Áp thấp mạnh lên thành bão trên biển Đông, sẽ đổ bộ đất liền vào sáng mai
Vào lúc 13 giờ chiều 23/9/2021, áp thấp nhiệt đới trên biển Đông đã mạnh lên thành bão, dự báo bão sẽ đổ bộ vào đất liền vào sáng mai (24/9), từ Quảng Trị Đến Quảng Ngãi. Vào lúc 16 giờ chiều nay, Phó Thủ tướng Lê Văn Thành đã chủ trì cuộc họp khẩn cấp triển khai ứng phó bão...
Theo Báo cáo của Ban Chỉ đạo Phòng chống thiên tai quốc gia, vào chiều nay, vị trí tâm bão ở khoảng 14,7 độ Vĩ Bắc, 110,7 độ Kinh Đông, cách bờ biển Bình Định khoảng 180km, gió mạnh cấp 8 giật cấp 10.
Dự báo trong 12 giờ tới, tâm bão ở ngay trên vùng biển Thừa Thiên Huế đến Quảng Ngãi. Từ tối và đêm nay ven biển và trên đất liền các tỉnh Quảng Trị đến Quảng Ngãi có gió mạnh cấp 6, cấp 8.
Dự báo trong ngày 23-24/9, các tỉnh từ Hà Tĩnh đến Bình Định có mưa lớn, phổ biến 150-250mm/đợt, có nơi trên 300mm/đợt. Các tỉnh Thanh Hóa, Nghệ An có mưa phổ biến 50-100mm/đợt, có nơi trên 150mm/đợt; các tỉnh Kom Tum, Gia Lai có mưa phổ biến 100-200mm/đợt, có nơi trên 250mm/đợt.
Bộ Tư lệnh Bộ đội Biên phòng cho biết, đã kêu gọi các tàu thuyền vào bờ neo đậu tránh trú bão. Hiện các tỉnh từ Quảng Bình đến Bình Thuận còn 2.353 tàu hoạt động ven bờ và ngoài khơi từ Hà Tĩnh đến Bình Thuận.
Hiện còn 80 tàu đang hoạt động trong vùng nguy hiểm (Bình Định 54 tàu; Quảng Ngãi 16 tàu; Phú Yên 4 tàu; Quảng Nam 3 tàu; Nghệ An 1 tàu, Tiền Giang 1 tàu, Đà Nẵng 1 tàu/
Phó Thủ tướng Lê Văn Thành nhận định: Lúc đầu dự báo đi vào đất liền vẫn ở cấp độ áp thấp nhiệt đới. Thế nhưng, đến chiều nay, các đồng chí báo cáo với tôi rằng cơn áp thấp này đã chuyển lên thành bão cấp 7.
Đây là cơn bão được hình thành ngay trên Biển Đông và sẽ đi vào đất liền rất nhanh, đánh giá có nhiều diễn biến bất thường, vì vậy tôi phải chủ trì cuộc họp khẩn cấp này để ứng phó bão.
Phó Thủ tướng cho rằng, mặc dù trong thời gian rất ngắn, chuyển trạng thái từ áp thấp nhiệt đới lên thành bão, nhưng các địa phương đã triển khai đồng bộ các giải pháp từ việc kêu gọi tàu thuyền ngoài biển về các khu tránh bão vào các khu an toàn, đến tập trung gấp rút thu hoạch lúa để hạn chế thiệt hại khi bão xảy ra.
Hiện lúa Hè Thu khu vực miền Trung – Tây Nguyên vẫn còn 251.309ha chưa thu hoạch. Đồng thời, các địa phương cũng rà soát các công trình, lên các phương án chuẩn bị sắp xếp di dân khi cần thiết.
"Hoạt động ứng phó bão lũ của chúng ta đã thành bài bản, các địa phương không còn hiện tượng chủ quan, đều thực hiện nghiêm túc chỉ đạo của Ban Chỉ đạo Trung ương”, Phó Thủ tướng đánh giá.
Phó Thủ tướng Lê Văn Thành chỉ đạo bão vào trong bối cảnh các địa phương đang phải chống dịch Covid-19, nên phải vừa chống bão, vừa kết hợp phòng, chống dịch bệnh để bảo đảm thiệt hại thấp nhất.
Khi sơ tán dân về tập trung một chỗ, ví dụ tập trung về nhà văn hóa, nhiều khi bí địa điểm, có địa phương tập trung sơ tán dân về các kho, nhưng các đồng chí phải bảo đảm cho phòng chống dịch.
“Phải tránh tập trung dân cả xóm đi vào khu vực nhà văn hóa hay hội trường mà chúng ta không làm tốt phòng dịch. Các đồng chí phải triển khai việc xét nghiệm Covid-19 trước và trong quá trình sơ tán dân”, Phó Thủ tướng lưu ý.
Đối với các tuyến biển, phải theo dõi chặt chẽ, thông báo cho chủ các phương tiện, thuyền trưởng các tàu, thuyền đang hoạt động trên biển biết vị trí, hướng di chuyển và diễn biến của bão để chủ động thoát ra hoặc không di chuyển vào vùng nguy hiểm.
Phải quản lý chặt chẽ việc ra khơi và kiểm đếm tàu thuyền, duy trì thông tin liên lạc với chủ các phương tiện để xử lý kịp thời các tình huống xấu có thể xảy ra. Phải đảm bảo an toàn tàu thuyền và ngư dân nơi neo đậu và trên lồng bè, nuôi trồng thủy hải sản.
Đối với vùng đồng bằng và ven biển, Phó Thủ tướng yêu cầu các địa phương phải đảm bảo an toàn các tuyến đê biển xung yếu hoặc đang thi công; sẵn sàng tiêu úng bảo vệ sản xuất nông nghiệp, khu vực trũng thấp, khu đô thị và khu công nghiệp. Khẩn trương tổ chức cắt tỉa cành cây, chằng chống, gia cố biển hiệu, nhà ở, các công trình công cộng.
Đối với các vùng núi, phải triển khai lực lượng xung kích kiểm tra, rà soát nhà ở không an toàn, các khu dân cư ven sông, suối, ngoài bãi sông, khu vực có nguy cơ ngập lụt, sạt lở đất, lũ quét; sẵn sàng phương án sơ tán dân tại các khu vực có nguy cơ cao xảy ra ngập lụt sâu, lũ quét, sạt lở đất đến nơi an toàn.
Cần rà soát, bố trí lực lượng kiểm soát, hướng dẫn giao thông các ngầm tràn, khu vực ngập lụt, chia cắt. Kiểm tra, rà soát, sẵn sàng phương án đảm bảo an toàn các hồ chứa và hạ du, đặc biệt là các hồ chứa thủy điện nhỏ, hồ thủy lợi xung yếu xả lũ, đảm bảo an toàn hạ lưu.