Cần đóng bảo hiểm xã hội tự nguyện bao nhiêu năm để được có lương hưu?
Người tham gia bảo hiểm xã hội tự nguyện cũng cần đáp ứng điều kiện về thời gian đóng và tuổi nghỉ hưu tương tự như nhóm tham gia bảo hiểm xã hội bắt buộc, thì mới được hưởng lương hưu. Tuy nhiên, họ sẽ được lựa chọn linh hoạt các phương thức đóng...
Theo Bảo hiểm xã hội Việt Nam, căn cứ theo Điều 169 Bộ luật Lao động 2019, người lao động bảo đảm điều kiện về thời gian đóng bảo hiểm xã hội theo quy định của pháp luật về bảo hiểm xã hội, thì được hưởng lương hưu khi đủ tuổi nghỉ hưu.
Theo đó, tuổi nghỉ hưu của người lao động trong điều kiện lao động bình thường được điều chỉnh theo lộ trình cho đến khi đủ 62 tuổi đối với lao động nam vào năm 2028, và đủ 60 tuổi đối với lao động nữ vào năm 2035.
Theo lộ trình này, tuổi nghỉ hưu của người lao động trong năm 2024 đối với nam là 61 tuổi, nữ là 56 tuổi 4 tháng.
Điều kiện hưởng lương hưu trên cũng áp dụng đối với lao động tham gia bảo hiểm xã hội tự nguyện.
Về mức đóng tự nguyện, căn cứ quy định tại Điều 10 Nghị định số 134/2015/NĐ-CP của Chính phủ quy định chi tiết một số điều của Luật Bảo hiểm xã hội về bảo hiểm xã hội tự nguyện, mức đóng bảo hiểm xã hội hằng tháng bằng 22% mức thu nhập tháng, do người tham gia bảo hiểm xã hội tự nguyện lựa chọn.
Mức thu nhập tháng do người tham gia bảo hiểm xã hội tự nguyện lựa chọn, thấp nhất bằng mức chuẩn hộ nghèo của khu vực nông thôn, cao nhất bằng 20 lần mức lương cơ sở.
Về phương thức đóng, căn cứ quy định tại Điều 9 Nghị định số 134/2015/NĐ-CP, người tham gia được chọn linh hoạt các phương thức sau đây: Đóng hằng tháng; đóng 3 tháng một lần; đóng 6 tháng một lần; đóng 12 tháng một lần; đóng một lần cho nhiều năm về sau, nhưng không quá 5 năm một lần.
Người lao động cũng có thể đóng một lần cho những năm còn thiếu, đối với người tham gia đã đủ điều kiện về tuổi để hưởng lương hưu theo quy định, nhưng thời gian đóng bảo hiểm xã hội còn thiếu không quá 10 năm (120 tháng), thì được đóng cho đủ 20 năm để hưởng lương hưu.
Người đang tham gia bảo hiểm xã hội tự nguyện được thay đổi phương thức đóng, hoặc mức thu nhập tháng làm căn cứ đóng bảo hiểm xã hội tự nguyện.
Việc thay đổi phương thức đóng, hoặc mức thu nhập tháng làm căn cứ đóng bảo hiểm xã hội tự nguyện được thực hiện ít nhất là sau khi thực hiện xong phương thức đóng đã chọn trước đó.
Căn cứ Luật Bảo hiểm xã hội 2014, bảo hiểm xã hội tự nguyện là loại hình bảo hiểm xã hội do Nhà nước tổ chức, mà người tham gia được lựa chọn mức đóng, phương thức đóng phù hợp với thu nhập của mình. Đồng thời, Nhà nước có chính sách hỗ trợ tiền đóng bảo hiểm xã hội để người tham gia hưởng chế độ hưu trí và tử tuất.
Người tham gia bảo hiểm xã hội tự nguyện là công dân Việt Nam từ đủ 15 tuổi trở lên, và không thuộc đối tượng tham gia bảo hiểm xã hội bắt buộc.
Hiện bảo hiểm xã hội tự nguyện có 2 chế độ bao gồm hưu trí và tử tuất.
Theo Bảo hiểm xã hội Việt Nam, thời gian qua, diện bao phủ bảo hiểm xã hội tiếp tục tăng. Tính đến hết năm 2023, cả nước có khoảng 18,26 triệu người tham gia bảo hiểm xã hội, đạt 39,25% lực lượng lao động trong độ tuổi (tăng 1,17% so với thời điểm cuối năm trước đó).
Trong đó, có khoảng 1,83 triệu người tham gia bảo hiểm xã hội tự nguyện, đạt 3,92% lực lượng lao đọng trong độ tuổi (vượt 1,42% mục tiêu đến năm 2025 tại Nghị quyết số 28-NQ/TW).