Cảng trung chuyển quốc tế Cần Giờ được ưu tiên phát triển
Cảng trung chuyển quốc tế Cần Giờ là một trong những án thuộc danh mục được định hướng ưu tiên đầu tư trong thời gian tới; đồng thời về kết cấu hạ tầng cảng biển thì được quy hoạch thuộc khu vực cảng biển TP.HCM...
Bộ Giao thông vận tải vừa trình Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Quy hoạch chi tiết nhóm cảng biển, bến cảng, cầu cảng, bến phao, khu nước, vùng nước thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050.
Ngoài việc thuộc danh mục dự án được định hướng ưu tiên, dự án cảng Cần Giờ cũng được định hướng kết hợp với khu cảng Cái Mép hình thành cụm cảng trung chuyển quốc tế có quy mô lớn tại cửa sông Cái Mép, phục vụ trung chuyển hàng hóa cho các cảng biển trong cả nước và các nước trong khu vực.
Quy hoạch này bổ sung nhu cầu hàng hóa trung chuyển quốc tế thông qua bến cảng trung chuyển quốc tế Cần Giờ khoảng 3,6 triệu TEUs tới năm 2030 theo “Đề án nghiên cứu xây dựng cảng trung chuyển quốc tế Cần Giờ, TP.HCM”, được Thủ tướng Chính phủ giao cho TP.HCM thực hiện và theo cam kết của các nhà đầu tư tiềm năng. Đây cũng là lượng hàng hóa dự báo thông qua cảng Cần Giờ đến năm 2030, theo đề án xây dựng cảng Cần Giờ.
Cụ thể, đến năm 2030, cảng Cần Giờ sẽ phát triển quy mô 4 cầu cảng với tổng chiều dài đạt 2.016 m, năng lực thông qua 57,6 triệu tấn, phát triển phù hợp với tiến trình thu hút nguồn hàng trung chuyển container quốc tế. Bến cảng sẽ đáp ứng cho cỡ tàu 250.000 tấn hoặc lớn hơn, có bến container và các bến cảng khác… Tầm nhìn đến năm 2050 sẽ tiếp tục đầu tư khu bến cảng Cái Mép và trung tâm logistics sau cảng cùng các bến cảng tại Cần Giờ.
Về vị trí được lựa chọn, Sở Giao thông vận tải TP.HCM cho biết cảng trung chuyển quốc tế Cần Giờ dự kiến nằm ở khu vực cù lao Con Chó thuộc xã Thạnh An, huyện Cần Giờ. Tập đoàn MSC/TIL, hãng tàu container lớn thứ hai thế giới là đơn vị đề xuất đầu tư “siêu” dự án này.
Theo quy hoạch, dự án cảng quốc tế Cần Giờ có tổng chiều dài toàn tuyến là 7,2 km với quy mô 6,8 km bến tàu mẹ, 1,9 km bến sà lan. Tổng nhu cầu sử dụng đất bến cảng khoảng 571 ha; trong đó diện tích đất cù lao (rừng phòng hộ ven biển) 93,37 ha, diện tích mặt nước 477,63 ha. Cảng có thể đón tàu trọng tải lên tới 250.000 DWT, tương đương 24.000 TEUs). Khoảng cách tuyến bến – biên luồng từ 340 m – 393 m. Công suất tối đa của cảng Cần Giờ là 16,9 triệu TEUs, tổng mức đầu tư dự kiến gần 6 tỷ USD. Toàn dự án được phân kỳ thành 7 giai đoạn đầu tư, dự kiến hoàn thành vào năm 2045.
Ủy ban nhân dân TP.HCM trình Đề án đầu tư xây dựng cảng trung chuyển quốc tế Cần Giờ lần đầu vào tháng 9/2023. Sau đó, Phó thủ tướng Trần Hồng Hà đã yêu cầu TP.HCM khẩn trương làm rõ luận cứ về tác động, xung đột kinh tế của bến cảng trung chuyển quốc tế Cần Giờ với các bến cảng biển hiện hữu, hệ thống cảng biển theo quy hoạch đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt. Đồng thời, TP.HCM cần đánh giá ảnh hưởng giữa phát triển bến cảng trung chuyển quốc tế Cần Giờ, hạ tầng phục vụ bến cảng tới quy hoạch phát triển kinh tế xã hội và khu dự trữ sinh quyển rừng ngập mặn Cần Giờ.
Sau khi cập nhật các báo cáo, đánh giá tác động, cũng như tiếp thu ý kiến góp ý của các bộ ngành, các địa phương liên quan theo yêu cầu của Phó thủ tướng Trần Hồng Hà, tháng 3 vừa qua, Ủy ban nhân dân TP.HCM đã chính thức trình Thủ tướng Chính phủ đề án xây dựng cảng Cần Giờ lần hai với dự kiến phân kỳ đầu tư trong 2 giai đoạn, trong đó giai đoạn 1 đầu tư xây dựng, khai thác cảng trước năm 2030.
Đề án định hướng phát triển cảng trung chuyển quốc tế Cần Giờ đồng bộ, hiện đại, ứng dụng công nghệ thông minh, tự động hóa trong hoạt động quản lý vận hành khai thác cảng; bảo đảm các yếu tố hiệu quả kinh tế, xã hội, bảo vệ môi trường, đặc biệt là bảo vệ giữ gìn hệ sinh thái khu dự trữ sinh quyển rừng ngập mặn Cần Giờ.
Thành phố cũng hướng tới xây dựng cảng trung chuyển quốc tế Cần Giờ trở thành trung tâm trung chuyển quốc tế của TP.HCM và khu vực, thu hút các hãng tàu, hãng vận tải, chủ hàng, doanh nghiệp kinh doanh dịch vụ logistics trong và ngoài nước, tham gia vào chuỗi cung ứng vận tải thế giới. Công suất dự kiến đến năm 2030 đạt 4,8 triệu TEUs và đến năm 2047 đạt 16,9 triệu TEUs.