7 doanh nghiệp trúng đấu giá nhập khẩu đường theo hạn ngạch thuế quan năm 2021
Có 11 trong tổng số 14 doanh nghiệp gửi hồ sơ tham gia đấu giá đảm bảo đủ, đúng các tiêu chí hợp lệ để tham gia Phiên đấu giá. Trong đó, có 9 doanh nghiệp tham gia đấu giá hạn ngạch thuế quan nhập khẩu đường thô và 2 doanh nghiệp tham gia đấu giá hạn ngạch thuế quan đường tinh luyện...
Ngày 29/09, Phiên đấu giá quyền sử dụng hạn ngạch thuế quan nhập khẩu 108.000 tấn đường năm 2021 được tổ chức tại Hà Nội với sự tham gia của đại diện Hiệp hội Mía đường Việt Nam, Hiệp hội Sữa Việt Nam và các doanh nghiệp tham gia đấu giá.
Theo ông Trần Thanh Hải, Phó Cục trưởng Cục Xuất nhập khẩu (Bộ Công Thương), Thành viên Hội đồng đấu giá, tổng số lượng đường đấu giá là 108.000 tấn đường (mã HS 17.01), trong đó có 76.000 tấn đường thô, 32.000 tấn đường tinh luyện.
Có 11 trong tổng số 14 doanh nghiệp gửi hồ sơ tham gia đấu giá đảm bảo đủ, đúng các tiêu chí hợp lệ để tham gia Phiên đấu giá.
Trong đó, có 9 doanh nghiệp tham gia đấu giá hạn ngạch thuế quan nhập khẩu đường thô và 2 doanh nghiệp tham gia đấu giá hạn ngạch thuế quan đường tinh luyện.
Kết thúc phiên đấu giá, 7 doanh nghiệp trúng đấu giá (05 doanh nghiệp trúng đấu giá nhập khẩu đường thô và 02 doanh nghiệp trúng đấu giá nhập khẩu đường tinh luyện).
Cụ thể, 2 doanh nghiệp trúng đấu giá nhập khẩu hạn ngạch thuế quan 21.000 tấn đường tinh luyện gồm: Công ty Cổ phần Xuất nhập khẩu Bến Tre (20.000 tấn), Công ty Cổ phần Thực phẩm CJ Cầu Tre (1.000 tấn).
5 doanh nghiệp trúng đấu giá hạn ngạch thuế quan nhập khẩu 76.000 tấn đường thô gồm: Công ty Cổ phần Đường Việt Nam (20.000 tấn), Công ty Cổ phần Đường Quảng Ngãi (20.000 tấn), Công ty Cổ phần Thành Thành Công - Biên Hòa (16.000 tấn), Công ty TNHH MTV Đường TTC Biên Hòa - Đồng Nai (16.000 tấn), Công ty TNHH MTV Đường Biên Hòa - Ninh Hòa (4.000 tấn).
Phát biểu trước khi diễn ra phiên đấu giá, Thứ trưởng Bộ Công Thương Trần Quốc Khánh, Chủ tịch Hội đồng đấu giá quyền sử dụng hạn ngạch thuế quan nhập khẩu đường năm 2021, cho rằng theo cam kết WTO, Luật Quản lý ngoại thương (2017) và Nghị định số 69/2018/NĐ-CP ngày 15/05/2018 của Chính phủ quy định chi tiết một số điều của Luật Quản lý ngoại thương, Bộ Công Thương được giao quản lý, điều hành Danh mục hàng hóa áp dụng chế độ hạn ngạch thuế quan cho một số mặt hàng, bao gồm: muối, thuốc lá nguyên liệu, trứng gia cầm, đường (kể cả đường tinh luyện và đường thô).
Đối với mặt hàng đường, từ năm 2016 đến nay, được sự cho phép của Thủ tướng Chính phủ về việc triển khai phương thức đấu giá thí điểm, hàng năm, Bộ Công Thương đã phối hợp với Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Bộ Tài chính và Bộ Tư pháp thống nhất các văn bản điều hành, hướng dẫn triển khai việc thí điểm phân bổ hạn ngạch thuế quan nhập khẩu đường theo phương thức đấu giá.
"Việc đấu giá hạn ngạch thuế quan nhập khẩu đường được đánh giá cao, tránh được cơ chế xin - cho nhiều rủi ro".
Ông Trần Quốc Khánh, Thứ trưởng Bộ Công Thương.
Đây là phương thức phù hợp với cam kết WTO về nguyên tắc áp dụng, quy trình thủ tục hồ sơ tiếp nhận đơn xin cấp phép là cơ quan hành chính của Nhà nước, trong đó thành viên Hội đồng đấu giá là đại diện các cơ quan quản lý Nhà nước.
Trước đó, để tiến hành Phiên đấu giá quyền sử dụng hạn ngạch thuế quan nhập khẩu đường năm 2021, Bộ Công Thương đã ban hành Thông tư số 03/2021 hướng dẫn về đấu giá thí điểm hạn ngạch thuế quan nhập khẩu đường năm 2021, Quyết định số 1892/QĐ-BCT về việc thành lập Hội đồng đấu giá thí điểm hạn ngạch thuế quan nhập khẩu đường năm 2021.
Ngày 06/09/2021 Chủ tịch Hội đồng đấu giá thí điểm hạn ngạch thuế quan nhập khẩu đường năm 2021 đã ban hành Quyết định số 2109/QĐ-HĐĐGHNNKĐ về việc ban hành Quy chế đấu giá quyền sử dụng hạn ngạch thuế quan nhập khẩu đường năm 2021.
Thứ trưởng Trần Quốc Khánh khẳng định: “Phiên đấu giá quyền sử dụng hạn ngạch thuế quan nhập khẩu đường năm 2021 được tiến hành theo nguyên tắc công khai, công bằng, minh bạch, với sự chứng kiến và giám sát của đại diện các Bộ ngành, doanh nghiệp và cơ quan báo chí, truyền thông”.