An toàn giao thông: Yếu kém vì thiếu chế tài trách nhiệm
Nơi mạnh, quyết liệt thì chuyển biến, những nơi chưa quan tâm thì dẫn đến buông lỏng quản lý nhà nước về trật tự, an toàn giao thông
Do chưa có quy định pháp lý về trách nhiệm và xử lý trách nhiệm đối với người thực thi công vụ trong bảo đảm trật tự, an toàn giao thông nên việc gắn trách nhiệm người đứng đầu cấp uỷ, đứng đầu chính quyền cơ quan, đơn vị chức năng và địa phương trong công tác bảo đảm trật tự, an toàn giao thông hoàn toàn phụ thuộc vào quyết tâm chính trị của lãnh đạo.
Nhận định này được nêu tại báo cáo của Chính phủ về kết quả thực hiện nhiệm vụ bảo đảm trật tự, an toàn giao thông gửi đến Quốc hội.
Cập nhật về phương tiện, báo cáo cho biết trong 4 tháng đầu năm 2017, lực lượng cảnh sát giao thông toàn quốc đăng ký mới 116.172 xe ô tô, 1.003.452 xe mô tô và 31.784 xe máy điện, nâng tổng số phương tiện đang quản lý lên 3.149.699 xe ô tô, 48.135.380 xe mô tô và 533.184 xe máy điện.
Số lượng máy bay đăng ký quốc tịch Việt Nam tính đến thời điểm ngày 15/3/2017 là 152 chiếc, tăng 1 chiếc so với năm 2016 và tăng 15 chiếc so với cùng kỳ năm 2016.
Chính phủ cho biết từ 16/9/2016 tới 15/4/2017, công an các đơn vị, địa phương đã kiểm tra, xử lý 2.259.876 trường hợp vi phạm trật tự, an toàn giao thông, Kho bạc Nhà nước thu 2.021,659 tỷ đồng, tước giấy phép lái xe 212.239 trường hợp, tạm giữ 23.612 xe ôtô, 329.664 xe mô tô và 4.485 phương tiện khác.
Báo cáo về công tác kiểm soát tải trọng phương tiện, Chính phủ nhận định hiện nay, tình hình xe quá tải đang có xu hướng tăng trở lại, điển hình trên một số tuyến quốc lộ như Quốc lộ 1, Quốc lộ 13, đường Hồ Chí Minh đoạn Hòa Lạc - Xuân Mai (Hà Nội), đoạn qua khu vực Tây Nguyên; Quốc lộ 6 đoạn Hà Nội - Hòa Bình, tuyến tránh Quốc lộ 1 (Biên Hòa - Đồng Nai) và Quốc lộ 51.
Liên quan đến tình hình tai nạn giao thông - vấn đề được nhiều đại biểu quan tâm khi chọn chuyên đề giám sát tối cao - báo cáo nêu: tính từ ngày 16/12/2016 đến 15/4/2017) toàn quốc xảy ra 6.369 vụ tai nạn giao thông, làm chết 2.795 người, bị thương 5.119 người. So với 4 tháng đầu năm 2016 số vụ tai nạn giao thông giảm 259 vụ (giảm 3,91%), số người chết giảm 68 người (giảm 2,38%), số người bị thương giảm 729 người (giảm 12,47%).
Tuy nhiên vẫn còn 28 địa phương có số người chết vì tai nạn giao thông tăng, trong đó 13 tỉnh tăng trên 20% là: Bạc Liêu, Nam Định, Vĩnh Phúc, Trà Vinh, Phú Yên, Hải Phòng, Thái Bình, Lai Châu, Yên Bái, Lâm Đồng, Quảng Trị, Cần Thơ, An Giang; trong đó có 3 tỉnh có số người chết tăng trên 50% là: Quảng Trị, Cần Thơ, An Giang.
Không xảy ra tai nạn song 3 tháng đầu năm 2017 có 72 vụ việc và sự cố an toàn hàng không được báo cáo, trong đó, có 17 sự cố (phân loại theo mức B, C và D) và 55 vụ việc (mức E). Nguyên nhân hỏng hóc kỹ thuật chiếm 8 sự cố, nguyên nhân do yếu tố con người chiếm 7 sự cố.
Phân tích nguyên nhân, báo cáo cho biết ở đường bộ thì nguyên nhân chủ yếu là do đi không đúng phần đường làn đường (24,91%), vi phạm tốc độ quy định (10,2%), vượt xe sai quy định (6,7%), quy trình, thao tác lái xe kém (7,7%), sử dụng rượu bia (1,68%)... Phương tiện gây tai nạn chủ yếu vẫn là xe mô tô, xe máy (65%), xe ô tô (30%).
Theo đánh giá của Chính phủ, mặc dù nhân tố con người là nguyên nhân lớn nhất trực tiếp gây nên các vụ tai nạn giao thông nói chung, nhưng những bất cập trong hành vi của người tham gia giao thông là hệ quả trực tiếp và gián tiếp của những yếu kém tồn tại trong các quy định pháp luật có liên quan tới công tác bảo đảm trật tự, an toàn giao thông, hiệu lực thực thi pháp luật, hệ thống giáo dục và tuyên truyền nói chung và đào tạo, sát hạch, cấp phép lái xe nói riêng. Bên cạnh đó còn có những bất cập về hạ tầng, quản lý phương tiện, công tác tuần tra, kiểm soát, xử lý vi phạm và công tác ứng phó cứu hộ sau tai nạn.
Trong số các nguyên nhân dẫn đến yếu kém, được Chính phủ đặt lên hàng đầu là nguyên nhân chưa có quy định pháp lý về trách nhiệm và xử lý trách nhiệm đối với người thực thi công vụ trong bảo đảm trật tự, an toàn giao thông. Vì thế việc gắn trách nhiệm người đứng đầu cấp uỷ, đứng đầu chính quyền cơ quan, đơn vị chức năng và địa phương trong công tác bảo đảm trật tự, an toàn giao thông hoàn toàn phụ thuộc vào quyết tâm chính trị của lãnh đạo.
Nơi mạnh, quyết liệt thì chuyển biến, những nơi chưa quan tâm, thiếu quyết liệt thì dẫn đến tình trạng buông lỏng trong quản lý nhà nước về trật tự, an toàn giao thông cũng như trong thanh tra, tuần tra, kiểm soát.
Chính phủ cũng xác nhận còn một bộ phận người thực thi nhiệm vụ có biểu hiện hạn chế về năng lực, thiếu trách nhiệm, dung túng vi phạm, thậm chí tiêu cực, làm trái quy định.
Một trong các nhiệm vụ trọng tâm thời gian tới được nêu tại báo cáo là xây dựng quy định về trách nhiệm và xử lý trách nhiệm đối với tổ chức và người thực thi công vụ trong công tác bảo đảm trật tự, an toàn giao thông đường bộ, đường sắt và đường thuỷ nội địa. Đồng thời cũng ban hành quy định xử lý trách nhiệm đối với tổ chức, cá nhân thuộc Bộ Giao thông vận tải và Tổng công ty Đường sắt Việt Nam trong việc thực hiện quy chế phối hợp giữa Bộ Giao thông vận tải và địa phương trong bảo đảm trật tự, an toàn giao thông tại các điểm giao cắt đường sắt với đường bộ.