Anh thành nước thành viên thứ 12 của CPTPP, động thái mang ý nghĩa chiến lược hơn là kinh tế?
Anh trở thành nước không sáng lập đầu tiên gia nhập CPTPP kể từ khi hiệp định này được ký kết vào năm 2018 với 11 thành viên...
Theo Financial Times, Anh vừa thông báo đạt được thỏa thuận để gia nhập Hiệp định Đối tác toàn diện và tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP) - động thái được Thủ tướng Rishi Sunak mô tả là một bước tiến chứng tỏ Chính phủ của ông đang nắm bắt “các quyền tự do hậu Brexit”.
Theo đó, các cuộc đàm phán để Anh gia nhập CPTPP cuối cùng đã kết thúc sau 2 năm thỏa luận về các hạn ngạch cũng như vấn đề thuế quan. Anh trở thành nước không sáng lập đầu tiên gia nhập CPTPP kể từ khi hiệp định này được ký kết vào năm 2018 với 11 thành viên.
"Các nước thành viên CPTPP hoan nghênh việc kết thúc có ý nghĩa các cuộc đàm phán về việc Vương quốc Anh gia nhập hiệp định", theo tuyên bố chung của các bộ trưởng CPTPP được đưa ra sau cuộc họp trực tuyến ngày 31/3.
CPTPP là hiệp định thương mại tự do với các điều khoản loại bỏ thuế quan giữa các nước thành viên, đồng thời đặt ra các quy tắc về những vấn đề như đầu tư xuyên biên giới, thương mại điện tử, sở hữu trí tuệ, doanh nghiệp nhà nước và lao động.
“Nhóm công tác về việc tham gia hiệp định (AWG) và Anh đã xác nhận các biện pháp mà Anh thực hiện để tuân thủ các quy tắc hiện có của CPTPP,” tuyên bố sau cuộc họp cho biết. "AWG cũng xác nhận Anh đã đưa ra các ưu đãi về việc tiếp cận thị trường mang ý nghĩa thương mại, với tiêu chuẩn cao nhất về hàng hóa, dịch vụ, đầu tư, dịch vụ tài chính, mua sắm chính phủ, doanh nghiệp nhà nước và nhập cảnh tạm thời cho doanh nhân".
Các thành viên hiện tại của CPTPP gồm có Australia, Canada, Nhật Bản, Mexico, New Zealand, Singapore, Brunei, Chile, Malaysia, Peru và Việt Nam. Anh đặt mục tiêu chính thức ký thỏa thuận gia nhập CPTPP tại một cuộc họp cấp bộ trưởng vào tháng 7 tới.
Các bộ trưởng và đại diện của AWG ngày 31/3 cho biết nhóm công tác sẽ phối hợp với Anh "để chuẩn bị và xác minh các văn kiện pháp lý về việc gia nhập, nhằm hoàn thiện quy trình gia nhập kịp thời".
Theo ông Sunak, hiệp định thương mại này sẽ mang lại nhiều lợi ích kinh tế cho nước Anh, đồng thời thúc đẩy chính sách ngoại giao thiên về Châu Á Thái Bình Dương của ông.
“Chúng tôi là một quốc gia ủng hộ thương mại tự do và cởi mở, và hiệp định này mang lại những lợi ích kinh tế thực sự của các quyền tự do hậu Brexit của chúng tôi”, Thủ tướng Anh nhấn mạnh, đề cập tới việc Anh rời khỏi Liên minh châu Âu (EU) - còn gọi là Brexit. “Việc gia nhập CPTPP đặt nước Anh vào trung tâm của một nhóm các nền kinh tế Thái Bình Dương năng động và đang phát triển. Chúng tôi là thành viên mới đầu tiên và một nước châu Âu đầu tiên gia nhập hiệp định”.
Theo thông tin từ Văn phòng Thủ tướng Anh, hơn 99% xuất khẩu hàng hóa của Anh sang các quốc gia CPTPP giờ đây sẽ được hưởng thuế quan 0%, bao gồm các sản phẩm như phô mai, ô tô, sô-cô-la, máy móc, rượu gin và rượu whisky. Tuy nhiên, theo dự báo của Chính phủ Anh, lợi ích kinh tế cho nước Anh từ hiệp định sẽ ở mức hạn chế và không bù đắp được những thiệt hại về thương mại với EU do Brexit.
Anh đăng ký làm thành viên CPTPP vào năm 2021, không lâu sau khi rời khỏi EU. Với việc có thêm Anh là thành viên, tổng GDP của các nước thành viên CPTPP chiếm tỷ trọng 15% GDP toàn cầu, tăng từ 12% hiện tại. Tuy nhiên, Anh hiện cũng có hiệp định thương mại song phương với nhiều nước thành viên CPTPP, do đó việc nước này tham gia hiệp định được cho là một động thái biểu tượng và mang tính chiến lược hơn là động thái mang ý nghĩa kinh tế lớn.
Chính phủ Anh ước tính hiệp định CPTPP sẽ chỉ giúp tăng tổng sản phẩm trong nước (GDP) của nước này thêm 0,08 điểm phần trăm trong dài hạn. Con số này có thể tăng lên nếu Thái Lan và Hàn Quốc tham gia hiệp định sau này.
Tuy nhiên, quyết định gia nhập CPTPP của Anh sẽ củng cố sự hiện diện kinh tế của nước này tại khu vực đang chứng kiến sự trỗi dậy của Trung Quốc - quốc gia cũng đã nộp đơn xin gia nhập hiệp định.
“Đây là hiệp định thương mại quan trọng nhất mà Anh ký kết hậu Brexit, với tiềm năng giúp gia tăng tầm quan trọng của nước này trong bối cảnh các nền kinh tế châu Á-Thái Bình Dương đang tiếp tục trỗi dậy”, bà Kemi Badenoch, Bộ trưởng Thương mại Quốc tế Anh, phát biểu.
Mặc dù vậy, hiệp định này cũng đang gây tranh cãi khi nhiều người chỉ trích quyết định giảm thuế nhập khẩu của Anh đối với dầu cọ từ Malaysia - mặt hàng mà hoạt động sản xuất có liên quan tới việc phá hủy rừng nhiệt đới.
Bà Daniela Montalto, giám đốc bộ phận quản lý rừng tại Greenpeace Anh, mô tả thỏa thuận gia nhập CPTPP của Anh là “thái quá”, đồng thời cho rằng việc giảm thuế dầu cọ sẽ càng khuyến khích phá rừng hơn nữa.
Một vấn đề gây tranh cãi nữa là thỏa thuận cho phép thịt bò Canada tiếp cận thị trường Anh. Hiện tại, thịt bò Canada không được bán tại Anh do gia súc ở Canada được nuôi bằng các loại hormon bị cấm ở Anh.
Theo hiệp định CPTPP, Anh sẽ thiết lập hạn ngạch hàng năm là 13.000 tấn thịt bò nhập khẩu từ Canada. Tuy nhiên, thịt này phải đáp ứng các tiêu chuẩn về thực phẩm của Anh, đồng nghĩa rằng thực tế sẽ không có nhiều thịt bò Canada được bán ở Anh.