Các nhà phát triển châu Á đang thổi luồng sinh khí mới vào nhân vật trò chơi điện tử nhờ AI
Hàn Quốc hợp tác với Nvidia, Trung Quốc dùng DeepSeek để tạo nên nhân vật trò chơi tương tác như người thật…

Nhiều hãng game châu Á đang chạy đua ứng dụng trí tuệ nhân tạo (AI) nhằm tạo ra nhân vật trò chơi sống động, biết phản hồi tự nhiên và mang lại trải nghiệm nhập vai chân thật hơn cho người chơi, theo KrASIA.
Tại Hàn Quốc, “đại gia” Krafton, nhà phát triển game lớn nhất nước này tính theo giá trị thị trường, đã hợp tác với một số tên tuổi công nghệ Mỹ như Nvidia và OpenAI. Trong khi đó, các công ty Trung Quốc như Novaserene Entertainment hay NetEase lại chọn DeepSeek, mô hình ngôn ngữ lớn nội địa từng gây chú ý toàn cầu đầu năm nay nhờ khả năng vượt trội và giá thành phải chăng.
GAME MỚI, NHÂN VẬT “CÓ HỒN” NHỜ AI
Krafton cho biết vừa tích hợp mô hình ngôn ngữ nhỏ (small language model – SLM) vào trò chơi mô phỏng mới nhất của hãng, cho phép nhân vật hành xử và phản ứng một cách tự nhiên trước nhiều tình huống.
“Đây là trò chơi đầu tiên trên thế giới mà nhân vật có thể phản ứng và hành xử như thật nhờ mô hình ngôn ngữ nhỏ”, ông Lee Kang-wook, Giám đốc bộ phận Học sâu (deep learning) của Krafton chia sẻ trong cuộc phỏng vấn gần đây.
Để tiết kiệm chi phí và điện năng, Krafton quyết định chạy game trực tiếp trên máy tính của người chơi thay vì qua điện toán đám mây. Quyết định đòi hỏi phải nén lượng dữ liệu khổng lồ xuống kích cỡ phù hợp – một bài toán mà Nvidia đã hỗ trợ giải quyết.
“Chúng tôi rất tự hào về dự án này, và Nvidia cũng hài lòng”, ông Lee nói. “Tôi luôn chia sẻ với đội ngũ rằng: chúng ta đang viết nên lịch sử ngành game”.
Trò chơi mô phỏng cuộc sống InZoi, ra mắt vào tháng 3 năm nay, là minh chứng rõ ràng nhất. Nhân vật trong game có thể phản ứng theo thời gian thực dựa trên "tính cách" riêng, từ đó tạo ra trải nghiệm chơi độc đáo và sống động. Cách tiếp cận được người dùng đón nhận nồng nhiệt: chỉ trong tuần đầu tiên, InZoi đã bán được hơn 1 triệu bản.
Tuy vậy, ông Lee vẫn tỏ ra dè chừng trước sự bứt tốc từ một số đối thủ Trung Quốc. “Có nhiều công ty Trung Quốc làm rất tốt. Chúng tôi luôn phải trong trạng thái sẵn sàng”, vị Giám đốc nhận định.

TRUNG QUỐC TĂNG TỐC: NHÂN VẬT AI BIẾT HÀNH XỬ NHƯ NGƯỜI THẬT
Một trong những đối thủ nổi bật của Krafton là Novaserene. Ngay khi ChatGPT ra mắt vào tháng 11/2022, nhà sản xuất game kỳ cựu người Trung Quốc, ông Zhao Tongtong, đã bị thuyết phục bởi tiềm năng thay đổi ngành game. Ông Zhao rời công ty game di động trước đó và thành lập Novaserene vào năm 2023.
Được hậu thuẫn bởi Ant Group, startup có trụ sở tại Bắc Kinh đang tích cực tích hợp AI vào sản phẩm. Theo đó, tuyến nhân vật không do người chơi điều khiển (NPC), vốn trước đây chỉ làm theo kịch bản định sẵn, giờ đây có thể tương tác linh hoạt trong môi trường ảo như người thật nhờ thuật toán AI.
“Sự tương tác phức tạp như vậy trước đây gần như không thể mô phỏng bằng lập trình logic”, ông Zhao nói. “Nhưng giờ, điều đó đang dần trở thành hiện thực”.
Nhà sáng lập Novaserene đặt mục tiêu tạo ra thế giới 3D nơi nhân vật ảo hành xử như người thật – không chỉ riêng nhân vật, mà cả môi trường xung quanh cũng có thể phản hồi một cách năng động dưới sự điều khiển của AI. “Tất cả sẽ tiến gần hơn tới hiện thực”.

CẠNH TRANH KHỐC LIỆT, LỢI THẾ AI CÓ THỂ KHÔNG BỀN VỮNG
Novaserene không đơn độc trong cuộc đua AI tại Trung Quốc. NetEase, một trong những tên tuổi lớn của ngành game nước này, đã đưa NPC điều khiển bằng DeepSeek và một số mô hình AI khác vào tựa game Kiếm hiệp nghĩa lộ (Sword of Justice). Công ty mới đây còn công bố kế hoạch phát hành bản quốc tế của trò chơi ra thị trường toàn cầu.
Tuy nhiên, không phải chuyên gia nào cũng chia sẻ tầm nhìn lạc quan. Nhà phân tích Charlie Chai từ hãng 86Research cảnh báo rằng tính năng AI có thể sớm trở thành tiêu chuẩn cho các tựa game lớn, khiến lợi thế cạnh tranh bị triệt tiêu. “Phần lớn công việc phát triển game vẫn vượt ngoài khả năng của công nghệ hiện tại, nên chi phí tiết kiệm từ AI vẫn khá hạn chế”, ông Chai nhận định.
TỪ GAME ĐẾN ĐỜI THỰC: NHÂN VẬT AI BƯỚC RA NGOÀI MÀN HÌNH
Không dừng lại ở game, Krafton còn thử nghiệm mở rộng ứng dụng AI sang nhiều lĩnh vực khác. Ông Lee, hiện cũng là Giáo sư ngành kỹ thuật điện và máy tính tại Đại học Wisconsin-Madison (Hoa Kỳ), cho biết công nghệ AI trong game có thể được áp dụng cho ngành robot – bằng cách đưa “bộ não” của nhân vật ảo vào hình dạng vật lý.
“Nếu chúng ta thay thế cơ thể ảo trong game bằng hình hài vật lý, thì đó chính là robot”, Giáo sư Lee lý giải. “Tôi muốn mang bộ não hoạt động hiệu quả này ra khỏi game và đưa vào những thực thể khác – rồi khám phá xem còn có thể tạo ra sự cộng hưởng nào nữa hay không”.
Sự bùng nổ của AI trong ngành game châu Á không chỉ tạo nên làn sóng đổi mới về công nghệ mà còn mở ra viễn cảnh nơi ranh giới giữa thế giới ảo và thực ngày càng mờ nhạt. Từ những nhân vật biết nói chuyện, phản ứng, cho đến môi trường tương tác như thật, các nhà phát triển đang tiến gần tới mục tiêu xây dựng vũ trụ số sống động hơn bao giờ hết.