Xuất khẩu nông lâm thủy sản thiết lập kỷ lục mới
Mặc dù chưa kết thúc năm 2022, nhưng xuất khẩu nông lâm thủy sản đã chính thức thiết lập kỷ lục mới, với kim ngạch 49,04 tỷ USD, vượt qua con số 48,6 tỷ USD của cả năm 2021. Đáng chú ý, sau 11 tháng năm 2022, toàn ngành xuất siêu 7,82 tỷ USD, tăng 47,8% so với cùng kỳ năm trước. Với kết quả này, dự báo năm 2022, xuất khẩu nông lâm thủy sản sẽ đạt trên 53 tỷ USD…
Theo số liệu của của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, trong 11 tháng năm 2022, tổng kim ngạch xuất nhập khẩu nông lâm thủy sản đạt khoảng 90,26 tỷ USD, tăng 9,5% so với cùng kỳ năm trước; trong đó, xuất khẩu đạt 49,04 tỷ USD, tăng 11,8%; nhập khẩu đạt khoảng 41,22 tỷ USD, tăng 6,9%.
Đóng góp vào tăng trưởng xuất khẩu chung của toàn ngành, nhóm nông sản chính đạt trên 20,73 tỷ USD, tăng 6,6%; lâm sản chính khoảng 15,59 tỷ USD, tăng 8,2%; thủy sản đạt 10,14 tỷ USD, tăng 27,0%; chăn nuôi 361,4 triệu USD, giảm 8,4%; đầu vào sản xuất trên 2,2 tỷ USD, tăng 38,1%.
TRỊ GIÁ NHIỀU MẶT HÀNG XUẤT KHẨU TĂNG CAO
Đến thời điểm kết thúc tháng 11, đã có 8 sản phẩm/nhóm sản phẩm đạt giá trị xuất khẩu trên 2 tỷ USD, gồm: cà phê, cao su, gạo, rau quả, điều, tôm, cá tra, sản phẩm gỗ.
Nhiều mặt hàng đạt giá trị xuất khẩu cao hơn cùng kỳ năm trước, như: cà phê trên 3,5 tỷ USD (tăng 31,5%); cao su trên 2,9 tỷ USD (tăng 3,0%); gạo trên 3,2 tỷ USD (tăng 6,9%); hồ tiêu 895 triệu USD (tăng 3,2%); sắn và sản phẩm sắn trên 1,2 tỷ USD (tăng 16,4%), cá tra 2,2 tỷ USD (tăng 61,9%), tôm 4,1 tỷ USD (tăng 14,6%), gỗ và sản phẩm gỗ 14,6 tỷ USD (tăng 9,0%); phân bón các loại 1,0 tỷ USD (gấp 2,3 lần); thức ăn gia súc và nguyên liệu 1,0 tỷ USD (tăng 6,5%).
Về thị trường xuất khẩu nông lâm thủy sản trong 11 tháng, các thị trường châu Á chiếm 44,7% thị phần; châu Mỹ chiếm 27,4%; châu Âu chiếm 11,3%; châu Đại Dương chiếm 1,7% và châu Phi chiếm 1,7%.
Hoa Kỳ tiếp tục là thị trường xuất khẩu lớn nhất của nông lâm thủy sản từ Việt Nam, đạt 12,3 tỷ USD, chiếm 25,0% thị phần; đứng thứ hai là Trung Quốc khoảng 9,3 tỷ USD, chiếm 18,9% thị phần.
Đến thời điểm này, Trung Quốc chưa bỏ hoàn toàn chính sách ”Zero Covid”, đồng Nhân dân tệ và đồng Baht Thái Lan mất giá so với VND và đồng USD, nên Trung Quốc đang có xu hướng nhập khẩu các sản phẩm của Thái Lan nhiều hơn. Thị trường lớn thứ ba của xuất khẩu nông lâm thủy sản nước ta là Nhật Bản với giá trị xuất khẩu đạt 3,9 tỷ USD, chiếm 7,9% thị phần. Đứng thứ tư là Hàn Quốc với giá trị xuất khẩu đạt 2,3 tỷ USD, chiếm 4,7%.
Tháng 11/2022 có nhiều sự kiện đáng ghi nhớ đối với xuất khẩu nông lâm thủy sản. Cụ thể, ngày 9/11/2022, Đại sứ quán Việt Nam tại Trung Quốc có Công điện số TCOCD1904 gửi Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, thông báo Tổng cục Hải quan Trung Quốc đã ký Nghị định thư về xuất khẩu khoai lang, xuất khẩu tổ yến (yến sào) từ Việt Nam sang Trung Quốc. Như vậy, khoai lang và tổ yến sẽ là sản phẩm nông sản thứ 12 và 13 được xuất khẩu chính ngạch vào thị trường Trung Quốc.
Tại Hội nghị triển khai nghị định thư về yêu cầu kiểm dịch, kiểm tra và vệ sinh thú y đối với sản phẩm tổ yến xuất khẩu từ Việt Nam sang Trung Quốc do Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tổ chức mới đây, bà Trần Thị Thu Phương, Phó trưởng Phòng Hợp tác quốc tế và Truyền thông (Cục Thú y), cho biết tổ yến được phép xuất khẩu là sản phẩm đã được làm sạch (yến sào tinh). Đối với tổ yến thô, vẫn tiếp tục quá trình đàm phán và hàng năm phía Trung Quốc sẽ cấp hạn ngạch số lượng được phép nhập khẩu từ các nước và phân cho các nhà nhập khẩu.
NHỮNG DẤU ẤN MỞ CỬA THỊ TRƯỜNG
Về nguyên tắc chung, các doanh nghiệp phải khai báo các nhà yến cung cấp nguyên liệu, nhà yến cần có mã số định danh, có chương trình giám sát dịch bệnh và thực hiện đăng ký xuất khẩu sang Trung Quốc theo quy định. Các doanh nghiệp có nhu cầu xuất khẩu tổ yến sang Trung Quốc cần tập hợp danh sách các nhà yến thuộc chuỗi để thực hiện giám sát dịch bệnh, ghi chép nhật ký chăn nuôi, thu hoạch… để có dữ liệu cung cấp cho phía Trung Quốc theo yêu cầu.
Một sự kiện đáng nhớ khác trong tháng 11/2022 là quả bưởi tươi được phép nhập khẩu vào thị trường Hoa Kỳ; đây là kết quả của nỗ lực đàm phán suốt thời gian dài của các cơ quan chuyên môn giữa hai bên và sự đồng hành kiên trì của cộng đồng những người sản xuất và xuất khẩu bưởi Việt Nam.
Như vậy, bưởi là loại trái cây thứ bảy của Việt Nam được phép xuất khẩu sang thị trường Hoa Kỳ, sau các loại quả xoài, nhãn, vải, thanh long, chôm chôm và vú sữa. Ngày 28/11, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đã phối hợp tỉnh Bến Tre tổ chức lễ công bố xuất khẩu lô bưởi đầu tiên của Việt Nam sang Hoa Kỳ.
Nội dung bài viết được đăng tải trên Tạp chí Kinh tế Việt Nam số 50 phát hành ngày 12-12-2022. Kính mời Quý độc giả tìm đọc tại đây:
https://postenp.phaha.vn/chi-tiet-toa-soan/tap-chi-kinh-te-viet-nam