Cà phê độc lạ: Nâng tầm hay trào lưu nhất thời?
Khoảng hai tỷ cốc cà phê được tiêu thụ mỗi ngày trên thế giới. Có nhiều cách thưởng thức loại đồ uống này, và giờ đây người ta thậm chí còn pha chế cà phê với nhiều nguyên liệu đặc biệt…
Hơn 30 năm trôi qua, từ thức uống ít ai biết, kopi joss hay cà phê than đã trở thành một đặc sản của thành phố Yogyakarta (Indonesia). Nước đun sôi được cho trực tiếp vào ly đã có bột cà phê và một lượng đường vừa phải. Sau đó, người ta sẽ khuấy đều để cà phê hòa tan với đường. Sau đó, một cục than đỏ rực được cho trực tiếp vào ly cà phê phát ra tiếng “josssssssssss”. Đây cũng là cách lý giải cho cái tên "kopi joss" của người Indonesia.
Từ than củi, giờ đây người ta cho rất nhiều thứ nguyên liệu độc lạ khác vào cà phê. Gã khổng lồ đồ uống Starbucks mới đây ra mắt dòng cà phê trộn dầu ô liu tại 20 địa điểm ở Italy và dự định sớm đưa nó đến Mỹ, Anh, Nhật Bản và Trung Đông. Theo đó, Starbucks đặt tên cho dòng đồ uống mới lạ là “Oleato”, có nghĩa là “có dầu”. Dòng đồ uống Oleato của Starbucks sẽ được thêm dầu ô liu vào các loại Caffé Latte, Iced Shaken Espresso và bọt lạnh. Dầu ô liu Partanna được hấp với sữa yến mạch để pha chế cà phê, hay lắc trong ly espresso đá và thêm bọt kem vani ngọt để tạo ra lớp bọt “vàng” phủ trên các loại ly cà phê lạnh.
Hiện tại, cà phê nấm khiến những người sành cà phê tại Ấn Độ vô cùng phấn khích, một số người ca ngợi nó là siêu thực phẩm tiếp theo. Cà phê nấm là sự pha trộn giữa chiết xuất của nấm dược liệu và hạt cà phê xay. Và đây không phải là những loại nấm ăn được thông thường, mà là những loại nấm được đánh giá cao hơn như chaga, đuôi gà tây, bờm sư tử, linh chi và đông trùng hạ thảo.
Nhà dinh dưỡng học Reema Hingorani Madhian, người điều hành một chuỗi phòng khám chăm sóc sức khỏe ở New Delhi, giải thích nấm dược liệu có chứa chất thích nghi, là những hợp chất có thể giúp giảm bớt căng thẳng và lo lắng. Tuy nhiên, các chuyên gia cũng đưa ra lưu ý thận trọng trước khi mua cà phê nấm được quảng cáo rầm rộ. Tiến sĩ Gitanjali Kochar, bác sĩ cấp cao tại Bệnh viện Apollo giải thích. "Nếu bạn chọn cà phê nấm mua ở cửa hàng, hãy kiểm tra xem nó có nguồn gốc đáng tin cậy và được chứng nhận hay không, đồng thời chỉ dùng liều lượng khuyến nghị là 1g nấm mỗi ngày”.
Trong khi đó, tại Trung Quốc, Luckin Coffee - 1 thương hiệu cà phê với danh xưng "Starbucks của Trung Quốc" đã hợp tác với Kweichow Moutai - hãng sản xuất rượu baijiu nổi tiếng của Trung Quốc tạo ra một sản phẩm đặc biệt: Moutai latte (cà phê latte có cồn). 1 ly Moutai latte có giá 38 nhân dân tệ (140.000 đồng). Ngay khi ra mắt, Moutai latte đã gây bão mạng xã hội và "cháy hàng" tại nhiều cửa hàng của thương hiệu này ở Bắc Kinh, Thượng Hải.
Đại diện từ hãng cho biết doanh số bán mặt hàng này vào ngày mở bán đạt 100 triệu nhân dân tệ (khoảng 3,5 tỉ đồng), cao hơn các món cà phê hương vị độc đáo thương hiệu này giới thiệu trước đó. Theo Luckin, mỗi ly Moutai latte chỉ chứa 1 phần rượu rất nhỏ, lượng cồn khoảng 0,5%. Tuy nhiên, công ty khuyến nghị người lái xe, thanh thiếu niên và phụ nữ mang thai nên hạn chế uống Moutai latte.
Khi cuộc chiến đồ uống tại thị trường Trung Quốc trở nên khốc liệt, ngày càng nhiều ý tưởng và sản phẩm với hương vị độc lạ được ra đời. Hiện giới trẻ xứ Trung đang xôn xao với "cà phê thuốc bắc". Tại các quán cà phê, tên đồ uống trên menu là sự kết hợp giữa tên gốc và vị thuốc bắc, ví dụ như "latte kỷ tử", "americano la hán quả", "cold-brew hoa kim ngân"...
Quán trang trí theo phong cách cửa hàng thuốc bắc, đong cà phê bằng cân như đong thuốc và đựng cà phê luôn trong chén uống thuốc bằng sứ. Gọi đồ uống thì được gọi là "kê đơn", cà phê mang lên cho khách thì kèm theo những dòng hướng dẫn sử dụng. Thậm chí có nơi còn thuê thầy thuốc để bắt mạch tại chỗ rồi mới cho đồ uống theo tình trạng sức khỏe. Giá của mỗi cốc cà phê thuốc bắc rơi vào khoảng 25 NDT (80.000 đồng). Các vị thuốc phổ biến và được cho là dễ pha chế nhất là kỷ tử, vừng đen, la hán quả.
Hương vị của cà phê thuốc bắc được đánh giá là "mới lạ". Tuy nhiên, Giáo sư, bác sĩ Fang Yong ở tỉnh Hồ Bắc, Trung Quốc cho biết: "Sự kết hợp này chủ yếu để phục vụ thị hiếu giới trẻ về mặt hình thức thôi. Chứ xét từ góc độ y học, công dụng của các loại dược liệu này còn tùy vào cơ địa mỗi người, nên việc kết hợp thuốc bắc với cà phê để bồi bổ sức khỏe không có ý nghĩa lắm".
Tại Việt Nam, cà phê muối gần đây cũng đang trở thành món thức uống xu hướng được giới trẻ yêu thích. Từ cái tên, chúng ta cũng có thể dễ dàng đoán được vị mặn của muối chắc chắn sẽ là hương vị đặc trưng cho món đồ uống này. Thay vì cho nhiều sữa hay đường, thì muối cũng giúp làm dịu đi vị đắng của cà phê, để thức uống trở nên dậy mùi hơn.
Mới đây, một tiệm cà phê giới thiệu cà phê mocktail vị phở trong "thực đơn đồ uống đặc trưng của quán", gây chú ý tại Đà Lạt. Ly cà phê có giá 55.000 đồng, được phục vụ trong cốc thủy tinh và thực khách có thể thấy rõ hai lớp riêng biệt màu xanh và nâu. Theo thông tin của quán, món nước là sự kết hợp giữa cà phê và những nguyên liệu làm nên vị phở truyền thống như: đại hồi, quế cây, chanh, ớt, rau húng quế, mang đến trải nghiệm độc đáo.
Tuy nhiên, thức uống này nhận không ít ý kiến trái chiều vì có người thích sự sáng tạo mới mẻ, cũng có người không thể uống nổi vị đắng của cà phê hòa cùng vị chua của chanh cùng hương rau mùi. "Nếm một chút, bạn sẽ chưa cảm nhận sự khác biệt. Nhưng nếu hớp một ngụm lớn hay để tới khi đá tan ra thì khá khó uống vì quá nhiều mùi vị trong ly nước ", một thực khách nói.
Mặc dù hầu hết những sáng tạo trong pha chế này đều được giải thích rằng “nhằm mục đích nâng tầm cà phê”, tuy nhiên đa số những người thưởng thức đều cho rằng chúng chỉ là trào lưu nhất thời. “Bằng chứng là những sản phẩm cà phê độc lạ này thường chỉ tồn tại trong một mùa,” đại diện nhà nhập khẩu cà phê Axfood (Thụy Điển) cho biết. “Để thu hút thực khách và tạo ra đề tài bàn tán trên mạng xã hội, người ta phải không ngừng nghĩ ra những công thức lạ hơn, lạ hơn nữa. Nhưng sau cùng, những người sành cà phê sẽ chỉ quay về với những cách thưởng thức cổ điển nhất”.
Bên cạnh đó, câu hỏi nhiều người đặt ra là liệu các quán cà phê có đang bất chấp để cạnh tranh hay không. Một số ý kiến cho rằng kết hợp cà phê với các nguyên liệu lạ không chỉ phá vỡ hương vị của từng thành phần mà còn có khả năng gây hại hại sức khỏe. Bởi cà phê có thể ảnh hưởng đến khả năng hấp thụ và bài tiết sắt, kẽm...
“Tôi đã thử chúng, và thật lòng mà nói, cảm thấy buồn nôn lắm. Tôi mất cảm giác thèm ăn sau đó”, một thành viên của diễn đàn Specialty coffee để lại bình luận dưới bài đăng về cà phê ô liu Oleato. “Bó qua yếu tố sức khỏe, xét riêng về hương vị, tôi cũng không cho rằng đây là một sự nâng tầm hiệu quả đâu”.