Ba tỉnh Miền Tây xúc tiến dự án đường ven biển, kết nối hạ tầng đồng bằng sông Cửu Long
Các tỉnh Tiền Giang, Bến Tre và Trà Vinh đã cùng thảo luận về hướng tuyến, quy mô dự án và xúc tiến việc khởi động dự án đường ven biển Miền Tây chạy dọc bờ biển của ba địa phương này…
Dự án đường ven biển Miền Tây có tổng chiều dài 740 km, từ TP.HCM đến Hà Tiên, đi qua địa bàn các địa phương TP.HCM, Tiền Giang, Bến Tre, Trà Vinh, Sóc Trăng, Bạc Liêu, Cà Mau và Kiên Giang.
CÁC ĐỊA PHƯƠNG SẼ SỬ DỤNG VỐN VAY
Đây là dự án hạ tầng giao thông quan trọng, kết nối hầu hết các tỉnh đồng bằng sông Cửu Long, góp phần phát triển kinh tế - xã hội cũng như thúc đẩy tiềm năng du lịch biển của cả vùng rộng lớn.
Dự án được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt tại Quyết định số 1454/QĐ-TTg ngày 01/9/2021 về Quy hoạch mạng lưới đường bộ thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050. Trong đó, quy hoạch tuyến đường bộ ven biển đoạn qua địa bàn tỉnh Bến Tre .
Do địa hình cực kỳ phức tạp, đi qua hầu hết các cửa sông lớn giáp Biển Đông nên dự án có mức đầu tư lớn. Theo kế hoạch, dự án sẽ xây dựng theo từng phần. Dự án tuyến đường bộ ven biển Miền Tây giai đoạn 1 qua địa bàn tỉnh Bến Tre, có điểm đầu tại ranh giới tỉnh Bến Tre với tỉnh Tiền Giang, điểm cuối tại ranh giới tỉnh Bến Tre với tỉnh Trà Vinh, chiều dài tuyến 53 km.
Cụ thể, điểm đầu của dự án tại Km0+000, giao với đường tỉnh 877B (khoảng Km22+215), thuộc xã Phú Đông, huyện Tân Phú Đông, tỉnh Tiền Giang (đầu cầu Bình Thới 1, điểm đấu nối theo Công văn số 3446/UBND-KT ngày 07/7/2021 của Uỷ ban nhân dân tỉnh Tiền Giang). Điểm cuối dự án tại Km53+000, cuối cầu Cổ Chiên 2 (cầu Thạnh Phú), thuộc xã Long Hòa, huyện Châu Thành, tỉnh Trà Vinh (theo Công văn số 2319/UBND-CNXD ngày 18/6/2021 của Uỷ ban nhân dân tỉnh Trà Vinh).
Tổng vốn đầu tư hơn 28.500 tỷ đồng, gồm hai giai đoạn: Giai đoạn 1 từ 2021 – 2025, giai đoạn 2 sau năm 2025.
Ban chỉ đạo Dự án tuyến đường bộ ven biển kết nối ba tỉnh Tiền Giang, Bến Tre và Trà Vinh đã thống nhất xác định, dự án sử dụng vốn vay mà không sử dụng vốn ngân sách trung ương. Các thành viên trong Ban chỉ đạo đến từ ba tỉnh nói trên đã bàn nhau về hướng tuyến, quy mô, phạm vi dự án,… Về phạm vi dự án, Ban thống nhất khống chế dự án trong phạm vi vốn vay 10.000 tỷ đồng.
Ông Trần Ngọc Tam, Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh Bến Tre, cho biết sắp tới, tỉnh sẽ có buổi gặp gỡ, đàm phán với tỉnh Tiền Giang và tỉnh Trà Vinh để thống nhất về việc vay vốn thực hiện dự án, cũng như thống nhất vị trí đấu nối điểm đầu và điểm cuối của dự án.
DỰ ÁN TRỌNG ĐIỂM QUỐC GIA NHƯNG CHƯA ĐƯỢC BỐ TRÍ VỐN
Lãnh đạo tỉnh Bến Tre cũng nhấn mạnh đến lợi ích của các địa phương dự án. Cụ thể, theo Bí thư Tỉnh ủy Bến Tre Lê Đức Thọ, tinh thần đàm phán giữa Bến Tre với hai tỉnh Tiền Giang, Trà Vinh phải đặt lợi ích tổng thể lên trên hết để cân đối giữa các bên, hài hòa lợi ích giữa các tỉnh.
Dự án tuyến đường bộ ven biển Miền Tây đoạn qua tỉnh Tiền Giang sẽ làm mới hai đoạn đường dài gần 25 km, xây dựng 18 cây cầu. Quy mô đường sẽ là 4 làn xe, vận tốc 80 km/h.
Về lý trình của dự án, ông Trần Văn Bon, Giám đốc Sở Giao thông vận tải tỉnh Tiền Giang, cho biết: Dự án có điểm đầu tại nút giao cầu Mỹ Lợi đến quốc lộ 50 (huyện Gò Công Tây, Tiền Giang), dài gần 12 km. Đoạn 2 sẽ nối tiếp điểm cuối đoạn đầu đến cầu Bình Thới 1 (huyện Bình Đại, Bến Tre), dài 13 km. Hiện tại, dự án đang bắt đầu triển khai giải phóng mặt bằng với khoảng 90 ha đất; trongđó, các cầu bắc qua sông của dự án sẽ do Trung ương thực hiện, vì nguồn vốn đầu tư quá lớn.
Theo ông Trần Ngọc Tam, so với tỉnh Tiền Giang, quy mô và ý nghĩa của dự án đường ven biển qua địa bàn Bến Tre quan trọng hơn rất nhiều. Bởi vì, tỉnh Tiền Giang có thể kết nối với các tỉnh thành khác hay TP.HCM qua cao tốc, quốc lộ 1 hiện hữu, trong khi Bến Tre chưa có các trục đường này. Khi hoàn thành, hành trình từ Bến Tre đến TP HCM sẽ chỉ khoảng 60 km, thay vì 120 km như hiện nay.
Các tỉnh như Trà Vinh, Sóc Trăng,… cũng đang triển khai công tác quy hoạch dự án đường ven biển Miền Tây. Đơn cử, đoạn đi qua địa bàn tỉnh Sóc Trăng dài khoảng 53 km, quy mô 4 làn xe, xây dựng 13 cầu vượt sông…
Dự án hạ tầng trọng điểm đi qua tám tỉnh/thành này được kỳ vọng sẽ là động lực lớn để thay đổi diện mạo cả vùng kinh tế rộng lớn. Tuy nhiên, dự án cũng đang gặp nhiều khó khăn, vướng mắc, trong đó khó khăn lớn nhất là nguồn vốn cho dự án.
Mặc dù là dự án trọng điểm quốc gia, được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt tại 1454/QĐ-TTg, nhưng không được “rót vốn” ngân sách trung ương trong giai đoạn 2021 – 2025.
Bộ Giao thông vận tải cho biết, hiện nhóm dự án đường ven biển đi qua các địa phương miền Tây Nam Bộ chưa được bố trí vốn. Thế nên, việc triển khai dự án đường ven biển phụ thuộc vào các địa phương có dự án đi qua cũng như việc kêu gọi vốn đầu tư tư nhân.