, tăng 14,2% so với cùng kỳ năm trước.
NHIỀU MẶT HÀNG VƯỢT XA CHỈ TIÊU
Xét về thị trường, giá trị xuất khẩu nông lâm thủy sản 11 tháng của Việt Nam tới các khu vực châu Á chiếm 43,1% thị phần; châu Mỹ chiếm 29,6%; châu Âu chiếm 11,5%; châu Phi chiếm 1,9%; châu Đại Dương chiếm 1,6% thị phần.
Xét về xuất khẩu từng ngành hàng, kim ngạch nhóm nông sản từ trồng trọt đạt trên 19,3 tỷ USD, tăng 13,7% so với cùng kỳ năm trước. Nhiều sản phẩm có giá trị xuất khẩu tăng gồm: cà phê, cao su, gạo, nhóm hàng rau quả, hồ tiêu, hạt điều, sắn và sản phẩm từ sắn.
Cụ thể: cao su tăng 11,7% về khối lượng, tăng 40,5% giá trị; gạo tăng 0,8% về khối lượng, tăng 7,3% giá trị, hạt điều tăng 14,3% về khối lượng, tăng 14,6% về giá trị: sắn và sản phẩm từ sắn tăng 7,9%, tăng 23,0%.
Riêng hồ tiêu, dù khối lượng xuất khẩu giảm (đạt 247 nghìn tấn, giảm 6,7%) nhưng nhờ giá xuất khẩu bình quân tăng 54,4% nên giá trị xuất khẩu vẫn tăng 44,0%. Với ngành hàng cà phê, khối lượng xuất khẩu giảm 4,4% nhưng giá trị kim ngạch vẫn tăng 5,9%.
Xuất khẩu nông lâm thủy sản trong 11 tháng, thị trường xuất khẩu lớn nhất là Hoa Kỳ đạt trên 11,9 tỷ USD (chiếm 27,5% thị phần). Đứng thứ 2 là thị trường Trung Quốc gần 8,4 tỷ USD (chiếm 19,2% thị phần). Đứng thứ 3 là thị trường Nhật Bản với giá trị xuất khẩu đạt gần 3 tỷ USD (chiếm 6,9%).
Những mặt hàng khác tăng giá trị như: rau quả tăng 8,6%; sản phẩm chăn nuôi tăng 4,0%; gỗ và sản phẩm gỗ tăng 20,0%; mây, tre, cói thảm tăng 42,2%; quế tăng 14,7%. Riêng mặt hàng chè giảm cả khối lượng (giảm 6,4%) và giá trị xuất khẩu (giảm 2,3%), dù giá xuất khẩu bình quân tăng.
Xuất khẩu lâm sản năm nay đã đạt được kết quả vô cùng ngoạn mục, với kim ngạch 14,3 tỷ USD trong 11 tháng năm 2021, tăng 20,9% so với cùng kỳ năm trước. Không chỉ đồ gỗ đạt được tăng trưởng cao, mà xuất khẩu mây, tre, cói thảm; quế… cũng tăng mạnh rất ấn tượng.
Dự báo cả năm 2021, ngành lâm sản sẽ đem về trên 15,5 tỷ USD. Trong khi đó, mục tiêu xuất khẩu lâm sản đặt ra ban đầu cho cả năm nay chỉ khoảng trên dưới 13 tỷ USD, như vậy toàn ngành sẽ vượt 2,5 tỷ USD so với kế hoạch được Chính phủ giao.
Đối với ngành thủy sản, kim ngạch xuất khẩu trong 11 tháng vừa qua đạt tăng trưởng 3,5% so với cùng kỳ năm ngoái, với con số 7,9 tỷ USD. Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn dự tính nếu tháng 12/2021 xuất khẩu đạt trên 800 triệu USD thì xuất khẩu thủy sản cả năm sẽ đạt mức 8,6-8,7 tỷ USD.
Ngoài ra, xuất khẩu sản phẩm chăn nuôi ước đạt 393 triệu USD trong 11 tháng, tăng 4,0%; xuất khẩu nhóm đầu vào sản xuất (phân bón, thức ăn chăn nuôi..) cũng đạt trên 1,5 tỷ USD, tăng 25,9% so với cùng kỳ năm trước.
"LẬP ĐỈNH" GIỮA ĐẠI DỊCH VÀ NHỮNG BÀI HỌC
Năm 2021 đại dịch Covid-19 làm chuỗi cung ứng toàn cầu đứt gãy; thiên tai, biến đổi khí hậu dị thường, thế nhưng ngành nông lâm ngư nghiệp vẫn “lập đỉnh” về xuất khẩu.
Đúc rút bài học thành công, Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Phùng Đức Tiến, cho biết ngay từ những tháng đầu năm 2021, Bộ đã chỉ đạo thực hiện các chiến lược của từng ngành, từ đó tạo ra dư địa xuất khẩu lớn.
Trong tháng 7, 8, 9 khi tiêu thụ nông sản gặp khó do tác động của dịch Covid-19, hai tổ công tác đặc biệt của Bộ đã kịp thời được thành lập, trực tiếp giải quyết các khó khăn của doanh nghiệp, đồng thời thúc đẩy sản xuất, chuẩn bị cho giai đoạn phục hồi sau dịch, nhờ đó, tháng 10, xuất khẩu nông lâm thủy sản đã tăng trưởng trở lại.
Các vùng nuôi, vùng trồng được quản trị theo chuỗi từ cây giống, con giống, quy trình canh tác, thuốc bảo vệ thực vật, thu hoạch, sơ chế, chế biến, tem nhãn mác và xúc tiến thương mại.
Trong hoàn cảnh dịch Covid-19 phải đa dạng hoá các hình thức thương mại như thương mại điện tử, trực tiếp kết hợp trực tuyến. Việt Nam đang thực hiện 16 Hiệp định thương mại tự do (FTA) thế hệ mới. Đây là lợi thế so sánh rất lớn, phải tập trung khai thác.
Ông Phùng Đức Tiến, Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn
Ngoài ra, phải kể tới sự phối hợp của các bộ, ngành như Bộ Công Thương, Bộ Giao thông vận tải, các hội đoàn thể như Hội Phụ nữ, Hội Nông dân… và với các địa phương trong hỗ trợ tiêu thụ nông sản rất chặt chẽ.
Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đã và đang tiếp tục đàm phán mở rộng thị trường xuất khẩu với các sản phẩm, đặc biệt là những thị trường có tỷ trọng xuất khẩu cao như Mỹ, EU, Nhật Bản, Hàn Quốc và Trung Quốc. Trong quá trình xuất khẩu, khi có vướng mắc tại các thị trường, gặp phải các rào cản kỹ thuật, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông cũng chỉ đạo các đơn vị, địa phương phối hợp chặt chẽ để tháo gỡ ngay khó khăn.
Một yếu tố quan trọng khác là thời gian qua, nhiều doanh nghiệp đã đầu tư vào chế biến nông sản với 68 nhà máy quy mô lớn đã được xây dựng trong 5 năm qua với giá trị gần 3 tỷ USD. Các doanh nghiệp đã nhanh nhạy, uyển chuyển trong xúc tiến thương mại, đã “lăn xả” vào chào hàng, xúc tiến thương mại trực tuyến khi thấy không thể ra nước ngoài để tham gia các hội chợ hay xúc tiến thương mại trực tiếp.
Để đảm bảo phát triển xuất khẩu nông lâm thủy sản bền vững và tận dụng tốt cơ hội từ các FTA thế hệ mới, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn cho rằng, phải đảm bảo duy trì tất cả các tiêu chuẩn, quy chuẩn từ khâu tổ chức sản xuất như giống, vật tư đầu vào, quy trình nuôi, quy trình canh tác, quy trình trồng trọt, mã số vùng nuôi, mã số vùng trồng, đến vận chuyển chế biến cũng như xuất khẩu.
Các doanh nghiệp cần tham gia đầy đủ toàn chuỗi sản xuất nông nghiệp, nhất là những mắt xích còn thiếu và yếu như cơ giới hóa, nghiên cứu sản xuất giống, bảo quản nông sản, hạ tầng logistics...
Thời gian tới, các địa phương cần triển khai hiệu quả các chính sách về phát triển doanh nghiệp, công nghiệp hỗ trợ, tín dụng cho nông nghiệp, nông nghiệp công nghệ cao… đã ban hành.
Dù xuất khẩu tăng trưởng mạnh, nhưng điều không vui là xuất siêu của toàn ngành nông lâm ngư nghiệp trong 11 tháng lại giảm tới hơn 56,5% so với cùng kỳ năm trước. Do tổng trị giá nhập khẩu toàn ngành là 39,1 tỷ USD, tăng 39% so với cùng kỳ năm trước, khiến xuất siêu chỉ còn 4,3 tỷ USD. Năm 2021, lượng con giống, các loại vật tư phục vụ sản xuất đều có nhu cầu tăng cao do nguồn cung trong nước thiếu hụt. Mặt khác, điểm đáng chú ý trong nhập khẩu nữa là giá cả vật tư, thuốc thú y, thuốc bảo vệ thực vật, phân bón, thức ăn thuỷ sản, thức ăn chăn nuôi tăng lên, chi phí logistics cũng tăng mạnh trong năm nay.
Nhằm kiềm chế nhập khẩu, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đang thực thi nhiều giải pháp: thực hiện đề án về thức ăn chăn nuôi, thức ăn thuỷ sản, về quy trình sử dụng phân bón; tăng sử dụng phân bón hữu cơ, giảm áp lực nhập khẩu; có quy trình chăn nuôi, canh tác trồng trọt thật hợp lý khi sử dụng vật tư đầu vào.
: