Xuất khẩu nông lâm thuỷ sản tháng 1: Bức tranh đa dạng sắc màu
Kim ngạch xuất khẩu nông lâm thuỷ sản tháng 1/2021 đạt 3,49 tỷ USD, tăng 27,1% so với tháng 1/2020
Theo Cục Chế biến và Phát triển thị trường nông sản, kim ngạch xuất khẩu nông lâm thuỷ sản tháng 1/2021 đạt 3,49 tỷ USD, tăng 27,1% so với tháng 1/2020. Trong đó, giá trị xuất khẩu các mặt hàng nông sản chính tăng 28,9%; xuất khẩu thuỷ sản tăng 19,6% và lâm sản tăng tới 47,8%.
Giá trị xuất khẩu các sản phẩm chăn nuôi tháng 1/2021 ước đạt 26 triệu USD, tăng 3% so với tháng 1/2020. Trong khi đó, giá trị nhập khẩu chăn nuôi tháng 1/2021 ước đạt 320 triệu USD, tăng 27,9% so với tháng 1/2020. Như vậy, chăn nuôi vẫn đang là ngành nhập siêu rất lớn, với giá trị nhập khẩu cao gấp hơn 10 lần so với xuất khẩu.
XUẤT KHẨU GẠO, RAU QUẢ, TIÊU, CÙNG SUY GIẢM
Trái ngược với sự tăng trưởng mạnh về giá trị xuất khẩu năm 2020, xuất khẩu gạo đã sụt giảm rất lớn trong tháng đầu năm nay. Khối lượng gạo xuất khẩu tháng 1/2021 đạt 280 nghìn tấn, đem về 154 triệu USD, giảm 29,5% về khối lượng và giảm 20,2% về giá trị so với cùng kỳ năm 2020. Trong tháng 1/2021, giá gạo Việt Nam tăng nhẹ 3 USD/tấn so với cuối tháng 12/2020, lên 503 USD/tấn và duy trì mức này đến hết tháng. Giá gạo 5% của Ấn Độ có xu hướng tăng nhẹ dần đều trong tháng từ mức 384 USD/tấn lên 388 USD/tấn vào cuối tháng. Giá gạo Thái Lan cũng tăng lên nhưng với biên động cao hơn từ mức 513 USD/tấn vào đầu tháng lên 523 USD/tấn vào cuối tháng. Như vậy, hiện giá gạo xuất khẩu bình quân của Việt Nam đã tạm bị gạo Thái Lan vượt qua, nhưng giá gạo Việt vẫn cao hơn nhiều so với gạo xuất khẩu của Ấn Độ.
Nguồn tin Reuters cho biết, nhập khẩu gạo từ Bangladesh có thể tăng vọt trong niên vụ 2020/21 so với mức 100 nghìn tấn của niên vụ trước do nguồn cung hạn chế làm giá nội địa tăng cao. Hiệp hội Lương thực Việt Nam (VFA) dự báo, xuất khẩu gạo năm 2021 vẫn duy trì tín hiệu lạc quan cả về sản lượng và giá bán. Hiện nay, các thị trường xuất khẩu chính của Việt Nam như Philippines, châu Phi... tiếp tục ký hợp đồng mua gạo của Việt Nam và giá gạo đang ở mức rất khả quan.
Giá trị xuất khẩu rau quả tháng 1/2021 đạt 260 triệu USD, giảm 7,6% so với cùng kỳ năm 2020. Ông Nguyễn Quốc Toản, Cục trưởng Cục Chế biến và Phát triển thị trường nông sản, Bộ Nông nghiệp & Phát triển nông thôn cho hay, diễn biến dịch Covid-19 khó lường đã ảnh hưởng không nhỏ tới hoạt động xuất khẩu rau quả của Việt Nam, đặc biệt là khó khăn về việc thay đổi thị hiếu do thay đổi thói quen và thủ tục nhập khẩu siết chặt do dịch bệnh. Doanh nghiệp cần tăng cường giám sát chất lượng hàng hóa, tránh vi phạm quy định của các nước về tiêu chuẩn, kiểm nghiệm kiểm dịch, an toàn thực phẩm để quá trình thông quan không bị ảnh hưởng.
Xuất khẩu tiêu trong nửa đầu tháng 1/2021 đạt 7.241 tấn tiêu các loại, với giá trị kim ngạch 20,62 triệu USD, giảm 23,75% về lượng và giảm 10,03% về giá trị so với cùng kỳ năm ngoái. Giá tiêu xuất khẩu bình quân trong kỳ đạt 2.847 USD/tấn, tăng 2,89% so với giá xuất khẩu bình quân tháng cuối năm 2020. Theo Hiệp hội Hồ tiêu Việt Nam (VPA), sản lượng hồ tiêu năm 2021 có thể giảm từ 25 – 30% so với năm 2020 xuống khoảng 168 – 180 nghìn tấn, do ở một số địa phương vườn tiêu già chiếm phần lớn diện tích và không ghi nhận diện tích trồng mới. Trong khi đó, vẫn còn tình trạng thiếu container rỗng khiến giá cước tàu biển tăng, dẫn đến khó khăn phần nào trong xuất khẩu tiêu.
ĐIỀU, CAO SU TĂNG "KHỦNG"
Xuất khẩu điều nhân chế biến tháng 1/2021 đạt tới 45 nghìn tấn với giá trị đạt 268 triệu USD, tăng 78,2% về khối lượng và tăng 51,8% về giá trị so với cùng kỳ năm 2020. Do lượng điều xuất khẩu tăng mạnh, nên nhu cầu nhập khẩu điều thô nguyên liệu phục vụ cho chế biến càng lớn. Ước khối lượng nhập khẩu hạt điều nguyên liệu trong tháng 1/2021 đạt 130 nghìn tấn với giá trị 186 triệu USD, tăng 2,5 lần về khối lượng và tăng 2,2 lần về giá trị so với tháng 1/2020.
Cục Chế biến và Phát triển thị trường nông sản nhận định: giá điều nhân dự kiến có xu hướng tăng trong thời gian tới vì lượng cung điều nhân trong nước không nhiều trong khi giá mua điều thô vẫn đang cao không cân đối được với giá điều nhân, nên các nhà chế biến rất thận trọng trong việc nhập điều thô. Bên cạnh các hiệp định thương mại, dự báo giá hạt điều năm 2021 nhiều khả năng sẽ phục hồi do giá năm 2020 đã giảm xuống mức thấp.
Triển vọng xuất khẩu hạt điều cả năm 2021 nhìn chung sẽ khả quan nhờ nhiều Hiệp định Thương mại tự do được thực thi. Thị trường mặt hàng cao su trên thế giới đã chứng kiến tháng 1/2020 với những cú lên xuống giá cả như "lên đồng". Tại Sở Giao dịch hàng hóa kỳ hạn Osaka (OSE) Nhật Bản, giá cao su tăng mạnh trong nửa đầu tháng 1, với hợp đồng benchmark kỳ hạn tháng 5/2021 đạt mức cao tới 245,9 Yên/kg vào ngày 9/1. Thế nhưng từ ngày 10/1 trở đi, do lo ngại số ca nhiễm Covid-19 tăng cao tại nước mua hàng đầu Trung Quốc làm ảnh hưởng đến nhu cầu.
Tuy nhiên, thị trường cao su lại tăng trở lại trong ngày 20-21/1/2021 do thị trường kỳ vọng Tổng thống Mỹ mới nhậm chức Joe Biden sẽ đưa ra các biện pháp kích thích nền kinh tế hơn nữa để bù đắp thiệt hại do đại dịch Covid-19 gây ra. Sự tăng mạnh về giá và nhu cầu trên thị trường thế giới, đã giúp cho khối lượng xuất khẩu cao su của Việt Nam tăng với tốc độ lớn chưa từng thấy. Cụ thể, xuất khẩu cao su tháng 1/2021 đạt 200 nghìn tấn với giá trị đạt 321 triệu USD, gấp 2,2 lần về khối lượng và gấp 2,4 lần về giá trị so với tháng 1/2020.
Tuy vậy, ông Nguyễn Quốc Toản đưa ra nhận định: dự báo trong năm 2021 nhiều khả năng Trung Quốc sẽ có xu hướng giảm nhập khẩu cao su do đã dự trữ lượng hàng nội địa khổng lồ. Nhưng bù lại, xuất khẩu cao su sẽ có cơ hội tăng trưởng mạnh vào thị trường Ấn Độ. Ông Toản cũng dẫn báo cáo mới nhất của Hiệp hội Các nước sản xuất cao su thiên nhiên (ANRPC), sản lượng cao su thế giới được dự đoán sẽ phục hồi vào tháng 1/2021 với 1,19 triệu tấn so với mức 1,06 triệu tấn cùng kỳ năm 2020. Triển vọng tiêu thụ cao su thế giới được dự đoán sẽ tăng 15,5% vào tháng 1/2021 lên 1,17 triệu tấn so với 1,02 triệu tấn cùng kỳ năm 2020.
"Xuất khẩu cao su của Việt Nam sang thị trường Ấn Độ được kỳ vọng sẽ có sự tăng trưởng tích cực hơn trong năm 2021. Theo Viện nghiên cứu Nomura, ngành công nghiệp ôtô Ấn Độ dự kiến sẽ phục hồi mạnh mẽ trong năm tài khóa 2021/22 sau tác động tiêu cực của đại dịch Covid-19", Cục trưởng Cục Chế biến và Phát triển thị trường nông sản nhận định.
THUỶ SẢN VÀ LÂM SẢN CÙNG "TOẢ SÁNG"
Giá trị xuất khẩu thủy sản tháng 1/2021 ước đạt 600 triệu USD, tăng 19,6% so với cùng kỳ năm 2020. Theo số liệu mới nhất của Cục Nghề cá biển Hoa Kỳ (NMFS), giá trung bình cá tra phile đông lạnh nhập khẩu trong tháng 11/2020 tại Mỹ là 2,58 USD/kg, giảm 2,6% so với tháng trước. Giá bình quân nhập khẩu tôm của Mỹ trong tháng 11/2020 đạt 9,09 USD/kg, tăng 3,2% so với tháng trước.
Ông Nguyễn Quốc Toản cho rằng, năm 2021 với những yếu tố tích cực từ thị trường cùng với những lợi thế mà Việt Nam sẽ có được thông qua các hiệp định thương mại tự do (FTA), dự báo xuất khẩu thủy sản sẽ đạt trên 9,4 tỷ USD, tăng 10% so với 2020. Hiện xuất khẩu tôm Việt Nam đang tiếp tục thuận lợi khi nhu cầu trên thế giới vẫn đang tăng lên trong khi nhiều nước sản xuất vẫn đang gặp khó khăn vì Covid-19. Theo các chuyên gia, giá tôm trên thị trường thế giới dự báo sẽ còn tăng trong nửa đầu năm 2021.
Kim ngạch xuất khẩu các mặt hàng lâm sản chính trong tháng 1/2021 ước đạt 1,33 tỷ USD, tăng 47,8%. Trong đó, giá trị xuất khẩu gỗ và các sản phẩm gỗ tháng 1/2021 đạt 1,25 tỷ USD, tăng 48,4% so với tháng 1/2020. Thị trường đồ nội thất của thế giới rất lớn, với giá trị thương mại khoảng 450 tỷ USD/năm, trong đó nội thất bằng gỗ khoảng 150 tỷ USD/năm. Kim ngạch xuất khẩu đồ gỗ của Việt Nam mới chiếm khoảng 6% thị phần toàn cầu, nên dư địa xuất khẩu của ngành còn rất lớn. Năm 2021, ngành lâm sản đặt mục tiêu xuất khẩu 14,5 tỷ USD (tăng 12% so với năm 2020), trong đó, gỗ và sản phẩm gỗ đạt 13 tỷ USD.