Các doanh nghiệp Bắc Giang cần thêm hơn 8.000 lao động bán dẫn

Nhĩ Anh
Chia sẻ

Bắc Giang đang có 3 doanh nghiệp có ngành nghề sản xuất về chất bán dẫn với doanh thu khoảng 18.000 tỷ đồng. Dự báo trong thời gian tới doanh nghiệp ngành công nghiệp bán dẫn tiếp tục đầu tư và phát triển với nhu cầu tuyển dụng lao động thêm khoảng 8.000 người đến năm 2030...

Ảnh minh họa
Ảnh minh họa

Ban Quản lý các Khu công nghiệp tỉnh Bắc Giang thông tin tại hội thảo thực trạng, giải pháp phát triển nguồn lao động trong ngành công nghiệp bán dẫn trên địa bàn vừa diễn ra ngày 16/4.

Đến nay, Bắc Giang đã có 9 Khu công nghiệp được Thủ tướng Chính phủ chấp thuận, với tổng diện tích quy hoạch 2.252,3 ha, trong đó có 8 Khu công nghiệp đang hoạt động, gồm 2 khu đạt tỷ lệ lấp đầy 100% (Đình Trám, Song Khê- Nội Hoàng); 4 khu đạt tỷ lệ lấp đầy trên 90% (Vân Trung, Quang Châu, Hòa Phú và Việt Hàn); 2 khu đạt tỷ lệ lấp đầy dưới 90% (Tân Hưng, Yên Lư). Tỷ lệ lấp đầy các khu công nghiệp đã được chấp thuận là 69%.

Theo Quy hoạch đến năm 2030, Bắc Giang sẽ có 29 khu công nghiệp với tổng diện tích đất được quy hoạch là 7.000ha.

DOANH NGHIỆP LĨNH VỰC BÁN DẪN DOANH THU 18.000 TỶ ĐỒNG

Trong những năm gần đây tỉnh Bắc Giang luôn đẩy mạnh xúc tiến đầu tư theo hướng thu hút các dự án quy mô lớn, hàm lượng công nghệ cao, bảo vệ môi trường; tập trung đầu tư hạ tầng các khu công nghiệp, cụm công nghiệp, hạ tầng giao thông kết nối và các hạ tầng phụ trợ khác, kịp thời tháo gỡ các điểm nghẽn, nút thắt cản trở sự phát triển, cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh.

Đến nay trong các khu công nghiệp đã thu hút được 498 dự án đầu tư (bao gồm 384 dự án FDI và 114 dự án DDI), với tổng vốn đầu tư đăng ký 11,15 tỷ USD; vốn đầu tư thực hiện ước đạt khoảng 7,75 tỷ USD.

Hiện tại trong các khu công nghiệp đang có 426 doanh nghiệp đang hoạt động, sử dụng khoảng 190.400 lao động.

Các doanh nghiệp Bắc Giang cần thêm hơn 8.000 lao động bán dẫn - Ảnh 1

Ông Nguyễn Xuân Ngọc, Phó trưởng Ban quản lý các Khu công nghiệp tỉnh Bắc Giang, cho biết tính đến nay, tại các khu công nghiệp của tỉnh Bắc Giang có 3 doanh nghiệp có ngành nghề sản xuất về chất bán dẫn.

Cụ thê, Công ty TNHH Hana Micron Vina, Khu công nghiệp Vân Trung có tổng vốn đăng ký đầu tư là 643 triệu USD mục tiêu là sản xuất và gia công bảng vi mạch tích hợp sử dụng cho điện thoại di động và các sản phẩm điện tử thông minh khác. Đây là công ty đầu tiên sản xuất chíp bán dẫn tại miền Bắc. Tổng doanh thu từ sản xuất kinh doanh năm 2023 đạt 6.326 tỉ đồng.

Công ty TNHH Si Flex Việt Nam, Khu công nghiệp Quang Châu, có tổng vốn đăng ký đầu tư là 299 triệu USD. Mục tiêu sản xuất và lắp ráp bản mạch in mềm theo công nghệ gắn kết bề mặt, sản xuất tấm tản nhiệt, tấm làm cứng dành cho bản mạch điện tử, sản xuất màn hình cảm ứng. Tổng doanh thu từ sản xuất kinh doanh năm 2023 đạt 11.602 tỉ đồng.

Công ty TNHH Synergie Cad Việt Nam, Khu công nghiệp Vân Trung, có tổng vốn đăng ký đầu tư dự án 21,2 triệu USD. Mục tiêu sản xuất bảng mạch PCB dùng để tra chất bán dẫn và linh kiện chất bán dẫn, lắp ráp linh kiện trên bản mạch PCB, sửa chữa linh kiện chất bán dẫn và các loại bảng mạch PCB. Tổng doanh thu từ sản xuất kinh doanh năm 2023 đạt 31,62 tỉ đồng.

GIẢI PHÁP ĐÁP ỨNG NHU CẦU NGUỒN LAO ĐỘNG NGÀNH BÁN DẪN TĂNG

Thông tin về thực trạng lao động ngành công nghiệp bán dẫn tại các Khu công nghiệp Bắc Giang, ông Ngọc cho biết tổng số lao động làm việc trong các doanh nghiệp ngành công nghiệp bán dẫn trên địa bàn tỉnh Bắc Giang hiện nay là 8.074 người.

Lao động được tuyển vào của doanh nghiệp đảm nhiệm các vị trí kỹ thuật chủ yếu tốt nghiệp trình độ đại học, cao đẳng, trung cấp các chuyên ngành về lĩnh vực tự động hóa, kỹ thuật điện tử, thiết bị điện tử, công nghệ thông tin, cơ khí chế tạo, công nghệ hóa…

Theo các chuyên gia, do công nghiệp bán dẫn là ngành sản xuất mới tại Việt Nam nên nguồn lao động được đào tạo chính về chuyên ngành công nghiệp bán dẫn hạn chế, chủ yếu từ các ngành học có liên quan.

Ảnh minh họa
Ảnh minh họa

Do vậy, lao động Việt Nam được doanh nghiệp tuyển vào để đảm nhiệm các vị trí kỹ thuật, sản xuất về công nghiệp bán dẫn đều chưa đáp ứng được yêu cầu chuyên môn đặt ra của doanh nghiệp, nên doanh nghiệp đều phải đào tạo lao động từ đầu để nắm được thao tác và quy trình thực hiện công việc", Phó trưởng Ban quản lý các Khu công nghiệp tỉnh Bắc Giang nói.

Cũng theo ông Nguyễn Xuân Ngọc, năm 2024, các doanh nghiệp ngành bán dẫn ở Bắc Giang có nhu cầu tuyển thêm 1.866 lao động và giai đoạn 2025- 2030 là 6.300 lao động.

Ngành công nghiệp bán dẫn là một ngành công nghệ cao đem lại nhiều giá trị gia tăng và là nền tảng để hỗ trợ, đẩy mạnh sự phát triển của các ngành công nghiệp khác, góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế theo chiều sâu.

Để tạo nguồn nhân lực đáp ứng nhu cầu sử dụng lao động cả về số lượng và chất lượng của các doanh nghiệp trong ngành công nghiệp bán dẫn sẽ gặp không ít khó khăn, cần phải có khá nhiều thời gian, đào tạo bài bản, chuyên sâu…, đòi hỏi sự nỗ lực đồng bộ, từ Nhà nước, nhà trường và nhà đầu tư.

Nhằm giải quyết nhu cầu về nguồn lao động ngành bán dẫn, đại diện Ban quản lý các Khu công nghiệp tỉnh Bắc Giang đề xuất một số định hướng trong phối hợp, hỗ trợ các trường Đại học, Cao đẳng trong liên kết đào tạo với doanh nghiệp trong các khu công nghiệp.

Theo Phó Chủ tịch thường trực UBND tỉnh Bắc Giang Mai Sơn, Bắc Giang với vị thế chiến lược và tiềm năng phát triển đã và đang chứng kiến sự bùng nổ của ngành công nghiệp bán dẫn.

Để phát triển ngành công nghiệp này, tỉnh xác định phải tập trung vào việc xây dựng lực lượng lao động chất lượng cao, đáp ứng được yêu cầu của thị trường và công nghệ; đồng thời tăng cường hợp tác giữa các tổ chức đào tạo, doanh nghiệp và các nhà nghiên cứu để xây dựng một môi trường học tập và nghiên cứu tiên tiến, phản ánh đúng xu hướng và yêu cầu của ngành công nghiệp bán dẫn.

Phó Chủ tịch UBND tỉnh Bắc Giang cho rằng việc tạo điều kiện thuận lợi để thu hút và giữ chân các chuyên gia, nhà nghiên cứu có kinh nghiệm từ Trung ương và các doanh nghiệp quốc tế đóng vai trò rất quan trọng để ngành công nghiệp bán dẫn của tỉnh phát triển mạnh mẽ.

 

Tin liên quan

Khởi nghiệp

Hồ sơ Startup

Citigo là công ty công nghệ cung cấp những giải pháp đơn giản với chi phí tiết kiệm, giúp khách hàng nâng cao hiệu quả kinh doanh. Citigo hướng tới tầm nhìn trở thành công ty cung cấp giải pháp công nghệ cho doanh nghiệp phổ biến tại Đông Nam Á
ESBT là công ty hoạt động trọng lĩnh vực công nghệ thông tin, chúng tôi xây dựng những sản phẩm phần mềm cho cộng đồng và cung cấp dịch vụ phát triển phần mềm cho các doanh nghiệp
Lozi là một trong những ứng dụng thương mại điện tử được yêu thích nhất tại Việt Nam, kết nối hàng triệu người mua và người bán nhằm phục vụ nhu cầu mua bán trực tuyến ngày càng cao. Không chỉ là một cầu nối thương mại điện tử đáng tin cậy, Lozi còn cung cấp dịch vụ giao hàng nhanh chóng và tiện lợi chỉ trong 1 giờ, đem đến cho khách hàng những trải nghiệm mua sắm trực tuyến hiệu quả và tối ưu
Bắt nguồn từ mong muốn mang chất lượng dạy Tiếng Anh tại Trường Quốc tế đến với mọi học sinh Việt Nam, để các bạn nhỏ dù không có điều kiện kinh tế theo học tại các Trường Quốc Tế hay Trung Tâm đắt tiền vẫn có thể sử dụng Tiếng Anh tốt như người bản ngữ. Đây chính là hành trang chuẩn bị cho các em tương lai vươn ra thế giới. Chính vì lý do trên, đội ngũ sáng lập đã bắt tay vào xây dựng sản phẩm đầu tiên có tên “Chương trình học Tiếng Anh Online EDUPIA”.
Công ty TNHH SA-ACH định vị về lĩnh vững trồng rừng, phát triển gồm 3 loại cây và bốn tầng cây trên một hecta đất nhằm tạo hệ sinh thái bền vững, và nâng cao thu nhập cho bà con