Bốn định hướng lớn của ngành nông nghiệp và môi trường để thu hút FDI
Việt Nam có 729 dự án FDI trong lĩnh vực nông nghiệp và môi trường. Khu vực FDI đã tạo ra khoảng 500.000 việc làm trực tiếp và gián tiếp trong lĩnh vực nông nghiệp. Tuy vậy, các dự án FDI trong lĩnh vực này vẫn còn tồn tại một số hạn chế cần khắc phục…

Phát biểu tại Diễn đàn Nhịp cầu Phát triển Việt Nam 2025 (lần thứ 5) – Vietnam Connect Forum 2025, do Viện Nghiên cứu Chính sách và Chiến lược (Ban Chính sách, Chiến lược Trung ương) và Tạp chí Kinh tế Việt Nam phối hợp tổ chức ngày 23/4/2025, Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp và Môi trường Võ Văn Hưng cho biết Diễn đàn có ý nghĩa hết sức quan trọng, là nơi hội tụ những ý tưởng, chiến lược và định hướng phát triển trong bối cảnh mới.
“Sự kiện này không chỉ là dịp để chúng ta trao đổi, chia sẻ kinh nghiệm mà còn là cơ hội để huy động các nguồn lực, đặc biệt là nguồn vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) vào những lĩnh vực then chốt của nền kinh tế”, Thứ trưởng phát biểu.
Thứ trưởng cho biết trong giai đoạn tới, lĩnh vực nông nghiệp và tài nguyên môi trường sẽ tiếp tục là một trong những trụ cột quan trọng, có tiềm năng và dư địa rất lớn để tổ chức thực hiện các chương trình phát triển kinh tế - xã hội. Đây cũng là những lĩnh vực có nhiều cơ hội thu hút đầu tư từ doanh nghiệp trong và ngoài nước, đặc biệt là đầu tư FDI.
VIỆT NAM CÓ 729 DỰ ÁN FDI CÒN HIỆU LỰC TRONG LĨNH VỰC NÔNG NGHIỆP VÀ MÔI TRƯỜNG
Trong bối cảnh kinh tế toàn cầu đang chuyển dịch mạnh mẽ theo hướng số hóa, Việt Nam, với vị thế ngày càng được nâng cao trong chuỗi cung ứng toàn cầu, cùng với nền nông nghiệp đa dạng, hệ sinh thái phong phú, dân số trên 100 triệu người, đặc biệt với phong tục tập quán, văn hóa rất đa dạng, là một không gian dư địa có thể tạo nên những giá trị đặc sắc trong chuỗi giá trị toàn cầu. Bên cạnh đó, việc Việt Nam đã ký các Hiệp định thương mại tự do là điều kiện thuận lợi để vươn lên trở thành trung tâm sản xuất, chế biến nông sản và môi trường xanh của khu vực, góp phần thu hút FDI trong lĩnh vực nông nghiệp và môi trường.

Tính đến cuối năm 2024, Việt Nam có 729 dự án FDI còn hiệu lực trong lĩnh vực nông nghiệp và môi trường, với tổng vốn đăng ký gần 11,89 tỷ USD. Trong tổng số 729 dự án FDI, có 537 dự án thuộc lĩnh vực nông nghiệp, 106 dự án khai khoáng và 86 dự án xử lý nước, rác thải và môi trường. Đây là những con số cho thấy tiềm năng lớn và sức hút ngày càng tăng của lĩnh vực nông nghiệp và môi trường tại Việt Nam đối với các nhà đầu tư quốc tế.
Ngoài ra, nếu tính thêm các ngành hỗ trợ như chế biến, vật tư, thương mại, thì tổng vốn FDI toàn ngành đạt hơn 26 tỷ USD, chiếm khoảng 6% tổng vốn FDI vào Việt Nam.
Khu vực FDI đã tạo ra khoảng 500.000 việc làm trực tiếp và gián tiếp trong lĩnh vực nông nghiệp, góp phần thúc đẩy đổi mới công nghệ, phát triển bền vững nguồn lực, đào tạo nông dân và hình thành các chuỗi cung ứng hiệu quả. Đây có lẽ cũng là một trong những giá trị then chốt, góp phần thúc đẩy ngành nông nghiệp phát triển bền vững trong những năm vừa qua. Đã có nhiều dự án mang lại hiệu quả tốt cả về kinh tế và môi trường. Nhiều tập đoàn hàng đầu thế giới đã chọn Việt Nam làm điểm đến chiến lược, điển hình như Nestlé (Thụy Sĩ), CP Group (Thái Lan), De Heus (Hà Lan), Cargill (Hoa Kỳ), Bayer (Đức) và Zoetis (Hoa Kỳ).
Thứ trưởng Võ Văn Hưng cho biết mới đây Nestlé đã kỷ niệm 30 năm thành lập kể từ khi chính thức bước vào thị trường Việt Nam từ năm 1995, đồng thời công bố kế hoạch đầu tư thêm 75 triệu USD để mở rộng nhà máy. “Câu chuyện của Nestlé là ví dụ điển hình cho thành công của FDI trong lĩnh vực nông nghiệp, bắt đầu chỉ từ các sản phẩm cà phê nhưng nay đã có mặt trong hầu hết các chuỗi cung ứng, gắn bó với cuộc sống thường nhật của người dân. Nestlé không chỉ tạo ra công ăn việc làm, mà còn chú trọng đến môi trường, phát triển bền vững, đào tạo nghề, ứng dụng công nghệ và hướng tới chuyển đổi số trong sản xuất”, Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp và Môi trường cho biết.
NHỮNG HẠN CHẾ CỦA CÁC DỰ ÁN FDI TRONG LĨNH VỰC NÔNG NGHIỆP VÀ MÔI TRƯỜNG
Tuy nhiên, Thứ trưởng cũng nhấn mạnh mặc dù đạt được nhiều kết quả tích cực, các dự án FDI trong lĩnh vực nông nghiệp và môi trường vẫn còn tồn tại một số hạn chế cần khắc phục.
Thứ nhất, phần lớn các dự án FDI có quy mô vừa và nhỏ. Theo thống kê, khoảng 23% số dự án có vốn đăng ký dưới 1 triệu USD, dẫn đến hiệu quả đầu tư chưa cao, khó tạo đột phá trong chuyển đổi mô hình sản xuất.

Thu hút FDI gắn với khí hậu, tăng trưởng xanh, an ninh sinh thái trong bối cảnh biến đổi khí hậu và yêu cầu giảm phát thải toàn cầu.
Thứ hai, phân bố đầu tư chưa đồng đều giữa các vùng. Phần lớn các dự án tập trung ở những khu vực thuận lợi, gần thị trường tiêu thụ, trong khi những vùng khó khăn, nơi có tiềm năng phát triển nông nghiệp bền vững lại chưa thu hút được nhiều nhà đầu tư chiến lược. Thực tế ở Việt Nam cho thấy, các vùng có điều kiện hạ tầng, giao thông thuận lợi thường có nhiều dự án FDI, trong khi các vùng sâu, vùng xa, vùng núi lại bị hạn chế.
Thứ ba, liên kết giữa doanh nghiệp FDI và doanh nghiệp trong nước, hợp tác xã, nông dân trong một số trường hợp còn yếu. Việc chuyển giao công nghệ, lan tỏa giá trị gia tăng, phát triển hệ sinh thái địa phương chưa thực sự hiệu quả.
Thứ tư, một số dự án FDI trong lĩnh vực môi trường chưa đáp ứng được yêu cầu công nghệ xử lý hiện đại, gây tiềm ẩn nguy cơ ô nhiễm nếu không được kiểm soát tốt.
BỐN ĐỊNH HƯỚNG PHÁT TRIỂN CỦA NGÀNH NÔNG NGHIỆP VÀ MÔI TRƯỜNG NHẰM THU HÚT FDI
Từ những vấn đề trên cùng với các bài học kinh nghiệm và kết quả đạt được, Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp và Môi trường đã đưa ra một số định hướng phát triển.
Một là, trong bối cảnh và yêu cầu nhiệm vụ mới, ngành nông nghiệp và môi trường đã xác lập các mục tiêu, chính sách mang tính chiến lược, như chuyển từ tư duy sản xuất nông nghiệp sang phát triển kinh tế nông nghiệp.
“Trước đây, nông nghiệp Việt Nam đã đạt được nhiều thành tích đáng kể, tuy nhiên hiện nay chúng ta cần tập trung mạnh mẽ hơn vào kinh tế nông nghiệp đa giá trị, thúc đẩy chuyển đổi số toàn diện trong lĩnh vực này để tạo ra giá trị gia tăng cao hơn”, Thứ trưởng Võ Văn Hưng nhận định.
Lãnh đạo Bộ Nông nghiệp và Môi trường nhấn mạnh đây là một trong những hướng đầu tư phát triển từ nay đến năm 2030 và 2050. Hiện nay, chương trình 1 triệu hecta lúa chất lượng cao, phát thải thấp gắn với tăng trưởng xanh tại Đồng bằng sông Cửu Long đã giúp cắt giảm khoảng 10 triệu tấn CO₂ mỗi năm. Theo Thứ trưởng, đây là một bài học rất thiết thực trong quá trình tổ chức phát triển, chuyển đổi số và hướng đến 1 triệu nông dân sản xuất, áp dụng công nghệ số trong truy xuất nguồn gốc và thương mại. Đặc biệt, ngành nông nghiệp đang hướng đến việc xây dựng chứng chỉ carbon của rừng và các nguồn tài nguyên khác.
Hai là, phát triển văn hóa và thương hiệu nông sản gắn với địa phương. “Đây có thể nói là một dư địa tiềm năng trong lĩnh vực nông nghiệp của Việt Nam và cũng là một dư địa tăng trưởng quan trọng của ngành, mang lại giá trị gia tăng”, Thứ trưởng cho biết.
Cụ thể, cơ quan chức năng sẽ hỗ trợ nâng cấp các sản phẩm OCOP. Tính đến 4/2025, cả nước đã có 16.286 sản phẩm OCOP đạt 3 sao trở lên (tăng 394 sản phẩm so với tháng 03/2025), 25,8% sản phẩm 4 sao, 79 sản phẩm 5 sao. Hàng trăm sản phẩm xuất khẩu có uy tín chất lượng quốc tế.
Phát triển văn hóa và thương hiệu nông sản gắn với địa phương là một dư địa tiềm năng trong lĩnh vực nông nghiệp của Việt Nam, và cũng là một dư địa tăng trưởng quan trọng của ngành, mang lại giá trị gia tăng.
Theo Thứ trưởng Võ Văn Hưng, quá trình phân tích cho thấy về số lượng, Việt Nam đã phát triển tương đối mạnh, nhưng vẫn còn một khoảng trống cần các nhà đầu tư FDI tập trung, đó là công tác chế biến và xây dựng các sản phẩm có thương hiệu, giúp đưa sản phẩm ra thị trường, kết nối thị trường và tập trung phát triển thương hiệu quốc gia cho các ngành hàng chủ lực như lúa gạo, cà phê, thủy sản, trái cây, thực phẩm, dược liệu.
Ba là, ưu tiên tài nguyên và môi trường, như xử lý nước thải, rác thải sinh hoạt, công nghiệp, ứng dụng công nghệ tái chế, hoàn nguyên môi trường, năng lượng tái tạo, cải tạo năng lượng sinh học phù hợp với nông nghiệp, cùng với các dự án phục hồi hệ sinh thái tự nhiên, phát triển thị trường carbon. Một vấn đề nữa là quản lý môi trường tự động, dữ liệu lớn và tài nguyên thiên nhiên.
Bốn là, thu hút FDI gắn với khí hậu, tăng trưởng xanh, an ninh sinh thái trong bối cảnh biến đổi khí hậu và yêu cầu giảm phát thải toàn cầu.
“FDI vào lĩnh vực môi trường không chỉ là nhu cầu phát triển mà còn là trách nhiệm và cơ hội. Trách nhiệm của Bộ Tài nguyên và Môi trường cũng như các bộ, ngành liên quan rất lớn... Chúng tôi cam kết cùng với các nhà đầu tư và doanh nghiệp FDI tập trung tổ chức thực hiện trên cơ sở cải cách thủ tục hành chính, phát triển vùng nguyên liệu, ứng dụng công nghệ và chuyển đổi số trong quá trình triển khai, đồng thời thúc đẩy kết nối giữa doanh nghiệp FDI và doanh nghiệp trong nước, hợp tác xã để lan tỏa công nghệ, giá trị và sinh kế”, Thứ trưởng Võ Văn Hưng khẳng định.
Theo Thứ trưởng, FDI không chỉ là nguồn vốn mà còn là chất xúc tác cho đổi mới sáng tạo, nâng cao nội lực và chuyển đổi mô hình phát triển. Bộ Nông nghiệp và Môi trường không chỉ sẵn sàng chào đón các nhà đầu tư có trách nhiệm mà còn cam kết trở thành người bạn đồng hành tin cậy, cùng kiến tạo một Việt Nam sinh thái, thịnh vượng và bền vững.