Các hãng xe sang Đức “hốt bạc” vì giá xe tăng kỷ lục
Doanh thu tính trên mỗi xe bán được của các thương hiệu BMW, Audi và Mercedes-Benz năm nay tăng bình quân khoảng 25% so với 2019...
Các hãng sản xuất ô tô hạng sang của Đức đang ung dung hưởng mức giá bán xe cao chưa từng thấy đối với các mẫu xe sang đời 2021, do tình trạng khan hiếm linh kiện bán dẫn khiến nguồn cung xe tại các thị trường chủ chốt bị hạn chế đúng vào lúc nhu cầu mua xe tăng vọt.
Tờ Financial Times dẫn một báo cáo của ngân hàng Stifel cho biết doanh thu tính trên mỗi xe bán được của các thương hiệu BMW, Audi và Mercedes-Benz năm nay tăng bình quân khoảng 25% so với 2019, năm trước khi xảy ra đại dịch toàn cầu.
Giá bán xe tăng lên là kết quả của sự đảo ngược một xu hướng đã kéo dài suốt mấy thập kỷ trước. Trong nhiều năm trước, các hãng ô tô hạng sang của Đức sản xuất được nhiều xe hơn lượng xe tiêu thụ, nhưng năm nay, nguồn cung không đáp ứng đủ nhu cầu. Trước kia, các hãng xe phải đưa ra chiết khấu hấp dẫn để giảm bớt lượng xe tồn kho nhằm đạt chỉ tiêu doanh số, nhưng năm nay, số xe họ làm ra ít hơn con số mà thị trường cần.
Từ 2019, khi kinh tế toàn cầu suy yếu vì Covid, các hãng xe Đức bắt đầu giảm sản lượng. Đến năm nay, sản lượng của công nghiệp xe sang Đức ít hơn 4 triệu xe so với nhu cầu của thế giới. Thị trường từng trải qua sự thiếu hụt tương tự sau cuộc khủng hoảng tài chính toàn cầu hồi năm 2009, nhưng năm nay vẫn là một năm khác thường sau nhiều năm dư thừa sản lượng của công nghiệp xe sang Đức.
“Trong 3 năm trở lại đây, lượng xe tồn kho liên tục giảm, chủ yếu do nguồn cung hạn chế. Đây là điều chưa từng xảy ra trước kia”, nhà phân tích Daniel Schwarz của Stifel cho biết.
Vì lý do này, doanh thu bình quân mỗi xe tại Mercedes-Benz tăng từ mức khoảng 38.000 Euro vào năm 2019 lên mức hơn 54.000 Euro trong năm nay tính đến cuối quý 3. Doanh thu mỗi xe của Audi tăng từ 46.000 Euro lên gần 57.500 Euro, theo ước tính của Stifel.
BMW - hãng xe quản lý được cuộc khủng hoảng khan hiếm con chip tốt hơn các hãng xe đối thủ, và chịu thiệt hại ít hơn về sản lượng - có mức tăng khiêm tốn hơn về doanh thu tính trên mỗi xe. Từ năm 2019 đến cuối quý 3 năm nay, doanh thu trên mỗi xe BMW tăng từ 36.000 Euro lên 38.000 Euro.
Ngoài lý do cầu vượt cung, giá bán xe bình quân của các hãng xe sang Đức còn do các hãng này ưu tiên sản xuất những mẫu xe có mức lợi nhuận cao hơn. Chẳng hạn, doanh số của Mercedes giảm 30% trong quý 3 năm nay so với cùng kỳ năm ngoái, nhưng doanh thu chỉ giảm 1%.
Phân tích của Stifel cũng cho thấy chỉ trong vòng 1 quý, lợi nhuận trước thuế của Mercedes tăng thêm 1,4 tỷ Euro chỉ nhờ mức giá bán xe tốt hơn và ưu tiên nguồn chip sẵn có cho những mẫu xe cao cấp hơn, có tỷ suất lợi nhuận cao hơn.
Lãnh đạo các hãng xe nói rằng họ sẽ tiếp tục theo đuổi chiến lược này ngay cả khi những nút thắt về nguồn cung chip được gỡ bỏ.
“Không có sức ép nào đòi hỏi chúng tôi phải chạy theo số lượng”, CEO Ola Kallenius của Mercedes nói. “Chúng tôi sẽ tiếp tục chiến lược nhìn về những phân khúc thị trường ở phía trên chứ không phải ở phía dưới”.
Giám đốc tài chính (CFO) Harald Wilhelm của hãng này thì cam kết “tập trung vào nơi sinh ra tiền”.
Các hãng xe sang còn được hưởng lợi bởi tốc độ tăng kỷ lục của giá ô tô cũ. Giá xe cũng tăng mạnh không chỉ khiến việc mua xe mới trở nên hấp dẫn hơn, mà còn củng cố sức mạnh cho mảng tài chính của các hãng xe sang – bộ phận bao gồm hạng mục cho thuê xe.
“Những chiếc xe sau khi cho thuê 12-36 tháng lại được bán với mức giá cao hơn nhiều so với dự định ban đầu”, ông Schwarz nói. “Từ góc nhìn ngắn hạn, việc thiếu xe mới hiện tại sẽ dẫn tới tình trạng khan hiếm xe cũ trong ít nhất 2 năm tới. Và điều này cũng sẽ hỗ trợ cho định giá xe mới”.