Cách tính trợ cấp một lần khi nghỉ hưu năm 2024
Khi có đủ năm đóng bảo hiểm xã hội và đủ tuổi nghỉ hưu, người lao động sẽ được hưởng lương hưu hằng tháng. Bên cạnh đó, nhiều người lao động còn được nhận thêm khoản trợ cấp 1 lần khi nghỉ hưu…
Theo đó, để được hưởng trợ cấp 1 lần khi nghỉ hưu, người lao động phải có số năm đóng bảo hiểm xã hội cao hơn số năm tương ứng với tỷ lệ hưởng 75%. Tuy nhiên, tùy thuộc vào từng đối tượng cụ thể, mà số năm đóng bảo hiểm xã hội tương ứng với tỷ lệ hưởng lương hưu 75% là khác nhau.
Thông tin về điều kiện hưởng trợ cấp một lần khi nghỉ hưu, Bảo hiểm xã hội Việt Nam cho biết, theo quy định tại Điểm b Khoản 2 Điều 56 Luật Bảo hiểm xã hội năm 2014, thì mức lương hưu hằng tháng của lao động nữ được tính bằng 45% mức bình quân tiền lương tháng đóng bảo hiểm xã hội, tương ứng với 15 năm đóng bảo hiểm xã hội, sau đó cứ thêm mỗi năm đóng bảo hiểm xã hội được tính thêm 2%. Mức tối đa bằng 75%.
Đồng thời tại Điều 58 Luật Bảo hiểm xã hội năm 2014 quy định, người lao động có thời gian đóng bảo hiểm xã hội cao hơn số năm tương ứng, với tỷ lệ hưởng lương hưu 75% thì khi nghỉ hưu, ngoài lương hưu còn được hưởng trợ cấp một lần.
Mức trợ cấp một lần được tính theo số năm đóng bảo hiểm xã hội cao hơn số năm tương ứng, với tỷ lệ hưởng lương hưu 75%, cứ mỗi năm đóng bảo hiểm xã hội thì được tính bằng 0,5 tháng mức bình quân tiền lương tháng đóng bảo hiểm xã hội.
Đối với người tham gia bảo hiểm xã hội tự nguyện, căn cứ quy định tại Điều 75 Luật Bảo hiểm xã hội 2014, thì người lao động có thời gian đóng bảo hiểm xã hội cao hơn số năm tương ứng với tỷ lệ hưởng lương hưu 75%, khi nghỉ hưu, ngoài lương hưu cũng được hưởng trợ cấp một lần.
Mức trợ cấp một lần được tính theo số năm đóng bảo hiểm xã hội cao hơn số năm tương ứng với tỷ lệ hưởng lương hưu 75%, cứ mỗi năm đóng bảo hiểm xã hội thì được tính bằng 0,5 tháng mức bình quân thu nhập tháng đóng bảo hiểm xã hội.
Việc tính hưởng chế độ nêu trên trong trường hợp thời gian đóng bảo hiểm xã hội có tháng lẻ được tính như sau: Từ 1 tháng đến 6 tháng được tính là nửa năm; từ 7 tháng đến 11 tháng được tính là một năm.
Căn cứ quy định tại Điều 169 Bộ luật Lao động 2019 thì tuổi nghỉ hưu năm 2024 của người lao động nam trong điều kiện bình thường là 61 tuổi; đối với lao động nữ trong điều kiện bình thường là 56 tuổi 4 tháng.
Việc tuổi nghỉ hưu năm 2024 của người lao động tăng lên so với quy định về tuổi nghỉ hưu năm 2023, kéo theo điều kiện hưởng lương hưu năm 2024 của người lao động cũng thay đổi.
Theo đó, từ năm 2024, người lao động tham gia bảo hiểm xã hội bắt buộc trong điều kiện lao động bình thường được hưởng lương hưu, nếu khi nghỉ việc có đủ 20 năm đóng bảo hiểm xã hội trở lên, và đủ 61 tuổi đối với lao động nam, đủ 56 tuổi 4 tháng đối với lao động nữ.
Về thời điểm nghỉ hưu, căn cứ Điều 3 Nghị định 135/2020/NĐ-CP quy định về thời điểm nghỉ hưu và thời điểm hưởng chế độ hưu trí, cụ thể thời điểm nghỉ hưu là kết thúc ngày cuối cùng của tháng đủ tuổi nghỉ hưu theo quy định.
Đối với trường hợp người lao động tiếp tục làm việc sau khi đã đủ tuổi nghỉ hưu theo quy định, thì thời điểm nghỉ hưu là thời điểm chấm dứt hợp đồng lao động.
Về tiền lương hưu năm 2024, tại Kỳ họp thứ 6 hồi tháng 11/2023, Quốc hội đã thông qua Nghị quyết về dự toán ngân sách nhà nước năm 2024 quyết nghị, từ ngày 1/7/2024, thực hiện cải cách tổng thể chính sách tiền lương theo Nghị quyết 27-NQ/TW năm 2018.
Cùng với cải cách tiền lương, nghị quyết của Quốc hội nêu rõ, từ ngày 1/7/2024, điều chỉnh lương hưu, trợ cấp bảo hiểm xã hội, trợ cấp hằng tháng, trợ cấp ưu đãi người có công và một số chính sách an sinh xã hội đang gắn với lương cơ sở.
Theo quy định thì lương hưu được tính theo số năm đóng bảo hiểm xã hội và tiền lương đóng bảo hiểm xã hội hằng tháng.
Do đó, nếu tăng mức bình quân tiền lương tháng đóng bảo hiểm xã hội thì lương hưu của công chức, viên chức thuộc diện được tăng tiền lương cũng sẽ tăng theo.